HIẾU TỬ, TRUNG THẦN

Thứ bảy - 31/10/2020 21:22 |   883
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
HIẾU TỬ, TRUNG THẦN

HIẾU TỬ, TRUNG THẦN

Vương Tôn được bổ làm Thứ sử châu Ích. Quan Thứ sử trước ở đây là Vương Dương, lúc đi kinh lược trong hàng châu, qua một con đường núi nít cheo leo, than rằng:

- Thân ta là thân của cha mẹ ta. Ta nỡ nào xông pha vào những nơi nguy hiểm này.

Bèn quay lại, không đi, rồi cáo bệnh về nhà.

Lúc Vương Tôn đến thay Vương Dương, đi tuần phòng, cũng phải qua con đường ấy, hỏi nha lại rằng:

Có phải con đường này là con đường quan Thứ sử trước sợ không dám đi không?

- Nha lại thưa: Phải.

- Vương Tôn quát bảo xe cứ đi và nói rằng:

- Vương Dương trước là người hiếu tử, Vương Tôn đây là người trung thần.

HÁN THƯ VƯƠNG TÔN TRUYỆN

GIẢI NGHĨA

- Thứ sử: chức quan cai trị một châu, một quận đời cổ.

- Ích: tên một châu tức là Tứ Xuyên đời này.

- Kinh lược: đi xét qua việc trị an trong hạt mình cai trị.

- Nguy hiểm: cheo leo, không được yên ổn vững vàng.

- Cáo bệnh: nhân có bệnh không làm được việc quan xin về nghỉ để chữa.

- Tuần phòng: đi tuần để phòng bị các sự xảy ra.

- Nha lại: những người theo làm việc tại dinh các quan.

- Hiếu tử: người con ăn ở hết lòng với cha mẹ.

- Trung thần: bầy tôi hết lòng đem thân giúp vua, giúp nước.

NHỜI BÀN

Đối với gia tộc, Hiếu là trọng; đối với quốc gia, Trung là quí. Người ta ở đời, đáng nhẽ ai cũng phải cố giữ cho trọn niềm cả Trung lẫn Hiếu. Nhưng khốn có lắm cảnh ngộ khiến cho ta thực khó mà giữ cho cả Trung, Hiếu được lưỡng toàn: được hiếu thì mất trung, được trung thì mất hiếu.

Kể như bài này, Vương Dương vì gia tộc mà giữ thân cũng là phải, nhưng so với Vương Tôn, thì Vương Tôn có phần phải hơn. Vì cứ theo cái chủ nghĩa “ở đời thân ta không phải là của riêng của ta, lúc nhỏ là thân của cha mẹ, lúc nhớn là thân của quốc gia, lúc già là thân của thiên hạ, hậu thế trông mong vào đấy” thì lúc ta đã ra làm được việc cho nước, là chính lúc thân ta thuộc về quốc gia, ta há lại còn tiếc mà không làm cho trọn vẹn nghĩa vụ của ta đối với quốc gia hay sao!

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình


Chỉ 2 câu thơ có lẽ cũng đủ cho Nhời Bình.
Nay, điểm thêm câu chuyện vui sau đây để cùng thư giãn.


Chia gà ngày tết bằng thơ

Đêm 30 tết, gia đình bác Tám thật là xôm tụ, ngoài cặp bánh tét, hai quả dưa to còn có một con gà trống thiến béo ngậy đặt trang trọng trên bàn thờ.

Nhà bác Tám có bốn người: Vợ chồng bác, chị con dâu và cậu con Út mới 10 tuổi. Để tạo bầu không khí vui tươi đầu năm, bác Tám có dự định sau khi cúng ông bà xong, con gà sẽ được “xé phay” mừng xuân mới. Bác cho gọi cả nhà lại và nói:

- Nhân dịp đầu năm, nhà ta sẽ làm mỗi người một câu lục bát, ai làm trúng chữ nào có liên quan đến các bộ phận của con gà thì sẽ được chia phần đó.

Cả nhà hoan nghênh ý kiến của bác và náo nức chờ đợi. Tiếng pháo hoa nổ vang rền, báo hiệu giờ giao thừa đã điểm. Phần nghi thức cúng đã xong, bác Tám trịnh trọng bưng mâm cỗ đặt xuống chiếc bàn giữa nhà, bên cạnh có một con dao và xị rượu. Đưa xị rượu lên miệng tu một hơi, bác nói:

- Tôi là trụ cột trong nhà nên tôi “đề pa” trước - bác đọc luôn - Trai thời trung hiếu làm đầu.

Cả nhà vỗ tay hoan hô trong khi bác cầm dao sấn lấy cái đầu con gà, đưa lên miệng nhai ngon lành. Đến lượt bác gái chậm rãi hơn, đọc:

- Gái thời tiết hạnh phao câu, cánh, đùi.

Bác trai cười đắc ý trong khi bác gái cầm dao cắt cái phao câu, cặp cánh, cặp đùi và miếng tiết về phía mình. Đến lượt nàng dâu rụt rè e thẹn, được mọi người khích lệ cũng liều đọc luôn:

- Phận dâu một dạ một lòng.

Nói xong chị dâu gắp nguyên bộ lòng đặt vào chén, đĩa chỉ còn trơ trọi cái mình con gà. Bác Tám trai liếc qua thằng Út, thấy nó đang gãi đầu ra chiều suy nghĩ. Bác lẩm bẩm: "Chắc nó bí quá rồi".

Bất ngờ thằng nhỏ đứng dậy vỗ tay rồi xướng luôn:

- Công cha nghĩa mẹ hết mình vì con.

Đọc xong nó bê nguyên cái mình con gà dông tuốt xuống bếp. (St).



(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây