CẬY NGƯỜI KHÔNG BẰNG CHẮC Ở MÌNH

Thứ năm - 08/10/2020 23:36 |   902
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
CẬY NGƯỜI KHÔNG BẰNG CHẮC Ở MÌNH

CẬY NGƯỜI KHÔNG BẰNG CHẮC Ở MÌNH

Văn Công nước Đằng hỏi thầy Mạnh Tử rằng: - Nước Đằng ta là một nước nhỏ ở vào khoảng giữa nước Tề và nước Sở là hai nước nhớn, kể phận thì phải thờ cả hai nước, nhưng kể sức thì không thể thờ được cả. Thờ nước Tề chăng? Thờ nước Sở chăng? Ta thực không biết nên nương tựa vào nước nào để cho nước ta được yên ổn. Nhà thầy mưu tính hộ cho ta.

Thầy Mạnh Tử thưa:

- Phàm việc mà cứ trông cậy vào người thì không thể chắc được. Thờ Tề thì Sở giận, thờ Sở thì Tề giận; mưu ấy chúng tôi không thể nghĩ kịp. Xin nói chỉ có một cách là tự giữ lấy nước, đào hào cho sâu, đắp thành cho cao, cai trị một cách cố kết lòng dân, cùng dân mà giữ nước. Hoặc như có biến cố gì xảy ra, vua đã liều chết mà giữ nước, thì chắc dân cũng liều chết mà giữ nước, không nỡ bỏ vua. Thế là ta dùng cái lòng dân để giữ lấy đất nước, tự cường mà lo toan lấy việc nước. Còn thờ Tề hay thờ Sở thì tôi không thể quyết được.

MẠNH TỬ

GIẢI NGHĨA

- Đằng: tên một nước nhỏ thời Chiến quốc tức là huyện Đằng tỉnh Sơn Đông bây giờ.

- Mưu tính: trù liệu đắn đo một việc gì rồi mới bàn.

- Cố kết: cố: bền, kết: buộc.

- Biến cố: hoạn nạn bất thường xảy ra.

- Tự cường: tự làm cho mình có sức mạnh, tự cường mà tiến lên.

NHỜI BÀN

Người làm vua, điều cần nhất phải giữ kết “nghĩa“ làm vua, và thương yêu “dân”. Cái chính sách thờ kẻ mạnh chỉ là nhờ cái thế của người; cái chính sách tự làm cho mạnh mới là toàn bằng cái lý ở mình. Vì rằng mình tựa vào người, tất người khinh mà mình phải sợ. Đã gặp cái cảnh khinh, cảnh sợ không chóng thi chầy an toàn sao cho được. Đã đành rằng, nước nhỏ phải trọng nước nhớn, cũng là một cách giao tế không thể thiếu được. Nhưng đây vì Văn Công chỉ chăm chăm việc thờ kẻ mạnh, mà không có chí tự làm cho mình mạnh, nên ông Mạnh mới bảo như thế. Đó là chuyên trọng về Luân lý mà thôi. Nếu bàn một cách rộng ra nữa, thì thiết tưởng việc tự làm cho mình mạnh là việc cốt nhất, chẳng nên quên giây phút nào; còn việc giao thiệp với các nước mạnh thì nhời mềm, lý cứng, cũng cần phải có lắm.
 

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Thầy Mạnh Tử dạy rất đúng: Trông cậy vào ngoại bang thì không thể chắc được. Chỉ có một cách là tự giữ lấy nước, đào hào cho sâu, đắp thành cho cao, hết lòng vì dân, cùng dân mà giữ nước.

Đại Việt sử ký toàn thư (của Ngô Sĩ Liên), bản kỷ toàn thư quyển 5 có viết:

“Thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến tiệc và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão điều nói "đánh", muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng”.

Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ toàn thư quyển 5 viết tiếp:

"Giặc Hồ vào cướp nước là nạn lớn nhất của đất nước. Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi đến ban yến hỏi kế ở các phụ lão hay sao? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, để dân chúng nghe theo lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa người xưa nuôi người già để xin lời hay vậy."

Hội nghị Diên Hồng diễn ra vào tháng Chạp năm Giáp Thân (1284) do Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu họp các bậc phụ lão trong cả nước để trưng cầu dân ý, hỏi về chủ trương hòa hay chiến khi quân Nguyên Mông xâm lược Việt Nam lần thứ 2.

Khác với hội nghị Bình Than trước đó, hội nghị Diên Hồng không bàn đến chiến lược, chiến thuật quân sự mà chỉ bàn đến việc nên đánh hay nên hòa.

Hội nghị Diên Hồng được xem như một hội nghị dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Các bậc phụ lão có thể coi là những đại biểu của dân. Sau hội nghị, chính các bậc phụ lão là những người đã truyền đạt lại chủ trương của nhà vua đến người dân.

Nguồn: http://vi.wikipedia.org



(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây