PHẨM TRẬT ÔNG QUAN, PHẨM GIÁ CON NGƯỜI

Thứ hai - 12/10/2020 22:01 |   1207
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
PHẨM TRẬT ÔNG QUAN, PHẨM GIÁ CON NGƯỜI

PHẨM TRẬT ÔNG QUAN, PHẨM GIÁ CON NGƯỜI

Phẩm trật ông quan là phẩm trật có một đời, phận có, khắc có. Phẩm giá con người là phẩm giá lưu truyền trăm đời, tự mình không cố gây dựng cho mình, thì không bao giờ có.

Sĩ quân tử ta trông thấy giời ở ngoài giời, biết rõ người ở trong người, hiểu thấu đến cái vật ngoài vật chất ở đời, nghĩ xa đến cái thân sau thân hiện tại, thì biết đằng nào ngắn, đằng nào dài, đằng nào còn, đằng nào mất, chắc không ham mê cái này mà quên bỏ cái kia.

CHÚC TỬ

GIẢI NGHĨA

- Phẩm trật: bậc trên dưới của hàng quan lại tự tòng cửu đến chánh nhất.

- Phận: số mệnh giời phú cho người ta tốt hay xấu.

- Phẩm giá: tự cách danh dự của từng người.

- Lưu truyền: để được đời này sang đời khác.

- Trăm đời: ý nói lâu dài mãi mãi.

- Sĩ quân tử: nói người có học thức.

- Cái này: tức chỉ quan phẩm.

- Cái kia: tức chỉ nhân phẩm.

NHỜI BÀN

Cái phẩm giá người ta là chung đối với cái phẩm giá ông quan là riêng, nên cái phẩm giá người đáng tôn quí gấp bao nhiêu lần. Cho nên người làm quan đã có phẩm trật ông quan mà lại giữ được phẩm giá con người thì mới là đáng trọng. Chớ nếu làm quan mà để cho cái danh lợi làm mất hết cái nhân cách, phẩm trật quan làm trôi mất phẩm giá người, thì danh tuy gọi là quan mà thực không bằng người bạch đinh vẫn còn giữ trọn phẩm giá. Ôi! Người làm quan chẳng nên đọc Chúc tử, cân nhắc đôi bên phẩm trật và phẩm giá mà tư tưởng hành động cho phải hay sao!

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Một lũ ăn mày, một lũ quan

Tương truyền cuối thời Thiệu Trị (1840 - 1847) Nguyễn Quý Tân được triệu vào kinh làm quan ở bộ, sau lại được bổ làm chức thanh tra quan lại ở Bắc kỳ, nhưng không được bao lâu ông lấy cớ ốm đau xin cáo về. Thời kỳ làm thanh tra, ông thường mặc giả học trò nghèo để dễ điều tra tình hình tham quan ô lại.

Người ta kể chuyện ngay hồi còn đi học, nghè Tân đã tỏ ra khinh ghét chế độ quan trường.

Một hôm nhằm ngày rằm Trung thu, các quan đầu tỉnh Hải Dương rủ nhau cùng vợ con hầu cận ra phố xem nhân dân phá cỗ linh đình, lính tráng hò hét dẹp đường om sòm, các ngọn roi quất vào đầu dân kêu vun vút. Nghè Tân có mặt ở đó tức lắm, ông không chịu tránh đường cho quan đi. Lính bắt lại cho quan định tội. Nghè Tân nói mình là học trò nghèo mải xem chiếc đèn kéo quân đẹp quá, nên không biết quan đến.         

Một viên quan bảo:

- À, có phải anh là học trò mải xem đèn kéo quân thì hãy làm một bài thơ vịnh đèn kéo quân đi. Hay thì các quan lớn tha, dở thì phải đánh đòn.     


Nghè Tân vâng lời, nghĩ chốc lát, rồi đọc:         

Một lũ ăn mày, một lũ quan           
Quanh đi quẩn lại cũng một đoàn
Đến khi dầu hết đèn thôi cháy      
Chẳng thấy ăn mày, chẳng thấy quan.   
 

Các quan nghe xong thơ đều bầm gan tím mặt nhưng không biết chê vào đâu được, đành phải bấm bụng để nghè Tân đi.



(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây