KHÔNG ĐỢI TRÔNG CŨNG BIẾT

Thứ bảy - 26/12/2020 02:36 |   704
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
KHÔNG ĐỢI TRÔNG CŨNG BIẾT

KHÔNG ĐỢI TRÔNG CŨNG BIẾT

Hứa Kính Tôn có tính kiêu ngạo khinh người, tiếp ai xong, nhiều khi quên ngay, sau người ta có đến, lại không rõ là ai nữa.

Hoặc có kẻ chê Kính Tôn là người không được thông minh.

Kính Tôn nói:

"Cái đó là tự người ta làm cho người ta khó nhớ đấy thôi. Ví bằng ta gặp được những bực tài giỏi như Hà, Lưu, Thẩm, Tạ, thì dù sờ trong xó tối, ta cũng có thể biết mà nhớ ra được".

TUỲ ĐƯỜNG NHAI THOẠI 

GIẢI NGHĨA

- Hứa Kính Tôn: người đời nhà Đường đỗ tú tài, văn chương giỏi, làm quan đến Tể tướng.

- Kiêu ngạo: khoe mình, khinh đời

- Thông minh: nghe hiểu ngay, trông biết ngay.

- Hà, Lưu, Thâm, Tạ: bốn nhà hiền tài cùng thời với Hứa Kính Tôn.

NHỜI BÀN

Khinh thế, ngạo vật vốn không phải là hay. Khinh đi, khinh lại, khinh người, người khinh, có quí gì cái thói khinh người. Nhưng Hứa Kính Tôn đây, văn chương đã giỏi, quan chức lại to, chắc giao tiếp nhiều người, nhớ sao cho xiết hết được, mà chẳng quên. Nên ta cũng chưa thể cho cái quên ấy là thực khinh người. Xem ngay như câu nói của Hứa Kính Tôn, thì ta lại có thể cho là người biết người và có bụng trong những người tài giỏi.

Vả chăng ở đời, cái thói khinh người tuy không nên có, nhưng cái cách biết phân người đáng trọng, kẻ nên khinh, không nên rằng không có. Câu cổ "Tố nhân bất khả hữu ngạo thái, nhiên bất khả vô ngạo cốt" (Làm người không nên có cái dáng khinh ngạo, nhưng cũng không nên không có cái cốt khinh ngạo) cũng ám hợp với câu của người Pháp: "Il ne faut pas mépriser, mais il faut savoir dédaigner".

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Bệnh hay quên

Bệnh hay quên không chỉ gây phiền toái trong cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày mà còn tăng nguy cơ sa sút trí tuệ khi về già. Tình trạng nhớ nhớ, quên quên ở người trẻ ngày càng phổ biến. Nhiều khi đi chợ nhưng lại để quên thực phẩm ở chợ, đến trường lại để quên chìa khóa xe trên xe, kính cận đeo ngay cổ áo nhưng lại đi kiếm khắp nơi... Đặc biệt là khi đi học về, hay quên làm bài tập, gửi email thì không đính kèm file, thậm chí quên đem sách vở khi đi học.

Số bệnh nhân giảm trí nhớ ở người trẻ đang ở mức báo động. Số này ở tuổi dưới 35 với đủ mọi ngành nghề như học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng...

Bệnh hay quên đang ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều triệu người trên thế giới. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 20-30% người trẻ có vấn đề về trí nhớ. (theo Tổ chức Y tế thế giới - WHO)

Các chuyên gia cho rằng dấu hiệu chung của bệnh này là cảm giác mơ hồ, lúc nhớ lúc quên về những điều bản thân sẽ cố gắng thực hiện nhưng không thể nhớ ra. Chứng bệnh hay quên ở người trẻ là biểu hiện của rối loạn cảm xúc hoặc trầm cảm, lo âu, điển hình như thiếu tập trung, hỗn loạn, mất ngủ, đau đầu... khiến người bệnh dễ cáu kỉnh, tức giận trong ửng xử giao tiếp.

“Thủ phạm” chính gây ra chứng bệnh hay quên ở những người trẻ là thường xuyên bị căng thẳng, áp lực trong công việc và học tập; lối sống thiếu khoa học như sử dụng chất kích kích, thức khuya, lười vận động... 

Bệnh hay quên của Hứa Kính Tôn trên đây là do cái cốt khinh ngạo của quan nhớn thời xưa. Thời nay, khối người học theo “sách” này gọi là giả vờ quên.


(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây