CHỈ BIẾT CÓ MÌNH

Chủ nhật - 07/02/2021 03:43 |   751
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
CHỈ BIẾT CÓ MÌNH

CHỈ BIẾT CÓ MÌNH

Người ta sở dĩ đến nỗi phạm phải nghìn muôn tội lỗi là chỉ vì cái bệnh "chỉ biết có mình". Vì cớ mình chỉ biết có mình, mình mới suy tính thiên phương bách kế: chỉ muốn cho mình giàu, chỉ muốn cho mình sang, chỉ muốn cho mình yên, chỉ muốn cho mình vui, chỉ muốn cho mình sống, chỉ muốn cho mình thọ, còn người ta nghèo, hèn, nguy, khổ, lụn bại, chết chóc, nhất thiết là chẳng nghĩ gì đến cả. Bởi thế mà sinh ý chẳng liên can, thiên lý đến tuyệt duyệt, tuy có hình người, kỳ thực không khác gì cầm thú.

Ví bằng trừ bỏ cái mệnh "chỉ biết có mình", tâm địa rộng rãi công minh, già, sang, nghèo, hèn, vui, khổ, sống, chết đều cùng chung với cả loài người, thì sinh ý quán triệt ai nấy đều được hả lòng mà thiên lý giữ được trọn vẹn. Thế là thân ta cùng với muôn vật như là nhất thể vậy.

TIẾT HUYÊN

GIẢI NGHĨA

- Thiên phương bách kế: nghìn lối, trăm cách.

- Nhất thiết: cắt phăng một nhát không cần là ngay lệch, nghĩa bóng là hết thẩy một loạt.

- Sinh ý: cái cơ sinh hoạt của muôn loài.

- Thiên lý: nhẽ phải tự nhiên ai cũng nên theo.

- Tuyệt duyệt: dứt dời, tắt ngấm đi.

- Tâm địa: tấm lòng tốt.

- Quán triệt: thông suốt.

NHỜI BÀN

Chỉ biết có mình, tức là ích kỷ, tức là có bao nhiêu cái hay chỉ muốn vơ vét vào cho một mình hết cả. Khi người đã có tính ích kỷ, là người để mình ra ngoài nhân loại, chẳng những không làm gì lợi cho thiên hạ, lại còn như chỉ làm hại thiên hạ, vì khi mình chỉ cầu lợi cho mình, tất thiên hạ phải phần thiệt vào đấy. Nên người ích kỷ là người mất hết nhân nghĩa, không còn ai trông cậy được nữa, Voltaire xưa có nói: “Chỉ hay cho mình, tức là không hay cho ai nữa”. Cái tính tư kỷ nó làm cho cạn ráo hết cả nhân tính rồi còn đâu. Ví bằng bỏ được cái tính ích kỷ, thì đời người sao có như bây giờ.
 
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Người ích kỷ        

Tối lửa tắt đèn chẳng có ai,      
Năm canh vò võ chờ đến mai.  
Anh em cách trở, ngăn sông núi        
Hàng xóm cận kề, vướng kẽm gai.     
Thương thân cơ cực, đầy một gánh   
Trách phận khốn cùng, trĩu hai vai.   
Sống trên đời xin đừng ích kỷ  
Kẻo nay mai thành kẻ vô loài.

NĂM TÂN SỬU, KỂ CÂU CHUYỆN: SỰ TÍCH CON TRÂU ĐI CÀY

Ngày xưa, khi thế gian mới được tạo thành, Thượng Đế đã sai một vị thần từ trời xuống trần mang theo 1 bao hạt lúa và 1 bao cỏ để gieo trên mặt đất. Thượng Đế đã dặn đi dặn lại vị thần gieo trồng là phải gieo hạt lúa làm thức ăn cho loài người trước rồi mới được gieo cỏ làm thức ăn cho loài vật. Nhưng khi xuống tới trần gian, do mãi mê ngắm phong cảnh tuyệt đẹp khác lạ ở trần gian nên thần gieo trồng đã quên lời dặn để gieo cỏ trước lúa. Từ đó, cỏ không cần trồng mà vẫn mọc lên khắp nơi và thú vật không cần lao động vẫn có dư cỏ ăn, đang khi loài người muốn có gạo phải chịu vất vả cày bừa gieo trồng mà vẫn bị bữa no bữa đói. Thượng Đế thấy vậy liền phạt tội vị thần gieo trồng tắc trách này phải bị hóa kiếp thành con Trâu để giúp loài người cày bừa trước khi gieo lúa và khi nào ăn hết cỏ mới được lên thiên đường. Nhưng rồi do cỏ mọc nhanh Trâu không sao ăn hết được, nên Trâu cứ phải tiếp tục chịu cảnh vất vả cày bừa để đền tội và không sao thoát được kiếp làm trâu để trở lại thiên đường.

Câu chuyện dạy chúng ta bài học: phải luôn làm việc cách nghiêm túc và chăm chỉ để có cái ăn như câu người ta thường nói: “Tay làm hàm nhai, tai quai miệng trễ”. Hoặc như câu tục ngữ phương Tây: “Hãy làm hết sức mình rồi trời sẽ giúp”. Không có chuyện lười biếng không chịu làm việc và chỉ biết ngồi “há miệng chờ sung rụng”.

(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây