THUỶ CHUNG VỚI VỢ
Vua Cảnh Công có cô con gái yêu, muốn gả cho Án Tử. Một hôm vua đến ăn tiệc nhà Án Tử, thấy vợ Án Tử, hỏi:
- Nội tử của Tướng công đấy có phải không?
- Án Tử thưa: Vâng, phải đấy.
- Vua nói: Ôi! Người trông sao vừa già, vừa xấu! Quả nhân có đứa con gái trẻ và xinh đẹp, xin cho về hầu, tướng công nghĩ sao?
- Án Tử đứng dậy thưa rằng: Nội tử tôi nay thật già và xấu; nhưng lấy tôi và cùng tôi ăn ở đã lâu, kể từ lúc còn trẻ và đẹp. Xưa nay, đàn bà lấy chồng lúc trẻ lấy, cốt để nhờ cậy lúc già, lúc đẹp lấy, cốt để nhờ cậy lúc xấu. Nội tử tôi thường nhờ cậy tôi mà tôi cũng đã nhận sự nhờ cậy ấy. Nay nhà vua tuy muốn ban ơn chắc cũng không nỡ để cho tôi ăn ở bội bạc với những điều nội tử tôi đã nhờ cậy tôi.
Nói đoạn, Án Tử lạy hai lạy xin từ không lấy.
"ÁN TỬ"
- Cảnh Công: vua hiền nước Tề đời Xuân Thu.
- Án Tử: tức là Án Anh, làm tướng đời vua Cảnh Công, ông là người trung thành, tiết kiệm có tiếng thời bấy giờ.
- Nội tử: tiếng đời cổ gọi vợ các quan to.
- Tướng công: tiếng gọi một bực quan to hay một vị đại thần.
– Bội bạc: phụ lòng người ta, ăn ở không được thủy chung như nhất.
Vợ chồng là bạn trăm năm đã phải duyên, phải kiếp lấy nhau từ lúc còn trẻ, âu yếm được nhau, thì đến lúc già ai lại có nỡ phụ nhau. Ngán thay thói đời giàu hay quên bạn, sang hay phụ vợ. Lắm kẻ lúc còn hàn vi vợ nuôi cho ăn học, một mai được chút tiền của, chức tước, đã phụ ngay vợ cũ mà kiếm vợ mới, hoặc kiếm vào chỗ giàu, hoặc kiếm vào chỗ sang, hoặc kiếm người trẻ tuổi xinh đẹp hơn. Những kẻ như thế dù viện nhẽ gì, tổng chi cũng là phụ bạc cả. Nào đã mấy người được như Án Tử đây: gặp cảnh giàu sang như nhà vua, trẻ đẹp như công chúa, lại như muốn lấy uy quyền bức bách mình, mà mình nhất định cố từ. Ông là người ăn ở thủy chung với vợ tấm cám thật!
Bạn quần thoa đọc truyện này cũng nên ngẫm nghĩ, chớ nên tham tài, tham danh mà lấy những kẻ đã đem lòng phụ vợ tao khang, vì rằng người vợ xưa, nuốt được nghèo khổ, chịu được cay đắng, ở với họ đã bao lâu mà họ còn phụ, thì họ có lấy ta, hoặc vì lợi chăng, hoặc vì thế chăng, hoặc vì sắc chăng, một khi lợi kém, thế hết, sức suy, thì cái tình vợ chồng lúc bấy giờ lại hoá ngay ra cảnh người dưng nước lã.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928
NHỜI BÌNH
(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn