LIÊM, SỈ

Chủ nhật - 14/03/2021 23:47 |   739
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
LIÊM, SỈ

LIÊM, SỈ

Liêm, sỉ là tính rất hay của loài người, vì người mà không liêm thì cái gì cũng lấy, không sỉ thì việc gì cũng làm. Người mà đến thế là người vứt đi, không khác gì giống vật. Nhất những bậc đứng chủ chương việc nhà, việc nước mà vô liêm, sỉ thì nhà phải suy bại, nước phải nguy vong.

Nghĩ cho kỹ, thì sỉ cần hơn liêm: người không liêm làm những việc bất nghĩa, căn nguyên cũng ở vô sỉ mà ra.

Đức Khổng nói: "Hành kỷ hữu sĩ" nghĩa là giữ mình biết làm xằng là xấu hổ. Thầy Mạnh nói: Nhân bất khả vô sỉ nghĩa là người ta không biết xấu hổ thì không được.

Than ôi! thế mà ngày nay, nhân tình phản trắc, phong tục suy đổi, người ta quên cả liêm, sỉ, không kể chi người thường, thậm chí đến bọn sĩ phu cũng chan chan như thế cả. Ôi! Nếu gọi là sự xấu hổ chung cho cả nước, cũng không phải là nói ngoa.

Tuy vậy, mùa đông rét mướt, tùng, bách vẫn xanh, mưa gió tối tăm, gà sống vẫn gáy. Đời tuy hôn mê, vẫn có người tỉnh.

Ông Nhan Chi Suy làm sách "Gia huấn" có thuật câu chuyện rằng:

Một viên quan nói với ông: "Tôi có đứa con 17 tuổi học đã thông. Tôi cho nó học tiếng nước Tiên Ti, tập gảy đàn tì bà, nhớn lên theo hầu đám công khanh, thì thế nào rồi cũng được sung sướng”.

Nhan Chi Suy nghe nói, nín nặng không giả nhời. Sau về nhà bảo con cháu rằng:

"Người này dạy con lạ thay. Như ta, nếu học cách ấy, dù cho được phú quí đến đâu, ta cũng không mong cho các con vậy".

Những kẻ quân bỏ hết cả liêm, sỉ, chỉ biết chăm chăm nịnh đời, xem câu chuyện này, nghĩ chẳng đáng thẹn lắm ru!

VÔ DANH

GIẢI NGHĨA

- Liêm: tính phân minh ngay thẳng, không lấy của bất nghĩa.

- Sĩ: hổ thẹn, tự mình lấy làm khó chịu trong lòng.

- Chủ chương: cai quản trông nom kẻ dưới, để cho người ta theo.

- Suy bại: suy là kém dần, bại là hỏng nát.

- Nguy vong: nguy là không được yên, vong là mất.

- Bất nghĩa: không hợp nhẽ phải.

- Căn nguyên: căn là dễ, nguyên là nguồn, ý nói tự đó mà sinh ra.

- Phong tục: phong là việc người trên làm để cảm hoá người dưới. Tục là thói quen của người ta đua nhau mà lâu ngày đã thành nếp.

- Thậm chí: quá tệ đến cả.

- Sĩ phu: người có học thức, có quan chức, người tai mắt trong nước.

- Hôn mê: hôn là tối tăm, mê là không tỉnh.

- Gia huấn: nhời dạy bảo con em trong nhà.

- Nhan Chí Suy: nhà văn tự giỏi có tiếng thời Nam, Bắc triều.

- Tiên Ti: tên một nước cũ, tức là một bộ phận Nội Mông cổ bây giờ. Về đời Tấn, Tiên Ti vào chiếm nước Tàu, đặt tên nước là nước Nguy, tức là Bắc triều.

- Công khanh: hai chức quan to.

- Nịnh đời: tự thân đê tiện để ton hót đời.

NHỜI BÀN

Bài này thực đã như một tiếng than cho đời mà ngán cho người. Than ôi! Người đời nay có phải tinh là người “vô liêm sỉ", "bất tri sỉ' cả không? Nếu quả vậy thì ta ngậm ngùi than thở rất là phải. Vì hai cái "liêm“, “sỉ” thực đã như hai cái cốt nền của Đạo Đức. Ở đời còn liêm sỉ thì hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa còn được, chớ liêm sỉ đã mất, nhất là sỉ, thì còn gì là luân thường đạo lý, và mong cậy vào đâu nữa. Con người mà đã đến vô sỉ thì tuy mặc áo, đội mũ mà như con chim, con muông còn cái gì là kiêng nể mà không dám làm?

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Khi liêm sỉ bị 'miễn phí' knock-out


Không chỉ nam giới mà cả phụ nữ, trẻ em cũng leo hàng rào để vào Công viên nước Hồ Tây - Ảnh: Anh Tuấn

Vụ hỗn loạn ở công viên nước Hồ Tây hôm 19.4 cho thấy hai từ ‘miễn phí’ mới hấp dẫn người ta đến thế nào. ‘Tâm lý đám đông’ đã khiến công viên nước Hồ Tây ‘vỡ trận’ trong một ngày cuối tuần nóng nực.

Nhiều người trách Công viên nước Hồ Tây cố tình tạo ra tai tiếng để PR. Nhiều người đặt câu hỏi, sao Công viên nước Hồ Tây chỉ miễn phí chỉ có 2 tiếng? Sao họ không phát vé miễn phí để quản lý cho dễ? Không! Đó là quyền của Công viên nước Hồ Tây. Họ muốn khuyến mãi thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào chiến lược của họ, miễn sao không vi phạm pháp luật. Có trách thì trách bản thân mỗi người đã không thể đủ thiện tâm để tránh được ma lực của hai từ “miễn phí”. 

Khi nhận thấy quá tải, Công viên nước Hồ Tây đã phát đi thông báo không tiếp đón người vào nữa. Thế nhưng, “cơ hội tắm miễn phí” ở một nơi nổi tiếng có lẽ đã làm cho hàng ngàn người bất chấp nguy hiểm, trèo qua cả hàng rào sắt nhọn tuồn vào công viên. Có người đã trách công viên nước Hồ Tây không có phương án ứng phó. Nhưng chắc chắn, bất cứ phương án ứng phó nào cũng sẽ thất bại khi đám đông đã quyết tâm gạt mọi quy tắc ứng xử văn minh nơi công cộng để thỏa mãn tính ích kỷ của mình.

Vẻ hào hứng, mãn nguyện của những người lọt vào được công viên nước Hồ Tây cho thấy một điều, cứ mỗi khi người ta tranh giành được một chút lợi ích mà không mất tiền, thì sẽ hả hê như vừa được tặng ban một ân huệ. Cái tâm lý tiểu nông, luôn chờ đợi được ban phát đã làm cho người Việt không biết chế ngự lòng tham trước những lợi ích chẳng phải do công sức của mình đem lại.

Tính tham lam, ích kỷ có vẻ như luôn thường trực trong tâm thức của nhiều người khiến cho lòng tự trọng, ý thức về sự công bằng bị che lấp, và liêm sỉ trở thành một món hàng đắt giá đến nỗi hiếm hoi. Những nam thanh nữ tú sẵn sàng leo qua hàng rào sắt nhọn là một minh chứng rõ ràng cho việc liêm sỉ vắng bóng.

Hình ảnh những ông bố, bà mẹ đưa con qua hàng rào sắt nhọn sẽ mãi là một kỷ niệm khó phai trong tâm hồn đứa trẻ. Rồi khi lớn lên, có lẽ đứa trẻ, nếu không được giáo dục tốt, sẽ tiếp tục “leo rào” để cố gắng có được những lợi ích không phải trả giá bằng năng lực và tâm sức. Thật đáng lo khi những người làm cha mẹ biện hộ rằng, đó là nỗ lực giúp con cái có cơ hội vui chơi… miễn phí! 

Hình ảnh các cô gái bị sàm sỡ khi lọt vào Công viên nước Hồ Tây khiến nhiều người bàng hoàng. Chỉ có thể nói, những nam thanh niên sàm sỡ các cô gái kia đã không được giáo dục tử tế, hay nền giáo dục của chúng ta chưa cung cấp cho họ những chuẩn mực tử tế? 

Có lẽ cảm giác chung của những người đang mong ước về một xã hội văn minh là thở dài ngao ngán, chua xót! Chua xót cho một lớp người đang và sẽ đảm nhận nhiệm vụ làm chủ đất nước, xây dựng một xã hội nhân bản!

*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo tại Hà Nội.

https://thanhnien.vn/toi-viet/khi-liem-si-bi-mien-phi-knock-out-553892.html

 

Liêm sỉ - giá bao nhiêu?

Mấy hôm nay mưa rét. Lão Cò chưa năm nào như năm nay, đêm giao thừa mưa đá, còn bây giờ cuối tháng tư rồi mà vẫn còn rét.

Có tiếng còi xe máy pim pim ngoài cổng, ngó ra thì là bác Thảo Dân.

- Bác Thảo Dân có chuyện gì vui mà đến sớm vậy?

 Rập chiếc chống xe nghe đánh “roách” một cái, bác hớn hở:

- Chả giấu gì lão, tôi vừa nhận được món nhuận bút cũng khơ khớ, muốn chiêu đãi lão đĩa lòng lợn tiết canh. Mang tiếng nhà thơ của núi Hài mà chưa mời bác hớp rượu nào thì cũng áy náy lắm…

Sau những ngày cách ly Cô vít, quán lòng lợn tiết canh của vợ chồng con Sen dựng ở đầu núi Hài hôm nay mới lại mở, từ sáng tới giờ chưa có bóng khách nào, thấy hai lão già tới thì con Sen vội bước ra đon đả:

- Ôi phúc tổ nhà cháu rồi, sớm ra được giám đốc Cò và nhà thơ Thảo Dân mở hàng thì nhà cháu may mắn suốt cả ngày…

- Con ranh - bác Thảo Dân quát. Làm cho bác và lão Cò đĩa lòng lợn và hai bát tiết canh. Cho chúng tao ngồi chỗ cửa sổ kia nhé.

Con Sen dạ ran, rồi bưng ra đĩa lòng lợn khói bốc nghi ngút, bác Thảo Dân lôi từ trong túi quần ra chai Tiên Lãng Tửu rót đầy hai chén.

- Kính lão Cò. Tôi vừa bổ sung thêm mấy hũ nữa, sẽ biếu lão một hũ, còn để Ngày thơ sang năm tôi mới mang ra mời các thi hữu.

 Hai lão già cụng chén canh cách nói chuyện rôm rả lắm, bất chợt bác Thảo Dân đặt chén rượu xuống mâm hỏi lão Cò.

- Tôi xin phép được hỏi lão điều này, liêm sỉ có giá là bao nhiêu nhỉ?

Nghe thế lão Cò cứ ớ ra chưa hiểu bác Thảo Dân hỏi thế nghĩa là sao:

-  Giá của liêm sỉ hả, liêm sỉ?

- Vâng, tôi hỏi giá của liêm sỉ là bao nhiêu?

Lão Cò ngẫm nghĩ một lát rồi bật cười, lão cười rũ rượi khiến chén rượu trên tay lão rung bần bật, bắt tung tóe:

- Đúng là nói chuyện với giới nghệ sĩ khó hiểu quá. Giá của liêm sỉ là bao nhiêu hả? Nó đắt vô cùng không mấy người có để bán đâu bác ạ. Giống như đá quý, mà không phải là đá quý…

- Vậy tôi hiểu rồi lão ạ. Chính vì đắt quá nên 12 vị quan chức ở nhà công vụ, đến nay vẫn chưa chịu trả nhà. Là bởi họ chưa mua được liêm sỉ nên họ cứ ở cho đến khi nào mua được liêm sỉ thì họ mới trả nhà đúng không? Bây giờ thì tôi hiểu vì sao liêm sỉ lại đắt như thế…

Thái Sinh
(Kiến thức gia đình số 18)
https://nongnghiep.vn/liem-si--gia-bao-nhieu-d263298.html



(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây