Gặm cả cần câu

Thứ sáu - 29/01/2021 05:13 |   654
Không chỉ cho cá, cậu nên cho người ăn xin chiếc cần câu để ông ta tự mình đi câu kiếm sống.
Gặm cả cần câu

cần câu

Chuyện xưa kể rằng: Tại một làng chài có chàng thanh niên đi câu cá, trên đường về gặp một người ăn xin sắp chết đói. Chàng thanh niên thương tình nên bắt trong giỏ cá của mình vừa đi câu về cho người ăn xin một con cá. Người ăn xin nướng cá ăn và thoát được cơn đói. Chàng thanh niên rất vui, gặp anh bạn hàng xóm kể lại việc thiện mà mình đã làm được.

Anh bạn hàng xóm lắc đầu bảo rằng anh làm như vậy chưa chắc đã là tốt. “Không chỉ cho cá, cậu nên cho người ăn xin chiếc cần câu để ông ta tự mình đi câu kiếm sống. Không tin, ngày mai cậu đi qua sẽ thấy người ăn xin đó vẫn bị cơn đói hành hạ.” – Anh hàng xóm nói.

Ngày hôm sau chàng thanh niên rủ anh bạn hàng xóm cùng đi câu. Khi trở về, quả như lời anh hàng xóm nói, hai người gặp lại người ăn xin đang nằm lả bên vệ đường. Chàng thanh niên lại cho người ăn xin cá và anh hàng xóm cho người ăn xin chiếc cần câu. Cả hai trở về trong tâm trạng vui vẻ vì đã làm được việc thiện. Trên đường về hai người gặp một anh bạn khác cùng xóm. Cả hai hào hứng kể lại câu chuyện trên cho anh hàng xóm này nghe. Anh hàng xóm này lắc đầu nói: “Các cậu làm vậy chưa ổn. Cho người ăn xin cần câu rồi nếu không chỉ cho ông ta cách câu thì ông ta câu thế nào được cá. Ngày mai trở lại các cậu sẽ thấy người ăn xin vẫn bị đói.”

Ngày hôm sau cả ba người cùng đi câu. Khi trở về, quả như lời anh hàng xóm nói, ba người gặp lại người ăn xin đang quắp chiếc cần câu, nằm còng queo và lả bên vệ đường. Chàng thanh niên lại cho người ăn xin cá và anh hàng xóm sửa lại cần câu, anh bạn hàng xóm mới giảng giải tỉ mỉ phương pháp câu cá, từ mắc mồi câu đến phương pháp câu từng loại cá v.v... Thế rồi cả ba trở về trong tâm trạng đầy hưng phấn, tin chắc từ nay người ăn xin sẽ không còn đói nữa.

Khi ba người về gặp ông lão ngư trong làng – một người từng trải, đầy kinh nghiệm, người đã gắn bó cả cuộc đời với nghề đi câu, cả ba hào hứng kể lại câu chuyện người ăn xin. Lão ngư ngẫm nghĩ một lát rồi lắc đầu nghi hoặc: “Các cậu đã làm đúng, thế nhưng chưa đủ. Lão thấy thiếu một điều có lẽ còn quan trọng hơn. Các cậu chỉ cho người ăn xin công cụ, kỹ năng, phương pháp, tôi tin người ăn xin này vẫn đói!”

Các cậu biết tại sao không? Lão ngư hỏi. Ba thanh niên ngơ ngác, mong lão ngư giải thích giùm. Lão ngư nói:

– Thứ nhất, người ăn xin làm nghề này nhiều năm, nó đã ngấm vào máu của ông ta, và đó là thói quen của ông ta, trong đầu ông không có khái niệm tự đi kiếm miếng cơm manh áo cho mình, trong đầu ông ta chỉ có khái niệm xin, xin và xin mà thôi, vì vậy trước tiên cần giúp ông ta định hình lại suy nghĩ.

– Thứ hai, không phải cứ thả mồi xuống là đã có cá, đôi khi phải kiên nhẫn ngồi câu cả tiếng, cả buổi… có khi cả ngày không được con nào, bài học thứ hai ông ta phải học đó là kiên trì.

– Thứ ba, có một yếu tố cực kỳ quan trọng, nó giải thích tại sao cả đời ông ta chỉ đi ăn xin, đó chính là niềm tin của ông ta. Vài ngày trước đây, lão có nói chuyện với ông ta một lúc, lão có hỏi một câu rằng: Sức lực của ông vẫn dồi dào như vậy sao không học một nghề gì đó để kiếm sống hoặc có thể đi câu cùng tôi?

Ông ta nói: “Ông giỏi, tôi không theo ông được, tôi sinh ra đã mang phận ăn xin rồi, cha mẹ tôi ngày trước cũng làm nghề này, số tôi khổ sẵn rồi, tôi không làm được cái gì nên hồn cả!”

Các cậu nghĩ sao? Cái người ăn xin này không phải là thiếu công cụ, kỹ năng hay phương pháp mà ông ta thiếu thái độ sống đúng đắn!

Ngày hôm sau nữa, ba thanh niên cùng rủ lão ngư đi câu. Trên đường về nhà, cả bốn người gặp người ăn xin ngày nọ vẫn trong bộ dạng chết đói.

Ba thanh niên nài nỉ lão ngư chỉ cho người ăn xin thái độ sống đúng. Lão ngư ngần ngại: “Thái độ sống phải đào luyện thường xuyên nhờ sự định hướng, tác động của gia đình, nhà trường và xã hội, không thể ngày một ngày hai mà có được và phải tự thân rèn luyện.” (Sưu tầm trên mạng)


Câu chuyện trên cũng giống như gã.

Khi còn trẻ, giời cho gã làm ăn khấm khá. Thấy người nghèo khổ, gã cũng hay giúp đỡ. Có người nhờ đó mà vượt qua khốn khó, nhưng cũng có người giúp mãi mà họ vẫn cứ đói khổ.

Hồi ấy, gã đến thăm một gia đình bác nông dân nghèo, đông con nheo nhóc. Ước ao của bác là có được con bò cái cho lũ trẻ đi chăn. Ngoài việc phụ giúp chuyện đồng áng, hằng năm bò cái còn sinh sản ra bò con. Vài năm sau, chắc chắn sẽ thoát cảnh nghèo. Gã xuất tiền cho bác nông dân ấy mua một con bò mẹ và một con bê con, giao cho bác nuôi rẽ. Có nghĩa là lợi nhuận chia đôi.

Vài năm sau, gã lại vào thăm. Gia đình bác vẫn nghèo như cũ. Chẳng thấy bò bê đâu, chỉ thấy lũ trẻ đông hơn, nheo nhóc hơn, vợ bác lại ôm cái bụng “lùm lùm”. Bác bảo, thằng bé đi chăn bò, dầm mưa, bị sốt thương hàn, phải bán bò bán bê đi để chạy chữa cho nó. Bác nói thêm, giờ nhà tôi chẳng có gì bồi thường cho anh, vợ chồng tôi chỉ có 8 đứa con, anh muốn bắt đứa nào thì bắt.


Cuộc đời này ít vĩnh viễn và nhiều đổi thay. Ở cái thị trấn nhỏ bé của gã, ai cũng ao ước cuộc sống hạnh phúc, no đủ như gia đình gã. Bỗng dưng, vợ gã “đốc chứng”, tuyên bố chán chồng, thế là gia đình ly tán. Gã phải tha phương cầu thực với hai bàn tay trắng. Bạn bè thương tình giúp cho gã cái cần câu cơm. Gã cố gắng, kiên nhẫn ngồi câu kiếm sống mỗi ngày. Bỗng dưng. Lại… bỗng dưng… bỗng dưng… cần câu gãy đổ. Gã thấy chao đảo… hụt hẫng… Nhìn lại đời, nhìn lại mình, nhìn lại chiếc cần câu gãy, gã nhận ra rằng: gã gặm cả cần câu!!!

Giờ có ai còn muốn giúp gã chiếc cần câu nữa không?
VDB

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây