THẤY LỢI NGHĨ ĐẾN HẠI

Thứ hai - 18/01/2021 22:30 |   835
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
THẤY LỢI NGHĨ ĐẾN HẠI

THẤY LỢI NGHĨ ĐẾN HẠI

Liệt Tử nghèo khổ, có khi đói khát không có gì mà ăn. Có người nói với vua Tử Dương nước Trịnh rằng:

- Liệt Tử là một người cao thượng, nay ở nước nhà vua mà phải bần cùng, thì chẳng hoá ra nhà vua không biết quí chuộng người giỏi ư?

Tử Dương nghe nói sai sứ giả đưa cho Liệt Tử vài nước xe thóc.

Liệt Tử ra yết kiết sứ giả, vái hai vái, xin từ không nhận.

Sứ giả đi, Liệt Tử vào nhà trong. Vợ ngóng trông, bực tức, tự đập vào ngực mà nói rằng:

- Thiếp nghe vợ con những bực đạo đức cao thượng đều được an nhàn vui vẻ, nay vợ con tiên sinh túng đói, vua đưa cho tiên sinh thóc gạo, tiên sinh lại từ. Thế chẳng phải là số mệnh xui ra vậy hay sao!

Liệt Tử cười, bảo vợ rằng: Vua mà biết ta không phải là tự chính vua biết ta, tại nghe có người nói mới biết ta. Vua nghe người nói mới biết mà cho ta thóc, thì lúc bắt tội ta, tất vua những lại nghe người nói mà thôi. Vì thế mà ta không nhận thóc. Vả chăng chịu bổng lộc của người, hoặc khi người mắc hoạn nạn, không liều chết giúp người là bất nghĩa. Mà nếu liều chết giúp kẻ vô đạo thì lại còn gọi là nghĩa thế nào được.

Tử Dương sau quả bị nạn chết.

LIỆT TỬ

GIẢI NGHĨA

- Trịnh: tên một nước nhỏ đời Xuân Thu thuộc về tỉnh Hà Nam bây giờ.

- Cao thượng: cao xa không chịu làm những điều hèn hạ khuất lụy người ta.

- Sứ giả: người thay mặt và nhận nhời người trên để đi nói hay làm một việc gì với ai.

- Yết kiến: đi chào người trên.

- Số mệnh những sự hay, dở, được, hỏng của đời người hình như định sẵn tự giời, không phải sức người làm nổi.

- Vô đạo: ăn ở không theo nhẽ phải.

NHỜI BÀN

Cổ nhân có câu: “Đã sáng suốt lại khôn ngoan để giữ lấy thân", Liệt Tử đây phần biết việc sâu xa, phần biết người hay, dở, thực là vừa sáng suốt lại vừa khôn ngoan vậy. Đang gặp cái lúc cơ hàn, có người đem cho ăn tiêu sung sướng, mà lại chối từ như Liệt Tử, thực rất là hiếm có.

Ôi! Thấy của còn nhớ đến nghĩa, thấy lợi còn suy đến hại, mới thật là người thấu được hết nhân tình, giữ được hết tiết nghĩa đáng kính phục lắm vậy. Chẳng bù với những kẻ nông nổi thấy lợi thì ham muốn híp mắt, bỏ cả đạo nghĩa, mà rồi nguy cả đến thân.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Truyện xưa kể rằng... 

Có một vì vua muốn đem quân đi đánh một nước láng giềng. Quần thần trong triều ai cũng cản ngăn vua nhưng nhà vua không nghe, lại còn phán rằng: “Ai còn can gián sẽ bị tội nặng, đem đi hành quyết ngay!”.
 
Thế là bá quan lặng yên không dám hó hé nữa. Chỉ có một vị quan tuổi còn trẻ, còn nhiều nhiệt huyết, không chịu thua.
 
Liên tiếp ba ngày sau đó, lúc trời hừng sáng, chàng mang cung tên đến mảnh đất gần cung Vua, bình thản đứng chực chờ dưới một gốc cây cổ thụ xum xê lá cành. Đến ngày thứ ba, nhà Vua lấy làm lạ, tò mò đến gần hỏi:

- Khanh đứng đó làm gì, để sương ướt áo thế ni? 

Vị quan trẻ tuổi nọ vòng tay cung kính trình tấu:
 
- Tâu Bệ Hạ, trên chót vót ngọn cây cổ thụ nầy có một con Ve Sầu suốt ngày nằm ca hát, yên chí tưởng mình đã yên ổn. Nhưng nó đâu ngờ rằng, ngay sau lưng nó có một con Bọ Ngựa đang ló hai càng, chực chờ dịp thuận tiện là sẽ mau kẹp lấy nó xơi ngon lành. Buồn cười thay cho con Bọ Ngựa, mê mẩn với miếng mồi, tràn trề hy vọng, nó không thấy con Chim Sẻ đang đậu ở cành phía trên. Con Chim Sẻ nầy cũng như con Bọ Ngựa, bụng đói khô, đang lựa phút giây thuận tiện vồ lấy con Bọ Ngựa béo bở để ăn thịt. Thần đứng dưới nầy nhắm con Chim Sẻ đã lâu lắm rồi. Thần cũng đã sẵn sàng cung tên để bắn nó rơi xuống đem về đánh chén. Nhưng miệt mài nhắm con mồi, thần không hay là sương đang rơi lã chã. Giờ đây nhờ Bệ Hạ nhắc nhở thần mới thấy rằng sương đã làm ướt cả áo, thấm trên đầu, trên tóc, trên vai thần. Thần chợt hiểu rằng:
 
“Trọn bi kịch chỉ vì ham lợi,
Trước mắt kia, hồ hởi quên xem
Cái hại ẩn núp sau rèm
Ở kề bên cạnh, chằng thèm quan tâm!”

 
Nhà vua nghe qua, bỗng nhiên tỉnh ngộ, dẹp bỏ lòng tham và ý định xâm lăng nước láng giềng. Dân chúng thoát được cảnh can qua, vui hưởng thái bình.


(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây