GÕ DỊP MÀ HÁT

Thứ ba - 09/03/2021 23:35 |   820
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
GÕ DỊP MÀ HÁT

GÕ DỊP MÀ HÁT

Vợ Trang Tử chết. Huệ Tư đến viếng, thấy Trang Tử đang ngồi duỗi xoạc hai chân, tay gõ dịp vào bồn nước mà hát.

Huệ Tử bảo: "Mình đã ăn ở với người ta, có con với người ta. Bây giờ người ta già, người ta chết, mình đã không khóc thì cũng là đủ, lại còn ngồi gõ bồn mà hát, chẳng là quá lắm ư!

- Trang Tử nói: Không phải thế. Lúc vợ tôi mới chết tôi cũng lấy làm thương tiếc lắm. Nhưng xét cho cùng, thì vốn là không có gì cả, chẳng những không có gì mà vốn lại không có hình, chẳng những không có hình mà vốn lại không có khí, cái người ấy chẳng qua là tạp chất biếnhoá ra có khí, khí biến mà hoá ra có hình, hình biến mà hoá ra có sinh, có sinh lại biến ra có tử, cuộc sống khác nào như xuân, hạ, thu, đông, bốn mùa cứ tuần hoàn đi lại không? Vả lại người ta chết là giở về với tạo hoá, cũng như người ra ngoài mà về nhà, thế mà ta cứ còn theo đuổi nghêu ngao khóc lóc, thì chính ta chẳng hoá ra không biết mệnh giời ư? Cho nên ta không khóc mà lại còn hát nữa".

TRANG TỬ

GIẢI NGHĨA

- Trang Tử: tên là Chu, người thời Chiến quốc học rộng và cao, theo tôn chỉ Lão Tử, có làm sách, phần nhiều là ngụ ngôn.

- Huệ Tử: tức là Huệ Thi, người thời Chiến quốc có tài khéo nói là bạn thân của Trang Tử.

- Bồn: chậu nước rửa xác cho người chết.

- Cũng đã là đủ: ý nói cũng đã là người biết, người đạt rồi.

NHỜI BÀN

Vợ chết đáng là một mối đau đớn to, chồng nào mà cầm lòng không thương, không xót, không tiếc, không sụt sùi giọt ngắn, giọt dài cho đậu. Thường tình như thế. Nên Huệ Tử trách Trang Tử là chỉ vì nhẽ thường tình vậy.

Còn Trang Tử đáp thế, là lại lấy một cái nhẽ cao xa, siêu việt hẳn ra ngoài thường tình. Ta không rõ cái thuyết của Trang Tử cho người ta vốn tự chỗ không, do khí, do hình mà sinh ra để đợi lại giở về chỗ không có đúng với khoa cách trí chăng, nhưng khi ta thấy người qua mất, ta cũng có thể nói được rằng: người ta sống thực không biết tự đâu mà đến, rồi chết cũng không biết rằng là đi đâu? Ôi! Nếu coi cái sống chết như thế thì cái chết có còn khiến cho ta đáng thương tiếc, khóc lóc làm trò đàn bà nữa hay không?

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Khóc Người Vợ Hiền (Tú Mỡ)

Bà Tú ơi! Bà Tú ơi!
Té ra bà đã qua đời, thực ư?
Tôi cứ tưởng nằm mơ quái ác,
Vùng dậy là tỉnh giấc chiêm bao

Tỉnh dậy, nào thấy đâu nào,
Nào đâu bóng dáng ra vào hôm mai
Đâu bóng dáng con người thùy mị,
Tuy tuổi già xấp xỉ bảy mươi,
Vẫn còn khỏe mạnh, vui tươi,
Le te, nhanh nhẹn như thời xuân xanh.
Nhìn sau lưng vô tình cứ ngỡ
Một cô nào thiếu nữ thanh tân.
Vậy mà cái chết bất thần
Cướp bà đi mất, vô ngần xót xa!

Kể từ thuở đôi ta kết tóc,
Thấm thoát gần năm chục năm qua
Thủy chung chồng thuận vợ hòa,
Gia đình hạnh phúc thật là ấm êm.
Tôi được bà vợ hiền thuần thục,
Cảm thấy mình tốt phúc bao nhiêu!
Đôi ta cùng một cảnh nghèo,
Đạo chồng vợ lấy chữ yêu làm nền.
Nhớ khi giường bệnh đã nằm,
Bà còn thủ thỉ tình thâm thương chồng
“Tôi mà chết thì ông sẽ khổ,
Vì, cứ theo câu cổ ngữ ta
Xưa nay con cái nuôi cha
Cũng không chu đáo bằng bà nuôi ông.”

Bà ơi, hãy dầu lòng yên dạ,
Giấc nghìn thu cho thỏa vong hồn,
Bà đi, đã có dâu con,
Một lòng phụng dưỡng, chăm nom bố già.
Tôi có khổ, âu là chỉ khổ
Vì thiếu bà, nhà cửa vắng tanh,
Khổ khi thức giấc tàn canh
Bên giường trống trải một mình nằm trơ.
Khổ nhớ lại sớm trưa ngày trước
Pha ấm trà chén nước mời nhau.
Giờ tôi chẳng thấy bà đâu,
Bên bàn thờ nhắp chén sầu đầy vơi…
Khổ những lúc ra sân mê tỉnh
Ngắm vườn nhà thấy cảnh thênh thang,

Mà bà khuất núi cho đang,
Quả cau tươi, lá trầu vàng ai xơi?
Khổ trông thấy cái cơi còn đó,
Đã khô trầu, khô vỏ, khô cau.
Ba thước đất đã vùi sâu
Cặp môi cắn chỉ ăn trầu đỏ tươi
Ngẫm: cảnh già cuộc đời sung sướng,
Tưởng vợ chồng còn hưởng dài lâu
Không ngờ con tạo cơ cầu,
Bà đi, để tủi để sầu cho tôi
Ôi! Duyên nợ thế thôi là hết,
Năm mươi năm thắm thiết yêu nhau!
Bà về trước, tôi về sau
Thôi đành tạm biệt, nuốt sầu gượng vui

Bà đi rồi nhưng tôi phải ở,
Công việc đời còn dở tí thôi,
Bao giờ nhiệm vụ xong xuôi,
Về nơi cực lạc, lại tôi với bà…
(19-11-1968)


(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây