LÀNG SAY

Thứ ba - 08/06/2021 06:07 |   506
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
LÀNG SAY

LÀNG SAY

Ngày trước, ta thường đến một làng kia, vừa bước chân vào, thì chuếnh choáng, nghiêng ngả, mờ mịt, lu bù trông giời như thấp, trông đất như cao, mặt giời, mặt giăng như không có ánh sáng. Mắt ta mờ, tai ta ù, tâm thần ta mê hoặc, thân thể ta mệt nhọc. Ta mới hỏi người rằng: Đây là làng gì? - Người nói: Đây là nơi vui say, sẵn của ngon bùi, tha hồ phóng phiếm. Tục truyền là "Làng Say".

Than ôi! Đây gọi là làng say? Cổ nhân nói dối ta thật. Ta thường than cho lũ Lưu Linh, Nguyễn Tịch, đương lúc trong nước lục trầm, bốn phương rối loạn, mà những tay giỏi giang, sinh ra chán đời, dông dài, liều lĩnh, thất thểu rủ nhau vào làng say. Cứ như ý riêng ta, thì trong làng say, không có cái gì là vui cả...

Hoặc có kẻ nói: Đến đây cho nguôi những sự lo nghĩ. Ôi! Cái lo nghĩ mà còn có cách nguôi được, thì không phải là lo nghĩ. Nếu quả nhiên có điều gì đáng lo, thì bất tất phải tìm cách giải. Huống chi làng say này không có thể giải được lo. Vậy thì người vào làng say đều là người vô lo, vô lự cả.

Than ôi! Tự đời Lưu Linh, Nguyễn Tịch đến bây giờ, khắp cả thiên hạ đâu cũng có làng say. Làng say càng đông, thì thiên hạ càng vắng. Mờ mịt, say sưa, ẻo lả, yếu đuối ai đã vào làng say, không biết lối mà ra. Gián hoặc có người vào làng say mà không mê, thì lại phải những kẻ đã mê hoặc bại hoại chê bai, nói cười, mai mỉa thế mới thật là lũ say ở làng say.

ĐÀI DANH THẾ

GIẢI NGHĨA

- Làng say: nói những người say rượu tụ họp chè chén với nhau.

- Phóng phiếm: câu nói, việc làm không giữ gìn, kiểm thúc gì cả.

- Tục truyền: thói quen xưa nay kể lại như vậy.

- Cổ nhân: người sinh trước ta mà đã qua đời rồi.

- Lưu Linh, Nguyễn Tịch: hai người đời nhà Tấn, tính phóng đạt hay rượu mà không thiết gì đến việc đời.

- Lục trầm: đắm đuối ở trên cạn.

- Vô lo vô lự: không để tâm chí lo liệu việc gì, cứ nhưng nhưng như không.

- Gián hoặc: một đôi khi cũng có.

- Mê hoặc: tâm thần rối loạn không biết đích xác việc gì.

- Bại loạn: hư hỏng rối loạn.

- Đái Danh Thế: Người đời Khang Hi nhà Thanh đỗ Tiến sĩ, tài danh nổi tiếng, chuyên riêng về sử học, về sau bị nhà Thanh làm tội vì ông làm Sử có ý tôn nhà Minh.

NHỜI BÀN

Làng say tức là chỉ tụi người hay rượu. Mà ai đã bước chân vào làng say cũng cho là gặp nơi vui thú cả. Thường lại viện những nhẽ này, nhẽ khác, tưởng như là chánh đáng, nhất là cái nhẽ đỡ lo, đỡ nghĩ. Ôi! nhưng đã gọi là việc đáng lo, đáng nghĩ, thì tưởng càng phải nên tỉnh để mà lo nghĩ cho phân minh sáng suốt, chớ say thì lo sao cho được. Cái say chính là cái làm cho bại hoại hết công việc. Việc to tày giời đến lúc say cũng còn bỏ, huống còn mong sao cho làm việc nữa.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH
Than ôi! Tự đời Lưu Linh, Nguyễn Tịch đến bây giờ, khắp cả thiên hạ đâu cũng có làng say.

Làng quanh năm say xỉn

Cách thành phố Pleiku 50km về hướng bắc, làng Đê Bơ Tứk (xã Đăk Jơ Ta, huyện Mang Yang, Gia Lai) lọt thỏm giữa bốn bề đồi núi. Đặt chân đến làng Đê Bơ Tứk, chúng tôi thấy có những vạt rẫy lúa chín vàng ươm đang cần người thu hoạch. Những gian nhà che tạm bợ bằng ván lụp xụp. Mấy thanh niên đã uống rượu mặt đỏ ửng, ngồi ép nhau trên những chiếc xe máy tháo ống bô, phóng vèo vèo trên đường ngay từ đầu buổi sáng.

Cho rằng men rượu giúp mình hạnh phúc, lại thể hiện được bản lĩnh, nhiều người dân tộc Ja Rai và Ba Na ở làng Đê Bơ Tứk đã bán dần bán mòn nương rẫy, trâu bò, chỉ để lấy tiền mua rượu. Dù làng đã được xếp vào hàng đầu những thôn nghèo nhất huyện, quá nhiều trẻ con nheo nhóc bỏ học, nhưng những ông bố bà mẹ vẫn cứ mê muội nhậu suốt đêm ngày.

Bỏ rẫy ngồi nhà uống rượu

Trong căn nhà gỗ xiêu vẹo, tài sản giá trị nhất là chiếc xe đạp cũ han rỉ, 6 người cả đàn ông, đàn bà ngồi túm tụm quanh bát cá khô uống rượu. Thấy khách lạ, một ông chạy ra kéo chúng tôi vào nhà, ngật ngừ tự giới thiệu: “Mình là chủ nhà, mình tên Rượu như tên loại nước này. Cha mình thích rượu nên đặt tên mình như vậy!”. Nói rồi anh Rượu giới thiệu tiếp số “ma men” đang ngồi xung quanh là vợ, hàng xóm, họ hàng với mình.

Dù đã chuẩn bị mọi giải pháp chống say trước khi đến làng Đê Bơ Tứk nhưng sau 3 cốc rượu “làm luật” để cùng nhập hội, chúng tôi không khỏi thất sắc khi thấy cốc rượu kế tiếp. Vừa “khà” sau hớp rượu, anh Rượu kể: Đã cưới vợ nhiều năm nhưng không có con. Ngày xưa nhà mình nhiều đất lắm, thiếu tiền nên vợ chồng bán hết mua rượu về uống, giờ chỉ còn ít đất ruộng, thu hoạch đủ ăn một tháng. Thỉnh thoảng mình đi rừng để kiếm tiền, thời gian còn lại ở nhà uống rượu.

Tiếp lời, Mạo, một thanh niên ngồi cạnh khoe rằng cứ mỗi lần đi rừng là mang theo rượu để uống, khi nghỉ giữa dốc là 5 người uống hết 5 lít, lên tới đỉnh dốc thì uống hết 6 lít. “Có khi uống nhiều ngày liên tục, cứ say ngủ xong dậy lại uống tiếp. Bây giờ tay run luôn rồi!”- anh Mạo nói.

Được mệnh danh là “sâu rượu” trong làng, anh Rinh (anh ruột của Rượu) nốc xong một ly cười sảng khoái, để lộ hàm răng đã gãy hết hàng cửa, kể: “Hôm nhậu từ sáng tới chiều, say quá mình ngã từ cầu thang nhà sàn xuống, mặt đập vào cây gỗ, gãy mất 3 cái răng bên trên và 3 cái răng bên dưới!”.

Ngoài gãy mất bộ răng cửa, anh Rinh bị bệnh gan, nằm đau hơn 3 tháng không làm rẫy được. Vậy mà, Rinh nói, hễ ai gọi đi uống rượu là tới ngay với lý do uống cho... đỡ đau. Hỏi: Bệnh tật nặng như vậy sao không đến bác sĩ chữa? Rinh xua tay bảo không có tiền nên không đi khám, cứ để đó rồi bệnh tự khỏi. Chỉ cần 1 lít rượu, vài con cá khô là không cần bác sĩ làm gì.

Theo các thầy cô giáo trường THCS Đắk Jơ Ta, quanh năm khi nào cũng thấy người dân trong làng Đê Bơ Tứk uống rượu. Con cái muốn học hay bỏ, cha mẹ cũng không quan tâm. Trong trường có hai chị em đang học, mỗi ngày giáo viên đều phải vào tận nhà đón đi. “Cả bố và mẹ của hai em học sinh này uống rượu suốt ngày. Mỗi sáng tôi vào đón đi học đều thấy bố các em đã ngồi uống rượu rồi”, một cô giáo than.

Nguồn: https://tienphong.vn/lang-quanh-nam-say-xin-post908628.tpo


(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây