NHỜI NÓI KẺ BẮT RẮN

Thứ năm - 29/07/2021 04:49 | Tác giả bài viết: Cổ Học Tinh Hoa |   727
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
NHỜI NÓI KẺ BẮT RẮN

NHỜI NÓI KẺ BẮT RẮN

Vĩnh Châu có giống rắn lạ, thân đen, vằn trắng, chạm vào cây cỏ, thì cây cỏ chết, cắn phải người, thì không thuốc gì chữa nổi. Song mà bắt được giống rắn ấy dùng làm thuốc để chữa những bệnh như bệnh trúng phong, bệnh co quắp chân tay, đều sát được cả trùng.

Cho nên nhà vua có lệ bắt dân gian mỗi năm phải hiến hai con rắn ấy để để dành. Ai bắt được rắn, thì được trừ thuế ruộng.

Người châu Vĩnh tranh nhau mà làm nghề bắt rắn. Có nhà họ Tương cũng làm nghề ấy đã được ba đời. Hỏi ra, thì nhà họ Tương nói:

- Ông tôi chết về nghề bắt rắn, cha tôi cũng chết về nghề bắt rắn. Tôi nối nghề ông cha tôi mới có mười hai năm, cũng đã mấy lần suýt chết.

Người ấy nói, vẻ mặt rất buồn rầu.

Ta thương và hỏi rằng:

- Nhà ngươi có thật cho nghề bắt rắn là khổ không? Ta sẽ nói với quan trên cho nhà ngươi bỏ nghề ấy mà cứ nộp thuế ruộng như thường. Nhà ngươi tình thế nào?

- Người họ Tương vừa khóc, vừa nói:

Ông thương tôi, muốn cho tôi sống, thì ông để cho tôi làm nghề bắt rắn còn hơn. Nếu tôi không làm nghề này, thì tôi khốn khổ đã lâu rồi. Nhà tôi ba đời ở làng kể đã hơn sáu mươi năm, cách sinh nhai trong làng mỗi ngày một quẫn bách. Người làng phải rút hết cả lợi hoa mầu, vét hết cả của cải trong nhà để mà nộp thuế, thậm chí bỏ làng, bỏ xóm, đói khát, trôi dạt, chết đường, chết chợ kể bao nhiêu người.

Những người vào chạc tuổi ông tôi mười nhà không còn một. Những người vào chạc tuổi cha tôi, mười nhà còn độ hai, ba. Những người vào chạc tuổi tôi mười nhà còn độ bốn, năm. Không chết chóc thì lưu lạc cả... Tôi nhờ nghề bắt rắn mà còn đến bây giờ. Những quan lại tàn ác về làm thuế làng tôi, sục hết đầu làng, cuối xóm vơ vét đến cả con gà, con chó, dân gian phải hãi hùng kinh sợ. Những lúc ấy, về phần tôi, tôi được yên lặng, trông trong giỏ con rắn vẫn còn là tôi được ăn no, ngủ yên. Tôi làm nghề bắt rắn một năm sợ chết chỉ có hai lần, ngoài ra là vui vẻ, không phải lo thuế má, không đến nỗi như người làng xóm tôi hết ngày này sang tháng khác khốn khổ về quan lại tàn ác. Giá tôi có chết về nghề bắt rắn, ví với người làng xóm tôi cũng đã là chậm, đâu dám cho là rắn độc mà xin thôi.

Ta nghe câu chuyện lại càng thương lắm. Xưa Đức Khổng nói: "Chính sách hà khắc độc hơn hổ dữ" ta vẫn ngờ, bây giờ xem truyện họ Tương mới cho là thật. Than ôi, cái độc quan lại tàn ác làm thuế ở dân gian dữ hơn con rắn độc, cho nên nói ta đây để người tiện xem phong tục dân mà thâu được tình cảnh cho dân.

LIỄU TÔN NGUYÊN

GIẢI NGHĨA

- Vĩnh Châu: tên phủ, thuộc về tỉnh Hồ Nam ngày nay.

- Trúng phong: phải gió độc, ngất người đi.

- Hiến: dưng vật gì lên người trên.

- Sinh nhai:công việc làm ăn để nuôi thân.

- Quẫn bách: túng bấn, cùng khổ khó chịu.

- Lưu lạc: trôi dạt, tàn rụng.

- Tàn ác: tàn nhẫn độc ác.

- Chính sách: cách thức cai trị.

- Hà khắc: dữ ác cay nghiệt.

NHỜI BÀN

Ta đọc bài này thật lấy làm ghê sợ. Cái chính sách hà khắc, người trên cầm quyền đã ác một phần, thì những kẻ dưới thừa hành ác tăng lên mười phần. Cái cảnh khổ của dân thường thường vẫn như thế. Liễu Tôn Nguyên có bụng ưa thời, đem chuyện thật viết ra bài này, là có ý mong cho người trên hiểu thấu cái tình của dân gian, cái tệ của quan lại mà phần thì đánh thuế dân cho vừa phải, phần thì tìm cách trừng trị những phường tham nhũng, ngõ hầu dân mới đỡ được khổ chăng.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Thời xưa có nhà họ Tương bên Tàu chuyên nghề bắt rắn. Thời nay, bên Ta, có anh Phan Văn Tâm do nghèo khó, phải chọn công việc đầy rủi ro, nguy hiểm là đi bắt rắn kiếm tiền nuôi con ăn học.

Báo Dân Trí đưa tin: - Ngày 19/8/2020, anh đã bị con rắn “khủng” cắn vào đùi phải. Trong lúc đối mặt với cái chết đã cận kề, bởi nọc kịch độc của rắn đã phóng thích vào cơ thể, anh vẫn cố chụp lấy đầu con rắn rồi “ôm” cả rắn độc vào bệnh viện cấp cứu.

Khi anh vào viện, ai cũng nghĩ anh mang theo rắn làm vật chứng để bác sĩ xác minh độc tố, nhưng thực tế qua chia sẻ của anh thì “khi đó tôi nghĩ con rắn rất to, bán sẽ có được nhiều tiền để mua quần áo, sách vở cho con trai sắp đến ngày tựu trường”.

Khi đã bị nhiễm độc, bắt đầu hoa mắt, lơ mơ, bác sĩ gỡ con rắn ra khỏi tay, anh còn cố quay đầu nhắn nhủ “ráng giữ nó sống dùm để tôi mang về bán”.

Sự mạo hiểm cả tính mạng để mưu cầu hạnh phúc nhỏ nhoi cho cậu con trai có đủ sách vở và quần áo mới để tới trường của người cha đã lay động lòng nhân ái của cộng đồng. Sau khi các phương tiện truyền thông đăng tải câu chuyện bi thương của anh Tâm, nhiều người đã chung tay tiếp sức, hỗ trợ chi phí điều trị cứu mạng người cha nghèo.

Sáng 8/9, tại Phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, chị Bùi Thị Ngọc Tuổi (vợ anh Tâm) chia sẻ: “Khi đưa chồng đến bệnh viện, trong túi của em chỉ có được mấy trăm nghìn. Vợ chồng mua trả góp chiếc điện thoại hơn 2 triệu đồng còn nợ của cửa hàng chưa trả xong. Nghe bác sĩ nói chồng em bị rắn hổ chúa cắn, mọi thứ như sụp đổ, em đã nghĩ đến cảnh tang thương của gia đình bởi nó là loài rắn rất độc cứu chữa vô cùng khó trong khi em không có tiền”.

Sự may mắn đã mỉm cười với gia đình chị Tuổi nhờ vòng tay yêu thương của cộng đồng. “Các khoản chi phí thời điểm chồng em nằm viện quá lớn, may mắn em được bà con cô bác giúp đỡ, được các bác sĩ tận tâm cứu chữa. Nhờ có đủ chi phí, nhờ được Ban Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy quan tâm hỗ trợ nên chồng em từng bước vượt qua được nguy kịch. Đến hôm nay, anh đã tỉnh táo, tươi cười, đó là hạnh phúc không gì có thể đánh đổi được của em và các con”.

Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ, hoàn cảnh của anh Tâm bị rắn hổ chúa cắn sau khi nhập viện đến nay đã nhận được sự giúp đỡ lớn của cộng đồng. Khi anh qua giai đoạn nguy kịch, đủ chi phí điều trị, chị Tuổi đã chủ động thông báo về tình trạng của chồng và đề nghị chuyển những khoản tiền các nhà hảo tâm muốn ủng hộ cho anh sang giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác, đây là nghĩa cử rất cao đẹp.

Ngày 8/9, vợ chồng anh Tâm quyết định tặng lại số tiền 80 triệu giúp đỡ cho hoàn cảnh bệnh nhân khó khăn đang cần cứu chữa trong viện.

Chuyện bên Tàu kết thúc bằng nhời Đức Khổng Tử: "Chính sách hà khắc độc hơn hổ dữ". Chuyện bên Ta kết thúc bằng lòng nhơn hậu. Một đoạn kết hay hơn truyện cổ tích!!!

(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây