CAN GÌ MÀ PHÁ ĐI
Dân nước Trịnh thường hay đến trường học nhà quê để nghị luận những chính sách hay, dở của quan lại.
Nhiên Minh bảo Tử Sản rằng:
Tôi định phá hết các trường nhà quê đi, ông tính sao?
- Tử Sản nói: Để chứ. Phá đi làm gì? Dân sự người ta sớm tối đến chơi trường học để nghị luận điều phải, điều trái của quan lại làm. Cái gì người ta cho là phải, ta cứ thế mà làm, cái gì người ta cho là dở, ta liệu mà đổi đi. Những kẻ nghị luận ấy tức là những ông thầy của ta. Can gì mà phá trường học.
Vả chăng, ta nghe mình hết lòng làm điều phải, thì mới đỡ được người ta oán trách mình, chớ ta không từng nghe mình chỉ nạt nộ ra oai, mà tuyệt được hết sự oán trách của người. Cũng như phải đắp đê để mà giữ lấy nước, chớ bỏ đê đi, thì nước vỡ tứ tung, bao nhiêu người chết, không thể cứu lại được. Như thế thì chẳng bằng cứ khơi đê cho nước chảy thì hơn. Nay ta hằng để trường học, khiến ta thường được nghe những những câu chê bai để làm thứ thuốc chữa cho ta thì hơn.
- Nhiên Minh nghe Tử Sản xong, nói rằng: Nay tôi mới biết ông là ông quan thầy đáng tôn vậy. Tôi thật là kẻ bất tài. Ông làm được như nhời, thì chẳng những một đám chúng tôi được trông cậy mà cả nước cũng được nhờ vậy.
TẢ TRUYỆN
- Trịnh: nước nhỏ thời Xuân Thu, ở vào huyện Tân Trịnh tỉnh Hà Nam ngày nay.
- Nghị luận: bàn bạc khen chê.
- Chính sách: cách thức về công việc cai trị.
- Quan lại: quan là người giữ việc trị dân; lại là người làm việc giúp quan.
- Nhiên Minh: người đời Xuân Thu, cùng làm quan ở nước Trịnh với Tử sản.
- Tử Sản: người đời Xuân Thu, học rộng có tài chính trị, là quan đại phu giỏi có tiếng của nước Trịnh. (Xem bài trên).
- Oán trách: căm giận và chê bai.
- Tuyệt: rứt đứt hẳn đi.
Người ta càng cao xa, càng tôn quí bao nhiêu, thì càng xa sự thực bấy nhiêu. Sự thực hay thì hay thực, song lại hay làm cho mất lòng, nên những người đã có địa vị cao, ít khi được nghe sự thực. Thiên hạ không ai muốn mất lòng mình, thì ai dám nói sự thực cho mình nghe.
Nhiên Minh đây bảo phá nhà trường là vì nghe sự thực mà mất lòng. Tử Sản đây mà bảo giữ nhà trường là vì yêu sự thực, được nghe sự thực lấy làm vui sướng. Các nhà trường nước Trịnh bấy giờ có phải như các tờ báo ngày nay, là những cơ quan để cho dân sự được tự do mà đàm luận về những chính sách hay dở hay không? Nếu như vậy, thì ra xưa nay dân sự vẫn có cách làm cho những điều cầu nguyện của mình đạt được tới chính phủ, mà chính phủ khôn khéo, tưởng cũng nên lợi dụng cái cách ấy, không nên tuyệt đi vậy. Những câu Tử Sản nói ví như khơi đê cho nước chảy để phòng sự lụt ngập tràn trụa rất nguy, hết lòng làm phải chớ không phải ra oai nạt nộ mới tuyệt được sự oán trách của dân, thực là những câu nói rất nhằm với chân lý, ta không nên bỏ qua. Ôi! Một chính phủ mà vững bền hay hư hỏng có thể nghiệm ở lòng dân yêu hay ghét vậy. Nếu dân chúng đã ghét những chính sách không ra gì, chúng dám nói ra miệng, mà mình lại chỉ thị oai như muốn bưng miệng chúng, chớ không muốn sửa đổi lỗi mình, thì mình có khác gì như anh chàng thấy nồi nước sôi trào ra ngoài, không biết rút củi ra, lại cứ cầm que mà khuấy vào trong nước vậy.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928
NHỜI BÌNH
Bài Tin mừng Chúa Nhật XXIII TN B tường thuật chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho một người câm điếc mà dịch chính xác hơn là điếc và ngọng. Đây là một trong những dấu chỉ của thời Thiên Sai mà Thánh kinh đã loan báo. Mất đi khả năng nghe và nói xét về thể lý là một khốn khổ và bất hạnh. Thế nhưng sự bất hạnh và khốn khổ ấy dường như chỉ hạn hẹp ở đương sự và có chăng là nơi vài người thân thích. Tuy nhiên nếu xét về bệnh điếc, câm hay ngọng về tinh thần thì sự khốn khổ và bất hạnh nó di hại cho nhiều người và hậu quả cũng khó mà khắc phục. Dù hai lãnh vực thể lý và tinh thần tuy khác nhau nhưng có sự trùng hợp đó là do bởi điếc (không nghe được, không chịu nghe, nghe không rõ, không đúng, không chính xác) nên người ta đâm ra điếc hay ngọng là không nói được, không được nói hay nói không được những điều cần nói, nên nói và phải nói. (trích bài suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột)
Trong bài CAN GÌ MÀ PHÁ ĐI Nhiên Minh bảo Tử Sản rằng:
Tôi định phá hết các trường nhà quê đi, ông tính sao?
- Tử Sản nói: Để chứ. Phá đi làm gì? Dân sự người ta sớm tối đến chơi trường học để nghị luận điều phải, điều trái của quan lại làm. Cái gì người ta cho là phải, ta cứ thế mà làm, cái gì người ta cho là dở, ta liệu mà đổi đi. Những kẻ nghị luận ấy tức là những ông thầy của ta. Can gì mà phá trường học.
Thật vậy, phá trường học đi thì sẽ không nghe được những điều phải, điều trái từ miệng dân để biết mà sửa đổi. Thế thì có khác gì anh chàng kia thấy nồi cháo sôi trào ra ngoài, không biết rút củi ra, lại cứ cầm que mà khuấy vào trong nồi cháo vậy.
(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn