NHUỘM TƠ

Thứ tư - 15/12/2021 02:03 | Tác giả bài viết: Cổ Học Tinh Hoa |   909
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
NHUỘM TƠ

NHUỘM TƠ

Mặc Tử thấy người ta nhuộm tơ, ngẫm nghĩ than rằng:

"Nhuộm vào màu xanh thì hóa xanh, nhuộm vào màu vàng thì hóa vàng. Dúng vào màu nào thì biến ra màu ấy. Năm lần nhuộm, hóa ra năm sắc, cho nên nhuộm phải cẩn thận.

Không những tơ nhuộm như vậy. Người ta tiêm nhiễm nhau cũng thế, bạn với nhau hay thì hóa hay, bạn với kẻ dở thì hóa dở. Vinh hay nhục quan hệ ở những người bạn mình hay chơi.

MẶC TỬ

GIẢI NGHĨA

- Mặc Tử: người nước Lỗ đời Chiến quốc, họ Mặc, tên Định, làm quan đại phu nước Tống, xướng ra cái học thuyết "Kiêm ái".

- Nhuộm: làm cho chất gì đang có sắc này hóa ra có sắc khác.

- Than: thở dài và có ý thương.

- Tiêm nhiễm: tiêm: thấm thía, nhiễm: lây sang.

- Vinh: sự vẻ vang.

- Nhục: sự xấu xa tủi nhục.

- Quan hệ: can thiệp vương víu đến.

NHỜI BÀN

Bài này ý tưởng không có gì là cao lạ. Chẳng qua cũng chỉ nói đến sự giao du làm cho người ta chóng giống tính những người mình hằng đi lai với. Nào "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng, (hoặc: gần son thì đỏ) nào: "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài', nào: "Mày bảo tao mày chơi với ai, tao sẽ bảo mày giống người ấy". "Vợ giống tính chồng, đứa ở giống tông chủ nhà". "Ở nhà hàng mắm thì thối, ở nhà hàng hương thì thơm", có biết bao nhiêu câu do cái khôn ngoan của loài người đều công nhận một sự chân lý ấy cả. Sự chơi bời ở đời, gần người hay được hay, gần kẻ dở hóa dở cần là như thế, thánh hiền còn phải nghĩ đến, huống chi là ta, lúc muốn kết bè kết bạn với ai, chẳng nên cẩn thận mà kén chọn trước ru?
 

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

“Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Quả đúng như vậy, thường xuyên sử dụng mực, bị mực vấy ra tay là điều khó tránh khỏi. Gần đèn, ánh sáng của đèn chiếu tỏa rạng ngời. Con người sống trong môi trường tốt dễ thành người tốt, nếu sống trong môi trường xấu sẽ dễ thành kẻ xấu.

Chí Phèo vốn là anh nông dân hiền lành, chất phác. Sau thời gian bị tù oan, Chí Phèo thay đổi hẳn. Chính nhà tù khắc nghiệt đày đọa cuộc sống, làm con người thay đổi.

Mạnh Tử khi còn bé được mẹ đưa đến sống gần trường học nên biết lễ phép, biết chăm chỉ học hành. Giả sử, mẹ của Mạnh Tử để cậu bé sống gần chợ hay nghĩa địa thì chưa chắc sau này Mạnh Tử đã trở thành bậc thánh hiền.

Nhưng cũng có lúc gần mực chưa chắc đã đen, bởi lúc đó ta cẩn thận. Lại có khi gần đèn chưa chắc đã rạng, bởi ta cố tình ngồi khuất. Bởi vậy, phẩm chất của con người do chính bản lĩnh con người ấy.

“Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật” là câu nói của bị cáo Diệp Thị Hồng Liên (cựu trưởng phòng khảo thí) tại phiên tòa xét xử sơ thẩm 15 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT năm 2018 tại Hòa Bình. “Thẳng lưng” được hiểu là những điều đúng, điều tốt, những người tốt mà lại bị coi là dị biệt, là khuyết tật thì quá đau xót.

Đau xót hơn nữa là cái tư duy này lại xuất phát từ một số người làm trong ngành giáo dục với sự nghiệp trồng người. Nếu những học sinh, thế hệ trẻ cũng bị “đầu độc” bởi tư duy này thì còn ai dám làm người tốt, còn ai dám sống “thẳng lưng”.

Khi những điều tốt, những người tốt mà lại bị coi là dị biệt, là khuyết tật thì rất nguy hiểm.

Sách Cổ học tinh hoa có kể câu chuyện về Khuất Nguyên làm quan đại phu cho đời Hoài Vương nước Sở, bị kẻ sàm báng mà phải bãi chức. Mặt mũi tiều tuỵ, hình dong khô héo, Khuất Nguyên vừa đi, vừa hát trên bờ đầm. Khi được ông lão đánh cá hỏi: Sao mà đến nỗi khốn khổ như vậy? Khuất Nguyên nói: “Cả đời đục cả, một mình ta trong; mọi người say cả, một mình ta tỉnh; bởi vậy nên ta phải bị bãi chức”.

Ông lão đánh cá nói: “Thánh nhân không câu nệ việc gì, lại hay tuỳ thời. Có phải cả đời đục cả, sao không khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho đục một thể; loài người say cả, sao ông không ăn cả men, húp cả bã cho say một thể? Việc gì mà phải lo xa, nghĩ sâu, để cho đến nỗi phải phóng khí?”.

Khuất Nguyên nói: “Tôi nghe: Mới gội đầu tất phải chải mũ, mới tắm ra tất phải thay áo; có đâu lại chịu đem cái thân trong sạch mà để cho vật dơ bẩn dính vào mình được? Chẳng thà nhảy xuống sông Tương, vùi xác vào bụng cá, chớ sao đang trắng lôm lốp, lại chịu để vấy phải bụi dơ”.

Khuất Nguyên được ca ngợi là bậc cương trực nhưng ngày nay, có ý kiến cho rằng việc “thà trẫm mình xuống sông Tương còn hơn lấm bẩn”, là vui về ở ẩn không phải là thái độ tích cực. Ngược lại, phải có thái độ chống lại cái đục, chống lại cái sai mới là trượng phu.

(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây