CÙNG, ĐẠT BỞI SỐ

Thứ ba - 25/01/2022 05:29 | Tác giả bài viết: Cổ Học Tinh Hoa |   455
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
CÙNG, ĐẠT BỞI SỐ

CÙNG, ĐẠT BỞI SỐ

Bắc Cung Tử hỏi Tây Môn Tử rằng:

- Tôi với bác cùng một đời mà người ta quí bác, cùng một họ mà người ta kính bác, cùng làm quan mà bác sang hơn tôi, cùng làm ruộng mà bác giàu hơn tôi, cùng đi buôn mà bác lắm lời hơn tôi. Tôi mặc, phải mặc áo cộc; ăn, phải ăn gạo hẩm; ở thì chỉ một túp nhà gianh, đi thì đi chân không. Bác thì mặc những gấm, vóc, ăn những thịt, gà, ở thì gác tía, lầu hồng, đi thì xe xe ngựa ngựa. Ở nhà, thì coi bác ra bộ nhạt nhẽo có bụng khinh tôi; trong triều, thì coi bác ra bộ nhơn nhơn có dáng khinh tôi. Bác với tôi chẳng hỏi han đến nhau, chẳng chơi bời với nhau đã mấy năm nay rồi, vậy thì bác tự cho là bác tài đức hơn tôi chăng?

Tây Môn Tử đáp:

- Tôi cũng không rõ có thật tôi hơn được bác không. Nhưng bác làm việc gì thì cũng vấp váp, tôi làm việc gì thì cũng hanh thản. Đó có phải là cái hiệu nghiệm tài đức hơn, kém nhau chăng?

Bác nói điều gì cũng bằng tôi, chẳng đáng thẹn lắm dư!

Bắc Cung Tử không biết nói sao nữa, ngậm ngùi giở về. Giữa đường gặp Đông Quách tiên sinh. Tiên sinh hỏi:

- Anh này đi đâu về? Coi mặt sao buồn thế?

Bắc Cung Tử thuật lại câu chuyện kia.

Tiên sinh bảo:

- Được, để ta gỡ khỏi xấu hổ cho.

Rồi tiên sinh cùng đi với Bắc Môn Tử đến nhà Tây Môn Tử hỏi rằng:

- Sao anh nói nhục Bắc Cung Tử tệ thế? Anh nói gì, kể lại tôi nghe.

Tây Môn Tử đáp:

- Hắn nói kể về họ hàng, đi làm quan, đi buôn, làm ruộng thì hắn cũng bằng như tôi mà sao giàu, nghèo, sang, hèn thì hắn lại khác tôi. Tôi có bảo rằng: Tôi cũng không chắc tôi tài đức hơn gì hắn, nhưng cứ so cái việc của hắn làm hay vấp váp, cái việc của tôi làm được hanh thản, thì tức là cái hiệu nghiệm hơn kém nhau mà hắn lại cứ nói việc gì cũng như tôi chẳng là xấu hổ ru?

- Đông Quách tiên sinh nói:

Anh nói hơn với kém chẳng qua là chỉ nói hơn kém bề ngoài, chớ ta mà nói hơn với kém thì lại khác. Bắc Cung Tử hơn anh về cái đức mà kém anh về cái số phận, còn anh thì số phận hơn Bắc Cung Tử nhưng đức lại kém. Anh gặp may mà đạt không phải anh có khôn gì. Bắc Cung Tử bị rủi mà cùng không phải có dại gì. Sự may rủi đó đều bởi giời cả không phải bởi người. Vậy mà anh dám hợm mình về số phận của anh, còn Bắc Cung Tử thì lại tủi về tài đức của mình, hai anh đều là không biết cái nhẽ tự nhiên cả.

- Tây Môn Tử nghe nói, chịu là phải, bảo rằng:

Thôi, xin tiên sinh, từ rầy tôi không dám nói vậy nữa.

Bắc Cung Tử cũng tỉnh ngộ ra. Khi về nhà, mặc cái áo vải cộc mà coi ấm áp như áo lông cừu, ăn cơm gạo hẩm mà coi ngon như gạo tám thơm, ở nhà gianh mà coi rộng như nhà ba từng, đi dép cỏ mà coi sung sướng như ngồi xe ngựa. Trọn đời lúc nào cũng vui sướng trong lòng, không biết cái vinh, cái nhục ở đâu nữa.

LIỆT TỬ

GIẢI NGHĨA

- Hanh thản: thông suốt bằng phẳng, không có gì trở ngại.

- Hiệu nghiệm: cái kết quả đủ làm chứng rằng thật.

- Đạt: làm nên, vẻ vang sung sướng.

- Cùng: không làm nên gì, khốn khó nghèo khổ.

- Tỉnh ngộ: đương mê muội mà hiểu rõ, rồi tự biết đã nhầm.

NHỜI BÀN

Bắc Cung Tử hỏi Tây Môn Tử là có ý không phục Tây Môn Tử. Nghĩ đáng giận thật: Cái gì mình cũng bằng người ta mà sao lại chịu kém người ta? - Còn Tây Môn Tử đáp Bắc Cung Tử thế là lên mặt hơn người ta, tất là có cớ làm sao chứ? Thành một người cậy tài đức hơn mà bực mình, một người cậy mệnh vận hơn mà lên mặt. Ấy ở đời tài đức và mệnh vận thường vẫn không tương đương với nhau: có tài đức mà phải kém người, không tài đức mà được hơn người. Ai giải cho ra cái nhẽ ấy? Đông Quách tiên sinh, mà tức là tác giả cho rằng: Chẳng qua là do như số phận, mà số phận là do như giời định, người ta không thể sao cãi được. Thực hợp với câu cổ ngữ “May hơn khôn” của ta đó. Vậy ở đời hơn kém nhau là tại số phận cả. Nếu ta đã biết thế thì ta hơn về cái ưa may chớ vị tất đã hơn về cái tài đức. Còn ta mà kém người, ta cũng chăng nên phàn nàn, vì phàn nàn vô ích mà tâm ta không bao giờ được sướng.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Đời vua Hán Cảnh Đế có người bán dầu tên Bùi Độ nghèo khổ lang thang, được thầy xem tướng số cho biết sẽ chết đói vì coi tướng, trên mặt có hai đường chỉ chạy xéo từ cằm lên mép miệng.

Ngày kia Bùi Độ gặp một thiếu nữ ngồi khóc bên giếng sâu. Hỏi ra sự tình mới biết thiếu nữ mang vàng đi để chuộc tội oan của cha, chẳng may bị đánh rơi xuống giếng. Ai cũng nói dưới giếng có con trăn to, thiếu nữ đang tuyệt vọng muốn quyên sinh. Bùi Độ thương tình, nghĩ mình trước sau cũng chết đói nên liều mạng leo xuống tìm được vàng cho thiếu nữ. Nhờ đó gia đình thiếu nữ được phục hồi danh dự và quyền thế.

Một lần gặp lại, nhà tướng số kia kinh ngạc nói rằng tướng chết đói của Bùi Độ đã biến mất mà thay vào đó là tướng công khanh phú quý rực rỡ!

Đúng vậy, sau này thiếu nữ tên Ngọc Hà đền ơn, đem Bùi Độ về dạy học và giao ước vợ chồng rồi mới thưa với phụ thân. Cha nàng gửi gắm Bùi Độ sang một người bạn khác để nhờ tiến cử. Thời gian xa cách Ngọc Hà, Bùi Độ đã lạc lòng với những hình bóng giai nhân khác.

Trên bước đường tiến quan, Bùi Độ ghé vào thăm nhà tướng số cũ để tạ ơn, nhưng ông bảo Bùi Độ đã hiện lại tướng chết đói. Bùi Độ tức giận bỏ đi.

Sau khi được làm quan, Bùi Độ đánh mất nhân cách, chỉ lục lạo, cưỡng bức các cô gái đẹp, bị triều đình hạ lệnh bắt về kinh trị tội. Bùi Độ sợ hãi trốn vào rừng rồi chết đói cạnh một mỏm đá!

Cuộc đời số mệnh của mỗi con người được ẩn hiện qua tướng số, tử vi, phong thủy. Tuy nhiên, những điều này hoàn toàn có thể thay đổi theo thời gian, phúc đức của mỗi con người. Chính vì thế đừng ỷ vào việc mình có một số mệnh tốt mà làm những điều thị phi, bởi bạn sẽ không lường trước được vận hạn xấu sẽ đến khi nào.

Ai cũng có số phận, nên mỗi người chỉ cần làm tốt phần mình là được.

Chuyện ở đời, khi đã qua đi thì không nên hối tiếc. Dù đó là chuyện tốt hay xấu, cuối cùng bất quá chỉ là một trải nghiệm. Những chuyện trước mắt mới là điều quan trọng.

(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây