TỰ XÉT LẠI MÌNH

Thứ bảy - 09/10/2021 04:25 | Tác giả bài viết: Cổ Học Tinh Hoa |   444
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
TỰ XÉT LẠI MÌNH

TỰ XÉT LẠI MÌNH

Người quân tử sở dĩ khác người là vì lúc nào cũng để tâm đến việc "Nhân”, để tâm đến việc "Lễ".

Đã là người có nhân, thì yêu người; đã là người có lễ, thì kính người. Mà theo nhẽ thường, yêu người thì người tất yêu lại, kính người thì người tất kính lại.

Người quân tử ăn ở như vậy, mà gián hoặc còn có kẻ đem thói ngang ngược đối đãi lại, thì tất nhiên tự xét ngay mình lại, chắc mình còn bất nhân, chắc mình còn vô lễ, thì họ mới xử với mình như thế, chớ tự dưng thì có khi nào họ lại ngang ngược với mình được.

Nếu người quân tử xét lại thật mình có nhân, thật mình có lễ, mà người ta đối đãi với mình vẫn ngang ngược như trước, thì tất lại xét lại mình ta nhân, ta lễ thật nhưng ta chưa được hết lòng chăng.

Nếu người quân tử xét rằng thật đã hết lòng mà thói người ngang ngược vẫn như trước, thì bấy giờ người quân tử nói:

"Hạng này thật là hạng càn dở. Người mà đến như vậy thì khác gì loài vật. Đối với loài vật thì ta còn so kè làm gì!"

MẠNH TỬ

GIẢI NGHĨA

- Quân tử: Người tài đức hơn người.

- Sở dĩ: Bởi lẽ gì mà...

- Nhân: thương yêu.

- Lễ: quí trọng.

- Gián hoặc: thỉnh thoảng còn, có khi...

NHỜI BÀN

Ai cũng đều là người cả. Nhưng người quân tử chỉ khác người vì cái tâm không tàn ác, không bỉ bạc. Tâm đã như thế thì thường yêu người, quí người. Yêu quí người, mà người yêu quí lại, là lý chi thường. Song ở đời có nhiều việc bất ngờ, đã không đem điều phải ăn ở lại với việc phải, lại còn dở lối cường bạo vô lý. Thế mà người quân tử xử với bọn ngu ngoan ấy vẫn ân cần tự xét mình đến ba lần; thật là vẫn sẵn lòng thương xót, hết cách an toàn, không có ý gì tự cho mình là phải mà tuyệt bỏ người đời cả.

Cái học trách kỷ, trong làm cho mình hay thêm, ngoài làm cho người dễ theo điều phải, thật là hay lắm vậy.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Bài học ở đây là đối xử với mọi thứ bằng nhân tâm và sự khôn ngoan thì không những đạt được mục đích của mình mà còn có thể được hơn thế rất nhiều nữa. Thù oán chỉ chuốc lấy phiền não vào lòng và gây nên hậu quả xấu khó lường.

Bài học ứng xử trong cuộc sống: Chuyện 2 người hàng xóm

Tại một trang trại nọ có người đàn ông làm nghề chăn cừu. Ông ta chăm sóc đàn cừu rất đẹp và béo tốt.
Một ngày nọ, kế bên nhà ông xuất hiện một người hàng xóm mới, người đàn ông này làm thợ săn nên ông ta có nuôi một con chó săn rất dữ và nhanh nhẹn.
Cả hai chưa kịp làm thân với nhau thì ngay tối hôm đó, con chó của người hàng xóm mới đã lẻn vào trại cừu để bắt cừu ăn thịt. Nghe tiếng cừu kêu la, ông chủ trang trại chạy ra thì thấy những con cừu béo tốt của ông bị con chó săn đang cắn rất tàn nhẫn.
Xót của, ông chủ trại lập tức chạy qua nhà hàng xóm mắng vốn:
- Ông xem này, con chó của ông đã cắn những con cừu của tôi! Ông phải xích nó lại chứ!
Ông hàng xóm cũng chẳng vừa gì, liền đáp lại:
- Ông là chủ, ông phải tự bảo vệ cừu của mình chứ, tôi không xích đó thì sao!
Thấy người hàng xóm ngang ngược, ông chủ trang trại bỏ về ấm ức, và dọa:
- Ông mà còn để chó bắt cừu của tôi, thì đừng trách tôi!
Ngày hôm sau, con chó lại một lần nữa lẻn vào trại và lần này nó cắn chết 2 con cừu béo nhất đàn. Ông chủ trại tức giận cầm gậy đánh con chó rất mạnh, con chó bị thương nặng vội chạy về nhà! Ông chạy theo và gọi ông hàng xóm ra:
- Này ông, ông xem con chó ông đã cắn chết cừu của tôi rồi!
- À, thì ra là ông đã đánh con chó của tôi bị thương đến nông nổi này!
Hai người cãi nhau rất lâu, rồi ông chủ trại lập tức đi báo quan.
Quan nghe xong liền bảo: Phạt hắn thì cũng được thôi, nhưng nếu ngươi làm vậy, ngươi sẽ mất một người hành xóm mãi mãi.
- Vậy theo quan con phải làm sao?
- Bây giờ ngươi cứ nghe theo ta...
Ngày hôm sau, khi ông hàng xóm và con trai đang chơi ngoài sân, ông chủ trại bèn ôm một con cừu non rất đẹp sang bảo thằng bé:
- Này nhóc, ta cho cháu con cừu này, nó là giống cừu rất hiền và lông đẹp, nên nuôi như thú nuôi được.
Thằng nhóc nhìn chú cừu bé xíu xinh đẹp hiền lành rất thích, rối rít cám ơn và ôm con cừu vào lòng. Lúc đó, chú chó ở đâu chạy đến tính vồ lấy. Thằng bé liền bảo cha rằng:
- Cha ơi, từ nay con nuôi con cừu này, cha nên làm cũi nhốt con chó lại, không thôi nó ăn thịt cừu của con mất.
Người cha nghe thấy có lý liền làm cũi nhốt chó, từ đó bầy cừu hàng xóm không còn bị ăn thịt nữa.
Một hôm, người chủ trại đi chăn về thì thấy người hàng xóm đang tần ngần trước cửa:
- A, bác về rồi à, tôi vừa săn được chút thịt thỏ rừng rất ngon, tôi mang qua biếu nhà bác một ít.
- Ơ, thôi, anh cứ giữ để nhà ăn chứ, cho tôi nhiều vậy thì còn gì!
- Bác đừng từ chối, một chút này có là bao, bác còn cho thằng con tôi cả một con cừu cơ mà!
- Haha, anh cho thì tôi nhận, nhưng anh đứng đợi chút, bà nhà vừa vắt xong sữa dê béo và bổ lắm, để tôi lấy cho thằng bé một ít nhé!
Thế là từ đó cả hai bên gia đình sống hòa thuận và thương yêu nhau theo đúng nghĩa "hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau".

Lại có chuyện vui về Hai ông hàng xóm như sau:
Hai ông hàng xóm nói chuyện với nhau:
– Này ông bạn ơi, con gà của tôi chạy qua phá hỏng mấy vồng rau của ông, tôi lấy làm ân hận hết sức.
– Có gì đâu mà ông phải ân hận. Con chó của tôi đã cắn chết con gà của ông rồi.
– Thế à, càng hay. Tin ấy khiến tôi yên tâm vô cùng vì chiếc xe hơi của tôi vừa cán chết con chó của ông.
- !!!

(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây