HỎI THĂM DÂN
Vua nước Tề sai sứ đem thơ sang hỏi thăm bà Uy Hậu nước Triệu.
Sang đến nơi, bà Uy Hậu chưa xem thơ, đã hỏi sứ giả rằng:
"Năm nay không mất mùa chứ? - Dân bình yên chứ? - Vua cũng mạnh khoẻ chứ?
- Sứ giả nghe hỏi, không bằng lòng, nói rằng:
Tôi vâng mệnh vua nước tôi sang sứ bên này, thái hậu không hỏi đến vua tôi, lại hỏi thăm mùa màng với dân sự trước, thế chẳng ra tôn trọng kẻ hèn hơn người sang ư?
- Uy Hậu bảo: Không phải. Nếu không có mùa màng thì lấy đâu có dân, không có dân thì lấy đâu có vua. Cho nên ta hỏi mùa màng và dân sự trước. Ai lại bỏ gốc mà hỏi ngọn bao giờ!"
Nói xong, Thái hậu lại hỏi luôn rằng:
"Chung Li Tử là sử sĩ bên ấy vẫn được bình yên đấy chứ? Người ấy có lương ăn cũng thế, không lương ăn cũng thế, có áo mặc cũng thế, không áo mặc cũng thế, ấy là người ta giúp vua mà nuôi dân đấy, sao đến bây giờ chưa triệu ra làm quan? - Cả Nghiệp Dương Tử bên ấy vẫn bình yên đấy chứ? Người ấy thương xót kẻ quan quả, chu tuất kẻ cô độc, chẩn tế kẻ khốn cùng, giúp đỡ kẻ túng bấn thế là người ta giúp vua để sinh tức cho dân, sao đến bây giờ còn chưa triệu ra làm quan? - Người con gái ở Bắc Cung tên là Anh Nhi Tử cũng vẫn bình yên đây chứ? Người ấy bỏ cả đồ trang sức đến già không lấy chồng để nuôi cha mẹ. Ấy là người ta làm gương cho dân bắt chước ăn ở với cha mẹ cho có hiếu, sao đến bây giờ vẫn chưa cho người ấy vào chầu? Nếu hai người tử sĩ ấy không được làm quan, một người con gái ấy không được vào chầu, thì làm vua nước Tề trị sao vạn dân được! - À mà còn thằng Tử Trọng ở Ô lăng vẫn còn đấy chứ? Người ấy trên không làm tôi vua, dưới không trị việc nhà, giữa không kết giao với ai. Thế là người ấy dạy dân làm điều vô dụng, sao đến bây giờ vẫn còn chưa giết đi?"
Thái hậu hỏi hết mây câu chuyện ấy xong rồi, mới xem đến thư.
TRIỆU VĂN
- Tề: tên nước nhớn trong bảy nước thời Chiến quốc ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ.
- Uy hậu: mẹ vua Uy Vương bấy giờ bà có dự triều chính.
- Triệu: tên một nước nhớn thời Chiến quốc ở về phía nam tỉnh Trực Lệ, phía bắc tỉnh Sơn Tây bây giờ.
- Sứ giả: người chịu mệnh lệnh của vua nước mình mà sang sính vấn nước khác.
- Mệnh: nhời người trên dặn bảo sai đi việc gì.
- Thái hậu: mẹ vua.
- Sử sĩ: Người hiền tài ẩn cư một chỗ.
- Quan quả: quan: người góa vợ; quả: người góa chồng.
- Chẩn tế: cứu giúp kẻ đói khó.
Nước nào cũng vậy, chỉ cốt lấy dân làm gốc. Nếu dân không ra dân, thì còn gì là nước. Bà Uy hậu hỏi mấy câu như trong bài này, thực chỉ trọng một cái ý đó. Hỏi mùa màng là do dân nghèo, hỏi dân sự bình yên là do dân yếu, hỏi hai người sử sĩ, một người hiếu nữ là lo dân ngu, hỏi bỏ một đứa tiểu nhân là do dân hại. Thủy chung câu nào hỏi cũng chú trọng về dân, còn vua thì hỏi qua, thật là một tay hiểu thấu việc trị nước, ám hợp với cái ý tưởng của ông Mạnh là: "Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quản vi khinh" vậy.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928
HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG
Hội nghị Diên Hồng diễn ra vào tháng Chạp năm Giáp Thân (1284) do Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu họp các bậc phụ lão trong cả nước để trưng cầu dân ý, hỏi về chủ trương hòa hay chiến khi quân Nguyên Mông xâm lược Việt Nam lần thứ 2.
Khác với hội nghị Bình Than trước đó, hội nghị Diên Hồng không bàn đến chiến lược, chiến thuật quân sự mà chỉ bàn đến việc nên đánh hay nên hòa.
Hội nghị Diên Hồng được xem như một hội nghị dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Các bậc phụ lão có thể coi là những đại biểu của dân. Sau hội nghị, chính các bậc phụ lão là những người đã truyền đạt lại chủ trương của nhà vua đến người dân.
Đại Việt sử ký toàn thư (của Ngô Sĩ Liên), bản kỷ toàn thư quyển 5 có viết:
“Thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến tiệc và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão điều nói "đánh", muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng”.
Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ toàn thư quyển 5 viết tiếp:
"Giặc Hồ vào cướp nước là nạn lớn nhất của đất nước. Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi đến ban yến hỏi kế ở các phụ lão hay sao? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, để dân chúng nghe theo lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa người xưa nuôi người già để xin lời hay vậy."
Nguồn: http://vi.wikipedia.org
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn