HAY hay DỞ là TẠI MÌNH

Thứ bảy - 04/09/2021 04:35 | Tác giả bài viết: Cổ Học Tinh Hoa |   381
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
HAY hay DỞ là TẠI MÌNH

HAY hay DỞ là TẠI MÌNH

Người có quốc giabất nhân thì không ai còn thể cùng nói với được nữa. Ta chỉ thấy họ giữ lấy sự nguy hiểm mà lại cho là yên, họ xô vào sự tai hại mà lại cho là lợi, họ xử cảnh diệt vong mà vẫn điềm nhiên lấy làm vui. Cái thứ người không còn thể cùng nói với được ấy, quá tệ đến như thế. Nếu họ bất nhân mà còn có thể nói với được, thì đã chẳng đến nỗi có những chuyện tan nhà, mất nước.

Ngày trước có đứa trẻ hát câu:

"Nước sông Thương Lang mà trong, thì ta dùng để giặt giải mũ; nước sông Thương Lang mà đục, thì ta dùng để rửa chân".

Đức Khổng Tử nghe thấy, bảo học trò rằng:

- Các con nên ghi lấy: Nước trong mới giặt giải mũ, đục thì chỉ để rửa chân, đều là do nước tự thủ cả.

Ôi! Việc thiên hạ cái gì mà chẳng bởi tự thủ! Người ta tất tự khinh mình trước rồi người ngoài mới khinh sau, nhà tất tự huỷ nhà trước rồi người ngoài mới huỷ sau, nước tất tự phạt nước trước rồi người ngoài mới phạt sau.

Cho nên thiên Thái giáp có câu:

"Giời làm tai vạ còn tu đức mà tránh được, tự mình làm tai vạ thì chẳng có thể sống được".

MẠNH TỬ

GIẢI NGHĨA

- Quốc gia: đời cổ chư hầu gọi là quốc, đại phu gọi là gia. Bây giờ dùng làm tiếng gọi một xứ có đất, có dân, có quyền thống trị.

- Bất nhân: mất hết lương tâm.

- Diệt vong: hết giống, mất nước.

- Điềm nhiên: im lặng không nghĩ gì đến cả.

- Tự thủ: mình tự làm mình không dự gì đến người khác.

- Tự khinh: mình tự làm đê tiện nhân cách của mình.

- Tự huỷ: tự mình làm cho mình hỏng nát.

- Tự phạt: tự mình phá hại làm cho mình tồi tàn.

- Thái giáp: tên một thiên trong kinh Thư.

- Tu đức: tu tỉnh làm cho có đức tốt.

NHỜI BÀN

Kẻ có quốc gia mà đã bất nhân thì tâm thần mê muội, công việc đảo điên, không còn biết phải, trái là gì nữa, nguy cũng mặc, tai cùng mặc, đến mất đứt cũng mặc. Kịp khi đã bại hoại, diệt vong rồi, thì lại đổ cho mệnh giời, qui tội cho người, có biết đâu là tự chính mình gây lên mối hoạ cho mình cả. Có thân không biết tu, có nhà không biết trị, có nước không biết hành chính, thế là khiến cho người ta khinh mình, bảo cho người ta phá mình, mời cho người ta đến đánh mình. Ôi! Sự biến cố mấy khi tự dưng mọc ra đâu, muôn sự do tự mình hết cả. Nên người có trách nhiệm giữ quốc gia nên nhớ lấy cái nghĩa "tự thủ" để tranh lấy cái tai "tự tác“.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Kẻ có quốc gia mà bất nhân thì chỉ biết “vinh thân phì gia”, ai chết mặc ai, không còn biết phải, trái là gì nữa. Đến khi bại hoại thì đổ lỗi cho giời, trốn tránh trách nhiệm, không dám đối diện với sự thật trong lòng mình.

Đó là hèn nhát! Thế nhưng có kẻ lại bảo là khôn. Đúng hay sai?!

DẠI KHÔN  
Tác giả: Trần Tế Xương 

Thế sự đua nhau nói dại khôn   
Biết ai là dại biết ai khôn?         
Khôn nghề cờ bạc là khôn dại  
Dại chốn văn chương ấy dại khôn      
Này kẻ nên khôn đều có dại     
Làm người có dại mới nên khôn         
Cái khôn ai cũng khôn là thế    
Mới biết trần gian kẻ dại khôn.

(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây