PHẢI BIẾT PHÒNG XA

Thứ ba - 11/01/2022 21:38 | Tác giả bài viết: Cổ Học Tinh Hoa |   625
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
PHẢI BIẾT PHÒNG XA

PHẢI BIẾT PHÒNG XA

Ông Biển Thước đến yết kiến Hoàn hầu nước Tề, đứng ngắm một lát, tâu rằng:

- Vua có bệnh ở trong bì phu, không chữa, sợ sau nặng.

- Hoàn Hầu bảo: Ta vô bệnh.

Biển Thước đi ra.

Hoàn Hầu nói: - Thầy thuốc này lý tài lắm! Muốn chữa người khoẻ để lấy công.

Mười hôm sau, Biển Thước vào yết kiến Hoàn Hầu lại nói:

- Vua có bệnh ở gan ruột, không chữa mau, sau khó lòng.

Hoàn Hầu không giả nhời, lấy làm không bằng lòng.

Biển Thước đi ra.

Cách mười hôm nữa, Biển Thước lại vào yết kiến Hoàn Hầu, vừa trông thấy, lùi chạy ra ngay.

Hoàn Hầu cho người gọi lại hỏi, vì cớ gì mà ra ngay như vậy.

Biển Thước tâu: - Bệnh ở bì phu còn châm trích được, bệnh ở gan ruột còn thuốc thang được, bệnh đã vào xương tuỷ, thì không tài nào chữa được nữa. Bây giờ bệnh nhà vua đã vào đến xương tuỷ, cho nên tôi không dám nói mà phải ra ngay.

Năm hôm sau, Hoàn Hầu phát bệnh, cho tìm Biển Thước, thì Biển Thước đã sang nước Tần rồi. Quả nhiên bệnh Hoàn Hầu không thầy nào chữa được nữa, Hoàn Hầu mất.

THANH LÊ TỬ

GIẢI NGHĨA

- Biển Thước: thầy thuốc hay có tiếng đời Xuân Thu.

- Bì phu: da, màng da.

- Lý tài: lập cách kiếm tiền.

- Châm trích: châm: kim nhể, trích: lửa đốt.

NHỜI BÀN

Theo như y học ngày nay, thì ta không rõ có cái bệnh nào mà lại tuần tự nhi tiến trước ở bì phu, sau vào gan ruột, sau nữa vào đến cốt tuỷ như nhời Biển Thước nói không.

Nhưng ta chỉ hay phàm bệnh gì cũng vậy, lúc mới phát ra, biết mà chữa ngay thì còn dễ, chớ để lâu ngày, thì tất khó hơn hoặc có khi quá lắm, không sao chữa được nữa.

Suy rộng ý bài này ra, ta lại có thể lấy việc bệnh tật mà so với việc thân, việc nhà, việc nước, có nhẽ đều như thế cả. Nghĩa là bất kỳ việc gì, nếu đã gọi là hư hỏng, thì phải sớm biết phòng xa ngay đi, hoặc còn chữa chạy được, chớ nên để lâu ngày quá, đợi khi nước đã đến chân thì dù có muốn sao, cũng không kịp được nữa.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Giữa tháng 8.2021, thời điểm TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội, sau một đêm sốt cao bất thường, tôi tự test nhanh và phát hiện dương tính với Covid-19.

Tôi từng nghĩ việc sẽ đối mặt với tình trạng F0 nhưng chưa bao giờ trải nghiệm cảm giác thật sự mà nó mang lại. Hoang mang, sợ hãi và lo lắng dồn đến liên tục.

Tôi như rễ cây bỗng nằm trên đất, bối rối khi nghĩ tới những dự định dở dang, những người thân chưa kịp bày tỏ hết lòng thành kính. Khi ấy, tôi sống cùng chị mình, chị tôi mới tiêm vắc xin mũi 1 được 1 - 2 ngày trước thời điểm tôi dương tính Covid-19. Chị hiểu bản thân có thể đã lây nhiễm nhưng vẫn khuyên tôi lạc quan, vững tinh thần để “chiến đấu”.

Đúng ngày thứ năm diễn biến bệnh, SpO2 của tôi giảm còn 92%, ngực tôi co thắt lại, hơi thở ngày một nặng nhọc, mắt lờ đờ. Tôi có dấu hiệu chuyển nặng. Như lời bác sĩ dặn, tôi uống thuốc và chuẩn bị tâm lý cấp cứu, thở ô xy. Tôi theo dõi cơ thể, cố gắng tập thở, vận động nhẹ. May mắn vài tiếng sau đó, SpO2 của tôi tăng lại và những ngày kế tiếp, tình trạng được cải thiện, phục hồi. Chị tôi cũng may mắn không bị trở nặng và các F1 của tôi không thành F0. Sau 14 ngày, tôi test Covid-19 âm tính.

Nhớ lại khoảng thời gian điều trị bệnh, phải vừa dùng thuốc, vừa tập thở, tập vận động, xông người, vệ sinh phòng ốc; khi nhìn quanh phòng chỉ có khẩu trang, nước muối, cồn, và những vỉ thuốc... tôi vẫn thấy rùng mình.

Nhưng, chính nhờ khoảng thời gian này, tôi có cơ hội sống chững lại, ăn đúng bữa, thay đổi những thói quen độc hại. Tôi nhận ra rằng hơi thở, sức khỏe quý giá biết nhường nào. Được sống, đôi khi là một đặc ân, khi xung quanh tôi, mỗi thời khắc người ta vẫn truyền tai nhau về những đứa trẻ mồ côi cha mẹ, những người già neo đơn vì mất đi con, người trực tiếp nuôi dưỡng...

Giai đoạn thích ứng an toàn với dịch, sinh hoạt của con người ổn định trở lại, nhưng dịch Covid-19 vẫn còn đó, với những biến thể nguy hiểm hơn. Số lượng người nhiễm bệnh vẫn tăng mỗi ngày, nhiều người trở nặng và tử vong dẫu đã tiêm 2 mũi vắc xin. Chúng ta phải dè chừng Covid-19, phòng vệ mình và 5K trong mọi lúc. Phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh vậy.

(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây