NGƯỜI KIẾM CỦI ĐƯỢC CON HƯƠU

Thứ năm - 18/11/2021 02:47 | Tác giả bài viết: Cổ Học Tinh Hoa |   676
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
NGƯỜI KIẾM CỦI ĐƯỢC CON HƯƠU

NGƯỜI KIẾM CỦI ĐƯỢC CON HƯƠU

Một người nước Trịnh đi kiếm củi ngoài đồng thấy có con hươu lạc, đón đánh chết được ngay. Anh ta sợ người ngoài trông thấy, bèn vội vàng giấu xác hươu vào trong hào cạn, lấy lá chuối phủ lên, trong bụng mừng rỡ không biết thế nào mà kể.

Chợt một cái, anh ta lú ngay chố giấu hươu bèn cho ngay là chuyện chiêm bao. Lúc gánh củi về, anh ta đi đường, thờ thẫn thở than và cứ một mình lẩm bẩm kể câu chuyện ấy.

Có một người đi cạnh nghe thấy, cứ theo nhời kể mà tìm được hươu, đưa về, bảo vợ rằng:

"Lúc nãy anh kiếm củi mộng bắt được hươu mà không biết ở chỗ nào, bây giờ ta tìm được, thế thì hắn là kẻ mộng thật.”

Vợ nói: Hay là chính anh mộng thấy người kiếm củi bắt được hươu. Chớ làm gì có người kiếm củi thật. Bây giờ anh bắt được hươu thật, thế là mộng anh thật chăng.

Chồng bảo: “Đây ta cứ biết được hươu là được hươu cần gì phải biết rằng ta mộng hay hắn mộng nữa".

Anh kiếm củi về nhà, trong bụng tấm tức băn khoăn về việc mất hươu. Đêm hôm ấy nằm mộng thấy chỗ mình giấu hươu và thấy cả người bắt được hươu. Đến sáng cứ theo như mộng, rồi tìm ra được, mới đem lên quan sĩ sư kiện để đòi lại hươu.

Quan xử rằng:

"Mày trước thật là bắt được hươu lại hoảng lên cho là mộng, sau mày mộng tìm thấy hươu lại hoảng lên cho là thực. Còn thằng kia thật là lấy hươu mà tranh nhau với mày thì vợ nó lại tưởng là mộng được hươu của người ta chớ không ai bắt được hươu thật cả. Bây giờ rõ ràng là có con hươu đây, thôi chia đôi cho mỗi bên một nửa".

Cái án ấy sau tâu lên vua nước Trịnh.

Vua nói rằng: "Hừ! Quan án cũng lấy mộng mà xử cái kiện con hươu ư!" Rồi cho đòi thủ tướng đến hỏi. Thủ tướng tâu rằng:

Mộng cùng chẳng mộng tôi không thể phân biện được. Muốn phân biện mộng hay giác thì chỉ có ông Hoàng đế, ông Khổng Tử mà thôi. Bây giờ không có hai bực ấy, thì ai phân biện ra được?

Thôi, xin cứ y như nhời xử đoán của quan sĩ sư là xong.

LIỆT TỬ

GIẢI NGHĨA

- Trịnh: nước nhỏ thời Xuân Thu, ở vào huyện Tân Trịnh một phần đất phủ Khai Phong tỉnh Hà Nam ngày nay.

- Hào: vụng nước bọc chung quanh thành (chỗ lấy đất đắp thành mà thành vụng).

- Mộng: tức là chiêm bao, nghĩa là những công chuyên hiện ra, hay tinh thần cảm giác điều gì trong lúc người ta ngủ.

- Sĩ sư: chức quan tra xét việc ngục tụng.

- Mộng thật: chiêm bao thế nào, sau có thật như thế.

- Hoảng: ù mờ không biết đích thật.

- Hoàng đế: một bực thánh đế đời cổ, thay vua Thần Nông cai trị nước Tàu.

- Khổng Tử: người nước Lỗ, về thời Xuân Thu, tên là Khâu, tự là Trọng Ni, ông tổ Nho học.

NHỜI BÀN

Đánh chết được thật hươu lại đem giấu cẩn thận, vì quên mất chỗ giấu mà cho là mộng. Thế là thực mà hoá ra mộng. Lấy tranh hươu của người, đem về tận nhà, vì vợ không thấy người kiếm củi đâu, mà cho là thực. Ôi! Như thế thì chẳng ra sự mộng và sự thực không có gì để phân biệt tách bạch hẳn ra ư. Hay ở đời có lắm cái như thực mà là mộng cả, lại có lắm cái tưởng mộng mà là thực cả. Tác giả chính có ý muốn bày tỏ sự mộng, sự thực ở đời là như thế. Họ Thích còn cho cả cuộc đời là một giấc mộng nữa là.

Còn câu cuối bài, tác giả có ý bác ông Hoàng Đế và ông Khổng Tử cứ như muốn giáo hóa người đời cho ở đời cái gì cũng là thực cả.

Tự xưa đến nay, ở đâu mà chẳng là thật, việc gì mà chẳng là chiêm bao, chẳng qua như truyện được hươu mất hươu, tìm thấy hươu, kiện nhau hươu. Nghĩ cho cùng, tưởng cũng đáng thương.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Đa số mọi người chúng ta đều cho rằng sự phân biệt giữa mộng và thực không khó. Dễ quá mà! Mộng thì chỉ là ảo tưởng. Còn thực thì sờ mó nắm bắt được, ngửi nếm ăn uống được, tiêu hóa tăng trưởng được. 

Tuyệt đại đa số chúng ta đều cho là như thế, không mảy may nghi ngờ. Song không phải tất cả đều nghĩ như vậy. Có những nhà triết học như Trang Tử hay nhà khoa học như Descartes không nghĩ như vậy. Một số triết gia theo trường phái hoài nghi (philosophical scepticism) cũng không nghĩ như vậy.

Pyrrho người xứ Elis (hay Eleia, vùng đất phía nam của Hy Lạp ngày nay) cho rằng người ta chỉ sống trong thế giới hiện tượng không thể khẳng định đâu là chân lý. Descartes, nhà toán học và triết học Pháp thế kỷ 18, hoài nghi rằng không thể phân biệt được đâu là giấc mơ, đâu là sự thật. Vô tình, sự hoài nghi của Descartes rất giống với hoài nghi của Trang Chu, triết gia Trung Quốc cổ đại, nổi tiếng với giấc mơ hồ điệp. Ông không thể khẳng định mình là Trang Chu nằm mơ thấy mình hoá thành con bướm hay mình là con bướm nằm mơ thấy hoá thành Trang Chu.

Mộng và Thực

Mộng đời như những cuộc tỉnh say
Hạ đến thu sang một nhíu mày
Đông tàn cho nắng Xuân ấm áp
Tóc đã phai màu ai có hay?

Thoảng đến thoảng đi bạn nghĩ gì
Diệt sinh sinh diệt, đó là chi
Em ơi dừng lại phù du đó
Tỉnh thức quay về chớ vội đi.

Và như ngày tháng chợt qua mau
Tóc đó thôi xanh đã nhuốm màu
Tay không ôm cả trời sinh diệt
Vẫn đỏ trong hồn những nỗi đau.

Rồi như tỉnh ngộ hết cơn say
Thoáng thấy trong tâm bóng Phật đài
Mỉm cười cho kiếp nhân sinh ấy
Thức ngộ quay về ai hỡi ai!


Thiên Xứng

(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây