MUA XƯƠNG NGỰA

Thứ bảy - 24/07/2021 04:21 | Tác giả bài viết: Cổ Học Tinh Hoa |   1147
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
MUA XƯƠNG NGỰA

MUA XƯƠNG NGỰA

Nước Tề đánh nước Yên, giết được vua Yên. Người Yên lập thái tử, tên là Bình lên làm vua tức là vua Chiêu Vương.

Chiêu Vương lên ngôi, thương dân, lo việc nước, cầu người hiền tài. Một hôm, bảo Quách Ngỗi rằng:

- Nước Tề nhân dịp nước ta loạn, sang đánh lấy nước ta. Ta biết rõ ràng nước ta nhỏ, dân ta yếu, thực khó lòng mà báo thù. Song nếu được những người giỏi cùng lo toan việc nước may mà rửa sạch sự xấu hổ của tiên vương được chăng. Chí nguyện quả nhân như vậy, tiên sinh xem ai là người giỏi để ta cùng lo toan việc nước thì hay.

- Ngỗi nói: Xưa có ông vua đưa nghìn vàng cho người nội thị đi mua con ngựa chạy ngày nghìn dặm. Khi đến, ngựa ấy đã chết, anh ta mua bộ xương ngựa năm trăm nén vàng đem về. Vua thấy thế giận lắm. Anh ta thưa: "Ngựa chết còn quí mà mua như vậy huống chi là ngựa sống. Tôi chắc thế nào nay mai người ta cũng đem ngựa hay đến bán cho nhà vua". - Quả nhiên không đầy một năm mà người ta đem ngựa hay đến bán đã ba bận... Nay thì vua muốn được người giỏi, thì trước hãy dùng tôi. Người giỏi hơn tôi thấy thế há có ngại xa mà không lại ư?

Vua Chu Vương lập tức dùng Quách Ngỗi, kính trọng Quách Ngỗi như thầy. Quả nhiên không bao lâu, những người giỏi các nơi tranh nhau sang nước Yên.

Vua Chiêu Vương uỷ thác việc nước cho những người ấy. Sau nước Yên thành một nước cường thịnh thật.

CHU SỬ 

GIẢI NGHĨA

- Tề: tên một nước mạnh đời Chiến quốc ở vào tỉnh Sơn Đông ngày nay.

- Yên: tên một nước đời Chiến quốc ở vào Phụng Thiên, Trực Lệ và phía bắc Triều Tiên ngày nay.

- Thái tử: con cả vua, ngày sau lên nối ngôi vua.

- Chí nguyện: tâm tâm niệm niệm ước ao một việc.

- Nội thị: chức quan hầu cận nhà vua.

- Uỷ thác: giao cho công việc và nhờ cậy làm giúp.

NHỜI BÀN

Có bỏ năm trăm nén vàng ra mua bộ xương ngựa, sau mới có ngựa hay mà dùng; có dùng Quách Ngỗi là người ít tài và ở gần trước, sau mới có người thật hiền tài ở xa cầu đến. Cái lối ấy là lối quyền mưu trí thuật của bá giả đời bấy giờ, để quyến dẫn lấy nhân tài trong thiên hạ.

Đọc bài này, ta đáng khen Quách Ngỗi đã tìm được câu thí dụ hay để tự tiến lấy mình mà nhất là khi được tin dùng, lại hết lòng báo đáp, không phụ sự uỷ thác của Chiêu Vương.

Ta lại đáng phục Chiêu Vương là biết nghe Quách Ngỗi mà nhất là biết cố ý lo toan báo thù cho tiên vương, và dụng tâm làm cho cố quốc được cường thịnh.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Câu chuyện Mua xương ngựa là chuyện cổ, được lưu truyền như sau:

Ngày xưa, có một ông vua rất thích ngựa thiên lý. Vua đã phái người đi khắp nơi để tìm kiếm, nhưng suốt 3 năm trôi qua mà vẫn không tìm được một con ngựa thiên lý nào.

Một vị đại thần tự nguyện đứng ra đảm nhiệm việc này. Ông ta tâu với vua:

– Tâu bệ hạ, bệ hạ chỉ cần giao cho thần một nghìn hai trăm lượng vàng, thần sẽ mua về cho bệ hạ một con ngựa thiên lý.

Nhà vua rất vui mừng, giao cho ông ta một nghìn hai trăm lượng vàng. Vị đại thần đi khắp nơi, hỏi thăm nhiều người, cuối cùng cũng có tin về một con ngựa thiên lý. Nhưng khi vị đại thần tìm được đến nơi thì con ngựa đã chết. Vị đại thần nghĩ, giờ mà quay về tay không thì biết ăn nói làm sao. Thế là ông ta bèn bỏ ra 500 lượng vàng để mua xương của con ngựa chết. Trở về hoàng cung, vị đại thần tâu với nhà vua rằng ông ta đã mua được ngựa thiên lý. Nhà vua rất đỗi vui mừng, sai dắt ngựa ra cho vua xem.

Vị đại thần mở một chiếc bao lấy xương ngựa ra dâng lên vua. Nhà vua nổi giận, bảo:

– Cái trẫm cần là một con ngựa sống cậy được ngàn dặm một ngày. Khanh lại mang về một đống xương ngựa vô dụng. Khanh định đùa giỡn với trẫm sao?

Vị đại thần bình tĩnh nói:

– Nếu người ta biết bệ hạ dám bỏ 500 lượng vàng ra để mua xương của một con ngựa thiên lý đã chết, thì lo gì không có người mang ngựa thiên lý đến dâng cho bệ hạ.

Nhà vua không tin lắm, nhưng cũng không trách tội vị đại thần nữa. Tin đó được truyền đi, người ta đều tin đức vua là một người yêu ngựa thiên lý thật sự. Chẳng bao lâu sau, nhà vua đã được dâng tặng những con ngựa thiên lý tốt nhất.

Lời bàn: Làm bất kỳ điều gì cũng không nên chỉ nói miệng, mà phải thể hiện thành ý và có hành động cụ thể, như thế mới được người khác tin tưởng và nể phục.

Có bỏ ra nghìn lượng vàng để mua bộ xương ngựa, sau mới có ngựa hay mà dùng. Nếu ta trọng dụng những kẻ quanh ta trước, sau kiểu gì cũng có người tài năng ở xa tự tìm đến đến.

Lại nói chuyện xưa, vua Chiêu Vương nước Yên, lúc mới lên ngôi cũng gặp khó khăn muôn trùng, không có mấy người theo giúp sức. Chiêu Vương lắng nghe lời khuyên của cận thần, trọng dụng người gần mình là Quách Ngỗi, kính trọng Quách Ngỗi như thầy.

Tin tức được truyền đi khắp nơi. Quả nhiên không bao lâu sau, những người giỏi ở khắp các nơi tranh nhau sang nước Yên để giúp sức. Vua Chiêu Vương uỷ thác việc nước cho những nhân tài ấy. Nhờ có vậy, nước Yên nhanh chóng trở thành một nước cường thịnh.

Đây chính là bài học mà người xưa để lại, để thu hút nhân tài trong thiên hạ.

Hiện nay, việc tuyển dụng được nhân lực xuất sắc, không chỉ hoàn thành công việc mà còn giúp cho tổ chức, công ty, doanh nghiệp phát triển là một công việc vô cùng khó khăn. Vấn đề không phải là xã hội thiếu nhân tài, mà là nhân tài không tìm đến với ta. Tại sao người tài lại không tìm đến, vì họ lo lắng ta sẽ không biết trọng dụng, sợ tài năng của họ bị phí phạm.

Nếu muốn chiêu mộ nhân tài, muốn họ cống hiến cho mình, ta phải thể hiện được rằng mình thật sự cần và trọng dụng các tài năng xung quanh ta, thể hiện rõ nhất ở điểm mình đối xử tốt, trọng dụng những người đang làm việc cho mình.


(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây