LƯỠI VẪN CÒN

Thứ bảy - 19/09/2020 03:08 |   737
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
Trương Nghi
Trương Nghi

LƯỠI VẪN CÒN

Trương Nghi lúc hàn vi, thường theo hầu rượu tướng nước Sở.

Một hôm, tướng Sở mất ngọc bích, môn hạ ai nấy đều ngờ cho Trương Nghi, đánh đập tàn tệ. Trương Nghi không phục tình. Lúc được tha, giở về nhà, vợ thấy thế bảo rằng:

- Than ôi! Giá chàng học hành biết du thuyết, thì không đến nỗi nhục nhằn như thế.

Trương Nghi há mồm to, hỏi vợ rằng:

- Nàng thử xem cái lưỡi của ta có còn không?

- Vợ cười, nói: Lưỡi vẫn còn.

- Trương Nghi bảo: Thế thì được.

Rồi sau Trương Nghi quả nhiên thành ra một nhà du thuyết giỏi có tiếng thời bấy giờ.

TRƯƠNG NGHI TRUYỆN

GIẢI NGHĨA

- Trương Nghi: người nước Ngụy là một nhà du thuyết giỏi đời Chiến quốc.

- Hàn vi: nói lúc còn nghèo hèn, không có thế lực gì.

- Ngọc bích: thứ ngọc đẹp, nhẵn hình tròn và có lỗ.

- Phục tình: chịu cho thế là phải, là đúng sự thực.

- Du thuyết: bàn luận một cách khôn khéo, khiến người phải siêu lòng nghe theo. Tiếng xưa dùng để chỉ những người có tài biện luận về việc chính trị, giao thiệp các nước chư hầu về đời Chiến quốc.

NHỜI BÀN

Phàm người ta thường có bị sỉ nhục, thì mới phẫn phát. Khi đang phát phẫn mà có ai khích cho một câu, thì tất phải cố công, gắng sức làm cho đã như rửa được cái nhục và nên công, nên việc.

Trương Nghi đây sở dĩ mà thành được một nhà du thuyết giỏi, tuy là sự tài mình làm nên, nhưng cũng là vì có kẻ làm nhục, là nhờ có vợ khuyến khích thêm cho nữa. Vậy nên ở đời những kẻ thù nghịch, sỉ nhục mình thường có khi lại chính là kẻ giúp cho mình làm nên vậy.
 

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Ở đời những kẻ thù nghịch, sỉ nhục mình thường có khi lại chính là kẻ giúp cho mình làm nên vậy.

Tuân Tử đã dạy cho chúng ta một bài học quý giá: “Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà người khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve nịnh bợ chính là kẻ thù của ta vậy.”

Lưu Bình và Dương Lễ

Lưu Bình và Dương Lễ là hai người bạn tâm giao từ thuở thiếu thời. Dương Lễ nhà nghèo, còn Lưu Bình giàu có nên đã đưa bạn về nhà ở, ăn cùng mâm, học cùng đèn, tình bạn hữu rất là tương đắc.

Dương Lễ biết phận mình là con nhà nghèo nên ra sức học, còn Lưu Bình cậy mình có của nên lười biếng, ham chơi. Ðến khoa thi, Dương Lễ thi đậu được bổ ra làm quan. Còn Lưu Bình thì thi rớt nên sinh ra chán nản, ăn chơi hơn trước, thi mãi không đậu, tiền của tiêu mãi rồi cũng hết.

Trong lúc đó, Lưu Bình nhớ đến người bạn thuở thiếu thời là Dương Lễ, hiện đang làm quan lớn nên tìm đến mong nhận được sự trợ giúp của bạn. Cay đắng thay, Dương Lễ lánh mặt không tiếp, chỉ dọn mâm cơm hẩm với đĩa cà thâm để đãi.

Lưu Bình tức giận tủi nhục ra về, dọc đường ghé lại quán trọ, làm quen với một cô gái xinh đẹp, đằm thắm tên là Châu Long đang kén chồng. Nghe Lưu Bình bị trượt hai kỳ thi, Châu Long kiếm lời an ủi, khuyên Lưu Bình nên bền chí. Nàng sẽ lo liệu mọi việc để cho Lưu Bình yên lòng ăn học, giao hẹn khi nào thi đỗ mới tính việc nên duyên vợ chồng. Trai tài gái sắc cùng sống chung một nhà, có khi Lưu Bình không nén được lòng, muốn thể hiện tình cảm nhưng Châu Long cương quyết từ chối, nàng nhắc lại lời giao hẹn lúc mới gặp nhau.

Nhờ sự động viên, giúp đỡ của Châu Long nên Lưu Bình ráng sức học hành tiến bộ, đến khoa thi năm đó thì đỗ Trạng nguyên. Nhưng khi trở về nhà, Lưu Bình không thấy Châu Long đâu nữa. Hỏi thăm khắp nơi, không ai biết nàng ở đâu. Lưu Bình cũng không hiểu vì sao Châu Long lại biến mất vào lúc mình đã hiển đạt, nên đâm ra lo lắng, đau khổ, nhớ thương.

Lưu Bình tìm đến thăm Dương Lễ hằng mong rửa nỗi nhục mà Dương Lễ đã gây ra cho mình trước kia. Dương Lễ vui vẻ đón tiếp và bất ngờ giới thiệu nàng Châu Long chính là thiếp thứ ba của mình. Lưu Bình hiểu ngay rằng trước đây Dương Lễ sở dĩ bạc đãi là để khích khí mình, sợ mình không có nơi nương tựa mà bê trễ việc học hành, rồi sai vợ lẽ là Châu Long thay mặt đi giúp đỡ mình ăn học cho thành tài. Từ đó Lưu Bình và Dương Lễ sống với nhau thân tình, khắng khít hơn xưa.

(Nguồn: https://vi.wikipedia.org)


(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây