NUÔI MẸ BẰNG ĐIỀU PHẢI

Thứ sáu - 21/08/2020 05:44 |   795
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
NUÔI MẸ BẰNG ĐIỀU PHẢI

NUÔI MẸ BẰNG ĐIỀU PHẢI

Roãn Thuần lúc nhỏ học ông Trình Di, thường chỉ cốt theo nghe khoa cử.

Có một khoa thi Tiến sĩ, ông đã vào đến kỳ văn sách đầu bài ra có câu "Chu Nguyên Hựu chư thần" nghĩa là giết các bầy tôi đời Nguyên Hựu. Ông bỏ bài không làm, đi ra.

Khi về, ông thưa với thầy là ông Trình Di rằng: Từ nay, con không đi thi Tiến sĩ nữa.

- Ông Trình Di nói: Ngươi còn mẹ già kia mà.

Roãn Thuần về thưa chuyện thi cử với mẹ và nhắc lại cả câu thầy học bảo.

Bà mẹ nói:

- Ta muốn con lấy điều phải mà nuôi ta hơn là lấy bổng lộc không ra gì mà nuôi ta.

Ông Trình Di nghe thấy câu ấy khen rằng: “Giỏi thay một người mẹ như thế!”

"TỔNG SỬ, ROÃN THUẦN TRUYỆN"

GIẢI NGHĨA

- Roãn Thuần: người đời Tống, học giỏi nết tốt mấy lần vua triệu, từ chối không ra làm quan.

- Trình Di: tức là Trình Y Xuyên một bậc danh nho đời Tống.

- Khoa cử: dùng từng khoa để chọn lấy người.

- Văn sách: bài hỏi để học trò giải quyết.

- Tiến sĩ: người tài học giỏi đáng tiến lên để chịu tước lộc. Tiếng thường dùng để gọi người thi đỗ ở Kinh.

- Bổng lộc: tiền thóc Nhà nước cấp cho quan lại.

NHỜI BÀN

Như Roãn Thuần đấy sở dĩ mà không muốn đi thi, là vì đầu bài ra trái ngược hẳn với nhẽ phải. Bầy tôi đời Nguyên Hựu vốn là người giỏi, mà lại bảo đem giết, đầu bài mà ra như thế, là có ý muốn cho bọn đi thi đỗ, sau này tức là bọn quan trường, phải bác đời Tống Triết Tôn đi để nâng cái đời bấy giờ là đời Tĩnh Khang lên. Còn như Trình Di đây sở dĩ như có ý khuyên bảo nên đi thi, là vì bụng nghĩ Roãn Thuần còn mẹ già phải phụng dưỡng. Thói thường cha mẹ cho con ăn học, ai là người không muốn cho con đi thi lấy đỗ, đã kiếm được chút lương bổng nuôi nấng mình, lại còn làm nên chút công danh vẻ vang cho cả nhà, cả họ.

Kịp đến bà mẹ sở dĩ bảo Roãn Thuần như thế, là bà biết trọng việc nghĩa hơn là danh lợi. Một câu bà dạy con khiến cho Trình Di là một nhà hiền triết còn phải phục phải khen, thì há chẳng đáng làm cho những cha mẹ có con thi đỗ, chỉ mong cho con được chút danh phận, bất phân, danh phận ấy thật hay giả, hay hay dở, phải suy xét cân nhắc rồi hãy đặt để cho con ru!

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Có những trường hợp tham nhũng, làm thất thoát hàng trăm tỉ đồng mà chỉ phạt nhẹ hều. Thế nên không ít người sẵn sàng chấp nhận hy sinh đời bố, củng cố đời con.
Nhưng khi người con lớn lên, biết chuyện bố tham nhũng để nuôi mình ăn học thì người con sẽ nghĩ gì?
Chắc chắn cũng sẽ nói như bà mẹ Roãn Thuần: "Ta muốn lấy điều phải mà nuôi ta hơn".

 

(xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

THẮC MẮC
Tham nhũng là gì?

GIẢ NHỜI

Tham nhũng là tham ô, hối lộ, lấy của công về làm của nhà mình.
“Tội tham ô, nhận hối lộ chúng ta quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS) là tử hình, nhưng thực tế không xử lý được bao nhiêu cả. Dân bảo các ông chỉ hô hào thôi chứ có làm được đâu? Nghiêm minh tức là tham ô 4 - 5 tỷ đồng trở lên là phải tử hình", đại biểu (ĐB) Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao nêu ý kiến tại phiên thảo luận về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) chiều 26/5/2015. (Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/khong-de-hy-sinh-doi-bo-cung-co-doi-con-1433550780.htm)


(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây