RỬA TAI
Đời thượng cổ có ông Hứa Do là một nhà ẩn dật ở trong chằm Bái trạch.
Vua Nghiêu nghe tiếng là người giỏi, mời ra, xin nhường cả thiên hạ. Hứa Do từ chối, lui về ẩn tại núi Trung nhạc, phía nam sông Dĩnh Thủy.
Sau, vua Nghiêu lại tìm đến, cố mời Hứa Do ra làm tổng trưởng cả chín châu. Hứa Do thấy vậy, không muốn nghe chuyện nữa, ra bờ sông Dĩnh Thủy rửa tai. Ngay lúc bấy giờ, Sào Phủ đang dắt trâu xuống bờ sông, gặp Hứa Do hỏi:
Vì việc gì mà bác phải rửa tai như vậy?
Hứa Do thuật chuyện. Sào Phủ liền gò cổ trâu lại mà nói rằng:
- Ta toan cho trâu uống nước, lại e bẩn cả miệng trâu.
Nói đoạn, dắt trâu lên quãng sông trên cho trâu uống.
CAO SĨ TRUYỆN
- Thượng cổ: đời xưa, đã xa ta lắm.
- Hứa Do: bậc cao sĩ đời thượng cổ.
- Ấn dật: người tránh xa danh lợi, ở lánh một nơi cho yên nhàn,
- Bái trạch: chỗ có cây mọc bùm tum gọi là bái, chỗ nước đọng nhiều gọi là trạch.
- Nghiêu: xem bài trên.
- Thiên hạ: mặt đất ở khắp gầm giời, người Tàu xưa cho nước mình và mấy nước chung quanh là thiên hạ.
- Tổng trưởng: chức quan to đầu cả các quan, thay vua hành chính.
- Chín châu: đời thượng cổ nước Tàu chia ra làm chín khu để cai trị.
- Sào Phủ: bậc cao sĩ đời thượng cổ, không ưa thế lợi, ẩn ở trong núi, lấy cây làm tổ nằm ở trên cho nên gọi là Sào phủ (Sào nghĩa là tổ).
- Cao sĩ truyện: sách của Hoàng Phủ Mật đời nhà Tấn soạn kể truyện những bậc cao sĩ ẩn dật đời xưa bên Tàu.
Có cả thiên hạ cố nhường cho người là lạ. Người nhường thiên hạ cho, mà không nhận cũng là lạ. Nghe thấy câu chuyện nhường thiên hạ cho làm chuyện bẩn, phải đi rửa tai, lại lạ hơn. Không để cho trâu uống cái nước đã rửa tai ấy, sợ bẩn miệng trâu càng lạ quá nữa.
Ôi!, Đọc bài này, tưởng như Hứa Do với Sào Phủ là hai người, nếu chẳng ngông cuồng, thì cũng gàn dở. Nhưng vì Hứa Do và Sào Phủ không muốn để cái danh lợi lụy đến thân, chỉ ưa chuộng sự an nhàn làm vui sướng, thì cũng là những bậc cao sĩ thờ một cái chủ nghĩa đáng kính vậy. Những phường tham danh, trục lợi nên lấy đó mà làm gương.
Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928
NHỜI BÌNH
May mà Sào Phủ kịp gò cổ trâu lại không cho trâu uống nước, không thì bẩn cả miệng trâu, lại e rằng dính vi-rút lở mồm long móng thì nguy tai!!! nguy tai!!!
(xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
THẮC MẮC
Lở mồm long móng là gì?
GIẢ NHỜI
(xin gửi thêm Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn