TÊN TÙ NƯỚC SỞ

Chủ nhật - 30/08/2020 21:01 |   750
Năm 2019, Trang Nhà đã giới thiệu đến độc giả CỔ HỌC TINH HOA Quyển Nhất. Nay, xin kính mời tham khảo tiếp Quyển Nhị. (xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)
TÊN TÙ NƯỚC SỞ

TÊN TÙ NƯỚC SỞ

Chung Nghi là người nước Sở bị nước Trịnh bắt nộp sang nước Tấn. Nước Tấn đem bỏ vào tù.

Một hôm vua Cảnh Công đòi ra, cho cởi trói, gọi đến tận nơi uý lạo, rồi hỏi:

- Ông cha nhà ngươi xưa nay làm nghề gì?

- Chung Nghi thưa: Ông cha tôi xưa nay làm nhạc quan.

- Thế ngươi có biết nhạc không?

- Cha tôi xưa làm chức ấy, tôi nay vẫn giữ nghiệp nhà, đâu dám sao nhãng.

Cảnh Công đưa cho đàn cầm, bảo gảy một khúc. Chung Nghi gảy thuần tiếng Nam, tức là tiếng nước Sở. Nghe xong, Cảnh Công nói:

- Vua Sở là người thế nào?

- Chưng Nghi thưa: Tôi trí khôn hèn kém, không đủ biết được thịnh đức của quân vương nước tôi.

Cảnh Công hỏi đi, hỏi lại hai ba lần.

Sau Chung Nghi phải thưa:

- Quân Vương tôi, khi còn làm Thái tử, nghe nhời quan ; quan Bảo dạy dỗ, buổi sáng đến chơi với Anh Tề, buổi chiều đến chơi với Tử Phản. Tôi biết có thế, còn việc khác tôi không được rõ.

Cảnh Công đem chuyện ấy nói cho Phạm Văn Tử nghe. Văn Tử thưa:

- Tên tù nước Sở như thế thật là một bậc quân tử. Chức nghiệp vẫn giữ nếp nhà, là người không quên gốc; âm nhạc vẫn giữ tiếng Nam, là người không quên nước; khen vua Sở mà khen tính tự nhiên là vô tư; nói với nhà vua đây, mà gọi hẳn tên hai quan khanhtôn quân. Không quên gốc là "nhân", không quên nước là "tín", vô tư là "trung", tôn quân là "mẫn". Nhân, thì xử được việc; tín, thì giữ được việc; trung, thì nên được việc; mẫn, thì xong được việc. Có bốn đức ấy, việc to đến đâu làm cũng phải xuôi, sao nhà vua không giao giả tên tù ấy cho nước Sở, để hắn về yêu kết việc hòa hiếu của nước Tấn, nước Sở với nhau?

Cảnh Công theo nhời Văn Tử, hậu đãi Chung Nghi, đưa về nước Sở để cầu việc hòa hiếu.

TẢ TRUYỆN

GIẢI NGHĨA

- Sở: một nước nhớn thời Xuân Thu ở vào vùng Hồ Bắc, Hồ Nam bây giờ.

- Tấn: cũng là một nước nhớn thời Xuân Thu ở vào tỉnh Sơn Tây và một phần Trực Lệ bây giờ.

- Uý lạo: dùng nhời êm ái để yên ủi người ta.

- Nhạc quan: chức quan giữ việc âm nhạc.

- Thịnh đức: đức tốt đức hay.

- Thái tử: con cả vua.

- Sư, bảo: hai chức quan dạy thái tử học.

- Vô tư: không có lòng tà khúc.

- Khanh: một chức quan to đời cổ.

- Tôn quân: kính trọng vua nước mình.

- Mẫn: mau mắn, nhanh chóng.

- Yêu kết: cầu thân muốn liên hợp với nhau.

- Hòa hiếu: thoả thuận và yêu mến nhau.

- Hậu đãi: xử một cách rất tử tế.

NHỜI BÀN

Tên tù này không phải vì phạm tội thường mà bị tù, nhưng vì việc nước mà bị nước khác bắt tù. Khi đã bị bắt, người ta tra hỏi, không rối trí, cứ ung dung đối đáp rất thông hoạt, và có ý vị khiến cho vua tôi nước ngoài nghe thấy phải khen, phải phục, như thế thì chẳng là vì một cái trí lự khí khái của mình, mà mình được thoát nạn, nước mình cũng được nhàn đấy mà thêm tôn lên ru! Ôi! Một nước được một tên tù giỏi mà kiến trọng, huống chi là có bao nhiêu hiền tài thì nước được mong cậy biết là bao. “Quốc hữu nhân tắc thực“ nghĩa là trong nước có người giỏi, thì nước như đầy; câu trong sách dạy quả là đúng lắm.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn
theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928


NHỜI BÌNH

Sử nước ta có Trần Bình Trọng, vị tướng anh hùng khẳng khái với câu nói bất hủ: "Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc".

Trần Bình Trọng (1259 - 1285) là danh tướng thời Trần, có công lớn hộ giá bảo vệ cho hai vua Trần (Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông) trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ hai. Ông hy sinh khi chặn quân Nguyên ở bãi Thiên Mạc], được truy phong làm Bảo Nghĩa Vương.


Tháng 1 năm 1285, 50 vạn quân Nguyên-Mông do Trấn Nam Vương Thoát Hoan, con trai của Hoàng đế nhà Nguyên Hốt Tất Liệt, cầm đầu chia quân làm hai cánh tấn công xâm lược Đại Việt. Quân Nguyên Mông là đạo quân cực kỳ thiện chiến, nhanh chóng chiếm ưu thế tuyệt đối trước quân Đại Việt, ít hơn và không quen chiến trận. Sau thất bại, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn quyết định lui quân về giữ Vạn Kiếp (nay thuộc vùng Vạn Yên, Chí Linh, Hải Dương). Sau đó, quân Đại Việt lui về Thăng Long, nhưng cũng không giữ được trước sức tấn công ồ ạt của quân Nguyên.

Hưng Đạo Vương quyết định rút khỏi Thăng Long, lui về Thiên Trường (nay là tỉnh Nam Định). Trần Bình Trọng được Hưng Đạo Vương và hai vua Trần giao cho một nhiệm vụ nặng nề: giữ vùng Đà Mạc - Thiên Mạc, ngăn chặn và cầm chân quân Nguyên, cho quân kháng chiến rút lui an toàn và bí mật, không để lại dấu vết.

Tư lệnh quân Nguyên là Thoát Hoan đặc biệt ưu tiên cho cánh quân truy đuổi này với hai đạo cả thủy lẫn bộ đều do những tướng giỏi, hữu thừa Khoan Triệt và tả thừa Lý Hằng cùng Ô Mã Nhi, chỉ huy, đều dùng quân khinh kỵ và thuyền nhẹ để truy đuổi bằng được hai vua Trần.

Trần Bình Trọng đã tổ chức cuộc đánh chặn ngay tại bãi Thiên Mạc. Do sự chênh lệch quá lớn về quân số, Trần Bình Trọng bị bắt, nhưng trận đánh là một thắng lợi quan trọng về mặt chiến lược.

Sau khi bắt được Trần Bình Trọng, tướng Nguyên tìm mọi cách để khai thác thông tin, dọa nạt, dụ dỗ ông. Tuy nhiên, Trần Bình Trọng kiên quyết không khuất phục. Khi được hỏi có muốn làm vương đất bắc không, Trần Bình Trọng khẳng khái trả lời:

"Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì có một chết mà thôi, can gì mà phải hỏi lôi thôi."

Đó là một trong những câu nói nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam, trở thành một trong những biểu tượng của tinh thần yêu nước của dân tộc.

 

(xin gửi Nhời Bình qua email: binhbalme@gmail.com)

 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây