Chuyện đời thường - Cá kho tộ

Thứ bảy - 28/03/2020 02:40 |   622
(BBT)- Có những câu chuyện đời thường, không kể ra thì chẳng ai biết. Khi kể ra thiên hạ lại bảo có chi lạ đâu mà kể. Nhưng vẫn cứ phải kể để chia sẻ, để cùng vui, để cùng buồn... Đó là những câu chuyện đời thường của nhà Lê Bảo Tịnh...
Chuyện đời thường - Cá kho tộ
Chuyện đời thường - Cá kho tộ
[10.10.2011 08:14]
 
* Gặp lại Cha Matthêu Nguyễn Văn Hiền (lớp Truyền Tin) vào ngày tang lễ Đức Cha Giuse. Trong sự sẻ chia mất mát người Cha, người Thầy kính yêu, mình đồng thời cảm thấy ấm lòng khi tay trong tay thắt chặt tình nghĩa anh em. Dễ cũng hơn ba mươi mấy năm xa cách, có nhiều lúc vì cuộc sống truân chuyên, bươn chải làm mình nghĩ sẽ không bao giờ gặp lại một số anh em nhà họ Lê. Vậy mà trái đất tròn! Chúng ta lại tìm về bên nhau.
Không nói chuyện được nhiều, nhưng chỉ với vài ba câu thăm hỏi mà cả 2 anh em cảm thấy thật gần gũi, gắn bó. Cha Hiền cho biết: dù coi xứ ở dưới miền Nam xa xôi nhưng lúc nào lòng cũng nhớ về Banmê, nhớ về mái nhà chủng viện thân thương. Mình hỏi: “Cha bây giờ còn thời gian đánh đàn nữa không?”. Ngài cho biết: “vẫn yêu nhạc, thích hát và đam mê đánh đàn như thuở nào…”. Đứng chụp hình sát bên, mình mới nhớ ra: Ngài phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại… Mình cứ nghĩ Hiền vẫn nhỏ hơn mình, thấp hơn mình, vậy mà giờ này cao hơn mình cả khúc, giống như hồi sang Úc gặp Linh Ba Làng, mình ngạc nhiên: sao Linh đen giờ to cao thế!

Thời gian cứ trôi nhưng chúng ta vẫn không quên được nhau. 

* Một người nữa trong giờ chuẩn bị Thánh lễ an táng Đức Cha Giuse mà mình kể ra đây: đó là Soeur Matthêu (Celestine). Trong đoàn người chen chúc đến dự lễ, mình chợt thấy ai quen quen, lại gần hóa ra người xưa (cố nhân)… Sau thời gian giúp các chú ở chủng viện, Soeur Celestine cũng rảo khắp mọi miền đất Giáo phận xuống tận Đăk Nông, Bình Phước… Hiện tại Soeur đang ở tại Gx Vinh Hòa (Trung Hòa). Vẫn giọng nói chất Quảng thân thương ngày nào, Soeur tâm sự với mình: có lẽ các chú LBT vẫn nhớ Soeur nhiều vì hồi xưa Soeur chuyên may vá và hay làm bánh… Đúng rồi! ăn bánh kẹo ai mà chẳng thích, nhớ lâu nhỉ? Nhất là được làm từ bàn tay khéo léo, đẹp đẽ như của Soeur Celestine. 

* Nói tới Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực là nhắc lại những trang sử bi hùng của một con người vĩ đại. Có lẽ Ngài bằng cấp không nhiều? Nhưng ai gặp cũng phải ngả mũ cảm phục. Có lẽ Ngài không tốt nghiệp từ một trường kinh tế nào? Nhưng bất cứ ai viết nói Ngài cũng đều khen ngợi Ngài có tầm nhìn xa thấy rộng, tầm nhìn kinh tế vĩ mô… Sống gần Đức Cha Giuse ta mới thấy Ngài có nhiều đức tính hòa quyện trong đó, nhiều tài năng về mọi phương diện, một con người đích thực là người Cha nhân ái, tốt lành; là người Thầy giỏi, uyên bác; là Vị mục tử thánh thiện, trách nhiệm và dành hết cuộc đời cho đoàn chiên.

Nhiều phái đoàn của các đoàn thể, cơ quan nào đó, kể cả ở ngoại quốc, khi đến thăm và tìm gặp Ngài đều ngạc nhiên vì Ngài không chỉ ở trong phòng làm việc, mà còn ra vườn lao động tay chân nữa… Với bộ quần áo bà ba nâu sồng hoặc màu đen, trông Đức Cha thật giản dị, gần gũi. Vì vậy, có một số chú hay gọi Ngài là: “Ông già tốt bụng”.

Trước ngày lễ an táng chắc ai cũng lòng động lòng lo vì hầu như trời mưa không dứt, có những trận mưa như trút… Vậy mà từ sáng sớm hôm đó trời ráo hẳn, không mưa không nắng, khí hậu mát mẻ tạo cho buổi lễ thật trang nghiêm, ấm cúng. Sau khi Đức Cha đã yên nghỉ trong lòng đất giáo phận, trời lại tiếp tục mưa cho tới bây giờ.

Sau Thánh lễ Gx Châu Sơn cầu nguyện, kính viếng Đức Cha Giuse kết thúc, cả hàng ngàn người ra lấy xe ra về, mình gặp Phạm Quang Bình (lớp Vô Nhiễm) loay hoay tìm chìa khóa… mất rồi. Giữa muôn người xe cộ thế này biết làm sao?! Mình đề nghị để xuống phố chở ông thợ khóa lên vì xe của Bình khá đặc biệt. Nhưng Bình nói: “mình đi lễ Đức Cha, chắc Ngài sẽ làm phép lạ cho mình tìm được chìa khóa. Thôi ông về trước đi”. Bình nói vậy nên mình chỉ biết lặng thinh ra về. Sau đó vào ngày lễ an táng, tình cờ gặp lại, Bình mới kể: Bữa trước mọi người về hết, Bình cũng chưa biết tính sao với cái xe, nó cõng mình nhiều rồi đến lượt mình cõng nó, có sao đâu!? Tự nhiên có người bảo vệ giữ xe tới gặp và trao chiếc chìa khóa, rồi hỏi: của anh hả? tôi lượm được gần cổng! Đúng là ơn Đức Cha (theo như Bình nói). Vậy là Bình thong dong ra về mà trong lòng cứ nghĩ đến Đức Cha Giuse thân yêu nhà mình mãi…

Tk Điệp
 
Còn sau đây là góp nhặt chuyện đời thường của Linh Ba Làng
 
Xin được chia sẻ một số suy tư trong thời gian gần đây:

* Thầy đã khóc cho chúng con được sống!
Đức Khâm Sứ Toà Thánh, các Cha và Xuân Linh đến thăm Thầy, đều xúc động khi nhìn thấy lệ Thầy rơi! Thầy không hề sống trong tình trạng thực vật như mọi người tưởng vì Thầy vẫn biết và vẫn hiểu mọi chuyện chung quanh... Thầy nằm đó, cô đơn để cho chúng con được đoàn tụ, Thầy lạnh lẽo cô quạnh để anh em chúng con được ấm cúng, sum vầy...!

* Thầy đã khuất!
Mặc dù Thầy đã đi xa nhưng đoạn video của Vinh Sơn và bài chia sẻ của bác Phạm Sỹ Hiện đã làm cho học trò của Thầy phải rơi lệ.

* Cha Hoàng Đức Toàn!
“Lợn lành hoá lơn què”. Thầy nhà ta không được may mắn chút nào, chỉ bị mắt cườm như nhiều người khác, thế mà mổ xong lại không xong! Chúc Thầy mau bình phục để sinh hoạt lại với chúng con.

* Cha Nguyễn Ý Định:
“Không uống mà say”. Bác Định ngàn năm một thưở được đi công du, thế là lại bị hụt mất không được tham dự đại tang của Thầy. “Lòng buồn thì cảnh có vui đâu bao giờ!”.  Xin anh chị em bên Mỹ thông cảm!!!!

* Chuyện Úc Châu
Ở đây có một Luck Nguyễn nổi tiếng về tài nấu ăn  http://www.sbs.com.au/shows/lukenguyen. Cũng có một ngôi sao tương tự như thế trong nhà Lê Bảo Tịnh ở tại Úc châu, nhưng vì mây cứ kéo qua nên anh em chưa nhìn thấy đó thôi! Giờ xin được giới thiệu sơ sơ cho bà con trăm họ được biết tài nghệ đầu bếp trước khi ngôi sao được sáng tỏ. Ai muốn học nghề xin vui lòng làm đơn trước. Vì số người nộp đơn khá cao nên chỉ nhận học viên nào dưới 50 tuổi mà thôi.





Cá kho tộ nè




Và đây là chả cá của Cha Phương câu còn chú Tín làm. Nếu ai muốn đặt hàng xin vui lòng order trước một tháng tại chú Tín hay cha Phương (nếu trời không giông bão!)

Chúc cả nhà luôn an vui.

LinhNga

CHUYỆN SƠN CHUỘT

Hắn nhỏ con nên từ lúc tiểu học bọn mình đã đặt cho hắn biệt danh Sơn chuột.

Sau này lên chủng viện cũng vậy, hắn chết tên từ đó, người thì nhỏ con nhưng hắn nghịch dữ lắm, kêu bằng nghịch ngầm, răng mà hồi đó hắn không bị rìa sớm, lạ thật, ô dù thì không có. Hắn nói hắn đi tu để làm linh mục vì hắn gốc dân Thổ Hoàng, người ta nói “rươi Mỹ Dụ, cụ Thổ Hoàng”, mà hắn có vẻ tự tin với gốc Thổ Hoàng của hắn lắm. Tuy nhiên, mình nghĩ tướng như hắn răng mà làm cha được, chẳng qua ông bà già hắn muốn gởi con đi học trong chủng viện cho yên tâm mà thôi chứ tạng phá như quỉ nớ mà cha cụ gì. Sau này tâm sự hắn nhắc lại lúc giải phóng xong, anh em quay lại chủng viện để đi tu tiếp, được mấy tháng khi nhà nước không cho tiếp tục nữa, hắn kể khi cha giám đốc tuyên bố tạm cho về nhà ai nấy vỗ tay rần rần, hắn nói dóc rứa thôi chỉ có mình hắn vỗ tay còn mình khóc sướt mướt luôn, nói ra lòi tẩy hắn đâu có thích đi tu!?

Hắn về SG ở một thời gian để đi bảo lãnh, lúc đó mình còn đi học, người coi nhỏ con nhưng tửu lượng của hắn thuộc dạng có cỡ, nhất là lúc nào có tí bóng hồng là hắn uống vô tư luôn, tiền bạc thì khỏi lo. Chị Út Tịch nói “còn cái lai quần cũng đánh”, còn hắn nói “còn cái lai quần cũng uống”, uống cho đến đồng xu cuối cùng mới chịu lên máy bay đi Mỹ, khổ nỗi mình lúc đó tửu lượng kém lại còn lo học hành bị nó dí suốt nhiều khi phát khiếp. Lên máy bay hắn nói chỉ cần kiếm đủ tiền vé máy bay và tiền nhậu là hắn quay về liền. Rứa mà mười mấy năm sau hắn mới trở về, hắn nói về kiếm vợ, ừ thì cũng rán mà kiếm con vợ chứ mày mà sống một mình coi bộ không ổn. Lùn lùn rứa mà cũng có duyên gớm, về Dak mil có mấy ngày hắn cưa được một em trẻ đẹp hoành tráng lắm, người ta nói cưới vợ thì cưới liền tay, cưa đổ phát hắn tổ chức đám hỏi liền, tưởng đã xong mừng cho nó ai dè lại trục trặc chẳng biết do ai.

Đang lên mạng thì thấy tên hắn, nhảy vào chat hỏi hắn răng rồi? đã vợ con chi chưa? tưởng hỏi chơi ai dè hắn nói chuẩn bị lấy vợ, mình hỏi lấy con nhà ai? Có sọi không? Hắn nói không biết nữa, trời ạ bó tay với nó luôn. Sau này mới biết vợ hắn đi du học bên nớ, học cùng lớp với cháu của hắn, ban đầu cả hai đứa cùng kêu hắn bằng chú, rồi không hiểu sao đến ngày có đứa tự dưng kêu hắn bằng anh, mừng hết lớn. Hỏi hắn chừng mô đám, hắn cũng nói chưa biết nữa, hoá ra hắn sợ. Người xưa nói “kinh cung chi điểu”, con chim bị thương nên thấy cành cây giống cây cung cũng sợ không dám đậu. Hắn chờ sát tới ngày lên nhà thờ mới dám thông báo cho bà con là hắn lấy vợ.

Dịp này hắn đưa vợ về để ra mắt bên ngoại, có vợ rồi có khác, hẹn với nó đi nhậu mà mãi hồi tối đây mới gặp được, chắc là bị kèm dữ lắm, thông cảm cho hắn nên mình với tư cách trưởng ban ăn nhậu chỉ mời mấy bạn Teresa SG cùng với Ban thường vụ tham gia thôi, cũng rất vui. Hoá ra vợ hắn thua hắn tới 23 tuổi lận “năm anh hăm ba, em mới sinh ra đời”. Vừa mừng lại vừa lo cho nó là vì vậy. Vợ hắn người Hố Nai, đúng là cô bắc kì nho nhỏ, nhìn tướng cũng có vẻ hợp với nó lắm. Nghe thằng Du nói “nhất Hố Nai, nhì Xóm Mới”. Là nói về tính tình đảm đang, chịu khó của gái Hố Nai, nhưng ngược lại cũng kèm chồng dữ lắm, ừ thì nó phải có đứa kèm như rứa mới được, mừng cho nó.

Nhậu đã lâu, chia tay vợ chồng nó, nhìn cảnh hai đứa ôm nhau xem ra hạnh phúc, tâm đầu ý hợp lắm, tưởng như thuở nào còn mười mấy đôi mươi vậy, Saigon đã về khuya, chúc mừng hạnh phúc… hai hột mít di động.

PS. – Sọi tiếng địa phương có nghĩa là đẹp (chú thích của tác giả)

Nguyễn Văn Sáng

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây