Hành Trình Lên Cổng Trời Sapa - 1

Thứ tư - 13/05/2020 23:00 |   482
Chuyến xe bắt đầu khởi hành từ Tòa Giám mục BMT lúc 4 giờ 30 ngày 13/02/2011 (tức ngày 11 Tết Tân Mão),
Hành Trình Lên Cổng Trời Sapa - 1

HÀNH TRÌNH LÊN CỔNG TRỜI SAPA

Phần I: Khởi hành

Đầu năm Tân Mão (2011), khi những cánh mai vàng bắt đầu nhạt dần hương sắc rơi rụng ngập lối đi trước hiên nhà, không khí tết ở Tây Nguyên đã lắng dịu, bớt phần sôi động, không còn rộn ràng nhộn nhịp nữa, cũng là lúc chúng tôi có chuyến Du Xuân đến các tỉnh miền Bắc, mà đích điểm là SAPA.

Chuyến đi được chuẩn bị khá chu đáo, nào là máy quay phim, máy ảnh, nào là thức ăn dọc đường, thuốc men phòng khi trái gió giở giời, nào là áo len, áo ấm sẵn sàng sống chung với cái rét huyền thoại ngoài Bắc và mang theo cả… rượu nữa!

Đoàn chúng tôi, tất thảy có 11 người, coi nhau thân thiết như trong gia đình. Cha Antôn Vũ Thanh Lịch, trưởng đoàn, mọi người đều gọi Cha là Bố. Cha Antôn Nguyễn Phi Hùng, phụ tá. Soeur Xuân và chị Thược lo ẩm thực, Thái Hùng giữ tủ thuốc y tế, Phúc tài xế giữ vô lăng, nhóm Bình, Tiến, Sơn, Tài giữ bầu rượu, Ngọc Khánh không phải làm gì sất, thỉnh thoảng kể chuyện tiếu lâm, nghe cho đỡ buồn ngủ.

Chuyến xe bắt đầu khởi hành từ Tòa Giám mục BMT lúc 4 giờ 30 ngày 13/02/2011 (tức ngày 11 Tết Tân Mão), sau khi đọc kinh trước Đài Đức Mẹ cầu xin cho chuyến đi được bình an. Xe đi ngang qua các đường phố vắng lặng êm ả, chỉ có những chị công nhân vệ sinh miệt mài quét rác, thi thoảng có những chiếc xe vội vã chạy ngược chiều; họ chở hàng đến các huyện xa…

Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã bỏ xa thành phố Ban Mê yêu dấu. Đến đồi Cư Bao sương mù dày đặc, xe phải giảm tốc độ vì chẳng nhìn thấy gì phía trước. Qua Hà Lan, Buôn Hồ sương mù vẫn không giảm. Ngôi nhà thờ Buôn Hô nguy nga, đồ sộ là thế cũng chỉ thấy thấp thoáng qua một màn sương trắng đục.

7 giờ 30, chúng tôi dừng lại ăn sáng tại một quán cà phê võng bên đường, cách Chư Sê khoảng 8km. Chỉ là mượn chỗ thôi, thức ăn có sẵn từ nhà mang theo, vậy mà chủ quán vẫn tươi cười vui vẻ. Có lẽ họ cũng thường xuyên gặp loại khách du lịch… balô như thế này.

Ăn sáng xong, xe lại tiếp tục lên đường. Đến Chư Sê, muốn ghé thăm mấy anh em Lê Bảo Tịnh (Chính, Huyến, Lưu,…) ở gần nhà thờ Mỹ Thạch nhưng xe vụt qua nhanh quá, ngại quay đầu, lại thôi. Xe chạy ngang qua Pleiku, Kontum rồi theo đường Trường Sơn ra Đà Nẵng. Con đường gợi lại những năm tháng chiến tranh khốc liệt, những địa danh một thời máu lửa: Pleime, Charly, Đăk Tô, Tân Cảnh,…

Đường Trường Sơn khá vắng vẻ, có nhiều đoạn dốc cao, quanh co nguy hiểm. Mãi quá trưa mới kiếm được một quán ăn nho nhỏ tại Hiệp Đức. Thức ăn có sẵn, rượu có sẵn, chỉ cần cơm nóng, canh nóng là xong bữa trưa. Chủ quán cũng dễ chịu, sẵn sàng phục vụ vui vẻ.

Do đã hẹn dâng lễ tại Nhà thờ Hòa Thuận, Đà Nẵng vào lúc 5 giờ chiều nên tài xế phải tăng tốc. Kết quả là bị “bắn tốc độ”, sau đó, nộp phạt và trễ giờ lễ 15 phút, trời chiều se lạnh mà tài xế thì mồ hôi ướt đẫm cả lưng áo!          

5 giờ 15 chúng tôi cũng đến được điểm hẹn, cùng dâng Thánh lễ đồng tế Chúa nhật VI TN với giáo dân  Giáo xứ Bình Thuận, Đà Nẵng; một Thánh lễ sốt sắng, thành tâm trong bầu khí trang trọng thánh thiêng.

Sau lễ, cha La Vinh, Quản xứ Hòa Thuận, khoản đãi cả đoàn một bữa cơm thân mật do chính tay Cha tự nấu; Cha La Vinh là con ông Triều, một người khá nổi tiếng ở Giáo xứ Thánh Tâm, BMT.                 

7 giờ 30, cha La Vinh đưa chúng tôi đến Tòa Giám mục Đà Nẵng chào thăm Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri. Đức Cha dành cho chúng tôi buổi nói chuyện thân tình, ấm áp. Đức cha giới thiệu chiếc hộp nhỏ đựng hài cốt của thánh Anrê Phú Yên, ngài cho biết rõ về lai lịch chiếc hộp hài cốt quý giá này. Cả Đoàn ai cũng được vinh dự tận tay nâng niu và hôn kính thánh tích.  

Sau buổi nói chuyện, Đức cha cử một thầy hướng dẫn Đoàn đi dạo phố Đà Nẵng, chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng dòng sông Hàn lộng gió và cầu Sông Hàn lung linh huyền ảo, chiếc cầu quay đầu tiên ở Việt Nam, niềm tự hào của người dân thành phố. Cầu Sông Hàn là biểu tượng cho sức sống mới, là khát vọng đi lên của thành phố được xây dựng năm 1998, không chỉ tạo thêm thuận lợi cho giao thông vận tải, du lịch, khơi dậy tiềm năng kinh tế của một vùng đất rộng lớn ở phía đông thành phố mà còn là một dấu ấn văn hoá của người Đà Nẵng. Thú vị nhất là được chiêm ngắm những bức tượng nghệ thuật bằng đá Non Nước do các nghệ nhân Xứ Quảng sáng tác, trưng bày dọc theo bờ sông.       

Nhiều người nói rằng đến thành phố Đà Nẵng, không được xem cầu quay và chụp ảnh ghi lại khoảnh khắc ấn tượng ấy, có nghĩa là chưa đến thành phố Đà Nẵng. Thật tiếc! Nếu muốn xem Cầu Sông Hàn quay phải chờ đến 2 giờ sáng mà chúng tôi phải trở về nghỉ, giữ sức khỏe để ngày mai tiếp tục cuộc hành trình… Gió từ bờ sông thổi lên lành lạnh tạo nên cảm giác bâng khuâng khó tả!

11 giờ đêm, chúng tôi trở về Tòa Giám mục Đà Nẵng tắm rửa và nghỉ ngơi. Một giấc ngủ đến thật nhanh với những giấc mơ đẹp, an bình. Mơ thấy chiếc cầu quay diệu kỳ vào lúc 2 giờ sáng. Mơ thấy những nàng tiên xinh xinh bên bờ sông Hàn lung linh huyền ảo. Mơ thấy người dân Việt Nam sống trong thanh bình, chan hòa tình nhân ái, yêu thương.

Xem hình TẠI ĐÂY

Vũ Đình Bình

(còn tiếp) Phần 2: đến Vinh

 Tags: Cổng Trời, Sapa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây