HÀNH TRÌNH LÊN CỔNG TRỜI SAPA
PHẦN 8: Tiên nữ trên Cổng Trời Sapa
Sapa núi đơm hoa, thông đào xoăn xít ca...
Réo rắt một điệu khèn
Gọi người thương, gọi bạn tình…
Gọi bạn tình... Trao duyên...
Trao duyên... chân trần dập dình chợ tình...
Tiếng khèn môi say rượu chồng chềnh
Lời hát ngỡ câu thơ,
Váy xoè lượn như mơ...
Chợ tan còn trai gái vẫn ngẩn ngơ...
Lời hát ngỡ câu thơ,
Váy xoè lượn như mơ...
Chợ tan còn ngây ngất hương mận mơ...
Ta nhớ mãi Sapa...
Nhớ chợ tình Sapa
Hẹn lần sau em nhé lại tìm nhau
Về nhớ mãi Sapa
Nhớ bạn tình Sapa
Mùa mận Tam Hoa tới lại tìm nhau...
Nhắc đến Sapa, người ta liên tưởng ngay đến Chợ Tình. Chợ tình Sapa là một khu đất rộng, bằng phẳng ngay phía trước sân Nhà thờ đá.
Trước đây đường đi khá hiểm trở. Để tới chợ thường mất khoảng 12 tiếng hoặc nửa ngày. Vì thế dân bản xuất hành từ ngày hôm trước (tức ngày thứ Bảy) và ở lại qua đêm tại thị trấn để tiện cho việc buôn bán vào phiên chợ ngày Chủ nhật. Chính vì thế, đêm thứ Bảy rất náo nhiệt. Người lớn tuổi gặp nhau vui vẻ thăm hỏi sức khỏe, công ăn việc làm; thanh niên thiếu nữ có cơ hội tiếp xúc làm quen với nhau tạo nên Chợ tình Sapa.
Khi màn đêm xuống, những âm thanh mời gọi lúc trầm, lúc bổng của khèn lá, khèn môi bồng bềnh trong đêm chính là lúc chợ tình khai hội. Phong tục của người Dao khá phóng khoáng, không ngăn cản người đã có vợ đi tìm bạn tình. Thậm chí còn tiễn chồng đi chợ tình rất chu đáo:
Thức ăn gói trong lá
Nước uống đựng đầy chai
Này đây khăn, đây mũ
Tiễn anh đi chợ tình.
Nay anh đi chợ tình
Làm sao em theo được?
Bởi tình yêu thứ nhất
Anh đâu dành cho em!
Anh cầm thêm chiếc ô
Đêm chợ tình thường mưa
Hai người cần che chở
Mà thương về ngày xưa.
Tiễn chồng xong, ngồi ôm con than thở:
Gió với mây dang dở
Người với ta ngậm ngùi
Tình không nên nhà cửa
Núi dựng đá giữa trời…
Và thầm cầu mong chồng sớm trở về:
Nước mắt em tuôn chảy
Cho đá núi cũng mềm
Chơi chợ tình mê mải
Lại trở về với em!
Ở chợ tình, những cô gái trẻ, đẹp thường được rất nhiều chàng trai để ý. Họ vây quanh, múa khèn, hát cho cô gái nghe hoặc tán tỉnh rồi tặng quà kỷ niệm. Cô gái không ưng thì bỏ quà chạy. Cho tới lúc “chấm” được một chàng, cô gái dúi vào tay người đó một vật đính ước. Vật đính ước ấy có thể là một chiếc nhẫn, chiếc vòng tay hay chiếc lược... Thế là đám đông ồ lên, tản ra. Một lúc sau khi yên tĩnh trở lại, 2, 3 cô bạn đưa cô gái này đến “gửi gắm” cho người đàn ông cô đã chọn. Rồi đôi bạn tình đưa nhau tới đâu chỉ có rặng Samu xào xạc kia mới biết...
Đó là chuyện ngày xưa. Chợ tình Sapa bây giờ gần như không còn hoạt động nữa. Khu vực quanh nhà thờ chỉ còn những sạp bán thổ cẩm, những hàng bán khoai, sắn, mía nướng… phục vụ khách du lịch. Từ năm 1995, mỗi tối thứ bảy hằng tuần, tại khu vực phía trước nhà thờ vẫn đông đúc tấp nập, nhưng chủ yếu là những hoạt động giao thương buôn bán.
Nhà thờ Sapa là một kiến trúc độc đáo bằng đá chẻ do Cha thừa sai MEP – Jean Idiart Alhor (Cố Thịnh) xây cất vào thời đầu thế kỷ XX. Năm 1948, cha bị kẻ gian giết chết ngay trong ngôi thánh đường trang nghiêm này. Đầu của cha bị vứt vào cánh rừng phía núi. Mãi 1 tuần sau, người ta mới tìm được thủ cấp của ngài, đưa về chôn cất cùng thi thể. Kể từ đấy, nhà thờ bị bỏ trống. Khu nhà xứ bị nhà nước trưng thu làm nhà sinh hoạt, trường học.
Năm 1995, sau gần 50 năm, tiếng chuông nhà thờ lại vang lên, quy tụ bà con giáo dân quây quần về thờ phượng Chúa và khu vực phía trước nhà thờ lại trở nên sầm uất. Hiện nay, đất đai, cơ sở vật chất đã được trả lại cho nhà thờ, do cha Phêrô Phạm Thanh Bình quản nhiệm, nhưng vẫn còn 1 phòng bị người dân chiếm dụng. Phía sau nhà thờ, vẫn lưu giữ được phần mộ của Đức cha Paul Ramond (đức cha Lộc), Giám mục tiên khởi của giáo phận, và Cha Jean Idiart Alhor (Cố Thịnh), linh mục quản xứ tiên khởi.
Đến Sapa người ta khám phá ra nhiều điều lý thú, duy có một điều kỳ bí mà đến giờ tôi vẫn cứ tưởng trong mơ. Đó là tiên nữ trên Cổng Trời Sapa. Sáng hôm ấy, chúng tôi đã gặp tiên nữ trên Cổng Trời Sapa, cùng nhau uống rượu, cùng nhau nhảy múa, ca hát với bao trò vui mê ly mà ở hạ giới không hề có. Ngày xưa nghe truyện Lưu Nguyễn bên Tàu lạc tới Đào Nguyên cứ ngỡ chuyện bịa đặt, giờ mới tin đấy là thực! Ngay ở Việt Nam mình, câu chuyện Từ Thức lấy vợ tiên còn rành rành ra đấy. Hang Từ Thức ở Thanh Hóa là chứng cứ rõ ràng.
Sapa, ơi Sapa,
Đắm say bao tình,
Ai về cùng Sapa…
Mù sương… mù sương
Khèn dắt ta đi
Trong nồng nàn
Tiếng ai tự tình ân ái
Những bàn chân quyện lấy bàn chân
Mây đang bay lên hay đang sà xuống
Mơn man thịt da người
Cô gái Mèo
Đôi mắt cô như lửa rừng xuyên thấu
Chiếc váy sặc sỡ của cô như lửa rừng xuyên thấu
Thân thể ẩm ướt sương của cô như lửa rừng xuyên thấu
Những gã đàn ông đa tình
Những gã đàn ông đa tình
Đến Sapa
Để được ngắm nhìn cô trong men rượu
Ngắm nhìn cô trong điệu múa xoè
Và ước sao cô thành một hạt dẻ
Bỏ vào túi mình làm của riêng…
Nhưng đó vẫn chỉ là những cô gái Mèo, cô gái người H’ Mông, giống như những cô gái tối qua gặp ở Nhà thờ Lao Chải. Phía xa xa, thấp thoáng bên Vườn Lan, trên rừng Đào, ẩn khuất trong mây,… những nàng tiên đang nô đùa múa hát. Tiếng hát trong như tiếng suối, mê say, huyền hoặc…
Bồng bềnh, bồng bềnh mây trắng,
Thấp thoáng, thấp thoáng rừng cây
Long lanh trong xanh dòng suối,
Dập dềnh sắc màu thần tiên
Ngọt ngào cành lê em hái,
Đào xuân chúm chím anh say
Tiếng đàn môi em nói điều gì
Mà anh chỉ thấy lòng ngây ngất
Sapa, Sapa huyền thoại,
Mặt trời mọc lên từ má em
Mặt trời mọc lên từ trong mây,
Ơi Sapa nơi gặp gỡ đất trời
Bốn mùa hoa trái
Và mùa con trai, con gái gặp nhau
Rượu táo mèo chảy mãi không hề vơi
Đắm say bao tình,
Ai về cùng em
Sapa, ơi Sapa,
Đắm say bao tình,
Ai về cùng Sapa.
Sapa, ơi Sapa! Thoang thoảng đâu đây hương nồng mận chín. Tiếng khèn đưa duyên hay tiếng sáo thiên thai. Ngất ngây rượu táo mèo. Hoa đào rực rỡ. Dập dềnh mây trôi. Cảnh thực hay là mộng ảo.
Mắt em là rượu cẩm
Cho môi say sắc đào
Anh mang hồn núi thẳm
Qua bờ sương chiêm bao
Chạm khẽ bàn tay ấm
Lòng rung đến ngàn sau
Đường đời anh muôn dặm
Em trở về rẻo cao
Hai phương trời quan tái
Bao giờ gặp lại nhau
Đêm đồng bằng khắc khoải
Nhớ núi nhìn trăng sao
Anh trông về nơi ấy
Mây bay trắng lưng trời
Sang năm mùa mận chín
Anh lại đến Sapa.
Vũ Đình Bình
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn