Hành Trình Lên Cổng Trời Sapa - 11

Thứ năm - 14/05/2020 04:27 |   486
“Cách một dòng sông mà đó thương đây nhớ, Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa...”
Hành Trình Lên Cổng Trời Sapa - 11
HÀNH TRÌNH LÊN CỔNG TRỜI SAPA

Phần 11: Vĩ tuyến 17

Đường về thênh thang, không bị hạn chế thời gian, không chọn sẵn điểm dừng nên tha hồ ngắm cảnh, thả hồn theo gió ngàn bay.

Cảnh Đèo Ngang, giáp ranh giữa hai tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Bình, núi non kỳ vĩ, vẫn còn đó “cỏ cây chen đá, lá chen hoa” nhưng chẳng tìm đâu ra bóng dáng tiều phu hay những mái nhà lác đác bên sông của Bà huyện Thanh Quan ngày xưa. Đứng trên đỉnh đèo phóng tầm mắt ra xa về phía Bắc, là bãi biển Đèo Con; về phía Nam là bãi tắm Hòn La thơ mộng và những ngôi nhà ngói đỏ nổi bật trên những cánh đồng lúa non xanh ngát.

Hà Tĩnh – Quảng Bình nổi tiếng là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, sơn thủy hữu tình. Hà Tĩnh có Bãi biển Thiên Cầm, có hồ Kẻ Gỗ, có Chùa Hương Tích. Quảng Bình có Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, có Hang Sơn Đoòng.

Quảng Trị chẳng có gì hay, chỉ có dòng sông Bến Hải chạy dọc vĩ tuyến 17 thành nơi chia cắt đất nước trong suốt hơn 20 năm. Có Thành Cổ, có cầu Hiền Lương, chứng tích lịch sử bi thương của cuộc nội chiến đẫm máu và nước mắt.

Cầu Hiền Lương đầu tiên bắc qua sông Bến Hải được nhân dân trong vùng góp công góp sức xây dựng vào năm 1928. Cầu bằng gỗ, đóng cọc sắt, mặt cầu rộng 2m chỉ dành cho người đi bộ.

Năm 1950, quân đội Pháp xây lại cầu bằng bê tông cốt thép, nhưng 2 năm sau cầu bị phá hủy do chiến tranh.

Năm 1952, Pháp lại xây cầu mới có 7 nhịp, dài 178m, trụ bằng bê tông cốt thép, dầm thép, mặt cầu lát bằng gỗ thông, rộng 4m, 2 bên có lan can sắt cao 1,2m, trọng tải 18 tấn.

Năm 1954, Sông Bến Hải được chọn làm ranh giới phân chia 2 miền Nam – Bắc. Giữa cầu Hiền Lương có một vạch sơn trắng cắt ngang, mỗi bên cầu dài 89m, lan can sơn 2 màu khác nhau. Bờ Bắc có 450 tấm ván mặt cầu, bờ Nam 444 tấm.

Sau năm 1975, đất nước thống nhất, cầu Hiền Lương được sửa chữa lại, nối liền Nam – Bắc. Năm 1996, một chiếc cầu mới dài 230m, rộng 11,5m được xây dựng hoàn thành bên cạnh cầu cũ về phía Tây để đáp ứng nhu cầu giao thông và phát triển kinh tế.

Năm 2002, cầu Hiền Lương cũ được phục chế theo nguyên bản, chỉ khác là mặt cầu hiện nay lát bằng gỗ lim.

Đến Vĩ Tuyến 17, được tận tay sờ lên lan can cầu Hiền Lương thật là thú vị. Thú vị nhất là được tự do bước qua vạch sơn trắng giữa cầu, một cảm xúc không thể diễn tả bằng lời. Nhưng ấn tượng nhất là được nghe kể giai thoại về những cuộc chiến rất căng thẳng, quyết liệt và cũng thật nực cười ở hai bên bờ sông Bến Hải trong thời nội chiến. Đó là:

- Cuộc “chọi màu”:
Lan can dọc 2 bên cầu Hiền Lương làm bằng sắt luôn có 2 màu sơn đối lập nhau tính từ lằn sơn trắng vạch ngang giữa cầu. Bên này sơn màu xanh, bên kia sơn màu nâu. Bên này sơn màu đỏ, bên kia sơn màu vàng. Cứ thế, liên tục.
Ngày 18.5.2003, trong dịp lễ khánh thành phục chế cầu Hiền Lương, người ta nhìn thấy nửa cầu phía Bắc sơn màu xanh, nửa cầu phía Nam sơn màu vàng. Sau đó, do có nhiều ý kiến trái chiều mang tính chính trị về việc phục chế màu sơn theo nguyên bản, hiện nay, toàn bộ thành cầu được sơn màu xám.

- Cuộc “chọi loa”:
Sau khi phân chia giới tuyến, đôi bờ Bắc – Nam sông Bến Hải đua nhau xây dựng hệ thống phóng thanh “khủng” để át đi tiếng loa phía bên kia.
Dàn loa phía Nam công suất mỗi loa lên tới hàng trăm oát. Hệ thống loa này khi phát hết công suất có thể vang xa tận Quảng Bình. Dàn loa phía Bắc không chịu thua, tăng tổng công suất lên đến 7.000W. Để có đủ điện cho hệ thống loa “khủng” này hoạt động, người ta phải xây dựng một đường dây cao thế 6KVA dài gần 10km. Ngoài ra, còn có một trạm cao tần đặt cách cầu Hiền Lương 2,5km để tăng âm cho hệ thống loa. Hiện nay, ở Nhà Trưng bày Vĩ Tuyến 17 vẫn còn lưu giữ những chiếc loa 500W, đường kính 1,7m.
Cuộc “đấu khẩu” giữa đôi bờ qua hệ thống loa “khủng” là những lời tuyên truyền chính trị, khích bác đối phương. Mỗi ngày buổi phát thanh kéo dài 14-15 tiếng đồng hồ, có khi phát từ lúc 1 - 2 giờ sáng.

- Cuộc “chọi cờ”:
Treo cờ là chuyện bình thường ở mọi quốc gia, nhưng “chọi cờ” là chuyện đại sự ở 2 đầu cầu Hiền Lương. Lúc đầu, phía Bắc treo lá cờ khổ 3,2m x 4,8m trên ngọn cây phi lao cao 12m. Phía Nam cắm cờ trên đỉnh lô cốt cao 15m. Không chịu thua, phía Bắc tìm bằng được cây gỗ cao 18m, treo lá cờ rộng 24m2. Ngay sau đó, phía Nam dựng lên một trụ xi măng cốt thép cao 30m, trên đỉnh treo lá cờ lớn có đèn nhấp nháy đủ màu.
Tháng 7.1957, người ta thấy bên bờ Bắc có lá cờ rộng 108m2 treo trên cột cờ bằng thép ống cao 34,5m, trên đỉnh gắn ngôi sao bằng đồng có đường kính 1,2m, 5 cánh ngôi sao gắn chùm bóng điện loại 500W. Bên bờ phía Nam, lập tức xây tiếp trụ cờ lên cao 35m.
Năm 1962, bên bờ Bắc kéo lên lá cờ rộng 134m2, nặng 15kg trên đỉnh cột cờ cao 38,6m. Cột cờ này được xem là cao nhất giới tuyến.
Ngày 2.8.1967, cột cờ này bị bom đánh gãy, nhưng sáng sớm hôm sau, một cột cờ mới lại được dựng lên, lá cờ khổ lớn vẫn tung bay trước gió.

Ngày nay, đất nước đã thống nhất, non sông nối liền một dải, nhưng Vĩ tuyến 17 luôn gợi nhớ một thời bi thương:
“Sông chia hai nửa
Sông chỉ một bờ
Con cá con tôm nào có chia lìa
Dòng nước hiền hòa bỗng dưng thành lưỡi dao oan nghiệt
Cắt đôi khúc ruột

Ngỡ đò ngang
Ai ngờ sông chảy dọc
Thuyền xuôi
Tôi oán dòng sông
Tôi ghét hàng cọc gỗ
Cắm xuống sông Hiền chia đôi dòng nước
Ngăn đôi con sông
Tôi thương những cánh buồm nâu đơn chiếc
Lặng lẽ nương theo dòng” (thơ Tân Linh - nhà thơ quê Vĩnh Linh, Quảng Trị)

Sau khi giao lưu và chụp hình lưu niệm với mấy ông Tây trong đoàn làm phim hồi ký về chiến tranh Việt Nam tại Tượng đài “Khát vọng thống nhất” (ở bờ Nam), chúng tôi rời Vĩ tuyến 17 đến với La Vang, nơi Đức Mẹ đã hiện ra nhiều lần để nâng đỡ và an ủi con cái Mẹ trong cơn hoạn nạn.
Vũ Đình Bình
 Tags: Cổng Trời, Sapa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây