Hành Trình Lên Cổng Trời Sapa - 6

Thứ năm - 14/05/2020 03:16 |   507
4 giờ 00 sáng ngày 18/02/2011 (tức ngày 16 Tết Tân Mão) chúng tôi đã phải dậy đón taxi đi dâng lễ tại Nhà nguyện Dòng Phaolô Hà Nội,
Hành Trình Lên Cổng Trời Sapa - 6

HÀNH TRÌNH LÊN CỔNG TRỜI SAPA

PHẦN 6: Hà Nội

4 giờ 00 sáng ngày 18/02/2011 (tức ngày 16 Tết Tân Mão) chúng tôi đã phải dậy đón taxi đi dâng lễ tại Nhà nguyện Dòng Phaolô Hà Nội, số 37 Hai Bà Trưng, Hà Nội, theo lời mời của soeur phụ trách.

6 giờ 00, ăn sáng, trò truyện với các soeurs dòng Phaolô về cuộc sống, về các hoạt động gần đây của nhà dòng. Được biết, vào ngày 1.3.2010, Địa hạt Hà Nội đã chính thức được tái lập nhân dịp kỷ niệm 150 năm các nữ tu Phaolô hiện diện tại Việt Nam, 127 năm loan báo Tin Mừng tại Miền Bắc và 50 năm thành lập Tỉnh Dòng Phaolô Đà Nẵng.

Sau đó chúng tôi đến tham quan Văn Miếu - Quốc tử Giám. Có lẽ chúng tôi là những vị khách đầu tiên trong ngày, mấy cô nhân viên còn nhờ chúng tôi mở cửa giúp và phụ kê lại tủ bán hàng lưu niệm. Văn Miếu - Quốc Tử Giám xứng đáng là khu di tích văn hoá ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám gồm hai di tích chính: Văn Miếu thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết của Nho giáo và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An, người thầy tiêu biểu về đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam và Quốc Tử Giám, trường quốc học cao cấp đầu tiên của Việt Nam (1076-1802) nơi đào tạo nhân tài cho đất nước.

Sử sách chép rằng Văn Miếu được xây dựng vào tháng 10.1070, (đời vua Lý Thánh Tông). Đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám, kề sau Văn Miếu, ban đầu là nơi học của các hoàng tử, sau mở rộng thu nhận cả các học trò giỏi trong thiên hạ.

Toàn bộ khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám rộng 54.331m2, bao gồm: Hồ Văn, vườn Giám và nội tự. Bên trong (nội tự) có những lớp tường ngăn ra làm năm khu.

Khu thứ nhất bắt đầu với cổng chính đến cổng Đại Trung. Trên cổng chính có chữ Văn Miếu Môn. Đây là một kiến trúc cổng tam quan hai tầng, phía ngoài cổng có đôi rồng đá cách điệu thời Lê, bên trong có đôi rồng đá thời Nguyễn. Cổng Đại Trung ba gian lợp ngói, hai bên là hai cổng nhỏ Thành Đức và Đạt Tài.

Khu thứ hai: Nổi bật là Khuê Văn Các, một công trình kiến trúc độc đáo xây dựng năm 1805 (triều Nguyễn), gồm 2 tầng, 8 mái, tầng dưới là bốn trụ gạch, tầng trên là kiến trúc gỗ, bốn mặt đều có cửa sổ tròn với những con tiện tỏa ra bốn phía tượng trưng cho hình ảnh sao Khuê tỏa sáng. Hai bên Khuê Văn là hai cổng Bí Văn và Súc Văn. Khuê Văn Các là nơi thường tổ chức bình các bài văn thơ hay của các sĩ tử. Ngày nay, Khuê Văn Các còn được chọn làm biểu tượng của thủ đô Hà Nội.

Khu thứ ba từ gác Khuê Văn tới Ðại Thành Môn, ở giữa khu này có một hồ vuông gọi là Thiên Quang Tỉnh (giếng trời trong sáng) có tường bao quanh. Hai bên hồ là hai khu vườn bia, nơi lưu giữ 82 bia tiến sĩ dựng từ năm 1484-1780, ghi tên, quê quán của các vị tiến sĩ của 82 khoa thi.

Bước qua cửa Ðại thành thì đến khu thứ tư, gọi là Bái đường Văn Miếu. Đó là một cái sân rộng, lát gạch. Hai bên là hai dãy nhà tả vu, hữu vu trước đây thờ bài vị của 72 học trò xuất sắc của Khổng Tử và Tư nghiệp Quốc Tử Giám cùng các danh nhân văn hóa Việt Nam nổi tiếng thời Trần. Cuối sân là nhà Đại bái và hậu cung.

Khu thứ năm: Sau khu Đại bái chính là Trường Quốc Tử Giám cũ (nay là nhà Thái học). Tại đây, những triều đại coi “hiền tài là nguyên khí của quốc gia” đã tuyển chọn nhiều người tài giỏi, đỗ đạt cao, bổ sung vào các chức thị độc, thị giảng, hữu tư giảng, tả tư giảng, thiếu phó, thiếu bảo để chǎm lo việc giảng dạy, giải đáp, và giúp vua nâng cao tri thức.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một khu di tích lịch sử mang ý nghĩa biểu trưng cho tiến trình phát triển văn hóa của Việt Nam, là một bằng chứng về sự đóng góp của Việt Nam vào nền văn minh Nho giáo trong khu vực và nền văn hóa mang ý nghĩa nhân văn của toàn thế giới.

Đến với Văn Miếu - Quốc Tử Giám mỗi người chúng tôi đều mua một vài món quà lưu niệm dù biết rằng có đắt hơn giá bên ngoài, bởi ngoài giá trị vật chất món quà còn có giá trị về tinh thần và bởi nhân viên bán hàng rất lịch sự và… xinh đẹp.

Chụp vài kiểu hình lưu niệm xong, chúng tôi đến Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Khu vực này khá rộng có diện tích 20ha, bao gồm khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và các di tích còn sót lại trong khu di tích Thành cổ Hà Nội.

Theo sử sách, năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi vua, dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La và gấp rút xây dựng Kinh thành Thăng Long, đến đầu năm 1011 thì hoàn thành. Kinh thành Thăng Long được xây dựng theo mô hình tam trùng thành quách gồm: vòng ngoài cùng gọi là La thành, bao quanh bởi 3 con sông: sông Hồng, sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu. Kinh thành là nơi ở và sinh sống của dân cư. Vòng thành thứ hai (ở giữa) là Hoàng thành, là khu triều chính, nơi ở và làm việc của các quan lại trong triều. Thành nhỏ nhất ở trong cùng là Tử Cấm thành, nơi chỉ dành cho vua, hoàng hậu và số ít cung tần mỹ nữ.

Vì thời gian có hạn mà Hoàng thành thì rộng bao la nên chúng tôi chỉ tham quan được một vài di tích:

Đoan Môn gồm năm cổng xây bằng đá, phía ngoài là cửa Tam Môn, phía trước là Cột Cờ Hà Nội. Đoan Môn là cửa vòm cuốn dẫn vào điện Kính Thiên. Điện Kính Thiên là di tích chính trong tổng thể các địa danh lịch sử của thành cổ Hà Nội. Dấu tích điện Kính Thiên hiện nay chỉ còn là khu nền cũ. Phía sau điện Kính Thiên là Hậu Lâu, Cửa Bắc, hai phía đông và tây có tường bao và có cửa nhỏ. Hậu Lâu còn gọi là Lầu Tĩnh Bắc là một toà lầu xây phía sau cụm kiến trúc điện Kính Thiên, hành cung của thành cổ Hà Nội. Tuy ở sau hành cung nhưng rất quan trọng về ý đồ phong thuỷ để giữ yên bình phía bắc hành cung. Nhìn những bức tường rêu phong cổ kính chợt nhớ bài thơ Thăng Long hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan:

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường

Đến nay thấm thoát mấy tinh sương

Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,

Nước còn cau mặt với tang thương.

Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.

Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

Trong khu vực Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội có một dãy nhà xây dựng theo kiểu tân thời, đó là Nhà D67 Khu A Bộ quốc phòng, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương. Tại đây có hệ thống hầm ngầm được xây dựng năm 1967 với nhiều khu vực khác nhau trong thành cổ. Toàn bộ hệ thống này đều xây bằng bêtông cốt thép kiên cố có thể chống được bom tấn.

Khu hầm lớn nhất nằm dưới khoảng sân nối giữa điện Kính Thiên và nhà D67 dành cho Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương gọi là hầm D67. Hai đường dẫn xuống hầm bắt nguồn từ hai phòng làm việc của tướng Giáp và tướng Dũng trong nhà D67, đường hầm rộng 1,2 m, có 45 bậc thang bêtông, trát đá granite. Đi sâu xuống 10m là hệ thống văn phòng của tổng hành dinh ngầm gồm bốn phòng rộng 50m2, có một hành lang chung bên phải.

Phòng họp hình chữ nhật toàn khối, nền lát gạch, có một cửa ra vào. Các phòng bên dành cho ban thư ký và phòng để máy móc, điện đài. Cuối cùng là phòng chứa hệ thống thông hơi, lọc khí đồ sộ chạy điện được chế tạo tại Liên Xô. Các lối lên xuống của hai đường hầm và cửa ra vào có tới sáu cửa thép sơn xanh dày 12cm, có nhiều tay nắm và hệ thống gioăng cao su có thể ngăn nước và khí độc.

Nghe nói, toàn bộ hệ thống hầm ngầm đều liên hoàn đường điện máy phát. Hệ thống thông tin, liên lạc, hậu cần, lương thực… đầy đủ. Đầu ra của hai cửa hầm này dẫn lên phòng làm việc của hai đại tướng tại nhà con rồng.

Ngoài hầm của Bộ Chính trị vừa kể còn có hầm trước cửa nhà “con rồng” (dưới nền điện Kính Thiên), hầm gần khu làm việc của Cục Tác chiến và hầm của Ban cơ yếu có quy mô nhỏ hẹp, đơn giản hơn nhưng cũng chống được bom và tên lửa hạng nặng.

Không biết hầm D67 có phải là hệ thống hầm ngầm hiện đại nhất thế giới không?! Nhưng sau khi tham quan chúng tôi có cùng tâm sự như Bà Huyện Thanh Quan xưa:

Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.

Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

Rời Hoàng Thành chúng tôi đón taxi dự định tham quan Chùa Một Cột.

“Chùa Một Cột bé con con, có gì mà xem!” – Bác tài xế taxi góp ý.

“Thế, Hà Nội có gì hay?” – Chúng tôi nhao nhao hỏi.

“Hồ Tây – Chùa Trấn Quốc!” – Bác tài trả lời.

“Nhất trí! Đi Chùa Trấn Quốc!” – Tất cả đồng thanh.

Bác tài quả là người hay chuyện, vui tính. Bác kể huyên thuyên về các điểm du lịch, về “Ngàn năm Thăng Long – Hà Nội”. Có ông nông dân mãi tận Bắc Ninh bán hẳn một con trâu lấy tiền về dự lễ hội Ngàn năm Thăng Long, chen lấn mãi may mà cũng xem được đoàn Công An diễu hành, cứ tấm tắc khen mãi: “Công An Nhân Dân Hà Nội hoành tráng thật, đẹp thật, tuyền phụ nữ, váy ngắn chân dài!”. Bác nói những ngày ấy, Hà Nội không có chỗ chen chân, Cụ Rùa Hồ Gươm không lở loét mới là lạ.

“Là sao?” – Chúng tôi hỏi.

“Này nhé, từng ấy người, ngày nào cũng “tè” xuống Hồ Gươm thì các bác bảo rùa nào chịu nổi?!”…

Những câu chuyện không đầu không đuôi cứ thế tiếp diễn tạo cho cuộc hành trình thêm phần thú vị. Chả mấy chốc xe đã đến Hồ Tây, đỗ xịch ngay cổng Chùa Trấn Quốc. 16 tết mà dân chúng đi vãn chùa vẫn tấp nập. Chùa được xây từ thời Lý Nam Đế (541-547) ở gần sông Hồng, đến năm 1615, được dời vào vị trí hiện nay (cạnh Hồ Tây, cuối đường Thanh Niên, quận Ba Đình). Chùa có vườn tháp cổ u tịch, có nhiều tượng Phật khói nhang nghi ngút, có gốc bồ đề nguyên sinh do Tổng thống Ấn Độ mang từ Tây Trúc đến đây cho bén rễ, có tiếng mõ cầu kinh nhuốm mầu sắc sắc không không,… Chùa còn có 14 tấm bia, trong đó có bia của Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính, tiến sĩ Phạm Quý Thích dựng năm 1639 và 1015...

Giữa Hà Nội sôi động, Chùa Trần Quốc là một không gian yên bình cho chúng ta thả hồn theo sóng nước Hồ Tây huyền thoại để tạm quên đi bụi trần thế tục tìm về Chân Thiện Mỹ.

Theo lời mời, chúng tôi dùng bữa trưa tại gia đình ông Tạ Thắng. Ông Tạ Thắng, là Chủ nhiệm Câu lạc bộ kèn Đồng Tâm, Hà Nội. Cách đây hơn 40 năm, ông theo học lớp trung cấp âm nhạc đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội, nay là Học viện Âm nhạc quốc gia. Tuy vậy ông không biết chơi kèn. Ông là thợ sửa kèn nổi danh ở đất Hà thành. Tiếng tăm của ông còn lan truyền khắp cả nước, thậm chí đến cả các nước Lào, Campuchia. Ông đã từng sửa kèn cho Hội kèn Giáo xứ Châu Sơn cũng như nhiều Giáo xứ khác ở Banmêthuột.

Gắn bó với nghề sửa chữa kèn ông chưa bó tay với bất kỳ một chiếc kèn hỏng nào. Ông nói, đối với ông, công việc sửa chữa kèn không còn là nghề nữa mà là nghiệp. Cái nghiệp ấy cứ cuốn lấy ông, và sẽ theo ông suốt cả cuộc đời.

Nhà ông ở trên phố Tương Mai, số 222. Tính ông phóng khoáng, nghệ sĩ. Bữa cơm trưa tại nhà ông đậm chất Hà Nội. Cả chủ lẫn khách đều say ngất ngưởng.

Từ nhà ông sang Phương Mai về nhà ông bà Đông cũng gần, chúng tôi quyết định cuốc bộ. Về đến nhà ông bà Đông, đã thấy ông bà dọn sẵn bữa tiệc thịnh soạn. Biết rằng chúng tôi vừa ăn xong nhưng nhất định phải mời bằng được. Đúng là phong cách Hà Nội! Chiều lòng, chúng tôi ngồi vào bàn cho ông bà vui, rồi lên đường đi Sơn Tây. Tạm biệt Hà thành, ngàn năm văn hiến.

Khoảng 4 giờ chiều ngày 18/02/2011, Cha đại diện Giáo phận Hưng Hóa, đón chúng tôi ngay ngoài QL.32 và hướng dẫn đến thăm nhà thờ Chính tòa. Ngôi nhà thờ bề thế, uy nghi, xây dựng theo kiến trúc cổ. Bên trong trang trí đơn sơ nhưng vẫn tôn vẻ lộng lẫy, lung linh, huyền ảo nhờ mái vòm với những họa tiết nhiều màu sắc. Phía ngoài, ngay bên tay phải từ ngoài cổng vào là núi Đức Mẹ bằng đá nhân tạo khá lớn như một dãy hang động kỳ vĩ. Cạnh nhà thờ có tòa nhà 4 tầng mới xây dựng theo kiểu Pháp, đó là Tu viện Mến Thánh Giá. Cha đại diện đưa chúng tôi vào thăm Tu viện, giới thiệu Dì Têrêsa Đỗ Thị Hải, Tổng phụ trách. Các Dì tiếp đón chúng tôi rất niềm nở và trân trọng mời giao lưu vào lúc 7 giờ tối.

Cha đại diện lại dẫn đường đưa chúng tôi về Tòa Giám Mục diện kiến hai Đức cha Antôn Vũ Huy Chương và Gioan Maria Vũ Tất. Cả hai Đức cha đã dành cho chúng tôi tình cảm rất đỗi thân thương, trìu mến. Các ngài ân cần thăm hỏi, chuẩn bị cho chúng con nơi ăn, chốn ở thật chu đáo.

Lúc ngồi nói chuyện, trao đổi tâm tình trong phòng khách ấm cúng, Đức cha Antôn chỉ cho chúng tôi thấy trên bản đồ, địa bàn hoạt động rộng lớn của Giáo phận Hưng Hóa. Qua tấm bản đồ, Đức cha giới thiệu sơ lược về Giáo phận Hưng Hóa, một Giáo phận có bề dày lịch sử, đã được hình thành từ năm 1673. Qua bao thăng trầm chiến sự và dòng chảy thời gian, ngày 24.11.1960, Hưng Hóa chính thức được Tòa Thánh nâng lên hàng Giáo phận Chính tòa Hưng Hóa gồm 9 tỉnh vùng Tây Bắc và 1 phần của Hà Nội. Tổng số giáo dân hiện nay là 227.647, trong đó có 15.000 giáo dân người dân tộc thiểu số. Cả Giáo phận hiện chỉ có 67 linh mục, 259 tu sĩ, chủ yếu là các Dì thuộc Tu viện Mến Thánh Giá.

Khó khăn là thế nhưng Giáo phận Hưng Hóa vẫn đang tập trung tu sửa, xây dựng các nhà thờ, tu viện, trung tâm mục vụ nhằm phát triển Giáo phận Hưng Hóa trở nên một cộng đoàn đức tin, phụng tự, bác áitruyền giáo. Vì thế, việc đào tạo nhân sự là mối quan tâm hàng đầu, kế đến là đẩy mạnh công việc bác ái, từ thiện, giúp đỡ nâng cao đời sống dân sinh tại các tỉnh miền núi còn đang gặp nhiều khó khăn. Đức cha Antôn nói: Tất cả mọi việc đều tín thác vào Thiên Chúa.

Sau bữa cơm tối thịnh soạn, đầy ắp tình cảm Cha – Con, thấm đẫm niềm vui gia đình với hai Đức cha, quý cha và quý thầy tại Tòa Giám mục, chúng tôi trở lại Tu viện Mến Thánh Giá như đã hẹn lúc chiều.

Buổi gặp gỡ giao lưu với các dì Dòng Mến Thánh Giá tại phòng hội chung ấm cúng, thân tình và rất thú vị. Các Dì đặt ra nhiều câu hỏi thông minh, dí dỏm thắc mắc về đời sống dân sinh, về việc sống đạo, về việc truyền giáo, về công tác văn hóa truyền thông trên mảnh đất Tây Nguyên xa xôi. Các Dì còn đề nghị chúng tôi hát bài Ly Café Banmê của Nguyễn Cường. Điều tệ hại là trong đoàn chúng tôi chẳng có ai biết hát, người này nhìn người kia, cuối cùng Ngọc Khánh đành hy sinh để thực hiện bài hát theo yêu cầu. Tuy đã cố gắng trổ hết tài nghệ nhưng chắc chắn đó là giọng ca dở nhất thế giới. Vậy mà các Dì vỗ tay khen ngợi rần rần!!! Không khí trong phòng đã nóng lên, mặc dù ngoài trời đang là 120C. Thế nhưng cũng đã đến lúc chúng tôi lưu luyến chia tay các Dì, về lại Tòa Giám mục nghỉ ngơi để chuẩn bị cho ngày mai chinh phục Cổng trời Sapa.

Xem hình TẠI ĐÂY

Vũ Đình Bình

(còn tiếp) Phần 7: Lao Chải

 Tags: Cổng Trời, Sapa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây