HÀNH TRÌNH LÊN CỔNG TRỜI SAPA
PHẦN 4: Bùi Chu
4 giờ 30 sáng ngày 16/02/2011 (tức ngày 14 Tết Tân Mão) dâng thánh lễ đồng tế tại Nhà nguyện Tòa Giám mục Phát Diệm, Đức cha Giuse Nguyễn Năng chủ tế. Ngoài trời mưa phùn, trời rét. Cái rét xuyên qua lớp quần áo dày cộp. Cái rét xuyên qua da thịt đi thẳng vào xương tủy. Cái rét khác xa cái lạnh ở Tây Nguyên. Lễ xong chỉ muốn chạy ngay lên phòng ngủ vùi mình vào chăn ấm.
6 giờ 00, các thầy lên tận phòng mời xuống ăn sáng. Bữa điểm tâm có món bánh cuốn nóng đặc sản Kim Sơn, có cả xôi gấc chính hiệu Ninh Bình. Tiếc là cái bụng không còn chỗ chứa!
7 giờ 00, Đoàn chúng tôi chào tạm biệt Đức cha, Cha quản lý, tạm biệt Phát Diệm mến khách, hướng về Bùi Chu.
11 giờ 30, chúng tôi đến Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội Phú Nhai, hay còn gọi là Đền thánh Phú Nhai (Bùi Chu - Nam Định). Đây là ngôi Thánh Đường nguy nga tráng lệ bậc nhất Việt Nam được sắc phong lên hàng Vương Cung Thánh Đường (Basilica) vào hồi tháng 09/2008. Nghe nói về Đền Thánh đã lâu, hôm nay mới có dịp mục kích sở thị. Đúng là ra Bắc mà không về Phú Nhai thì quả là một thiếu sót lớn.
Chúng tôi vào chào Cha quản xứ. Vừa đến phòng khách, Cha quản xứ đã nhận ra cha Antôn Vũ Thanh Lịch, Trưởng đoàn. Ngài nói, đã có thời gian ngài vào Ban Mê Thuột thăm người nhà ở xứ Chính Nghĩa. Lúc bấy giờ, cha Antôn đang coi xứ Thánh Tâm (nhà thờ Chánh tòa BMT), ngài thường đến tham dự các giờ lễ ở nhà thờ Chánh tòa để được nghe cha Antôn giảng (!?). Hôm nay nhờ giời dun dủi lại được gặp nhau nơi đây, thật là quý hóa. Thế là ngài nhờ ông trùm xứ dẫn Đoàn đi tham quan, còn ngài chuẩn bị bữa cơm trưa đãi khách!...
Theo lời kể của ông trùm xứ về Lược sử Đền Thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Nhai:
Vào năm 1858 tại Lộ Đức, nước Pháp, Đức Mẹ hiện ra với một thiếu nữ tên là Bernadette và xưng mình là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội. Cùng thời gian này việc truyền đạo và giữ đạo tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thử thách và bách hại.
Trong hoàn cảnh đen tối đó của lịch sử Công Giáo Việt Nam nói chung, và địa phận Bùi Chu nói riêng, năm 1858 (tức là chỉ sau 10 năm thành lập địa phận) Đức Cha Valentinô Berrio-Ochoa Vinh, Giám mục Bùi Chu (Đức cha Vinh được phúc tử đạo năm 1861 và được phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988) cùng với Cha chính địa phận, Cha Emmanuel Rianô Hoà đã tha thiết khấn cùng Đức Mẹ Vô Nhiễm rằng: Xin Đức Mẹ làm Quan Thầy ban sự bình an cho địa phận. Khi qua khỏi cơn khốn khó, địa phận sẽ xây một Đền Thờ xứng đáng để dâng kính Người.
Lời khấn đã được Đức Mẹ chấp nhận, tuy chưa ổn định, nhưng tinh thần giáo dân và giáo sĩ đã mạnh dạn hơn. Những người vì yếu đuối đã bỏ đạo thì ăn năn trở lại. Cha chính Hoà làm Giám mục năm 1868, ngài đã giữ lời khấn hứa với Đức Mẹ và năm 1881, ngài cùng với Cha chính Ninh (Isaac Barquero) xây nhà thờ kính Mẹ Vô Nhiễm tại Phú Nhai, tuyên bố nhận Đức Mẹ làm Quan Thầy Địa Phận. Ngài cũng là người đầu tiên đưa sáng kiến hàng năm vào ngày 8/12 tổ chức trọng thể lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, Quan Thầy địa phận Bùi Chu. Vào ngày lễ đó, ngài kêu gọi tất cả các Cha, các tu sĩ và toàn thể giáo dân quy tụ về Phú Nhai mừng lễ, để tạ ơn Đức Mẹ.
Nhà thờ Phú Nhai tính đến nay đã qua 3 lần xây cất. Lần đầu tiên là năm 1881, vì hoàn cảnh còn eo hẹp. Nhà thờ xây xong, nhưng chưa đúng như lòng mong ước, nên những thập niên về sau, giáo quyền đã đặt kế hoạch xây một Đền Thờ lớn hơn hoàn tất năm 1923, có thể nói là nhà thờ lớn nhất Đông Dương. Nhà thờ xây theo kiểu gothic, dài 88m, 2 tháp cao 30m, Cha chính Y vẽ đồ án và trông nom xây cất, 7 năm mới hoàn tất. Khánh thành đúng vào ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm 8/12/1923 do Đức Cha Munagori Trung, Giám mục Bùi Chu chủ sự, hầu hết các linh mục địa phận và trên 50.000 giáo dân tham dự.
Cơn bão ngày 30/9/1929 làm đổ nhà thờ Phú Nhai. Cha già Phạm Văn Nguyện, 82 tuổi, địa phận Thanh Hoá hiện đang hưu dưỡng tại nhà hưu dưỡng 12772 Loisse St, Garden Grove, CA 92841 kể lại như sau: Hồi đó, ngài hơn kém 20 tuổi, thỉnh thoảng dịch những bài báo từ Pháp văn sang Việt văn đăng trên tờ Trung Hoà nhật báo, tờ nhật báo Công Giáo đầu tiên tại Việt Nam. Trung Hoà nhật báo tường thuật cơn bão đó như sau:
Trận bão chỉ kéo dài hơn kém một giờ mà đã làm đổ 48 nhà thờ, trong đó có nhà thờ Phú Nhai. Nhà thờ đổ vào hồi 8 giờ sáng vì lý do trần nhà thờ bị mưa, chứa quá nhiều nước, bị gió lớn làm sập trần và kéo theo đổ cả nhà thờ. Thiệt hại về nhân mạng là 16 người chết, trong đó có ông từ đang đốt đèn. Rất may trận bão chỉ kéo dài có một giờ, nếu kéo dài lâu hơn, thì số thương vong rất nhiều. Dân làng ai ai cũng vội vàng thu dọn nhà cửa rồi vào trú ẩn trong nhà thờ. Chưa kịp vào thì nhà thờ đã bị sập.
Để tái thiết Đền Thánh, địa phận tổ chức Tombola trên toàn cõi Việt Nam. Nguyên tiền dọn dẹp cho sạch để xây lại nhà thờ đã tốn kém 40.000$ VN hồi đó, chưa kể nhân công. Nếu tính ra Mỹ Kim ngày nay, phí tổn dọn dẹp lên tới 800.000 USD. Hồi đó, một con bò giá 5$ VN, thì 40.000$ VN là 8.000 con bò. Vậy 8.000 con bò nhân với 100 USD là 800.000 USD.
Địa phận Bùi Chu vẫn cố gắng và lần thứ ba, với sự đóng góp của toàn thể giáo dân Bùi Chu và sự trợ giúp của các giáo phận Việt Nam, sau 4 năm cố gắng, giáo phận Bùi Chu lại hoàn thành một Đền Thánh đồ sộ, nguy nga hơn để kính dâng Đức Mẹ Vô Nhiễm vào năm 1933.
Đền Thánh Phú Nhai hiện nay, đã đứng vững gần 60 năm qua bao nhiêu bão tố và bom đạn chiến tranh.
Chúng tôi được mời sang Trung Tâm Mục Vụ Phú Nhai, ở đây có những bảng thông tin hết sức giá trị trên các bức tường chung quanh. Qua đó, biết được quê hương Phú Nhai đã sinh ra biết bao người con ưu tú, trong đó có:
- 6 vị Hiển Thánh Tử Đạo
1. Vinh Sơn Lê Quang LIÊM, sinh năm 1732 tại Trà Lũ, Bùi Chu, Linh mục Dòng Ða Minh, xử trảm ngày 07-11-1773 tại Ðồng Mơ dưới đời chúa Trịnh Sâm, phong Chân Phúc ngày 15-4-1906 do Ðức Piô X, kính ngày 07-11.
2. Vinh Sơn Ðỗ YẾN, sinh năm 1764 tại Trà Lũ, Phú Nhai, Linh mục Dòng Ða Minh, xử trảm ngày 30-6-1838 tại Hải Dương dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 30-6.
3. Ðaminh Ðinh ÐẠT, sinh năm 1803 tại Phú Nhai, Bùi Chu, Binh sĩ, xử giảo ngày 18-7-1839 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 18-7.
4. Tôma Ðinh Viết DỤ, sinh năm 1783 tại Phú Nhai, Nam Ðịnh, Linh mục Dòng Ða Minh, xử trảm ngày 26-11-1839 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 26-11.
5. Ðaminh MẦU, sinh tại Phú Nhai, Bùi Chu, Linh mục Dòng Ða Minh, xử trảm ngày 05-11-1858 tại Hưng Yên dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 05-11.
6. Giuse TUÂN, sinh năm 1825 tại Nam Ðiền, Nam Ðịnh, Giáo dân, xử trảm ngày 07-01-1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 07-01.
(Trích từ Dòng Máu Anh Hùng, Lm Vũ Thành)
- 111 Chứng Nhân Đức Tin
- và đã hiến dâng cho Hội Thánh 5 Giám Mục cùng hàng trăm Linh mục, Tu sĩ:
1. ĐGM Đaminh Đinh Đức Trụ (1908-1982)
2. ĐGM Đaminh Hoàng Văn Đoàn (1912-1974)
3. ĐGM Đaminh Lê Hữu Cung (1898-1987)
4. ĐGM Giuse Đinh Bỉnh (1920-1989)
5. ĐGM Đaminh Nguyễn Chu Trinh (1940-), Giám mục Giáo phận Xuân Lộc
Theo thông tin trên những bức tường đó chúng tôi còn biết thêm một vài số liệu về Đền Thánh như sau:
1. Năm 1866, Cha chính Hoà giữ lời khấn hứa, đã xây Đền Thánh bằng gỗ lợp bổi.
2. Khi làm Giám Mục, Đức cha Hoà xây Đền Thánh lần thứ hai dài 40m bằng gỗ lợp ngói nam năm 1881.
3. Năm 1917, Đức Cha Phêrô Munagori Trung xây dựng lại Đền Thánh hiện nay, hoàn thành năm 1923. Sáu năm sau, bị sập đổ do cơn bão lớn ngày 30/9/1929 (Kỷ Tỵ).
4. Năm 1930, Đức Cha Trung lại tái thiết, hoàn thành năm 1933. Đó là Đền Thánh ngày nay với kích thước: dài 80m, rộng 27m, cao 30m, tháp cao 44m.
Đang lúc tham quan Đền thánh Phú Nhai, chúng tôi được Chị bề trên dòng Đa Minh mời sang thăm Tu viện ngay sát cạnh Trung Tâm Mục vụ.
Tu viện Đa Minh được xây dựng khá khang trang, bề thế, có khu sân trước rộng rãi trồng cây cảnh đẹp như công viên. Chúng tôi vào thăm đúng lúc Nhà dòng đang dùng cơm trưa. Sau khi giới thiệu, các dì quên cả ăn, tiếp đón chúng tôi như người thân lâu ngày gặp lại, chuyện trò thân mật vui vẻ.
Chia tay các dì Dòng Đa Minh, chúng tôi về Nhà xứ dùng cơm. Bữa cơm “mắm muối nấu vội” của cha sở Giuse Trần Quang Tuyến hóa ra là một bữa tiệc thịnh soạn, hơn 10 món ăn đặc sản Nam Định, lại có cả rượu Tây lẫn rượu Ta.
Sau bữa cơm trưa no say, vừa say men rượu vừa say nghĩa tình, chúng tôi tạm biệt Phú Nhai, lên xe về Tòa giám mục Bùi Chu.
Ngay từ ngoài cổng Tòa giám mục, chúng tôi thấy có rất nhiều khách hành hương ra vào tấp nập. Có một Đoàn nhận ra chúng tôi vui mừng chạy đến hỏi thăm, chuyện trò ríu rít; đó là Đoàn hành hương thuộc Giáo xứ Chi Lăng – BMT. Những người đồng hương BMT vô tình gặp nhau ở xứ Bắc, tự dưng dành cho nhau một thứ tình cảm thân thương đến lạ!
Nếu như các Tòa giám mục thường “kín cổng cao tường”, thì cổng Tòa giám mục Bùi Chu lại luôn rộng mở đón tiếp khách hành hương cũng như khách du lịch. Có thể nói, đây chính là “mô hình du lịch tâm linh” mà hôm trước Đức cha Giuse Nguyễn Năng đề cập tới trong buổi nói chuyện.
Đến Tòa giám mục Bùi Chu, tất cả các Đoàn hành hương đều được tiếp đón ân cần và có người hướng dẫn tận tình, chu đáo. Riêng Đoàn chúng tôi được gặp gỡ, nói chuyện thân mật với Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, Giám mục giáo phận và ngài đích thân đưa chúng tôi đi thăm những công trình kỳ thú của Bùi Chu.
Đầu tiên, ngài dẫn chúng tôi xuống tầng hầm, ngay tại gian giữa chúng tôi nhìn thấy tượng Đức Mẹ mặc y phục áo dài Việt Nam bế Chúa Hài Đồng, ngồi trên võng tía được mắc vào hai cây trúc xinh, sơn son thiếp vàng. Gian bên kia rộng hơn gọi là Nhà hầm Các Thánh Tử Đạo, gồm 33 Thánh quan Tử Đạo Bùi Chu; trong đó có 6 vị Thánh Giám mục ngoại quốc, 9 Thánh Linh mục, 2 Thánh Thầy giảng, 16 Thánh giáo dân và Thánh quan Lê Thị Thành thuộc Giáo phận Thanh Hóa. Cũng tại nơi đây, có bàn thờ đặt xương thánh để khách hành hương chiêm ngắm và hôn kính.
Lên khỏi tầng hầm, Đức cha đưa chúng tôi đến Vườn Kinh Ave Maria 1. Ngay giữa vườn là đền thờ Đức Mẹ, trước bàn thờ có cỗ tràng hạt rất lớn, mỗi hạt kinh nặng 25kg. Trên cao có tượng Đức Mẹ bằng đá cẩm thạch nặng hơn 2 tấn. Chính nơi đây Đức Mẹ đã làm phép lạ cho một phụ nữ bệnh tâm thần được khỏi. Phía bên phải Vườn Kinh có một bức tường cao gắn 150 bản kinh Ave Maria bằng các thứ tiếng trên thế giới, kích thức mỗi bản kinh là 2,20m x 1,2m bằng đá cẩm thạch.
Trong Vườn Ave Maria còn có một số tượng lớn như tượng Thánh Phanxico với con chó sói. Truyện kể rằng: Vào thời của Thánh Nhân, tại miền Assisi nước Ý, có con chó sói chuyên đi cắn phá nhiều người. Người ta xin Thánh Nhân giúp đỡ. Ngài gọi nó đến, lấy Lời Chúa mà dạy nó: “Phải hiền lành như chim bồ câu” (Mt 10,16). Từ đó, nó vào rừng và không cắn ai nữa.
Ở phía giữa hành lang có pho tượng Đức Mẹ cao 5m với những em nhỏ đang dâng hoa. Cuối hành lang có tượng Thánh Don Bosco và Thánh Savio,…
Đặc biệt, bên phải Vườn Ave Maria có chiếc kèn Trumpet dài 5,20m, lớn nhất Đông Dương. Chúng tôi dùng hết sức để thổi cũng chỉ tạo nên một tiếng kêu như bò rống! Đối diện phía bên kia là chiếc đàn Lira (hay còn gọi là đàn vua Đavit) được đặt trên mặt trống đồng đường kính 1,80m.
Ngoài ra trong vườn còn có bộ cồng chiêng lớn nhất Đông Dương, nặng chừng 300kg. Đặc biệt là chiếc chuông nặng 9 tạ, độc đáo nhất thế giới, mang hình người phụ nữ; đó là Nữ Nhân Chung.
Sang Vườn Ave Maria 2, Đức cha Giuse giới thiệu cho chúng tôi thấy chiếc đỉnh hương bằng đồng nặng 3.500kg, có tượng Đức Mẹ La Vang đứng trên. Ở đây cũng có 75 bản kinh Kính Mừng như bên Vườn Ave Maria 1, có bản kinh tiếng Việt viết năm 1865 rất hay. Các bức tượng khác được đặt trong Vườn này là Tượng Thánh Gia, Tượng Đức Mẹ bế Chúa Giêsu lúc 6 tháng tuổi, tượng gia đình,…
Tiếp đến là Nhà Số 4, Đức cha gọi là Phục Sinh Đường. Nhà Số 4 nói lên ý nghĩa của 4 sự sau: chết, phán xét, Thiên đàng và hỏa ngục. Mặt trước tòa nhà có Thiên Thần thổi loa, dưới chân là đồng hồ chạy ngược. Trên nóc nhà có 12 tượng các Thánh Tông đồ, cao hơn là tượng 4 Thánh Sử.
Bên trong tòa nhà gồm 3 tầng. Tầng dưới lưu giữ 23 bộ xương Thánh Tử Đạo. Tầng giữa dùng làm nơi cử hành nghi lễ thâu nhận hài cốt. Tầng trên cùng triển lãm đồ phụng tự cổ như: áo lễ, chén thánh, yên sách, v.v…
Bên trái Nhà Số 4 là Đền Xét Xử. Phía sau là Tháp Thăng Thiên.
Mặc dù, thời gian có hạn, chân Đức cha lại đang đau, nhưng ngài vẫn nhiệt tình dẫn bộ chúng tôi đến thăm cơ ngơi Đại Chủng Viện. Ngay khi bước chân vào khu vực Đại chủng viện, chúng tôi nhìn thấy Tháp đồng hồ, chiếc đồng hồ hiệu Farnier đã có từ năm 1848. Bên trong tháp có một cỗ trống cái to nhất khu vực, làm tại Ý Yên, Nam Định vào năm 2004. Thăm Đại Chủng viện xong, Đức cha còn dẫn chúng tôi đến tham quan Nhà VIP, Nhà Số 5, (mang nghĩa bảo trợ thai nhi), Nhà Thiên Thần. Nhà Thiên Thần giống như Nhà Truyền thống, trưng bày tượng ĐGH Gioan Phaolo II, tượng các Giám mục, tượng Giáo sĩ Inixu, mô hình các nữ tu.
Trời đã về chiều, chúng tôi lưu luyến chia tay Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm và Giáo phận Bùi Chu với những công trình kỳ thú.
4 giờ 00 chiều, chúng tôi qua phà, vượt tắt sông Hồng đến với Giáo phận Thái Bình.
Tòa Giám mục Thái Bình ở ngay trung tâm thành phố, số 6 Trần Hưng Đạo. Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Đệ, Giám mục Giáo phận nguyên là Chủ tịch Ủy ban Văn Hóa – Truyền Thông trực thuộc HĐGM Việt Nam. Ngài đã cùng đồng hành với Giáo phận Banmêthuột trong suốt khóa học truyền thông tổ chức lần đầu hồi tháng tám năm 2010 tại Nhà lưu trú Hòa Bình Banmêthuột. Vì thế, vừa gặp Đức Cha, bao nhiêu kỷ niệm dâng trào, Đức Cha dành cho Đoàn chúng tôi tình cảm rất đặc biệt, như những người con đi xa mới về. Đức Cha ước ao có một ngày được gặp lại tất cả anh chị em truyền thông Banmêthuột.
Bữa cơm tối hôm ấy, Đức Cha sai các thầy mang trống, đàn, âm thanh chuẩn bị cho buổi giao lưu văn nghệ, nhưng niềm vui Cha con gặp lại nhau quá lớn, không cần đến bất cứ thiết bị hỗ trợ nào mới có thể biểu tả tình cảm. Bữa cơm tràn ngập yêu thương, tràn ngập tiếng cười nói đậm tình, nặng nghĩa.
Sau đó, chúng tôi còn được dẫn đi “tăng hai”: dạo phố và uống cà phê, ăn kem ở quán Cát Tường, số 13 Hoàng Diệu, một quán cà phê sang trọng và lịch sự vào bậc nhất Thái Bình.
Vũ Đình Bình
(còn tiếp) Phần 5: Thái Bình
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn