Hành Trình Lên Cổng Trời Sapa - 2

Thứ tư - 13/05/2020 23:11 |   582
4 giờ 30 sáng ngày 14/02/2011 (tức ngày 12 Tết Tân Mão) dâng Thánh lễ đồng tế với Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri tại nhà nguyện Tòa Giám mục Đà Nẵng.
Hành Trình Lên Cổng Trời Sapa - 2

HÀNH TRÌNH LÊN CỔNG TRỜI SAPA
PHẦN 2: đến Vinh

4 giờ 30 sáng ngày 14/02/2011 (tức ngày 12 Tết Tân Mão) chúng tôi dâng Thánh lễ đồng tế với Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri tại nhà nguyện Tòa Giám mục Đà Nẵng. Ngôi nhà nguyện chỉ khoảng vài chục mét vuông, ấm cúng. Sau lễ chụp hình lưu niệm với Đức Cha ngay trong nhà nguyện nhỏ này.

Giờ ăn sáng ở Tòa Giám mục là 6 giờ 30, chúng tôi được ưu tiên dùng bữa sáng trước để kịp lên đường đến Tòa Giám mục Vinh đúng hẹn. Ăn sáng xong, trước lúc chia tay, Đức Cha còn tiếp tế thêm cà phê pha sẵn, bánh mì,… và lời cầu chúc bình an. Đức Cha thật là chu đáo. Xin tạm biệt Đà Nẵng thân thương và hẹn gặp lại!        

Xe chúng tôi bon nhanh trên đường, qua hầm Hải Vân đến với Huế mộng mơ. Hầm Hải Vân dài 6.280m, khánh thành ngày 5.6.2005. Lần đầu tiên đi trong đường hầm ai cũng có cảm giác lạ lẫm, thích thú. Cảm giác thú vị ấy còn đang vương vấn, chúng tôi lại được dịp thưởng thức khung cảnh thơ mộng mê hồn của thành phố Huế trong mưa.

“Mưa chợ Đông Ba, mưa qua Gia Hội

Mưa về đồng nội, mưa đợi Văn Lâu

Giọt mưa chan chứa nỗi sầu

Ai còn đứng mãi bên cầu đợi ai”

...

“Mưa giăng đỉnh Ngự se lòng nhớ

Gió buốt dòng Hương lạnh tái tê”

Có lẽ những cơn mưa Huế luôn mang nét buồn buồn như chất chứa nỗi niềm riêng khiến lòng người trở nên thâm trầm, hoài niệm; khiến những cô gái Huế có nét đẹp dịu dàng, sâu kín; khiến tao nhân mặc khách mê mẩn với những vần thơ không bao giờ dứt. Mưa Huế khiến khách du lịch bỗng trở nên bâng khuâng, hoài cổ và yêu quê hương da diết. Có người nói,  nếu mai này không còn những cơn mưa, Huế sẽ không còn là Huế nữa.

Ra khỏi Huế, như chợt tỉnh cơn mê, bụng đói cồn cào, chúng tôi dừng xe ăn cơm trưa tại một nhà hàng nho nhỏ ở Quảng Trị có vị chủ quán hơi bị… chảnh! Ăn xong, lên xe đi tiếp vì đường đến Tòa Giám mục Vinh còn khá xa. Nếu theo đường HCM, ghé thăm Phong Nha – Kẻ Bảng, chúng tôi sẽ lỡ kế hoạch đã định sẵn, (xin hẹn dịp khác). Xe lại tiếp tục bon nhanh trên QL1A, vượt cầu sông Gianh, vượt hầm đèo Ngang dài 495m sang đến địa phận huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Trời vẫn mưa. Thấp thoáng những cô gái che dù ra vẫy vẫy. Chú Tài nói vui: “Giọng tắc kè bên này khác giọng tắc kè bên kia”.

Không biết có khác không, nhưng có thể nói Hà Tĩnh là vùng đất địa linh nhân kiệt sản sinh ra nhiều danh nhân văn hóa, lịch sử như: Mai Hắc Đế, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Phan Đình Phùng, Xuân Diệu, Huy Cận,… Hà Tĩnh còn có Hồ Kẻ Gỗ dài 30km gồm 1 đập chính và 10 đập phụ, sức chứa 300 triệu m³ nước. Hồ nổi tiếng qua bài hát: Người đi xây Hồ Kẻ Gỗ, sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý:

Bởi chúng mình thương bao nhiêu mảnh đất cằn  
Mà đời không ngại đào mấy con kênh 
Đắp hồ xây đập ta nuôi dòng nước ngọt       
Để đàn mương nhỏ tắm mát quanh năm        
Ruộng đồng ta thỏa mơ ước bao ngàn năm

Kẻ Gỗ là đây bao năm đợi tháng chờ   
Nay vùng đá bạc đồi núi lô nhô   
Những dòng suối nhỏ theo sông về với biển  
Bỏ đồi hoang lại trong nắng trong mưa        
Để người nên khổ như đất kia cằn khô

Nghệ Tĩnh mình ơi! Sông Lam rọi núi Hồng 
Bạn về theo bạn đào núi ngăn sông     
Đất trời như vẫn vang vang lời trống giục    
Mặt hồ lay động nên sóng mênh mông 
Từng đàn cá lội cây lúa thêm nặng bông…

Mải miên man với ca khúc mang đậm âm hưởng dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh mà quên mất ngoài trời đã dứt mưa. Thành phố Vinh hiện ra trước mắt với những khu phố mới xây dựng, nhà cao tầng chen nhau san sát. Thành phố được mệnh danh là “Thành phố bình minh”, đặc sản nổi tiếng là kẹo Cu Đơ. Ăn kẹo Cu Đơ, uống nước chè xanh thì ngon tuyệt! Tuy nhiên, không thể dừng lại để thưởng thức vì Tòa Giám mục Vinh đặt tại Xã Đoài (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) còn cách thành phố Vinh 13 cây số về phía Bắc, mà tài xế lại không thuộc đường.

Loanh quanh mãi 5 giờ chiều chúng tôi mới đến được Xã Đoài, sau nhiều lần dừng xe hỏi thăm đường, lại còn phải băng ngang cánh đồng lúa rộng lớn, mới đến được Tòa Giám mục. Vừa đến nơi, Cha quản lý sắp xếp chỗ ở cho chúng tôi và mời dùng cơm tối ngay vì đã đến giờ ăn. Trong nhà ăn có khá đông người. Ngoài 2 Đức cha, Đức cha già  Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, Đức cha đương nhiệm Phaolô Nguyễn Thái Hợp, và các cha Tòa Giám mục còn có phái đoàn caritas quốc tế và khoảng hơn 50 thầy đại chủng viện. Đức cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp giới thiệu Đoàn chúng tôi với cả nhà, mọi người vỗ tay đón tiếp nồng nhiệt. Thật hân hạnh! Đang đói, trời lạnh, được bữa ăn ngon với món lẩu đặc sản, rượu Tây, lại được Đức cha và cha quản lý tốt mời, khiến cả đoàn no say!

Sau bữa cơm tối, chúng tôi đến chào thăm Đức cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp tại phòng riêng. Buổi chuyện trò thân mật xoay quanh tình hình sinh hoạt của Giáo phận, Đức cha ân cần hỏi thăm từng người và tặng mỗi người cuốn sách do chính ngài mới biên soạn năm 2011: “Việt Nam dấu yêu – Quê hương và Giáo hội”. Theo chương trình, chúng tôi có giờ làm việc với cha Giêrađô Nguyễn Nam Việt, Trưởng ban VH-TT GP Vinh, nhưng ngài ốm đột xuất nên không thực hiện được.

Vì ở xa thành phố, không có chỗ đi chơi, chúng tôi tập trung làm việc trên máy tính. Các Cha được bố trí ngủ trên lầu, mải làm việc quá giờ, cửa tầng lầu khóa trái bên trong, Cha Hùng đành phải ngủ lại phòng ngủ lớn với anh em. Một ngày ngồi xe mỏi mệt, phòng ngủ đầy đủ tiện nghi, chăn nệm ấm áp, mọi người say sưa ngủ. Chỉ mình Vinh Sơn không ngủ được, (có lẽ vì nhớ nhà), anh chàng dùng máy thu âm, ghi lại hết tiếng ngáy của mỗi người để làm… kỷ niệm!

Xem hình TẠI ĐÂY

Vũ Đình Bình

(Còn tiếp) Phần 3: Phát Diệm

 Tags: Cổng Trời, Sapa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây