Hành Trình Lên Cổng Trời Sapa - 12

Thứ năm - 14/05/2020 04:43 |   479
Quảng Trị có La Vang Mẹ hiện ra rõ ràng Phù hộ các giáo hữu An ủi khắp dân làng.
Hành Trình Lên Cổng Trời Sapa - 12
HÀNH TRÌNH LÊN CỔNG TRỜI SAPA

Phần 12: La Vang
Chúng tôi đến La Vang vào buổi chiều mưa bay lất phất. Vừa đến nơi, không ai bảo ai, mọi người đều chạy đến quỳ bên chân Mẹ, dâng lên Mẹ tất cả tâm tình phó thác, tin yêu. Và mượn lời thơ Hàn Mặc Tử mà tôn vinh Mẹ:
Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi,
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế.
Tôi cảm động rưng rưng hai dòng lệ:
Dòng thao thao như bất tuyệt của nguồn thơ.
Bút tôi reo như châu ngọc đền vua,
Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị...
Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí,
Và trong tay nắm một vạn hào quang...
Có nhiều người khi nghe đến địa danh La Vang cứ nghĩ rằng ở đâu xa lắm, như: Fatima, Lộ Đức, Mễ Du, v.v… Thực ra, La Vang thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, Việt Nam.
Theo tư liệu Tòa Tổng Giám Mục Huế – 1998, dưới triều đại vua Cảnh Thịnh (lên ngôi năm 1792), ra chiếu chỉ cấm đạo ngày 17 tháng 8 năm 1798, bởi thế, tín hữu xứ Cổ Vưu, xứ Thạch Hãn, v.v… ở gần đồi Dinh Cát (nay là thị xã Quảng Trị) phải tìm nơi ẩn náu. Họ đã đến lánh nạn tại núi rừng La Vang, nơi rừng thiêng nước độc, nhiều thú dữ. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, thiếu ăn, bệnh tật, sợ hãi quan quân, sợ thú dữ, các tín hữu chỉ biết một lòng tin cậy phó thác vào Thiên Chúa và Đức Mẹ. Họ thường tụ tập dưới gốc cây đa đại thụ, cùng cầu nguyện, an ủi và giúp đỡ nhau.
Một hôm đang khi lần hạt kính Đức Mẹ, bỗng họ nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp, mặc áo choàng rộng, tay bồng Chúa Hài Đồng, có hai thiên thần cầm đèn chầu hai bên. Họ nhận ra ngay là Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ bày tỏ lòng nhân từ, âu yếm, và an ủi giáo dân vui lòng chịu khó. Mẹ dạy hái một loại lá cây có sẵn quanh vùng, đem nấu nước uống sẽ lành các chứng bệnh. Mẹ lại ban lời hứa: “Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện”. Sau đó, Mẹ còn hiện ra nhiều lần như vậy để nâng đỡ và an ủi con cái Mẹ trong cơn hoạn nạn.
Lịch sử Đức Mẹ hiện ra và lập nhà thờ không được biên chép từ thời đó, nên hầu hết chỉ theo lời truyền khẩu. Có giả thuyết, nhà thờ La Vang vốn là một mái nhà tranh dưới gốc cây đa được rào sơ sài bốn mặt. Sau biến cố Mẹ Maria hiện ra năm 1789 giáo dân mới tu sửa lại để tôn kính Mẹ. Năm 1886, Ðức Cha Gaspar (Lộc) cho xây dựng đền thờ, mãi đến 15 năm sau mới hoàn thành, lấy tước hiệu là: “Ðức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu”. Ðại Hội Thánh Mẫu Đức Mẹ La Vang lần đầu tiên được diễn ra vào năm ấy, ngày 8 tháng 8 năm 1901. Và cứ 3 năm lại tổ chức một lần. Mới đây nhất là Đại hội lần thứ 29 nhân dịp bế mạc Năm Thánh 2010, Đại hội diễn ra rất long trọng từ ngày 04 – 06.01.2011, thu hút khoảng nửa triệu người về tham dự.
Từ Đại Hội năm 1901, La Vang đã trở thành linh địa của Giáo phận Huế, rồi lan rộng cả nước Việt Nam. Tín hữu khắp nơi hành hương đến La Vang để tôn kính Mẹ và được Mẹ ban nhiều ơn lành hồn xác. Biết bao ơn lạ Mẹ đã làm tại chốn đây. Những tấm bia tạ ơn Mẹ La Vang của các gia đình trong và ngoài nước đã minh chứng điều này.
Ngày nay, sự tích Đức Mẹ La Vang đã được Giáo hội công nhận và La Vang đã trở thành trung tâm hành hương của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Những kế hoạch kiến thiết, phát triển đang được tiến hành.
Sau giờ tâm tình bên linh đài Mẹ La Vang, chúng tôi đến thăm tòa tháp cổ. Đây là tháp chuông của ngôi nhà thờ xây dựng năm 1924 theo đồ án của kiến trúc sư Carpentier và được khánh thành vào ngày 20 tháng 08 năm 1928, nhân dịp Đại hội La Vang lần thứ 9. Thánh đường này được trùng tu năm 1959. Năm 1961, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã ban sắc chỉ nâng lên thành Vương Cung Thánh Đường. Trong phiên họp ngày 13 tháng 04 năm 1961, Hội đồng Giám mục Việt Nam (Miền Nam) đã đồng thanh quyết định chọn La Vang là Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc. Do chiến tranh, vào Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, bom đạn đã làm sập đổ hoàn toàn Vương Cung Thánh Đường, chỉ còn lại di tích tháp chuông hoang tàn.
Năm 1995, di tích tháp cổ được tu sửa theo nguyên trạng. Nhà nguyện Đức Mẹ mái lợp tôn cũng được dựng lên phía sau tháp cổ. Năm 2002, xây thêm Nhà nguyện Thánh Thể. Năm 2004, Công trường Mân Côi, Lễ đài, Nhà hành hương, 3 cây đa (nơi Đức Mẹ hiện ra)... cũng được xây dựng hoàn thành. Năm 2008, Thánh địa được chính quyền tỉnh Quảng Trị trả lại 21 ha đất để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của giáo dân. Những đồ án thiết kế xây dựng tổng thể Trung tâm Hành hương La Vang và Vương cung Thánh đường mới cũng đang được HĐGM Việt Nam bàn thảo, chọn lựa để tiến hành kiến thiết trong nay mai.
Cầu mong Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang sẽ là trung tâm Loan Báo Tin Mừng dưới sự bảo trợ của Mẹ La Vang. Đến với Mẹ La Vang, chúng ta cùng cộng tác với Mẹ trong tâm tình nhân ái để bồi đắp nền văn minh tình thương sự sống. Đến với Mẹ La Vang, nhận lấy ơn lành nơi Mẹ mà chia sẻ cho nhau, để mọi người nhận thấy “hồng ân Chúa như mưa, như mưa…”,  và được ấp ủ trong tình yêu thương của Mẹ. 
Quảng Trị có La Vang
Mẹ hiện ra rõ ràng
Phù hộ các giáo hữu
An ủi khắp dân làng.
 
Biết bao là ơn lạ
Mẹ ban cho tỏ tường.
Chẳng kể giáo hay lương
Ai xin đều được cả. 
 
Cỏ cây và hoa lá,
Nước giếng thành thuốc tiên
Nhờ Đức Mẹ linh thiêng
Chữa lành bao bệnh tật.
 
Xuân nay về La Vang
Dâng Mẹ cánh mai vàng
Cùng tâm tình yêu mến
Tung hô Mẹ vinh quang.
 
Trời nhá nhem tối, chúng tôi từ giã Mẹ, gói ghém bao ân tình Mẹ trao ban, trở về thành phố cao nguyên có nắng, có gió và có hoa cà phê nở trắng muốt trong sương mai.
 Vũ Đình Bình
 Tags: Cổng Trời, Sapa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây