Hành Trình Lên Cổng Trời Sapa - 3

Thứ tư - 13/05/2020 23:21 |   570
4 giờ 30 sáng ngày 15/02/2011 (tức ngày 13 Tết Tân Mão) ở Tòa Giám mục Vinh trời lạnh, những hạt mưa li ti bay bay như sương sớm phủ trên cây cỏ.
Hành Trình Lên Cổng Trời Sapa - 3

HÀNH TRÌNH LÊN CỔNG TRỜI SAPA
PHẦN 3: Phát Diệm

4 giờ 30 sáng ngày 15/02/2011 (tức ngày 13 Tết Tân Mão) ở Tòa Giám mục Vinh trời lạnh, những hạt mưa li ti bay bay như sương sớm phủ trên cây cỏ. Không gian tĩnh mịch, chỉ có tiếng kinh đều đều của các thầy Đại chủng viện. Chúng tôi dự Thánh lễ đồng tế với Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp và các thầy tại Nhà nguyện. Sau đó, tham quan Tòa giám mục và  nhà thờ Xã Đoài ngay bên cạnh. Nhà thờ Xã Đoài là nhà thờ Chính tòa Giáo phận Vinh do Đức Cha Phêrô Nguyễn Năng khởi công xây dựng, khánh thành ngày 4.3.1979 nhưng nhìn có vẻ cổ kính và khá bề thế.    

6 giờ, ăn sáng, uống cà phê. Tòa giám mục Vinh có một căn phòng nhỏ chuyên dùng cho việc uống cà phê gồm 2 bàn và rất nhiều ghế nhỏ giả gốc cây, cách bài trí trong phòng gần giống như một quán cà phê trên Tây Nguyên. Còn chất lượng cà phê thì chính gốc Banmêthuột! Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp nói người Vinh ít dùng cà phê, căn phòng này chỉ để tiếp khách, thường là khách quý!     

7 giờ, chúng tôi đến thăm cha Giêrađô Nguyễn Nam Việt và làm việc sơ bộ về trang web với 2 thầy đặc trách website Giáo phận Vinh. Sau đó, tạm biệt Giáo phận Vinh lên đường đi Phát Diệm.     

Tiếp tục rong ruổi trên QL1A, qua Thanh Hóa, đi tắt theo QL10 cho gần. Ăn trưa tại một quán cơm cuối tỉnh Thanh Hóa. Quán thấp lè tè, chật chội, vậy mà đông khách, vừa ăn vừa chờ cơm vì nấu không kịp!   

Đường xá giao thông ở đây quá kém. Tiếng là đường quốc lộ nhưng có nhiều đoạn chẳng khác gì đường liên thôn ở Đak Lak, có chỗ phải nộp lệ phí qua cầu cho xe, còn người thì xin mời xuống đi bộ, cũng may, lượng xe ô tô lưu thông trên đường không nhiều, đa số là xe đạp. Hay vì thế mà họ không màng đến chất lượng mạng lưới giao thông?!

Giáp ranh tỉnh Ninh Bình là cầu phao Đò Thắm; lại xuống đi bộ dập dềnh trên chiếc cầu phao cũ kỹ.

Qua cầu ngả nón trông cầu

Cầu phao lắc lẻo dạ sầu lắm thay!       

Đường vẫn xấu và hẹp như thế cho đến tận Tòa Giám mục Phát Diệm. Khí hậu ở đây khá rét, ngoài trời lất phất mưa xuân, thật thú vị lần đầu tiên được hưởng cái rét miền Bắc.

Đến Tòa Giám mục Phát Diệm, được Cha Quản lý Nhà chung sắp xếp chỗ nghỉ ngơi tươm tất, chu đáo. 2 giờ 30, Đức cha Giuse Nguyễn Năng tiếp đón chúng tôi tại phòng khách. Cha Trưởng đoàn chúc năm mới Đức Cha, thăm hỏi việc sống đạo ở Giáo phận, trình bày mục đích chuyến du xuân của Đoàn. Đức Cha chúc cho chuyến đi của Đoàn gặt hái kết quả tốt đẹp. Ngài nói chuyện thân tình, cởi mở về tình hình sinh hoạt trong Giáo phận. Ngài đề cập đến hoạt động truyền giáo qua mô hình du lịch tâm linh, một mô hình mới mẻ, độc đáo. Sau khi chụp hình lưu niệm, Đức Cha cử thầy Thắng hướng dẫn chúng tôi tham quan Nhà thờ lớn Phát Diệm. Ở đây có rất đông khách du lịch. Nghe nói trước kia người ta đặt trạm bán vé thu tiền ngay ngoài ngõ, nhưng giáo dân phản ứng quyết liệt nên bây giờ khách được vào thăm viếng tự do.

Nhà thờ Phát Diệm ở thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình; là nhà thờ mang đậm kiến trúc phương Đông và là một quần thể kiến trúc Công giáo độc đáo, đồ sộ bậc nhất Việt Nam. Phát Diệm có nghĩa là phát sinh ra cái đẹp; tên Phát Diệm do Nguyễn Công Trứ đặt. Nhà thờ được xây dựng trong suốt thời gian 24 năm liên tục (1875 - 1898). Với trình độ kỹ thuật và điều kiện giao thông của những năm cuối thế kỷ 19 thì chỉ việc vận chuyển hàng nghìn tấn đá, có những phiến nặng 20 tấn, hàng trăm cây gỗ lim về tới Phát Diệm để xây nhà thờ cũng là một kỳ công.        

Phát Diệm là một quần thể kiến trúc phương Ðông gồm có (từ hướng nam đi vào): Ao hồ, Phương Ðình, Nhà thờ lớn với bốn nhà thờ cạnh ở hai bên, ba hang đá nhân tạo, nhà thờ đá.

Phương Ðình là một công trình kiến trúc cao 25m, rộng 17m, dài 24m gồm ba tầng bằng đá phiến, lớn nhất là tầng dưới cùng được xây dựng bằng đá xanh. Nghệ thuật xây dựng Phương Ðình rất đáng khâm phục, với kỹ nghệ thủ công, những người thợ địa phương đã ghép những phiến đá nặng hàng nghìn cân, mức độ chính xác rất cao. Các vòm cửa bằng đá được lắp ghép đến trình độ tinh xảo. Giữa Phương Ðình đặt một sập bằng đá nguyên khối, phía ngoài và bên trong có những bức phù điêu được khắc chạm trên đá hình ảnh Chúa Giêsu và các vị thánh bằng những đường nét thanh thoát. Tầng thứ hai của Phương Ðình treo một trống lớn. Tầng ba treo một quả chuông cao 1,4m, đường kính 1,1m, nặng gần 2000 kg. Mái của Phương Ðình có năm vòm, bốn vòm ở bốn góc thấp hơn. Mái của Phương Ðình không cao vút kiểu ngọn tháp như những nhà thờ khác mà là mái cong thấp cổ kính như mái đình, mái chùa.    

Công trình kiến trúc kế tiếp là nhà thờ lớn. Nhà thờ lớn là nhà thờ chính được xây dựng năm 1891, có năm lối vào vòm đá được chạm trổ. Nhà thờ lớn dài 74m, rộng 21m, cao 15m, có bốn mái. Trong nhà thờ có 6 hàng cột gỗ lim nguyên khối, hai hàng cột giữa cao tới 11m, chu vi 2,35m, mỗi cột nặng khoảng 10 tấn.         

Gian thượng của thánh đường có một bàn thờ lớn làm bằng một phiến đá nguyên khối dài 3m, rộng 0,9m, cao 0,8m, nặng khoảng 20 tấn. Mặt trước và hai bên được chạm trổ các loài hoa đặc trưng của bốn mùa làm cho bàn thờ như được phủ một chiếc khăn màu thạch sáng. Hai phía bên nhà thờ có bốn nhà thờ nhỏ được kiến trúc theo một phong cách riêng.         

Nhà thờ đá hay còn được gọi là nhà thờ dâng kính trái tim Ðức Mẹ. Gọi là nhà thờ đá vì tất cả mọi thứ ở nhà thờ này đều được làm bằng đá, từ nền, tường, cột, chấn song cửa..., kể cả vì kèo cũng bằng đá nguyên khối. Phía trong được chạm nhiều bức phù điêu đẹp, đặc biệt là bức chạm tứ quý: tùng, cúc, trúc, mai, tượng trưng cho thời tiết và vẻ đẹp riêng của bốn mùa trong một năm. Ðường nét khắc họa những con vật như sư tử, phượng hoàng sống động đến lạ thường.    

Ở phía bắc khu nhà thờ Phát Diệm có 3 hang đá được tạo bằng những khối đá lớn nhỏ khác nhau giữ nguyên dáng vẻ tự nhiên. Trong đó, hang Lộ Ðức là đẹp nhất.                  

Sau hơn 2 giờ đồng hồ tham quan, được thấy tận mắt, được sờ tận tay, được thầy Thắng giới thiệu tận tình, chi tiết và cụ thể, chúng tôi hiểu biết thêm rất nhiều về Nhà thờ Phát Diệm, một quần thể kiến trúc độc đáo, đồ sộ bậc nhất tại Việt Nam và cũng là di sản quý báu do Đức Tin, công sức, trí tuệ của cha Trần Lục, của ông bà tổ tiên để lại cho chúng ta ngày nay.   

Nhiệt độ bây giờ là 120C, ngoài trời mưa vẫn bay lất phất, cho chúng tôi được “nếm mùi” một cái rét đặc trưng của miền Bắc, thật là thú vị! 6g00 chiều, chúng tôi được mời đến phòng ăn Nhà chung, dùng bữa cơm tối thân mật với Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, các Cha Tòa Giám mục và rất đông các thầy chủng sinh. Bữa cơm trong tâm tình ấm cúng, nồng nàn, thân mật và có những món đặc sản Ninh Bình như gỏi cá nhệch, rượu nếp Kim Sơn,… ngon tuyệt!

Xem hình TẠI ĐÂY

Vũ Đình Bình

(Còn tiếp) Phần 4: Bùi Chu   

 Tags: Cổng Trời, Sapa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây