Hành Trình Lên Cổng Trời Sapa - 5

Thứ tư - 13/05/2020 23:55 |   475
4 giờ 30 sáng ngày 17/02/2011 (tức ngày 15 Tết Tân Mão) dâng Thánh lễ tại Nhà nguyện Tòa Giám mục Thái Bình, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ chủ tế,
Hành Trình Lên Cổng Trời Sapa - 5
HÀNH TRÌNH LÊN CỔNG TRỜI SAPA
PHẦN 5: Thái Bình

4 giờ 30 sáng ngày 17/02/2011 (tức ngày 15 Tết Tân Mão) dâng Thánh lễ tại Nhà nguyện Tòa Giám mục Thái Bình, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ chủ tế, có rất đông các Cha Tòa Giám mục đồng tế. Hôm nay khí hậu ngoài trời đã khá hơn, không còn rét cóng như sáng qua tại Phát Diệm.

6 giờ 00, ăn sáng, sau bữa sáng chúng tôi được dẫn sang tham quan nhà thờ Chánh tòa Thái Bình ở ngay khu đất bên cạnh Tòa Giám mục. Nhà thờ Chánh tòa khởi công xây dựng ngày 17.07.2005 theo phong cách tân thời, hiện đại, có tầng trệt rộng rãi làm nơi để xe cho giáo dân đi dự lễ. Sau hơn 2 năm, công trình mới hoàn tất, được khánh hành và thánh hiến vào ngày 13.10.2007.

8 giờ 00, chúng tôi trở lại Tòa Giám mục, thu dọn hành lý, chào tạm biệt Đức Cha để đi thăm chủng viện Mỹ Đức, nơi ngày xưa Cha trưởng ban đã từng tu học. Cuộc chia tay nào cũng bịn rịn, bồi hồi cảm xúc. Đức Cha ân cần nắm tay từng người một như không muốn rời xa. Ngài không quên gửi mỗi người một gói quà thật to, đó là Bánh Cáy, đặc sản quê lúa Thái Bình.

Bánh cáy được làm bằng nếp cái hoa vàng, quả gấc chín đỏ, lạc, vừng rang vàng, mỡ phần, cơm dừa xắt lát ướp đường, mứt bí, mạch nha và hương hoa bưởi. Nếp cái hoa vàng đem ngâm, trộn gấc đỏ đồ xôi, rồi ép dẻo, xắt hạt lựu đem phơi khô (người ta gọi hạt nếp này là “con cáy” bởi nó có hình thù giống con cáy ở biển). Thóc tẻ rang lên trong nồi gang cho xòe cánh thành một thứ gọi là hạt “nẻ”. Rồi lấy mỡ phần loại ngon, cơm dừa bào sợi, cho ướp đường nửa tháng. Lại chiên vàng những “con cáy” trong dầu ăn. Mạch nha được ủ rồi đem nấu trên bếp than đỏ hồng. Xong, đảo thật đều tay những “con cáy”, hạt nẻ, mỡ phần, cơm dừa, mứt bí, gừng sợi, khi đã đến độ kết dính thích hợp, thêm tí hương hoa bưởi. Cuối cùng cho bánh vào khay ép phẳng, lúc còn nóng rắc vội một lớp vừng và lạc thơm. Cắt bánh thành từng vuông, để nguội đem đóng hộp, để dành tiếp khách.

Xưa kia dân làng Nguyễn làm bánh cáy tiến vua, được vua khen thưởng, từ đó Thái Bình nức tiếng về món bánh cáy làng Nguyễn. Bánh cáy làng Nguyễn được làm hoàn toàn bằng thủ công. Bí quyết làm bánh cáy của người dân làng Nguyễn là công đoạn nhào trộn nguyên liệu, chiên, và ép bánh. Làm thế nào mà chiếc bánh không quá ngọt, không quá nhạt. Chiếc bánh vừa chín, dẻo, có vị cay và nồng, thích hợp với tiết trời giá rét. Nếu như vào buổi tối mùa đông được một lần thưởng thức món bánh cáy làng Nguyễn với chén nước chè đặc sánh, rít hơi thuốc lào Vĩnh Bảo, có khi… quên cả đường về!!!
Đến Thái Bình mà không ghé thăm nhà thờ Bác Trạch là một thiếu sót. Đức Cha nói thế! Ngài bận mục vụ nên cử người đi theo dẫn đường.

Nhà thờ Bác Trạch thuộc xã Vân Trường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình; cách Tòa giám mục khoảng 23km về phía Đông Bắc. Lúc chúng tôi đến, nhà thờ vẫn đang xây dựng dở dang, dự kiến hoàn thành trong năm 2011. Đón tiếp chúng tôi là linh mục quản xứ Augustinô Nguyễn Quang Huy. Ngài rất phấn khởi, mời chúng tôi tham quan công trình. Có thể nói mô hình Nhà thờ Bác Trạch không khác Đền thánh Phú Nhai là mấy nhưng bề thế hơn. Chiều dài nhà thờ 92m, rộng 45m chiều cao tháp chuông 60m, chiều cao tum 52m... Ngay như quả chuông cũng lớn hơn (nặng 2,3 tấn), chiếc đồng hồ mặt tiền cũng lớn hơn (đường kính 4,2m),… Cha quản xứ rất tự hào cho rằng tiếng chuông nghe cũng “hay” hơn. Để minh chứng, ngài kéo chuông cho chúng tôi nghe thử!!!

Rời nhà thờ Bác Trạch, chúng tôi đến thăm chủng viện Mỹ Đức. Chủng viện Mỹ Đức do Đức cha Casado Thuận khởi công xây dựng năm 1936 và khánh thành vào tháng 9/1937 lấy tên là Tiểu chủng viện thánh Tôma Mỹ Đức. Sau những thăng trầm và đổi thay của lịch sử, năm 1963 chủng viện bị đóng cửa. Mãi đến năm 2008, chính quyền mới chấp thuận cho mở lớp bồi dưỡng về triết học và thần học cho 30 thầy lớn tuổi trong Giáo phận.

Đến Chủng viện Mỹ Đức, vừa bước xuống xe, Cha trưởng đoàn có vẻ xúc động. Không xúc động sao được, đã bao năm nay mới có dịp về thăm trường cũ!

Ngày tháng cũ vẫn còn rộn ràng trong ta từng nỗi nhớ.
Giữa những ước mơ đời, tìm về bên nhau nghe tiếng xưa.
Dù năm tháng có nhòa, kỷ niệm theo ta không phai mờ
Tình thầy trò vẫn ấm như bếp lửa hồng giữa khuya…
(Về nghe tiếng xưa – Khôi Nguyên)

Trường cũ tuy không còn như xưa nhưng Cha trưởng đoàn vẫn nhớ như in từng căn phòng, từng ngóc ngách, từng kỷ niệm,… tiếc rằng các Cha giáo, các bạn đồng môn không biết giờ ra sao!? Các thầy hiện đang tu học ở đây đều đã lớn tuổi. Buổi gặp gỡ các thầy mang lại nhiều điều thú vị. Tương lai của các thầy không mấy sáng sủa, nhưng các thầy luôn có một tâm nguyện theo chân Chúa đến cùng.

Chia tay các thầy, chúc các thầy trung thành với lý tưởng cao đẹp, chúng tôi lên xe hướng về Hà Nội. Đường đi Hà Nội khá tốt, xe chạy đang ngon trớn bỗng bị các chú CSGT giơ hiệu lệnh dừng xe vì tội “dẫm vạch”, phạt một triệu! “Choáng”! Kỳ kèo, năn nỉ mãi, các chú bớt cho năm trăm. Cũng đỡ nhưng bác tài cảm thấy mất tự tin. Nghe nói CSGT Hà Nội “căng” có tiếng nhưng hôm nay mới biết mùi! Mấy bác xe thồ còn nói nếu không quen đường Hà Nội thì tốt nhất là gửi xe vào bến rồi đón taxi mà vào thành phố. Bác tài lại càng chột dạ…

Nghe tin chúng tôi đến Hà Nội, ông bà Đông là chỗ thân quen với Cha trưởng đoàn, nhất định phải mời bằng được chúng tôi về nhà. Liên lạc bằng điện thoại, ông bà đi xe máy ra đón. Vừa đến Ngã Tư Sở đã thấy hai ông bà đứng đợi. Dừng xe. Tay bắt, mặt mừng, rồi hối hả bảo bác tài lái xe theo ông. Bác tài còn đang do dự vì ngại mấy chú CSGT, ông bảo: “Rát thế! Cứ theo tôi, không việc gì cả!”. Cũng may nhà ông ở Phương Mai, đi một đoạn đã đến nơi an toàn.

Nhà ông bà cao ba tầng, sang trọng, rộng rãi,… chẳng có ai, có mỗi hai ông bà. Có cô con gái, lấy chồng nhà cũng ở gần đấy. Cả hai vợ chồng nghe tin chạy sang, phụ giúp bố mẹ pha nước, đon đả mời khách. Lần đầu tiên đến Hà Nội thấy người dân thật hiếu khách, thật nồng nhiệt, thật vui vẻ. Hàn huyên với chủ nhà một lát, chúng tôi lên Tòa Giám mục Hà Nội thăm Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn.

Nói tới đi thăm Tòa Tổng Giám mục Hà Nội ai cũng “khoái”, chỉ mỗi bác tài băn khoăn lo ngại, lớ ngớ các chú CSGT “vả” cho thì “choáng”! Cuối cùng quyết định bỏ xe lại, đi taxi. Đi taxi lại hóa ra hay, bác tài taxi có khối chuyện kể về Hà Nội. Xe đỗ trước khuôn viên nhà thờ chính tòa Hà Nội. Người ta tụ tập ở đây khá đông, đa số là lớp trẻ. Chúng tôi đi vòng cổng sau vào Tòa Giám mục chào thăm Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn. Nghe tin đoàn ở Tây Nguyên đến, Đức Tổng rất cảm cảm động. Có lẽ ngài có rất nhiều kỷ niệm với Giáo phận Đà Lạt. Trời đã về chiều, chúng tôi xin phép ngài đi dạo chơi Hà Nội và nghỉ đêm ở nhà ông bà Đông…

Ngay bên cạnh TGM là Tòa Khâm sứ, bây giờ là Vườn hoa Hàng Trống, muốn chụp tấm hình kỷ niệm nhưng sợ mấy anh bảo vệ thu mất máy! Từ đây ra Hồ Gươm rất gần, chỉ cần băng qua đại lộ Lê Thái Tổ. Hồ Gươm về đêm lung linh huyền ảo, đi bộ quanh một vòng, ghé thăm đền Ngọc Sơn, chụp hình kỷ niệm trên cầu Thê Húc. Thật tuyệt vời! Nhưng tuyệt nhất phải kể đến Hoa lộc vừng Hồ Gươm.

Phía hồ Gươm hoa lộc vừng lại nở       
Em chưa về nhận nợ tháng năm sao?   
Sáng chớm lạnh chợt nhói lòng sắc đỏ
Chùm hoa kia cho nỗi nhớ cồn cào      

Hoa lộc vừng nhắc anh hoài lối cũ       
Những xôn xao tuổi hăm mốt cháy dồn
Em không về hoa đỏ cháy run run        
Câu hát cũ cứ nẻ môi, khô mắt     

Hồ Gươm biếc nhắc anh thời dễ mất    
Những xanh xao của nuối tiếc tình đầu         
Ai đó lại giống em như tạc...

Vừa đi qua, cho lòng anh se sắt   

Thôi ngoảnh mặt dù lộc vừng quắn đỏ
Gió hồ Gươm mùa đông réo buốt chờ  
Anh nhớ về một người con gái khác      
Sao vẫn hoài mang máng dáng em xưa?       

Thôi chúng mình xa như những cơn mưa      
Mùa đông rộc gió dồn trong lồng ngực         
Chợt nhận ra ngày xưa như chẳng thực         
Em không về: xưa mãi chỉ như mơ        

Anh hoang vu ẩn nấp phía câu thơ       
Nước hồ Gươm cho xanh mềm nỗi nhớ
Hoa lộc vừng nhắc chói chang sắc đỏ  
Em bây giờ ở đâu...


Xem hình TẠI ĐÂY
 
Vũ Đình Bình

(còn tiếp) Phần 6: Hà Nội
 Tags: Cổng Trời, Sapa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây