Hành Trình Lên Cổng Trời Sapa - 10

Thứ năm - 14/05/2020 04:06 |   459
Có thể gọi điểm dừng chân tại Cửa Lò trong chuyến đi này là nơi hạnh ngộ ngẫu nhiên và bất ngờ nhất.
Hành Trình Lên Cổng Trời Sapa - 10

HÀNH TRÌNH LÊN CỔNG TRỜI SAPA

Phần 10: Cửa Lò

Có thể gọi điểm dừng chân tại Cửa Lò trong chuyến đi này là nơi hạnh ngộ ngẫu nhiên và bất ngờ nhất.

Đầu tiên phải kể đến tài xế. Vượt đoạn đường từ Lào Cai, qua Yên Bái, Phú Thọ, Hà Tây, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, đến Nghệ An, gần 600 cây số trong 1 ngày thì quả là kỳ tích.

Đêm nay sẽ nghỉ đêm ở Nghệ An mà không muốn làm phiền TGM Vinh thêm lần nữa, nên Cha Hùng phải lục danh sách tìm người thân. May quá có Cha Nhân. Bấm số liên lạc thì nhận được tín hiệu khá tốt từ đầu dây bên kia. Đầu dây bên kia hướng dẫn tỉ mỉ điểm đến nhưng vì trời tối, vì không thuộc đường nên tài xế cứ phải vừa chạy, vừa hỏi thăm. Đầu dây bên kia đã xác định được xe bên này đang đi đúng hướng, nên thông báo cho tài xế thẳng tiến, khi nào thấy phía trước có chiếc xe bán tải chớp đèn tín hiệu ưu tiên thì cứ đi theo, bởi đó là xe dẫn đường.

Khoảng 20 phút sau, tài xế nhận ra chiếc xe bán tải phía trước, đậu bên lề, chớp đèn như xe cảnh sát giao thông, liền cho xe mình áp sát và thông báo nhận lệnh. Xe bên kia ra hiệu đi theo rồi nổ máy chạy loằng ngoằng vô những con đường làng nhỏ hẹp, chừng 15 phút sau thì dừng lại trong sân nhà xứ. Xuống xe, mọi người đều nhận ra ngay người lái xe dẫn đường chính là Cha Raphael Trần Xuân Nhàn, người Đakmil. Riêng Cha Hùng thì có vẻ xa lạ, vì chưa bao giờ gặp mặt, mà chỉ liên hệ với nhau qua điện thoại hoặc internet, trong danh bạ lưu tên LM TRAN XUAN NHAN, nên Cha Hùng cứ nghĩ là Cha Trần Xuân Nhân!!!

Cha Raphael Trần Xuân Nhàn hiện đang quản xứ Giáo xứ Lộc Mỹ, Giáo hạt Cửa Lò, Giáo phận Vinh. Ngài là người năng nổ, nhiệt huyết trong mọi công việc, nhất là những hoạt động thiện nguyện giúp đỡ người khuyết tật, người bệnh phong, v.v… Giáo xứ Lộc Mỹ được hình thành từ năm 1853, là một giáo xứ có truyền thống đạo đức trung kiên. Trải qua nhiều thăng trầm trong chiến tranh và nghèo khó, mãi đến năm 1999, giáo xứ mới xây dựng được ngôi thánh đường to đẹp như hiện nay.

Cha Nhàn rất mến khách, nhất là khách Banmêthuột, gặp nhau là mừng rỡ, gặp nhau là chuyện trò tíu tít. Ngài còn lưu giữ rất nhiều kỷ vật quý giá của vùng đất quê hương yêu dấu. Ngài gửi tặng anh em LBT một số hình ảnh, tư liệu liên quan đến GP.BMT. Anh Hùng, thay mặt anh em LBT cũng gửi tặng ngài tập Kỷ yếu 40 năm.

Bữa cơm hạnh ngộ tối nay tưng bừng đúng nghĩa như một yến tiệc ngày xuân:

Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ.

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.

“Luật cấm đốt pháo thì ta đốt pháo điện”. – Cha Nhàn nói thế rồi cắm điện đốt pháo nổ đì đùng. Vui như… Tết vậy!!! Nhiệt độ bên ngoài đang là 10oC, mà nhiệt độ trong phòng tiệc lại nóng như… Cửa Lò!!!

Như đã nói từ đầu, Cửa Lò là điểm dừng chân ngẫu nhiên, nhưng Cửa Lò để lại trong lòng chúng tôi quá nhiều ấn tượng, quá nhiều điều lý thú. Chỉ riêng những giai thoại vui về Cha Nhàn, cũng có thể viết thành một tập dầy. Như chuyện về Chiếc xe bán tải chớp đèn tín hiệu ưu tiên thường xuyên lưu thông trên đường với tốc độ trên 100km/h làm “ngứa mắt” mấy chú CSGT. Chủ nhân chiếc xe đó là Cha Nhàn, do ngài cầm lái, một hôm bị chặn lại.

CSGT: “Mời ông xuống xe, xuất trình giấy tờ”.

Cha Nhàn: “Các anh vui lòng tránh ra cho, xe tôi đang chở người đi cấp cứu”.

Kiểm tra trong xe thấy có đôi vợ chồng trẻ. Anh chồng vẻ mặt bồn chồn, lo sợ. Cô vợ nhăn nhó, rên la ôm cái bụng bầu bự xự. CSGT vội vã khoát tay cho xe đi gấp.

Lần khác, trên xe không có bệnh nhân, mấy chú CSGT lại chặn xe hỏi giấy tờ.

Cha Nhàn nói: “Tôi là linh mục, tôi đi dâng lễ ở xa, các anh vui lòng cho tôi đi kẻo trễ”.

CSGT: “Giấy phép hành nghề của linh mục đâu?”

Cha Nhàn bình tĩnh mở cuốn Kinh thánh lấy tấm hình Đức Mẹ, mặt sau in kinh Ave Maria bằng tiếng Latin đưa cho mấy chú cảnh sát xem. Mấy chú lật qua lật lại… Cha Nhàn hỏi: “Các anh có đọc được không?”

CSGT ra vẻ thông thái: “Được chứ!” – Rồi trả ảnh lại, khoát tay cho xe đi.

Giai thoại về Cha Nhàn sẽ được đăng vào dịp khác. Bây giờ xin mời trở lại cuộc hành trình.

Sau bữa cơm hạnh ngộ mà chủ và khách cùng “cháy” hết mình, cụng ly với nhau chan chát, quên cả trời đất. Say. Vừa chợp mắt đã nghe chuông lễ. Trời rét như cắt mà giáo dân tham dự Thánh lễ khá đông, nhất là các em thiếu nhi.

Buổi sáng hôm ấy chúng tôi bịn rịn chia tay nhau tại bãi biển Cửa Lò. Bình minh trên biển thật đẹp, thật quyến rũ. Nói đến Cửa Lò phải nhắc lại truyền thuyết Nàng Tố Nương. Tố Nương quê ở vùng An Lạc, Sơn Tây. Chồng nàng quê ở Nghệ An. Cả 2 vợ chồng đều là tướng lĩnh dưới trướng Hai Bà Trưng. Khi cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, vợ chồng lưu lạc mỗi người một nơi. Tố Nương dong buồm về Nghệ An tìm chồng, không may thuyền bị phong ba dạt vào đảo Quỳnh Nhai. Đến đây, nàng không còn sức lực và phương tiện để vào đất liền được, đành phải ở lại trên đảo, ngày đêm mỏi mắt nhìn vào quê chồng. Đảo Mắt – Nhãn Sơn có tên từ đó.

Bãi biển Cửa Lò rất thơ mộng, không khí trong lành, cảnh quan thật tuyệt vời, diễm lệ. Cha Nhàn nói: Cửa Lò có nét hấp dẫn rất đặc biệt. Nếu có dịp, xin mời ghé lại 1 tuần để khám phá và thưởng ngoạn.

Vâng, nhất định chúng tôi sẽ trở lại.

Cửa Lò ơi! Ơi người em gái!

Gió Xuân về nhớ em điên dại

Nhớ biển xanh, nhớ dáng em gầy

Cửa Lò ơi! Hẹn ngày trở lại.

Vũ Đình Bình

Mời xem HÌNH ẢNH

* Đón xem Phần 11: Vĩ tuyến 17

 Tags: Cổng Trời, Sapa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây