HÀNH TRÌNH LÊN CỔNG TRỜI SAPA
Phần 9: Cốc lếu
Tạm biệt Sapa nhé!
Đường về còn xa ngái
Sao mãi níu chân nhau
Bằng đôi môi chín mọng
Bằng tiếng sáo thiên thai
Say! chẳng nhớ đường về.
Tạm biệt Sapa, tạm biệt những nàng tiên xinh đẹp lẩn khuất trong làn mây huyền ảo, chúng tôi trở về mà lòng còn vương vấn, bâng khuâng.
Trên đoạn đường về, những điểm dừng chân cũng khá nhiều chuyện lý thú đến bất ngờ. Điểm đầu tiên là Cốc Lếu.
Loanh quanh tìm đường vào nhà thờ Lào Cai, xe lại chạy nhầm ra cửa khẩu Cốc Lếu, nếu không bị chặn lại, thì đã dẫm lên đất Tàu. Ở đây có vài chiếc xe ôtô điện loại nhỏ chở khách qua lại giữa Hà Khẩu (TQ) và Lào Cai (VN) trông thật vui mắt. Chúng tôi quay trở lại, nhờ các chú cảnh sát chỉ đường, chả mấy chốc đã đến được nhà thờ. Cha quản xứ Giuse Nguyễn Văn Thành, kiêm Trưởng ban TT GP. Hưng Hóa đi vắng nhưng đã dặn HĐGX tiếp đón chúng tôi chu đáo.
Giáo xứ Lào Cai đón nhận Tin Mừng từ năm 1880 do các vị thừa sai Paris truyền giáo. Ngôi nhà thờ đầu tiên được xây cất năm 1897 nơi đây, nhưng chiến tranh đã phá hủy thành bình địa. Từ năm 1947, thiếu vắng các linh mục coi sóc, đoàn chiên tan tác, tản mát khắp nơi. Mãi tới năm 1999, Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất chăm lo mục vụ, xây dựng lại ngôi thánh đường bề thế, khang trang, xứng tầm của một giáo xứ truyền giáo vùng biên cương.
Chợ Cốc Lếu gần bên Nhà thờ nên chúng tôi tranh thủ đến tham quan. Chợ bày bán đủ các mặt hàng, từ hàng hóa nội địa, đến hàng Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, các nước EU… nhưng phổ biến nhất là hàng Trung Quốc. Du khách đến Chợ Cốc Lếu chủ yếu là người Việt và người Tàu, người Việt thì chọn mua hàng Trung Quốc còn người Tàu thì tìm đến đây mua hàng Việt. Cô Nga bán hàng ở chợ Cốc Lếu cho biết, hầu hết hàng Trung Quốc đều nhập từ Lạng Sơn theo đường chính ngạch nên khách hàng có thể an tâm không sợ hàng giả. Hàng bên chợ Hà Khẩu có chất lượng kém hơn và chủng loại cũng không phong phú, vì vậy, chợ Cốc Lếu khá nhộn nhịp, là nơi giao thương hàng hóa lớn nhất vùng Tây Bắc. Những cô gái bán hàng ở Chợ Cốc Lếu rất khéo léo, lại xinh đẹp, ăn nói có duyên, khách đã đến một lần rồi thì còn nhớ mãi.
Trở lại nhà thờ, chiều hôm ấy, Cha trưởng đoàn được mời chủ sự Thánh lễ và nghi thức khai tâm Kitô giáo cho một lớp tân tòng. Họ là 17 anh chị đang sinh sống và công tác tại Lào Cai, có nhiều người đương chức trong bộ máy hành chính của tỉnh. Sau lễ, họ rất vui mừng, bày tỏ mong muốn Cha chủ tế và phái đoàn nán lại vài ngày để hiệp dâng Thánh lễ hôn phối cũng như tham dự tiệc mừng với họ. Nếu như chiều lòng họ, không biết đến bao giờ mới về đến Banmêthuột!?
Cơm tối xong, ông Chủ tịch HĐGX còn mời phái đoàn sang thăm nhà. Ông là chủ một cửa hàng thời trang lớn ngay tại cổng chợ. Nhìn ông người ta dễ liên tưởng đến hình ảnh những ông trùm xã hội đen, tuy vậy, bản chất ông hiền lành, mến khách. Ông đãi phái đoàn đủ các loại rượu Tây, rượu Tàu, có chai giá trị lên đến hơn chục triệu, nhưng ngon nhất là rượu đặc sản Lào Cai. Rượu trong vắt màu xanh lơ lơ, có mùi thơm của lá rừng, vị ngọt của thóc nương, vị cay nồng của thảo dược. Rượu làm khai thông khí huyết, phòng chống cảm lạnh, bồi bổ thể lực và giảm đau gân cốt. Đó là rượu San Lùng do những người phụ nữ Dao đỏ ngâm ủ bằng nước suối Pò Sèn rồi chưng cất theo phương pháp thủ công truyền thống một cách cẩn thận và tỉ mỉ.
Sáng hôm sau, chúng tôi rời Cốc Lếu từ rất sớm, vì đường về còn xa thẳm mịt mùng và có lẽ cũng để tránh cảnh chia tay nhiều xao xuyến khó kìm nén được cảm xúc dâng trào.
Vũ Đình Bình
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn