CHUYỆN CHÚNG MÌNH

Thứ sáu - 27/03/2020 22:54 |   620
CHUYỆN CHÚNG MÌNH

CHUYỆN CHÚNG MÌNH

[13.10.2012 12:07]

TỰ THUẬT

Có lẽ như nhiều bạn khác, tôi được sinh ra trong một gia đình lao động. Nếu nói về sử dụng các dụng cụ cơ khí hoặc các máy móc thì tôi không hề ngượng ngùng, nhưng việc cầm bút hoặc ngồi gõ bàn phím để trình bày các ý nghĩ tư tưởng thì tôi thua xa các bạn.

Ông bà nội tôi làm nông và mất vào những năm đói 1945. Còn ông ngoại trước là nhà nho và về sau cùng với bà ngoại trồng rau cho đến lúc không còn sức. Mẹ tôi tần tảo mua bán ở chợ Bình Xuyên, sau khi lập gia đình, mẹ lại lặn lội ở chợ Banmêthuột. Bố tôi do ông bà nội mất sớm nên phải ở với bác ruột từ năm 15 tuổi, do mồ côi bố mẹ nên bố sớm phải bươn chải ngoài xã hội, nghề chính của bố là thợ mộc và thợ nề, nhưng dường như ở lãnh vực thủ công nào bố cũng biết một chút. Trước năm 1954 bố đi phụ việc xây dựng cho bác (là nhà thầu) ở các công trình của người Pháp lẫn người Việt. Di cư vào Nam, bố vẫn ở với bác và theo nghề đó, sau khi lập gia đình và đi quân dịch thuộc ngành công binh đóng ở Kontum và Qui Nhơn, bố lập nghiệp ở Banmêthuột. Bố đã từng tham gia xây dựng hoặc sửa chữa ở nhà thờ Chính tòa (thời cha chính Ngoạn), nhà thờ Chính Nghĩa, nhà thờ cũ của giáo họ Giuse (thời cha Tra); ở chủng viện cha Toàn cũng nhờ bố làm sân bóng rổ. Với bản chất cần cù, thật thà, làm ở đâu bố cũng được mọi người tin tưởng và mến yêu.

Còn tôi, ra đời ở Banmê, trừ những năm bố đi quân dịch, tôi đều ở đó. Ai cũng nói tôi giống bố tôi như đúc. Thời tiểu học, tôi được bố mẹ gởi ở với bà cô (chị ruột ông nội) cho bà đỡ cô quạnh và học ở trường Thánh Tâm. 1972 vào chủng viện, như bao bạn cùng lớp mọi sự đều lạ lẫm và bỡ ngỡ, nhưng rồi cũng dần quen. Về các mặt tôi chẳng có gì nổi bật cả, chỉ ở mức trung bình. Lúc đó vẫn còn tính trẻ con, nên những ngày ở Nhà Chúa, tôi vẫn thích nhất là ngày Chúa nhật, không phải học mà còn được tự do đi chơi, thỉnh thoảng còn đi dạo.Những ngày hè, tôi ở trên nhà ông bác để phụ coi quán với các bác và còn được kèm cặp thêm về kiến thức các mặt, nhờ vậy vào những niên khóa sau lực học của tôi có tiến bộ hơn chút ít.

Chiến cuộc 1975 thực sự làm tôi bị đảo lộn, những hình ảnh kinh hoàng của chiến tranh khiến đầu óc tôi hoang mang và ám ảnh một thời gian dài. Về với gia đình, tôi vừa học phổ thông vừa phụ bố mẹ tăng gia sản xuất và học nghề mộc ở tổ hợp mộc của bố.

Năm 1978, tôi học nghề cơ khí tại trường Kỹ thuật cơ điện. Ra trường được phân công về làm ở Ban Khoa học- Kỹ thuật tỉnh, nhưng vì nhiều lý do nên năm 1987 tôi quyết định xin nghỉ. Trong khoảng thời gian này cuộc đời tôi được mời gọi theo ơn gọi mới: Ơn gọi trong đời sống gia đình. Tôi và vợ tôi (sau này mới biết vợ là cháu họ của một số anh trong gia đình Lê Bảo Tịnh) chuyển sang trồng cà phê và sau này mở làm cơ khí tại nhà. Đời sống của gia đình tôi (hai vợ chồng và 4 con- 3 trai 1 gái). Xin tạ ơn Chúa, không có gì phải phàn nàn cả, tuy có những lúc gập ghềnh nhưng tôi nghĩ đó là những lúc Chúa làm cho ta mạnh mẽ và vững bước hơn trên con đường về quê hương đích thực.

* Xin cảm tạ Chúa đã cho con có các bậc tiền nhân mẫu mực để con có tấm gương soi cho cuộc đời.

* Xin cảm tạ Chúa đã cho con những người thầy đáng kính để con có kim chỉ nam trong hành trình dương thế.

* Xin cảm tạ Chúa đã cho con những người bạn chân thành để con được thêm sức mạnh khi con kiệt lực.

* Xin cảm tạ Chúa đã cho con có gia đình để con có niềm vui và hy vọng khi con nản chí, được nâng đỡ khi con hụt hẫng, được vững bước khi mang Thánh giá và được san sẻ những ngọt ngào tình Chúa khi con gặp đắng cay của cuộc đời.

Anrê Phạm Anh Tuấn

 

KỶ NIỆM NGÀY XƯA ẤY

Mình là 1 cậu bé hiếu động từ nhỏ!

Năm 1964, khi đó 5 tuổi, mình theo mẹ đi chợ, vì mải ngắm con công ở phố, mình đã lạc mẹ.... được một bác trai ở phố cho về ăn uống rồi tìm mẹ giúp. Sau đó bác dẫn đi và gặp mẹ mình đang thất thểu tìm con, và mình lại đoàn tụ với gia đình.

Mậu thân 68, cách mạng đánh mạnh ở miền Nam, người dân đi sơ tán. Có anh thanh niên 16 tuổi đến ở trọ nhà mình. Đêm đêm anh ấy thường ngồi hát cải lương. Nghe hát vài lần, mình đã thuộc nằm lòng bài "võ đông sơ, bạch thu hà"....

Mình là chuyên gia bắt chim non. Hồi học lớp nhất (bây giờ là lớp 5) giúp lễ cho cha Nguyễn Đức Oánh, Cha sở giáo xứ Kim Mai, ăn ở nhà cha. Vì vậy mình hiểu tính cha rất rõ, thấy cha lên xe jeep đi công tác, là mình leo lên nóc nhà thờ, lấy đá đập vỡ ống thông gió, lật ngói tìm tổ chim. Chim non 3 hoặc 4 con ít khi sống được với mình quá hai ngày. Có lần cha xứ than là mái nhà thờ kỳ này dột quá, mình lẳng lặng không nói gì...

Cha bảo với mình: "Con nên đi tu, vì trong đó toàn là những em ngoan, học giỏi của các giáo xứ trong địa phận Banmêthuột".

  - Nhưng nhà con nghèo, không có tiền ăn...

  - Cứ đi đi , cha sẽ giúp!

Thế là mình đi. Môi trường mới, mình còn e dè thời gian đầu. Khi quen rồi, mình ra đổ đốn; vi phạm nội qui chủng viện, nói chuyện riêng, đọc truyện... trêu chọc bạn bè vào những giờ cần thinh lặng, tuần nào không bị quỳ thì tuần đó ăn không ngon, ngủ không yên...

Khi các cha họp bình xét cuối năm học, mình run bần bật vì nghĩ sẽ bị "rìa". Nhưng Chúa thương, năm học mới mình vẫn đi chủng viện. Mình tự hứa sẽ giữ gìn tốt nội qui chủng viện. Nhưng hứa chỉ là hứa, rồi đâu lại hoàn đấy. Với 7 cuốn truyện "Cô gái Đồ Long" mượn được, mình chỉ tốn có 7 ngày đêm để đọc hết. Từ đó hình ảnh Trương Vô Kỵ cứ theo mình suốt.....

1975, rời chủng viện, nhưng mình học được 1 phương châm sống: đã làm gì thì mình phải cố gắng hết mình và thành công sẽ đến.

Vũ Quang Minh    

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây