07/05/2023
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH – A
Ga 14, 1-12
ĐỪNG XAO XUYẾN
“Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.” (Ga 14, 1)
Suy niệm: Biến cố Chúa Giê-su bị bắt, bị kết án và chết thảm trên thập giá là một cơn khủng hoảng nặng nề đối với các môn đệ. Ba năm theo Thầy với nhiều kỳ vọng, giờ đây thành mộng ảo biến tan như mây khói. Không có Thầy ở bên, các ông như đàn chiên tan tác không có người chăn. Thầy đã bị giết chết, số phận trò cũng bị đe doạ. Các ông, người thì trốn kỹ trong nhà, đóng cửa kín mít, người thì thất vọng bỏ về quê. Chúa Giê-su thấy nỗi xao xuyến không nhỏ đó của các ông, nên ngay trong bữa tiệc ly, Ngài đã trấn an: “Anh em đừng xao xuyến!” lại còn nhấn mạnh: “… cũng đừng sợ hãi” (x. Ga 14, 27). Sức mạnh giúp các môn đệ vượt thắng nỗi sợ là: “Tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”, bởi vì Ngài xác quyết: “Can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.”
Mời Bạn: Xao xuyến gắn liền với kiếp người. Người ta xao xuyến vì ước mơ không đạt được, xao xuyến về những bất hạnh xảy tới mà mình không ngờ, xao xuyến trước sự ra đi của người thân… Đức Giê-su trước khi chịu khổ nạn đã trao cho các môn đê bí quyết “tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”; đó cũng là bí quyết cho chúng ta. Chúa Ki-tô phục sinh chứng thực cho lời khẳng định của Ngài: “Can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.” Niềm tin vào Chúa phục sinh giúp chúng ta vượt thắng mọi xao xuyến trong cuộc đời.
Sống Lời Chúa: Bạn chiêm ngắm Chúa Ki-tô phục sinh trong giờ cầu nguyện, để khám phá sự hiện diện tinh tế của Ngài trong các biến cố đời thường.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã phục sinh đem lại cho chúng con niềm xác tín chúng con sẽ được phục sinh với Chúa. Xin hướng lòng chúng con về với Chúa, để dù sống trong hoàn cảnh nào chúng con cũng không xao xuyến lo âu.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật V Phục Sinh – Năm A
Dẫn vào Thánh Lễ
Anh chị em thân mến,
Bài sách Tông Đồ Công Vụ tường thuật việc tuyển chọn bảy phó tế. Các tông đồ đã đặt tay để các vị này lo việc phục vụ, vì các tín hữu đã gia tăng rất nhiều. Thư thứ nhất của Thánh Phêrô cho thấy ngài củng cố niềm tin cho các tín hữu là những kẻ tin, họ cũng là những người được tuyển chọn, để rao giảng quyền năng của Đấng đã gọi họ từ nơi tối tăm mà vào ánh sáng kỳ diệu. Đến bài Tin Mừng Đức Kitô chuẩn bị tâm hồn cho các tông đồ để sau khi Ngài lìa bỏ các ông, các ông sẽ không thấy lạc lõng, hụt hẫng. Đồng thời Ngài đi là để dọn chỗ cho các ông, cũng như cho những ai tin vào Ngài. Qua ba bài đọc chúng ta nhận thấy Hội Thánh muốn nhắn nhủ các Kitô hữu, hãy ý thức mình là những người được hưởng hồng ân cứu độ nên luôn tin tưởng và phó thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa chúng nhau sốt sáng cử hành Thánh Lễ tạ ơn này.
Ca nhập lễ
Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu; Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt muôn dân – Alleluia.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng, nhờ Ðức Kitô, Con Một Chúa, Chúa đã thương cứu chuộc chúng con và nhận làm nghĩa tử; xin lấy tình Cha mà âu yếm đoái nhìn: này chúng con là những kẻ tin kính Ðức Kitô, xin cho chúng con được trở nên những người tự do đích thực và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Cv 6, 1-7
“Họ chọn bảy người đầy Thánh Thần”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, số môn đồ gia tăng, nên xảy ra việc các người Hy-lạp kêu trách các người Do-thái, vì trong việc phục vụ hằng ngày, người ta khinh miệt các bà goá trong nhóm họ. Nên Mười hai Vị triệu tập toàn thể môn đồ đến và bảo: “Chúng tôi bỏ việc rao giảng lời Chúa mà lo đi giúp bàn, thì không phải lẽ. Vậy thưa anh em, anh em hãy chọn lấy bảy người trong anh em có tiếng tốt, đầy Thánh Thần và khôn ngoan, để chúng tôi đặt họ làm việc đó. Còn chúng tôi, thì sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ lời Chúa”.
Cả đoàn thể đều tán thành lời các ngài, và chọn Têphanô, một người đầy đức tin và Thánh Thần, và chọn Philipphê, Prôcô, Nicanô, Timon, Parmêna, và Nicôla quê ở Antiôkia. Họ đưa mấy vị đó đến trước mặt các Tông đồ. Các ngài cầu nguyện và đặt tay trên các vị đó.
Lời Chúa lan tràn, và số môn đồ ở Giêrusalem gia tăng rất nhiều. Cũng có đám đông tư tế vâng phục đức tin.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 32, 1-2. 4-5. 18-19
Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, như chúng con đã trông cậy Chúa
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa! Ca ngợi là việc của những kẻ lòng ngay. Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa.
Xướng:Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa.
Xướng: Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.
Bài Ðọc II: 1 Pr 2, 4-9
“Anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, khi đến cùng Chúa là tảng đá sống động, bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa tuyển chọn và tôn vinh, chính anh em như những tảng đá sống động, xây dựng toà nhà thiêng liêng, chức vụ tư tế thánh thiện, để hiến dâng của lễ thiêng liêng đáng Thiên Chúa chấp nhận nhờ Ðức Giêsu Kitô. Vì thế, có lời Thánh Kinh rằng: “Ðây Ta đặt tại Sion tảng đá góc tường, được tuyển chọn và quý giá, ai tin Người, sẽ không phải hổ thẹn”. Vậy, vinh dự cho anh em là những kẻ tin; nhưng đối với những kẻ không tin, thì tảng đá mà thợ xây loại bỏ, đã trở thành đá góc tường, đá vấp ngã và đá chướng ngại cho những kẻ chống lại và không tin lời Chúa, và số phận của họ là thế. Còn anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa, để rao giảng quyền năng của Ðấng đã gọi anh em ra khỏi tối tăm mà vào ánh sáng kỳ diệu của Người.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 14, 6
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 14, 1-12
“Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ cho các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi”. Ông Tôma thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ các con biết và đã xem thấy Người”. Philipphê thưa: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con”. Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: “Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư, Philipphê? Ai thấy Thầy là xem thấy Cha, sao con lại nói “Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha”? Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế : Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu đã nói : “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Người là đường dẫn đến Chúa Cha, là chân lý mạc khải dung mạo Chúa Cha, là Đấng đã làm cho Thiên Chúa vô hình trở nên hữu hình. Nhờ Chúa Giêsu, giờ đây chúng ta dâng lên Chúa Cha những lời cầu nguyện.
1. Chúa Giêsu là đường dẫn nhân loại đến với Chúa Cha. Nhờ Lời Chúa Giêsu, xin cho mỗi người nhận ra phương thế giúp họ sống công chính, và góp phần xây dựng thế giới theo ý muốn của Thiên Chúa.
2. Chúa Giêsu là viên đá sống động, bị loài người loại bỏ, nhưng Chúa Cha đã tuyển chọn. Xin cho mỗi Kitô hữu hiệp thông sâu xa với Chúa Kitô, viên đá góc, để xây dựng nước Thiên Chúa.
3. Chúa Giêsu là chân lý giúp nhân loại nhận ra tình yêu của Chúa Cha. Xin cho mọi người lắng nghe lời Chúa Giêsu, để có thể nhận ra dung mạo Thiên Chúa trung tín, Đấng đã ban tặng Chúa Giêsu vì phần rỗi của nhân loại.
4. Chúa Giêsu là sự sống giúp chúng ta kết hiệp mật thiết với Chúa Cha. Xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta sống theo mẫu gương khiêm hạ phục vụ của Chúa Giêsu, để bày tỏ những giá trị vững bền của Tin Mừng mà chúng ta tin tưởng và rao giảng.
Chủ tế: Lạy Cha, xin lắng nghe lời cầu nguyện của chúng con. Với ơn Chúa Thánh Thần, xin làm cho chúng con trở thành dân thánh, được xây dựng trên đá tảng vững bền là Chúa Giêsu, Con Cha, nhờ đó, chúng con sẽ ca ngợi những kỳ công Cha đã thực hiện cho chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con tin Chúa sẽ thực hiện trong thánh lễ này một cuộc trao đổi kỳ diệu là làm cho bánh và rượu chúng con dâng tiến trở nên Mình và Máu Thánh Ðức Kitô, để chúng con được thông phần thiên tính của Chúa. Xin cho chúng con biết ăn ở thế nào cho phù hợp với chân lý chúng con tin nhận. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng Phục Sinh
Ca hiệp lễ
Chúa phán:”Thầy là cây nho thật, các con là nhành, ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái” – Alleluia.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, xin phù trợ chúng con là đoàn dân của Chúa. Chúa đã lấy bánh bởi trời mà nuôi dưỡng chúng con, xin cũng giúp chúng con từ bỏ nếp sống cũ và hân hoan bước vào đời sống mới. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
“ĐỪNG XAO XUYẾN?” (Cv 6,1- 7; 1Pr 2,4- 9; Ga 14,1- 12)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Trong buổi tĩnh tâm các linh mục quốc tế ngày 12.10.1998 tại thành phố Monterrey, nước Mexico, qua bài nói chuyện của đức cố Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận, ngài đã chỉ ra một số điểm sai xót của Đức Giêsu, một trong những điểm sai xót đó là những lời giảng dạy, hành động xem ra mâu thuẫn.
Ví dụ như: có lần, Ngài đưa ra lời mời gọi: phúc cho kẻ nghèo, kẻ phải đói, kẻ phải khóc, kẻ bị người ta oán ghét (x. Lc 6, 20-22); hay “ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9, 24); hoặc làm sao có thể ví Nước Thiên Chúa, Nước của Ðấng toàn năng, vô tận với một hạt cải (x. Lc 13, 18-19); và điều mâu thuẫn lớn nhất chính là “Con Thiên Chúa, Ðấng hằng sống”; “Đấng công chính!” lại phải chấp nhận sự chết và chết nhục nhằn trên thập giá??? (x. Lc 23, 47).
Những mâu thuẫn kiểu như thế, hôm nay lại được Đức Giêsu cất lên khi căn dặn các môn đệ: “Anh em đừng xao xuyến!” (Ga 14,1). Phải chăng lời của Đức Giêsu nói với các môn đệ giờ này xem ra có vẻ không tâm lý, mâu thuẫn với hoàn cảnh hiện tại, bởi lẽ các ông rất buồn vì Thầy trò sắp phải xa nhau. Vậy, câu hỏi được đặt ra là chính Đấng đang nói: “Anh em đừng xao xuyến!” (Ga 14,1), Ngài có xao xuyến không? Và từ đó, như một hệ luận, chúng ta tin hay không tin vào lời nói của Đức Giêsu!
1. Sự xao xuyến của Đức Giêsu
Thực ra trong cuộc đời của Đức Giêsu, Ngài cũng đã nhiều lần xao xuyến, chẳng hạn như:
Nhìn niềm tin trong viễn cảnh tương lai, Đức Giêsu đã thốt lên: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8); rồi khi về Giêrusalem, Ngài cũng thốt lên lời than thở “Giêrusalem, Giêrusalem! […] Ðã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các người không chịu” (Lc 13,34); hay trong bữa Tiệc Ly với các môn đệ, Ngài cũng trải qua nỗi xao xuyến thực sự, bởi vì chỉ còn một ít nữa thôi, Ngài sẽ từ biệt các môn đệ, sẽ bị bắt, do chính môn đệ thân tín của mình trao nộp, rồi Ngài cũng thấy trước được những đau khổ vì mình mà các ông phải chịu. Nỗi xao xuyến ấy bao trùm lên Thầy trò, khi kẻ đi người ở… Sự xao xuyến ấy càng tăng lên khi trong vườn Cây Dầu, Đức Giêsu cảm thấy sợ hãi, và Ngài đã than thở với các môn đệ: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức!” (Mc 14,34), và Ngài mướt mồ hôi máu. Sau đó, Ngài đã cầu nguyện tiếp: “Ápba, Cha ơi! Cha có thể làm được mọi sự, xin tha cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mc 14, 36). Cuối cùng, nỗi xao xuyến này được dâng lên đến tột đỉnh trên Thánh Giá, khi cơn đau đớn thấu con tim, báo hiệu giờ hấp hối đã gần, Ngài đã lớn tiếng kêu lên Thiên Chúa Cha: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 14, 34).
Như vậy, cả cuộc đời của Đức Giêsu đã trải qua những cơn xao xuyến. Thật ra, sự xao xuyến của Đức Giêsu cho thấy, Ngài vừa là Thiên Chúa và cũng là con người, nên những nỗi xao xuyến đó của Ngài như là con đường để dẫn đưa chúng ta là những người cũng xao xuyến đến sự sống đời đời.
Tại sao chúng ta lại xác tín điều đó, thưa, vì lời căn dặn của Ngài “Anh em đừng xao xuyến!” (Ga 14,1), là khả tín, đáng tin. Bởi vì sự xao xuyến này đã ngang qua cuộc đời của chính Đức Giêsu, và Ngài đã biến nó thành niềm hy vọng khi tin tưởng và tín thác nơi Thiên Chúa Cha là Đấng khơi nguồn và cùng đích của mọi sự.
2. Sự xao xuyến của các môn đệ
Sau Đức Giêsu, sự xao xuyến cũng không buông tha các môn đệ. Các ông xao xuyến là bởi vì trước khi nói những lời ly biệt, Đức Giêsu đã tiên báo Phêrô sẽ trối Thầy (x. Ga 13, 38); Giuđa thì bán Thầy (x. Ga 14, 21); các môn đệ sẽ bỏ chốn (x. Mt 26, 56). Như thế, các ông thấy trước những viễn cảnh đó sẽ xảy ra, nên các ông lo sợ cho giờ phút kinh hoàng này sẽ đến với Thầy mình và các ông đều bị liên lụy là lẽ tất yếu.
Nỗi xao xuyến của các ông còn là nỗi sợ cô đơn. Các ông đã bỏ mọi sự, vợ con, nhà cửa, sự nghiệp để đi theo, ấy vậy mà giờ đây các ông sắp phải chia tay Thầy của mình. Sự chia tay này theo lối hiểu của các ông chẳng khác gì “rắn mất đầu”; hay “tàu không người lái”. Vậy thì các ông sẽ đi đâu và về đâu đây???
Thêm một lý do nữa khiến các môn đệ xao xuyến, đó là: khi còn sống với các ông, Đức Giêsu hướng dẫn, dạy dỗ và dẫn dắt các ông từng ly từng tý, vậy Ngài sắp ra đi thì ai là người dẫn lối chỉ đường cho các ông?
Buồn sầu và xao xuyến của các môn đệ là lẽ thường tình nơi thân phận con người trước những điều không may, nguy hiểm, chia ly, từ biệt, rồi phải đối diện với chốn trần gian đầy tục lụy, thù hằn, thử thách và ngay cả cái chết như Thầy của mình.
Tuy nhiên, những sự xao xuyến đó của các ông đã được Đức Giêsu trấn an khi nói: “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1). Chỉ có niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa mới có thể giúp các ông vượt qua mọi gian nan, thử thách xảy đến trong cuộc sống trần gian; còn khi các ông xao xuyến không biết về đâu thì chính Ngài đã nói: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,3), rồi khi các ông xao xuyến không biết định hướng cho cuộc sống tương lai thì Đức Giêsu lại nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6). Như vậy, qua lời trấn an của Đức Giêsu “Anh em đừng xao xuyến!” (Ga 14,1), Ngài muốn mặc khải cho các ông thấy rằng: quê hương họ ở trên trời (x. Pl 3, 19), mà Đức Giêsu sẽ là người đầu tiên trở về với nguồn cội, nơi mà từ đó được phát xuất ra để dọn chỗ cho họ.
3. Sự xao xuyến của con người ngày hôm nay
Trong thực tại cuộc sống, chúng ta thường gặp những cảnh ngộ nhiều lúc không được như lòng mong muốn. Tâm trạng này của mỗi chúng ta cũng chính là tâm trạng của các môn đệ khi xưa, nào là: quan điểm và thực trạng xã hội hoàn toàn xa lạ với đường lối của Thiên Chúa, của Tin Mừng; nào là ốm đau; bệnh tật; con cái hư hỏng; buôn bán không gặp thời; thất vọng vì những gương xấu trong cuộc đời; hay chính những chuyện tốt ta muốn làm mà cũng không được… Những sự xao xuyến ấy luôn luôn ở bên cạnh chúng ta, nó theo chúng ta như hình với bóng, vì thế, triết gia Martin Heideiger khi suy tư về con người, ông đã nói về sự xao xuyến này như sau: “Con người là một hữu thể bị ném ra cuộc đời, hiện hữu giới hạn trong thời gian, nghĩa là con người sống để mà chết. Và bởi con người sống và đi đến cái chết không thể tránh khỏi, nên con người mang nỗi khắc khoải khôn nguôi. Cái chết và nỗi khắc khoải được định nghĩa là thành tố làm nên con người hiện sinh. Đời người là như vậy. Chẳng ai làm người mà vô sự”.
Tuy nhiên, đối với người Kitô hữu, chúng ta có một niềm tin mạnh mẽ, đó là: đằng sau cái chết là sự sống vĩnh hằng. Niềm tin này hôm nay được Đức Giêsu mặc khải: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở […] Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 1-3); hay lúc khác Đức Giêsu nói: “... tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6, 40).
Như vậy, chết không phải là hết. Cuộc sống này chỉ là một sự chuyển tiếp mà thôi. Khi tin như thế, Chúng ta có quyền hy họng vào lời căn dặn, trấn an của Đức Giêsu: “Anh em đừng xao xuyến!” (Ga 14,1).
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con không bị rơi vào tình trạng xao xuyến trước những điều bất trắc trong cuộc sống, xã hội và con người hôm nay, bởi xác tín rằng, quê hương chúng con ở trên trời, và mọi điều trái ý đó xảy đến như là một điều kiện cần cho được cứu rỗi. Có thế, chúng con hy vọng sẽ được vào nơi mà chính Chúa đã đi trước dọn đường và chuẩn bị cho chúng con. Amen.
HÃY TIN
Chúa Nhật 5 Phục Sinh: Ga 14, 1-12 - Lm. Thái Nguyên
Suy niệm
Có biết bao điều làm cho con người xao xuyến: bệnh tật, tai ương, xã hội suy đồi, sự dữ lan tràn… Ngay cả trong cộng đoàn Giáo Hội sơ khai vẫn có những bất công, và kêu ca. Cho đến hôm nay vẫn luôn có những tranh chấp và chia rẽ, đến nỗi có những cuộc khủng hoảng đức tin, khiến nhiều Kitô hữu đã đi theo các giáo phái hoặc gia nhập các tôn giáo khác. Giáo Hội xem ra đang thụt lùi và suy thoái. Đức Giêsu biết và thấy trước tất cả những điều đó, nhưng Ngài khuyên “Lòng chúng con đừng xao xuyến”, vì Ngài nhìn mọi sự từ trên cao, nên cái nhìn của Ngài bao quát hơn và trọn vẹn hơn: Ngài không chỉ thấy hiện tại đang bế tắc mà còn thấy cả một tương lai xán lạn.
Chúng ta có thể tóm gọn bài Phúc Âm bằng hai chữ: “Hãy Tin”. Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Ngài. Tin vào Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu, cũng là Cha đầy lòng thương xót đối với mỗi người chúng ta. Tin vào Thiên Chúa chính là tin vào Đức Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống. Là Đường để chúng ta an tâm vững vàng bước đi trong cuộc đời này. Là sự thật để chúng ta thoát khỏi những mưu mô và giả trá của thế gian. Là sự sống để chúng ta được sống dồi dào hôm nay, và sẽ sống viên mãn trong Chúa mai ngày.
Tin vào Đức Giêsu cũng chính là tin vào Thiên Chúa, “vì ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Các môn đệ xưa thấy Chúa Giêsu bằng xương thịt, còn chúng ta thấy Chúa Giêsu bằng Lời Chúa. Qua Lời Chúa ta thấy rõ sự thật về con người Chúa Giêsu, không chỉ là Đấng quyền năng đem lại sự sống mới cho con người trên mọi phương diện, mà còn là Đấng đầy lòng thương xót, đón nhận chúng ta từ mọi tình trạng. Ngài là mẫu mực cho đời sống làm người của chúng ta. Tin vào Chúa cũng là tin vào chính mình, để biết xây dựng cuộc đời mình nên giống Chúa.
Tuy nhiên, ai không siêng năng đọc Lời Chúa, không thành tâm lắng nghe Lời Chúa, không sốt sắng suy niệm và sống Lời Chúa, thì không thể biết Đức Kitô và sống theo chân lý của Ngài. Chúng ta theo đạo không phải là theo một giáo thuyết, một mớ những hiểu biết, hay những giới luật cần thiết bên ngoài, mà là theo Đức Kitô, Đấng cứu độ chúng ta. Chẳng có chủ nghĩa, triết thuyết hay giáo thuyết nào đem lại cho ta nguồn sống linh thiêng; cũng không có chế độ hay chính sách nào giải phóng ta khỏi nô lệ tội lỗi và chính mình ngoài Đức Kitô, vì Ngài là Đấng ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài. Biết bao người vẫn tìm kiếm chân lý và khao khát Thiên Chúa không ngừng, nhưng“Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”.
Các nhà sáng lập tôn giáo chỉ đường cho ta đi tới chứ họ không phải là đường; họ giúp cho ta thấy sự thật chứ họ không phải là sự thật; họ dạy cho ta biết cách sống chứ họ không phải là sự sống. Họ có thể là những ngôi sao dẫn đường chỉ lối, nhưng vẫn không tránh được những thiếu sót. nhập nhằng, vì họ cũng chỉ là những con người. Chỉ có Đức Kitô là tất cả cho chúng ta trong mọi sự. Lời thánh Phêrô cho ta thấy được diễm phúc của cuộc đời Kitô hữu:“Vinh dự cho anh em là những người tin... anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa... Đấng đã kêu gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng huyền diệu.” (1Pr 2, 7-9).
Nhận ra sự diễm phúc của mình, nhưng tin không phải là một ý niệm hay một sự đồng thuận trong tư tưởng, mà tin là hành động: một hành động dấn thân bằng cả cuộc đời, tức là dám sống chết cho điều mình tin. Từ đức tin này, thánh Phêrô đã đề ra nguyên tắc để mọi người tham gia vào việc chung của Giáo Hội: “Anh em hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động xây nên ngôi đền thờ Thánh Thần”. Mỗi người là một viên đá, một thành viên độc đáo, một chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô là Giáo Hội. Vì thế mỗi người phải sống với tất cả trách nhiệm và lòng yêu mến thâm sâu của mình.
Nhưng ta nên biết rằng, đức tin ấy chứa đựng trong ta như trong bình sành dễ bể, vì thân phận người yếu đuối và mỏng giòn, dễ hướng chiều theo sự lôi kéo của ma quỉ, thế gian và xác thịt. Vì thế, mỗi ngày cần có giờ ở bên Chúa, đọc Lời Chúa, nghe tiếng Chúa. Thánh Thể phải là trung tâm của đời sống ta, và là cao điểm của sự kết hợp mật thiết với Chúa, để làm cho đức tin ngày càng lớn mạnh và sinh hoa kết trái. Ước chi mọi người xung quanh có thể nhìn thấy Đức Kitô Phục Sinh đang sống động nơi chúng ta qua đời sống chân thật và yêu thương phục vụ hằng ngày, và qua đó cũng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Giữa một thế giới duy khoa học,
duy thực nghiệm và duy tương đối,
mà tin vào một Thiên Chúa vô hình,
người ta thấy thật xa xôi mù mịt.
Giữa một thế giới duy nhân bản,
duy lý trí và duy thực dụng,
mà tin vào một Thiên Chúa làm người,
thì đúng là mông lung và liều lĩnh.
Giữa một thế giới duy vật duy cảm giác,
mà tin Chúa dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục mỏng giòn yếu đuối,
trong một Hội Thánh còn những bất toàn,
lại càng khiến người ta phải nghi nan,
vì trước mắt xem ra đầy giới hạn.
Giữa một thế giới văn minh vật chất,
đầy những lạc thú mà phải từ bỏ mình,
vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa,
xem ra có vẻ ngây ngô và dại dột,
vì trước mắt không thấy gì tươi tốt,
dễ khiến cho con người phải bôn chôn.
Nhưng nếu không có đức tin vào Chúa,
đời con vẫn đầy dẫy những hoang mang,
nếu chỉ đặt hy vọng ở đời này,
con sẽ thấy đời mình bất hạnh thay,
vì bản thân mọi người đều phải chết,
và cuối cùng là chấm hết hư vô.
Chẳng ai cứu độ con ngoài chính Chúa,
là đường là sự thật là sự sống,
ai đi nữa cũng chỉ là hư không,
mọi chủ trương cũng chỉ là trống rỗng,
xin cho con vững một lòng tin mến,
để nhờ Ngài mà đến với Chúa Cha. Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn