Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 3 PHỤC SINH

Thứ năm - 27/04/2023 20:48 |   332
Đức Giê-su đã nói: “Bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi, để cho thế gian được sống”… Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi.” (Ga 6, 51.60)

29/04/2023
THỨ BẢY TUẦN 3 PHỤC SINH
Thánh Catarina Siêna, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh

Ga 6, 51.60-69


CÚ NHẢY LIỀU CHẾT
Đức Giê-su đã nói: “Bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi, để cho thế gian được sống”… Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi.” (Ga 6, 51.60)

Suy niệm: Trí hiểu của con người phải dựa trên những gì thấy được bằng giác quan, kiểm nghiệm bằng lý luận rồi mới chấp nhận một điều gì đó là chân lý chắc chắn. Đức tin lại không như trí hiểu, nó vượt trên mọi thực tại của đời sống và mọi lý luận của con người. Chính vì thế có triết gia mới bảo phải nhảy cú nhảy liều chết’ mới vào được cõi thần linh nơi chỉ có đức tin để bám víu. Các Tông đồ với cái nhìn và trí hiểu đơn thuần của con người nên cảm thấy chướng tai khi nghe Chúa Giê-su nói Ngài là Bánh Hằng Sống”. Với cái nhìn đó, người ta chỉ thấy được tấm bánh vật chất. Bánh hằng sống là chính thân mình Đức Ki-tô, lương thực đem lại sự sống đời đời, chúng ta phải mở to cặp mắt đức tin mới thấy được.

Mời Bạn: Thiếu đức tin, bạn và tôi tham dự thánh lễ chỉ thấy sự lặp đi lặp lại nhàm chán của các nghi thức. Điều thiết yếu sống còn của bạn và tôi là phải đạt cho được niềm tin. Bạn cứ xin Chúa đi, chắc chắn Ngài sẽ ban cho. Và hơn nữa bạn có thể củng cố niềm tin ấy bằng: - tâm tình say mê Đức Ki-tô như thánh Phê-rô : “Bỏ Thầy con biết theo ai…”; - suy nghiệm việc Chúa làm qua những dấu chỉ của Ngài trong cuộc sống.

Chia sẻ: Bạn có nhận thấy óc thực dụng và hưởng thụ ngày nay đang là rào cản cho hành trình đức tin không?

Sống Lời Chúa: Mỗi khi rước lễ, bạn dành ít phút thinh lặng để thờ lạy, cảm tạ Chúa Giê-su Thánh Thể.

Cầu nguyện: Hát “Ta là Bánh Hằng Sống”, với tất cả tâm tình tin tưởng và yêu mến.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 3 PHỤC SINH

Ca nhập lễ

Trong phép Rửa tội, anh em đã được mai táng làm một với Đức Kitô, anh em cũng được sống lại với Người bởi đã tin vào quyền năng Thiên Chúa, Đấng đã cho Người từ cõi chết sống lại – Allêluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho những ai tin vào Chúa được tái sinh nhờ nước thánh tẩy để nên một với Ðức Kitô, xin Chúa thương phù trì giúp họ luôn chiến thắng tội lỗi và trung thành đáp lại tình thương của Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cv 9, 31-42

“Hội thánh được tổ chức và đầy ơn an ủi của Thánh Thần”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Hội Thánh được bình an trong khắp miền Giuđêa, Galilêa và Samaria, sống trong sự kính sợ Chúa, được tổ chức và đầy ơn an ủi của Thánh Thần.

Phêrô đi khắp các miền, đến với các thánh đang ở Lyđa. Ở đó ngài gặp một người tên là Ênêa, bị bất toại đã liệt giường suốt tám năm. Phêrô nói với anh ta: “Ênêa, Chúa Giêsu Kitô chữa anh lành bệnh; hãy chỗi dậy và dẹp giường đi”. Lập tức anh ta đứng lên. Tất cả dân cư ở Lyđa và Sarôna thấy vậy, đều trở lại cùng Chúa.

Tại Gióp-pê, có một nữ môn đồ tên là Tabitha, nghĩa là Sơn Dương. Bà làm nhiều việc lành và hay bố thí. Xảy ra trong những ngày ấy bà lâm bệnh mà chết; người ta rửa xác bà, rồi đặt trên lầu. Vì Lyđa ở gần Gióp-pê, các môn đồ nghe tin Phêrô đang ở đó, liền sai hai người đến xin ngài rằng: “Xin ngài hãy mau đến với chúng tôi”. Phêrô chỗi dậy đi với họ. Ðến nơi, người ta dẫn ngài lên lầu; tất cả các quả phụ bao quanh ngài, khóc nức nở, chỉ cho ngài xem các áo trong áo ngoài mà chị Sơn Dương may cho họ. Phêrô bảo mọi người ra ngoài, rồi quỳ gối cầu nguyện, và quay mặt về phía thi thể mà nói: “Tabitha, hãy chỗi dậy”. Bà liền mở mắt, thấy Phêrô và ngồi dậy. Phêrô đưa tay đỡ bà đứng dậy, rồi gọi các thánh, và các quả phụ đến, và chỉ cho thấy bà đã sống lại. Cả thành Gióp-pê hay biết việc ấy, nên nhiều người tin vào Chúa. Phêrô lưu lại Gióp-pê nhiều ngày tại nhà Simon thợ thuộc da.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 115, 12-13. 14-15. 16-17

Ðáp: Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi?

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa.

Xướng: Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. Trước mặt Chúa thật là quý hoá, cái chết của những bậc thánh nhân Ngài.

Xướng: Ôi lạy Chúa, con là tôi tớ Chúa, con là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tỳ Ngài, Ngài đã bẻ gãy xiềng xích cho con. Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa.

Alleluia: Mt 28, 19 và 20

Alleluia, alleluia! – Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 6, 61-70

“Chúng con sẽ đi đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống”.

Trích Phúc Âm theo Thánh Gioan.

Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: “Lời này chói tai quá! Ai nghe được!” Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: “Ðiều đó làm các ngươi khó chịu ư? Vậy nếu các ngươi thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các ngươi là thần trí và là sự sống. Nhưng trong các ngươi có một số không tin”. Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Và Người nói: “Bởi đó, Ta bảo các ngươi rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho”. Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui không còn theo Người nữa. Chúa Giêsu liền nói với nhóm Mười Hai rằng: “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?” Simon Phêrô thưa Người: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin đón nhận lễ vật của chúng con là con cái trong nhà, và thương tình bảo vệ chúng con luôn mãi. Ước gì chúng con không để mất những ơn đã lãnh nhận trong lễ Vượt Qua này, và được hưởng phúc lộc muôn đời Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh

Ca hiệp lễ

Chúa phán: “Lạy Cha, Con cầu xin cho chúng, để chúng nên một trong Ta, và để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” – Allêluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin không ngừng bảo vệ chúng con Chúa đã muốn cho Con Một Chúa chịu khổ hình để cứu chuộc chúng con, xin cho chúng con cũng được chia sẻ phần vinh quang phục sinh của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

“CHÚNG CON CÓ MUỐN BỎ THẦY MÀ ĐI KHÔNG?” (Ga 6, 61-70)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Lịch sử Giáo Hội vào những thế kỷ đầu, người Công Giáo gặp muôn vàn khó khăn do hoàng đế Rôma gây nên. Lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cũng không nằm ngoài nỗi khó khăn đó!

Tuy nhiên, sự cương trực, thẳng thắn và dứt khoát đã làm cho các bậc anh hùng, tổ tiên của chúng ta trung thành với Chúa cách trọn vẹn.

Nói về sự can trường của các vị tử đạo, người ta có kể đến câu chuyện của Giáo phụ Policarpo: khi đám lính đã bắt được ngài, họ điệu ngài ra tòa xét xử và buộc ngài phải từ bỏ Đức Giêsu, chối bỏ niềm tin của ngài vào Thiên Chúa. Tuy nhiên, cụ già gần 90 tuổi đã tuyên bố cách dứt khoát: “86 năm tôi theo Đức Giêsu, Ngài không bao giờ phụ bạc tôi, làm sao các ông lại bảo tôi phản bội Ngài…?”.

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy thái độ dứt khoát là điều kiện cần để sống đời sống chứng nhân. Đây cũng là điều mà Đức Giêsu đòi hỏi các Tông đồ và tất cả những ai muốn bước theo Ngài. Vì thế, khi có một số môn đệ đã bỏ Đức Giêsu vì những lời tuyên bố của Ngài về Bánh Hằng Sống, và cụ thể chính là sự trao ban Thịt và Máu của Ngài để cho những ai tin và ăn thì được sống đời đời.

Thấy có người bỏ cuộc, Đức Giêsu đã lên tiếng hỏi trực tiếp các Tông đồ là những người mà Ngài sẽ trao phó sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người, Ngài hỏi: “Còn các con, các con có muốn bỏ Thầy không?” Phêrô đại diện cho anh em thưa với Thầy: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai?”.

Khi hỏi như thế, Đức Giêsu muốn cho các ông hiểu rằng: muốn theo và làm chứng cho Ngài thì phải có thái độ dứt khoát. Không được lập lờ…!

Như vậy qua câu trả lời của thánh Phêrô, chúng ta thấy một cuộc tuyên xưng đức tin mạnh mẽ vào Thầy của mình. Tin Đức Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống. Vì thế, bỏ Thầy, chúng con biết theo ai?

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, trung thành và xác tín thật mạnh mẽ niềm tin của mình nơi Chúa. Chỉ có Chúa mới là niềm vui, bình an và hạnh phúc đích thực, và cũng chỉ có mình Ngài mới ban cho chúng ta sự sống đời đời. Ngoài Ngài ra, chúng ta không có chúa nào khác có thể ban cho chúng ta những thứ đó.

Mong sao, mỗi người chúng ta hãy có tâm tình như thánh Phêrô: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ngày càng gắn bó mật thiết với Chúa như các Tông đồ khi xưa, để dù có gặp phải những khó khăn, chúng con vẫn dứt khoát nói không với những gì trái ngược với đức tin và sẵn sàng sống chết cho niềm xác tín của mình vào Chúa để xứng đáng được Chúa ân thưởng trong cuộc sống mai hậu. Amen.
 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Catarina Siêna, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh

Ca nhập lễ

Đây là trinh nữ thông minh, và là một trong số những người khôn ngoan, đã cầm đèn cháy sáng đi đón rước Chúa Kitô – Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã đốt lửa yêu mến nồng nàn trong lòng thánh nữ Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, khiến thánh nữ vừa thiết tha chiêm ngưỡng Ðức Kitô chịu khổ nạn, vừa hăng say phục vụ Hội Thánh. Xin nhận lời thánh nữ chuyển cầu cho dân Chúa biết thông phần khổ nạn với Ðức Kitô để được vui mừng chiêm ngưỡng vinh quang Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài đọc

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin nhận lễ tế cứu độ chúng con dâng tiến trong ngày lễ kính nhớ thánh nữ Ca-ta-ri-na, và cho chúng con được thấm nhuần giáo huấn của người để thêm lòng sốt sắng cảm tạ Chúa là Thiên Chúa chân thật. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Nếu chúng ta đi trong sự sáng, như Thiên Chúa ở trong sự sáng, thì chúng ta được hợp nhất cùng nhau, và máu của Chúa Giêsu Kitô, Con của Người, thanh tẩy chúng ta sạch mọi tội lỗi – Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa được Mình và Máu Chúa Kitô nuôi dưỡng nơi bàn tiệc thiên quốc. Lương thực này, xưa đã đem lại cho thánh nữ Ca-ta-ri-na Xi-ê-na sự sống của thân xác, nay xin cũng làm cho chúng con được sống muôn đời. Chúng con cầu xin…

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Ngày lễ nhớ Catherine de Sienne cũng là ngày kỷ niệm thánh nữ qua đời tại Rô-ma 29.04.1380, ngay lúc bắt đầu cuộc đại ly khai tại Tây Phương (1378–1417). Bà được phong thánh năm 1461 và được tôn làm Đấng Bảo Trợ nước Ý năm 1939, cuối cùng được phong tiến sĩ Hội thánh năm 1970.

Catherine Benincasa là người con thứ hai mươi lăm và là con út của một gia đình thợ thủ công. Người sinh tại Sienne vùng Toscane, có lẽ vào ngày 25.03.1347. Thân phụ là thợ nhuộm và thân mẫu là con của một thi sĩ. Bà có một tâm hồn thấm nhuần tinh thần thần bí sâu sắc và là “thần đồng kỳ diệu”, được Chúa ban cho những cảm nghiệm siêu nhiên từ lúc lên sáu hoặc bảy tuổi. Thánh nữ nói đã “nhìn thấy” Đức Kitô và Mẹ Maria và tự hiến cho Thiên Chúa khi cử hành cuộc “hôn nhân thần bí” với Đức Giê-su lúc tám tuổi.

Năm hai mươi tuổi, Catherine say mê đời sống cô tịch, khổ chế cùng kinh nguyện và được thâu nhận vào Dòng Ba Đa-minh ở Sienne, thường được dân chúng gọi là “Mantellate”. Như thế, chị thực hiện được giấc mộng xưa của mình: “Tôi muốn trở thành Nữ tu Đa-minh để rao giảng đạo Chúa và hoán cải những người lạc giáo”.

– Với tâm hồn chiêm niệm đồng thời cũng thiên về hoạt động, Catherine qui tụ quanh mình một nhóm môn đệ. Sau này, họ trở thành các nhà truyền giáo lưu động, đi khắp nước Ý, đến tận vùng Provence và quận Venaissin. Họ đọc Kinh thánh, cùng nhau suy niệm, nghiên cứu các nhà thần bí và thần học của Tôma Aquinô cùng ngâm thơ trong tác phẩm “Hài kịch thần linh” của Dante… Ba môn đệ làm “thư ký” cho người – trong đó có Raymond de Capoue. Họ tuyển tập, sắp xếp và biên soạn tập nhật ký linh đạo của Catherine vì Bà không biết viết.

– Giai đoạn lịch sử trong đời Catherine được đánh dấu bởi việc các Giáo Hoàng sống lưu vong tại Avignon (1309 – 1376). Người ta gọi giai đoạn đáng buồn này là “Cuộc lưu đày Babylon lần thứ hai”. Thế nhưng, chính nhờ những lời nài nỉ của thánh Catherine de Sienne mà Đức Giáo Hoàng Grégoire XI chấm dứt cuộc “lưu đày” này. Bà đã viết cho Đức Giáo Hoàng vào năm 1371 như sau:

“Vậy xin Đức Thánh Cha hãy lắng nghe lời Đức Giêsu Kitô nói với ngài: Triều đại ngươi ở trần thế làm hại đến Thiên triều của Ta… Vì thế ngươi hãy trở lại Rôma, trở lại Giáo Tòa của ngươi càng sớm càng tốt”. Rồi đến ngày 18 tháng 6 năm 1376, thánh nữ đến Avignon với sự hộ tống của các tu sĩ thuộc “Gia đình” Dòng tu của mình. Ba tháng sau, khoảng cuối năm, Đức Giáo Hoàng trở về Rôma.

– Vào ngày Đức Giáo Hoàng Grégoire XI (1378) qua đời và dịp bầu cử Đức Urbain VI, cuộc đại ly giáo ở Tây Phương (1378 – 1417) bùng vỡ. Đối lập với Giáo Hoàng hợp pháp Urbain VI ở tại Rôma, người ta đặt một Phản Giáo Hoàng khác, Đức Clément VII (1378 – 1394). Vị này tổ chức giáo triều của mình tại Avignon và được nước Pháp cùng vài nước đồng minh ủng hộ. Catherine de Sienne công nhận Đức Giáo Hoàng hợp pháp Urbain VI, và tự hiến làm lễ hy sinh để đem lại an bình. Song các hoạt động của Bà đã không chấm dứt được các mối phân rẽ đang xâu xé Hội thánh và các dân tộc ở Châu Âu.

– Catherine de Sienne qua đời tại Rô-ma, lúc ba mươi ba tuổi, trong khi phục vụ vị Giáo Hoàng mà Bà gọi là “Đức Ki-tô hiền lành tại thế”. Với tư cách là người tư vấn cho các Giáo Hoàng, là “dolcissima mamma” (mẹ rất hiền) cho “Gia đình” Tu sĩ lẫn giáo dân hằng tận tụy với Bà để phục vụ Tin Mừng, Bà được đặc ân lãnh nhận 5 dấu thánh, thánh nữ đã dâng hiến đời mình để chấm dứt cuộc đại ly giáo ấy.

– Ngoài vai trò chính trị và tôn giáo, Catherine de Sienne còn ảnh hưởng rất lớn đến nền Linh đạo thần bí, đặc biệt nhờ các tác phẩm của Bà: các Thư từ và cuốn Đối thoại được kể như là các tác phẩm cổ điển trong nền văn học Ý.

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Lời nguyện nhắc đến tình yêu nồng nàn của thánh Catherine khiến Bà tha thiết chiêm ngưỡng Đức Giêsu chịu khổ nạn và hăng say phục vụ Hội thánh.

Catherine cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu rất nhân lành và dịu dàng, Chúa đang ở nơi nào, trong khi hồn con đang phải chịu đựng muôn vàn đau đớn như thế này? – Đức Giêsu trả lời: Ta ở sâu thẳm trong lòng con. Quả thật, Ta không bao giờ rời xa tâm hồn của các bạn bè Ta… Ta ngự trong tâm hồn con cũng như Ta ở trên thập giá, trong một trạng thái đau đớn và hạnh phúc”. Trong cuộc đối thoại liên tục với “Đấng yêu dấu” đã có lần nói với thánh nữ: “Hãy nhớ đến Ta và Ta sẽ nhớ đến con”, thánh nữ chỉ biết lặp lại mỗi câu này: “Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Ngài ! Con chỉ yêu một mình Ngài”. Những lời sau cùng của Catherine cho thấy cả cuộc đời mình “tràn ngập tình yêu Thiên Chúa” nồng nàn: “Lạy Đấng con yêu mến, Ngài đã gọi con, giờ đây con xin đến ! Con đến mà không mang theo công trạng gì trong tay, nhưng chỉ trông chờ lòng nhân lành và quyền năng do Máu Thánh Chúa đổ ra”.

Tình yêu nhiệt nồng của Catherine là nguồn của mọi hoạt động khi Bà tiếp xúc với các Giáo Hoàng, các Hồng y, giám mục, vua Chúa, các nhà quí tộc, thương gia và với các tầng lớp dân chúng... “Tôi là Catherine, đây là lời khai đề quen thuộc trong các thư của bà, là nữ tỳ và nô lệ cho các tôi tớ của Đức Giêsu, tôi viết thư này cho các người nhân danh Máu Thánh châu báu của Chúa chúng ta, với mong ước được thấy các người được đắm mình trong Máu Thánh của Người...”

Một giáo thuyết chắc chắn và thâm sâu xuất phát từ tâm hồn Catherine và được diễn tả bằng các hình ảnh và biểu tượng như sau: “Đức Giêsu phán: Làm sao các tôi tớ của Ta ở đời này có được các vật bảo chứng cho cuộc sống đời đời ? Quả thật, Ta nói với con: họ có được khi nhận ra trong tâm hồn họ lòng nhân lành và chân lý của Ta. Sự nhận biết ấy là do Ta soi sáng trí tuệ và do đức tin là đôi mắt của tâm hồn chiếu soi… Ánh sáng đức tin khiến họ phân biệt, hiểu biết cùng noi theo con đường và giáo thuyết về chân lý là Ngôi Lời nhập thể” (Đối thoại chương 45).

b. Qua một lá thư, Catherine cổ vũ Hồng y Lune như sau: “Chính trong Máu châu báu của Đấng Cứu Thế mà chúng ta biết được chân lý dưới ánh sáng của đức tin rất thánh thiện… Thưa Cha kính mến, xin Cha hãy say mê chân lý. Như thế, Cha sẽ trở nên rường cột trong nhiệm thể Hội thánh”. Catherine mong ước Hội thánh trở thành một vườn hoa xinh tươi, trong đó chỉ có “Các bông hoa thơm ngát; vì các mục tử và các giám chức phải là những tôi tớ chân chính của Đức Giêsu Kitô, hằng chuyên cần hoạt động để tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi các tâm hồn”. Vì thế, Catherine ý thức rằng mình “đến trần thế để xóa mờ gương xấu to lớn gây nên bởi cuộc ly giáo” nên thánh nữ đã cổ vũ Đức Giáo Hoàng Grégoire XI nhổ đi “Các bông hoa thối rữa, đó là các mục tử và bề trên đang làm hoen ố Hội thánh”.

c. Vậy Catherine đã múc lấy biết bao nhiêu sự can đảm và khôn ngoan từ đâu? “Đức Giêsu nói với Bà: Hỡi con, hãy biết rằng chỉ mình ta là Đấng hiện hữu, trong khi con, con chỉ là hư vô”. Do đó, mặc dù không ngừng hoạt động, Bà vẫn dành cuộc đời mình để tìm kiếm sự thân tình với Thiên Chúa. “Lạy Ba ngôi vĩnh cửu, Ngài ví tựa đại dương sâu thẳm, càng tìm con càng thấy; càng thấy con càng tìm… Vì khi chính bản thân con được mặc lấy Ngài, con đã thấy con là hình ảnh của Ngài… Chúa là tấm áo che cho con khỏi trần trụi. Chúa lấy sự dịu ngọt của Chúa mà nuôi dưỡng chúng con là những kẻ đang đói lả, vì Chúa ngọt ngào không chút đắng cay. Ôi lạy Ba Ngôi vĩnh cửu!” (Bài đọc – Kinh sách).

– Bí quyết của sự khôn ngoan và nên thánh của Catherine de Sienne, tiến sĩ Hội thánh, được bày tỏ trong lời kinh khi chấm dứt cuộc Đối thoại của Bà với Cha muôn thuở: “Lạy Chúa là chân lý vĩnh cửu, xin cho con được mặc lấy Ngài, để con được đi qua cuộc đời hay chết này bằng niềm vâng phục đích thực đối với Chúa và dưới ánh sáng đức tin rất thánh thiện chiếu soi. Đó là nguồn ánh sáng khiến lòng con say sưa chiêm ngắm Chúa. Tạ ơn Chúa. A-men”

Enzo Lodi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây