Lời Chúa THỨ BA TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Thứ bảy - 18/11/2023 18:57 |   258
“Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12,46-50)

21/11/2023
THỨ BA TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ

Đức Mẹ dâng mình

Mt 12,46-50


TÌNH MẪU TỬ THIÊNG LIÊNG
“Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12,46-50)

Suy niệm: Trong bài Tin Mừng, Chúa Giê-su đặt câu hỏi: “Ai là mẹ tôi?” Đáp án không phải là Đức Ma-ri-a, Mẹ Ngài, đang đứng phía bên ngoài, nhưng là đám đông đang chăm chú lắng nghe Ngài. Chúa Giê-su cho thấy Thiên Chúa muốn thiết lập một đại gia đình thiêng liêng, ngoài gia đình truyền thống theo huyết tộc quen thuộc. Đó là Hội thánh, những người thi hành ý muốn của Chúa Cha, Đấng ngự trên trời. Chúng ta không ở ngoài, nhưng thuộc về đại gia đình của Chúa khi lắng nghe, thực thi thánh ý của Ngài. Theo ý nghĩa này, Đức Ma-ri-a là Mẹ Chúa Giê-su gấp hai lần: khi cưu mang và sinh Chúa nơi hang đá, và nhất là khi liên lỷ suy đi nghĩ lại và thi hành ý muốn của Thiên Chúa trong suốt cuộc đời mình. Việc Mẹ dâng mình trong đền thờ nói lên Mẹ hoàn toàn thuộc về Chúa và Mẹ luôn ý thức sâu xa mối liên hệ này khi hoàn toàn thuận theo thánh ý. Như vậy, Mẹ cũng là mẹ tất cả chúng ta qua việc lắng nghe, vâng giữ thánh ý Thiên Chúa.

Mời Bạn: Bạn và tôi cũng được Chúa thâu nhận vào gia đình của Ngài nếu như ta sẵn sàng lắng nghe, vâng theo ý Chúa. Mối dây liên kết thiêng liêng này biến chúng ta thành đại gia đình của Ngài, một Giáo hội, Dân Thiên Chúa. Mời bạn luôn ý thức tư cách đó và sứ mạng Chúa dành cho mình và làm cho mối dây ấy mỗi ngày được bền chặt hơn.

Sống Lời Chúa: Làm một cử chỉ, hành vi (như chắp tay, quỳ gối…) để thân thưa với Chúa: Lạy Chúa, con thuộc về Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn thuộc về Chúa và Chúa thuộc về con, khi còn biết nhận ra tiếng Chúa trong cuộc sống mỗi ngày. Amen.

Ngày 21 tháng 11: Lạy Chúa! Chúng con trở nên thánh thiện là hoàn toàn do bởi Chúa. Điều này được diễn tả rõ ràng trong Lời Chúa đến nỗi không thể nào bị chất vấn. Chân lý này phải tác động đến cách sống của chúng con, bởi vì, nó tuôn chảy từ cốt lõi của Tin Mừng và đòi buộc chúng con không chỉ chấp nhận nó trong trí năng, mà còn phải biến nó thành một nguồn vui lan tỏa. Chúng con chỉ có thể mừng quà tặng nhưng không này, khi chúng con nhận ra những khả năng tự nhiên của mình đều là ân ban của Chúa. Điều này thật không dễ trong một thế giới vốn nghĩ rằng mọi sự đều do tự nó, và do sáng kiến của nó. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

 


 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Chúa phán: Ta nghĩ đến bình an, chớ không nghĩ đến gian khổ; các người kêu cầu Ta, và Ta nhậm lời các ngươi, Ta dẫn dắt các ngươi từ mọi nơi các người bị nô lệ trở về.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, được phụng sự Chúa quả là một hạnh phúc tuyệt vời: xin cho chúng con tìm được niềm vui khi hết dạ trung thành với Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) 2 Mcb 6, 18-31

“Tôi sẽ để lại một tấm gương cao đẹp, nếu tôi tự ý và anh dũng chết cho các lề luật đáng kính và thánh thiện của chúng tôi”.

Trích sách Macabê quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, Êlêazarô, một người trong hàng Luật sĩ vị vọng, ông đã có tuổi và diện mạo oai phong, ông bị người ta cạy miệng bắt phải ăn thịt heo. Nhưng ông thà chết vinh còn hơn sống nhục, nên ông tự ý ra pháp trường. Hiểu rằng ông phải xử trí như thế nào, ông nhẫn nại chịu đựng, khẳng khái không ăn đồ cấm vì ham sống. Các bạn cố tri đứng đó cảm thương ông, gọi lén ông ra khuyên ông xin người ta đem cho ông các thứ thịt ông có phép dùng, rồi ông chỉ giả vờ ăn thịt cúng như nhà vua đã truyền; làm như thế ông sẽ thoát chết; và do tình bạn cố tri, họ đã tỏ lòng nhân đạo như vậy đối với ông. Nhưng nghĩ đến địa vị bậc lão thành, mái tóc bạc khả kính, cách ăn ở tốt đẹp từ thời niên thiếu, mà nhất là sống xứng với lề luật thánh mà chính Thiên Chúa đã lập, ông liền trả lời, bảo họ rằng ông sẵn sàng chịu chết. Ông nói:

“Vì ở tuổi chúng tôi không nên giả vờ, kẻo nhiều thanh niên tưởng rằng Êlêazarô đã chín mươi tuổi đầu mà còn theo lối sống của dân ngoại. Rồi vì sự giả vờ của tôi để sống thêm một ít lâu nữa, tôi sẽ làm cho chính họ cũng lầm lạc, và vì thế, tôi sẽ chuốc lấy nhơ nhớp và ố danh cho tuổi già của tôi. Mà dầu tôi có thoát khỏi hình phạt của loài người, thì dầu sống dầu chết, tôi sẽ không thoát khỏi bàn tay của Thiên Chúa toàn năng. Bởi thế, nếu giờ đây tôi can đảm từ giã cuộc đời, tôi sẽ tỏ ra xứng đáng với tuổi già của tôi; tôi sẽ để lại cho các thiếu niên một tấm gương cao đẹp, nếu tôi tự ý và anh dũng chết cho các lề luật đáng kính và thánh thiện của chúng tôi”.

Nói đoạn ông liền bị điệu đến pháp trường. Các người áp giải ông đổi lòng thiện cảm họ có đối với ông trước kia thành ác cảm, vì các lời ông vừa nói mà họ cho là điên khùng. Khi sắp chết vì đòn vọt, ông thều thào trong hơi thở cuối cùng: “Lạy Chúa là Ðấng thông minh chí thánh, Chúa cũng thấu rõ là con có thể thoát chết, nhưng con xin chịu đòn vọt đau đớn trong thân xác con, với niềm vui trong lòng vì kính sợ Chúa”. Và như thế ông từ giã cuộc đời, để lại không những cho các thanh niên mà còn cho toàn dân một tấm gương anh dũng và một lưu niệm đạo đức.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 3, 2-3. 4-5. 6-7

Ðáp: Chúa đã nâng đỡ tôi (c. 6b).

Xướng: Thân lạy Chúa, nhiều thay người bách hại con, nhiều thay người nổi dậy chống con! Về con, nhiều kẻ thốt ra lời: “Hết trông hắn được Chúa Trời cứu độ”.

Xướng: Nhưng lạy Chúa, Chúa là thuẫn hộ thân con, là vinh quang con, Chúa cho con ngẩng đầu lên. – Tôi lên tiếng kêu cầu Chúa, và Chúa đã nghe tôi từ núi thánh của Ngài. – Ðáp.

Xướng: Tôi nằm xuống và đã ngủ ngon, rồi thức khoẻ vì Chúa đỡ nâng tôi. Tôi không kinh hãi ức triệu người ở chung quanh đồn trú hại tôi.

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 3, 1-6. 14-22

“Ai mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào dùng bữa tối ở nhà người ấy”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Tôi là Gioan, tôi đã nghe Chúa phán bảo tôi rằng: “Hãy viết cho thiên thần Giáo đoàn Sarđê rằng: ‘Ðây là lời Ðấng có bảy thần linh Thiên Chúa và bảy ngôi sao: Ta biết các việc của ngươi làm; ngươi có tiếng là đang sống, nhưng ngươi đã chết. Hãy lo tỉnh dậy, hãy bồi dưỡng chút sinh khí sắp tàn. Vì Ta không thấy các việc ngươi làm trọn hảo trước mặt Thiên Chúa Ta. Vậy hãy nhớ lại ngươi đã đón nhận và nghe lời Chúa thế nào, hãy giữ lấy lời ấy và hãy ăn năn hối cải. Vì nếu ngươi không tỉnh thức, Ta sẽ đến với ngươi như một kẻ trộm, ngươi sẽ không biết giờ nào Ta sẽ bất chợt đến cùng ngươi. Nhưng tại Sarđê ngươi có một số người đã không làm dơ bẩn áo của họ; và họ sẽ tháp tùng Ta trong bộ áo trắng của họ vì họ xứng đáng. Như vậy kẻ chiến thắng sẽ mặc áo trắng, và Ta sẽ không xoá bỏ tên người ấy khỏi Sách hằng sống, và Ta sẽ tuyên danh người ấy trước mặt Cha Ta và các thiên thần Người. Ai có tai thì hãy nghe điều Thần linh phán với các giáo đoàn.

“Hãy viết cho giáo đoàn Laođicia rằng: ‘Ðây là lời của Amen, chứng nhân trung thực, nguyên thuỷ công trình sáng thế của Thiên Chúa. Ta biết các việc làm của ngươi: ngươi không lạnh mà cũng không nóng; phải chi ngươi lạnh hẳn hoặc nóng hẳn đi! Bởi vì ngươi hâm hẩm, không lạnh không nóng, nên Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng Ta. Bởi vì ngươi nói rằng: Tôi giàu có, tôi sung túc, tôi không thiếu thốn gì nữa. Bởi vì ngươi không biết rằng thực ra ngươi vô phúc, đáng thương, nghèo khó, đui mù và trần trụi. Vậy ngươi hãy nghe lời Ta khuyên bảo: Hãy mua vàng ròng mà làm giàu, mua áo trắng tinh mà mặc, hầu che giấu sự trần trụi xấu hổ của ngươi; hãy mua thuốc nhỏ vào mắt, cho mắt ngươi được sáng. Ta răn bảo và sửa dạy những kẻ Ta yêu thương. Vậy hãy sốt sắng hơn lên và hối cải đi. Này Ta đứng ngoài cửa, Ta gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào nhà người ấy và dùng bữa tối với nó, và nó sẽ dùng bữa với Ta. Ai chiến thắng, Ta sẽ cho ngồi với Ta trên ngai của Ta, cũng như Ta đã chiến thắng và ngự với Cha Ta trên ngai của Người. Ai có tai thì hãy nghe điều Thần linh phán với các giáo đoàn”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 14, 2-3ab. 3cd-4ab. 5

Ðáp: Ai chiến thắng, Ta sẽ cho ngồi với Ta trên ngai của Ta (Kh 3, 21).

Xướng: Người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống. 

Xướng: Người không làm ác hại bạn đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa.

Xướng: Người không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay. 

Alleluia: Lc 21, 28

Alleluia, alleluia! – Các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 19, 1-10

“Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó. Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: “Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi”. Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: “Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi”. Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: “Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn”. Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng, Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điễu gì đã hư mất”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành kính dâng lên Chúa lễ vật này, xin vui lòng chấp nhận, và giúp chúng con trung thành phụng sự Chúa, để mai ngày đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Việc tôi kết hợp với Thiên Chúa, và việc tôi đặt niềm cậy trông vào Chúa là Thiên Chúa, thì tốt đẹp biết bao.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Thầy bảo thật các con: Tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin rằng các con sẽ được, thì các con sẽ được những điều đó.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa cử hành lễ tế tạ ơn để tưởng nhớ Ðức Kitô Con Chúa, như lời Người truyền dạy, và chúng con đã được rước Mình và Máu Thánh Người; cúi xin Chúa nhận lời chúng con khẩn nguyện và ban cho chúng con được thêm lòng yêu mến. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

ĐỨC GIÊ-SU GẶP ÔNG GIA-KÊU (Lc 19,1-10)
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

1. Ông Gia-kêu là một người tội lỗi và đứng đầu những người thu thuế. Ông đã tìm đến Chúa và đã được hoán cải. Việc Đức Giê-su hoán cải người thu thuế làm nổi bật vai trò của Ngài: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã hư mất”. Chính Đức Giê-su đã đi bước trước, chúng ta chỉ cần  mở lòng đón nhận Người. Ban đầu ông Gia-kêu đã tìm mọi cách chỉ để cho biết Chúa là ai. Nhưng sau khi Đức Giê-su trao ánh mắt thân thương, được đối thoại và được Đức Giê-su thăm viếng, ông đã biến đổi hoàn toàn. Ông sẵn sàng đền bù những của cải ông cưỡng đoạt của người khác và thực thi bác ái đối với người nghèo.

2. Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Lu-ca thuật lại cho chúng câu chuyện của ông Gia-kêu trở lại như thế nào. Vào thời ấy, những người thu thuế bị xếp chung với hạng người trộm cắp, giết người và đĩ điếm. Hơn nữa, vì họ làm việc cho người Rô-ma, nên người ta cho họ là những kẻ phản bội và ruồng bỏ họ. Trái lại, Đức Giê-su lại có lối hành xử khác. Ngài kêu gọi ông, lại còn đến ăn uống và trọ trong nhà ông nữa. Việc này làm cho người Do thái rất tức giận. Ngài xử sự như thế để tỏ rõ sứ mạng của Ngài là “đến tìm và cứu chữa những gì hư mất”. Cảm động bởi lòng nhân hậu của Đức Giê-su, Gia-kêu đã nhận thấy những sai lầm của mình và quyết tâm sửa đổi.

3. Đới với Đức Giê-su, Ngài vốn đến là để cứu chữa những gì đã hư mất, thì ông Gia-kêu lại là nơi để thể hiện tình thương nhân từ của Ngài. Nơi con người tội lỗi Gia-kêu, còn có một khát vọng hướng về Chúa. Ông chỉ mong ước được nhìn xem Chúa đi qua. Đây là yếu tố căn bản mà Chúa thi ân cho con người. Từ khao khát được gặp Chúa đến việc ăn năn trở lại,  không có khoảng cách không vượt qua được. Đức Giê-su có thể vượt qua được bằng cách này, một khi con người  đã có sẵn thái độ mong chờ Ngài đến. Thái độ của ông Gia-kêu có thể khuyến khích chúng ta trên con đường trở về với Chúa. Ông Gia-kêu đã thể hiện sự trở lại của mình bằng hành động cụ thể, phân phối một nửa của cải cho anh chị em để thể hiện tình liên đới bác ái và đền bù gấp bốn những thiệt hại đã gây ra. Liệu chúng ta có can đảm như vậy không (R.Veritas)?

4. Có vẻ không phải như Đức Giê-su có ý “tìm” Gia-kêu cho bằng ông này tìm mọi cách để nhìn thấy Chúa. Ông là một người thấp bé bị coi là tội lỗi do ông là người “đứng đầu những người thu thuế”. Ông là người bị coi là “hư mất” trong xã hội Do thái. Cách ông tìm đến với Chúa cho thấy quả thật ông là người bị loại trừ: Ông bươn bả “chạy tới phía trước. Trèo lên một cây sung” để chờ Đức Giê-su đi qua. Thế nhưng không phải là chuyện tình cờ ngẫu nhiên mà Đức Giê-su nói Ngài đến để “tìm và cứu” Gia-kêu. Đi giữa đám đông hỗn độn, nhưng rõ ràng Ngài có ý tìm kiếm và tìm kiếm đích danh một người, một người bị loại trừ. Đi ngang qua cây sung, Ngài nhìn lên, Ngài đã thấy và gọi ông: Gia-kêu xuống mau đi, vì hôm nay Ta đến trọ nhà ông”. Lời kêu gọi ấy  đã cứu không chỉ một người hư mất mà cả gia đình ông Gia-kêu: “Hôm nay ơn cứu độ đến cho nhà này” (5 phút Lời Chúa).

5. Người ta muốn đánh giá Gia-kêu thế nào cũng được, nhưng Đức Giê-su có cái nhìn thấu suốt, không nhìn cái vẻ bề ngoài mà Ngài nhìn rõ cả bên trong, cho nên Đức Giêsu đã khen cho ông Gia-kêu một câu chắc như đinh đóng cột:

“Xù xì da cóc trong bọc trứng tiên” (câu đố dân gian).

Nếu chúng ta có gặp được ông Gia-kêu sau khi nhờ ơn Chúa trở lại rồi thì ông sẽ tâm sự cho chúng ta nghe. Ông cho biết nhờ ơn Chúa ông đã thực sự thay đổi con người của mình. Đời ông không còn như xưa nữa, nay đã trở nên con người mới hoàn toàn. Có thể bề ngoài không giống nhau, nhưng thực sự bề trong đã được đổi mới hoàn toàn:

Thân em như quả ấu gai,
Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen.
Ai ơi nếm thử mà xem,
Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi.

6. Truyện: Gương của cha Charles de Foucauld.

Chiều hôm ấy trong bầu không khí ấm cúng của gia đình và bạn bè thân thích, viên sĩ quan trẻ tuổi tài ba người Pháp Charles de Foucauld đang thao thao những điều mắt thấy tai nghe và những chiến công của mình trong cuộc viễn chinh tại Marốc, Bắc Phi.

Đang lúc Charles say sưa kể như thế, thì một đứa cháu gái nhỏ lân la đến bên. Cô bé đặt  tay lên gối của ông cậu hào hoa phong nhã, rất thông minh, rồi hỏi:

– Cậu ơi, cậu đã làm được biết bao nhiêu là chuyện như thế cho đất nước, thế nhưng cậu đã làm được việc gì cho Chúa chưa?

Câu hỏi của đứa cháu gái đã làm cho Charles suy nghĩ cả một buổi chiều và một đêm. Sáng hôm sau, Charles đến gặp một người bạn học cùng lớp là cha Huvelin, chàng xin xưng tội. Với ơn soi sáng, Charles đã quyết định thay đổi cuộc đời. Chàng nhất định bỏ binh nghiệp, dù chàng thấy rõ một tương lai rạng ngời ở trước mặt, để dấn bước theo Chúa Giê-su và noi gương Ngài sống cuộc đời khó nghèo.

 

Đức Mẹ dâng mình

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ

 

Ca nhập lễ

Lạy Thánh Mẫu, chúng tôi kính chào Mẹ, là Đấng đã sinh ra Đức Vua cai trị trời đất muôn đời.

Hoặc đọc:

Lạy Đức Trinh Mữ Maria, phúc thay đã cưu mang Đấng tạo thành muôn vật, đã sinh ra Đấng tác tạo Mẹ, và Mẹ sẽ còn đồng trinh đến muôn đời.

Hoặc đọc:

Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ đã được Chúa là Thiên Chúa tối cao, chúc phúc hơn mọi người nữ trên địa cầu; vì Người đã cao rao danh Mẹ như thế, nên lời khen ngợi Mẹ luôn luôn ở miệng loài người.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, ngày hôm nay chúng con họp mừng Ðức Trinh Nữ Maria vinh hiển. Cúi xin Chúa nhận lời Người chuyển cầu và ban cho chúng con được dư đầy ơn phúc. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Dcr 2, 14-17

Lời Chúa trong sách Dacaria

Hỡi con gái Sion, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến ở lại giữa ngươi, – sấm ngôn của Đức Chúa.

Ngày ấy, nhiều dân tộc sẽ gắn bó cùng Đức Chúa: Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ ở giữa ngươi. Bấy giờ, (các) ngươi sẽ nhận biết rằng Đức Chúa các đạo binh đã phái tôi đến với (các) ngươi. Đức Chúa sẽ lấy Giuđa làm cơ nghiệp, đó là sở hữu của Người trên Đất Thánh và Người sẽ lại tuyển chọn Giêrusalem. Hỡi mọi xác phàm, hãy lặng thinh trước nhan Đức Chúa, Bởi vì Người tỉnh giấc và ra khỏi Nơi Thánh của Người.

Ðáp Ca: 1 Sm 2, 1.4-5.6-7.8

Đáp: Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, Đấng Cứu độ tôi (c. 1a).

Xướng: Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, và sức mạnh tôi được gia tăng trong Thiên Chúa tôi; miệng tôi mở rộng ra trước quân thù, vì tôi reo mừng việc Chúa cứu độ tôi.

Xướng: Chiếc cung những người chiến sĩ đã bị bẻ gãy, và người yếu đuối được mạnh khoẻ thêm. Những kẻ no nê phải làm thuê độ nhật, và những người đói khát khỏi phải làm thuê; người son sẻ thì sinh năm đẻ bảy, còn kẻ đông con nay phải héo tàn.

Xướng: Chúa làm cho chết và Chúa làm cho sống, Chúa đày xuống Âm phủ và Chúa dẫn ra. Chúa làm cho nghèo và làm cho giàu có, Chúa hạ xuống thấp và Chúa nâng lên cao.

Xướng: Từ nơi cát bụi, Chúa nâng người yếu đuối; từ chỗ phân nhơ, Chúa nhắc kẻ khó nghèo, để cho họ ngồi chung với các vương giả, và cho họ dự phần ngôi báu vinh quang.

Alleluia: Lc 1,28

Alleluia, alleluia!- Kính chào Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ; Trinh Nữ được chúc phúc giữa các người phụ nữ. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 12, 46-50

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu

Một hôm, khi Đức Giêsu đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy. Người bảo kẻ ấy rằng: Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Con Một Chúa đã hết tình yêu thương nhân loại, ước gì Người ban ơn trợ giúp chúng con. Xưa khi Người giáng sinh, đức đồng trinh của Thánh Mẫu đã không vì thế mà bị tổn thương, nhưng đã được thánh hiến, nay ước gì Con Một Chúa cũng giải thoát chúng con khỏi tội lỗi và làm cho chúng con trở thành của lễ đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Ðức Mẹ

Ca hiệp lễ

Phúc thay lòng Đức Trinh Nữ Maria, đã cưu mang Con Đức Chúa Cha hằng có muôn đời.

Hoặc đọc:

Đấng đã làm cho tôi những điều trọng đại, Người quyền năng, và danh Người là Thánh.

Hoặc đọc:

Muôn đời sẽ khen rằng tôi có phúc, vì Thiên Chúa đã nhìn đến phận hèn tôi tớ Người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa hoan hỷ cử hành thánh lễ kính nhớ Ðức Trinh Nữ Maria và được ăn bánh bởi trời. Xin cho chúng con biết noi gương Ðức Trinh Nữ rất thánh mà hết lòng cộng tác vào công trình cứu chuộc của Ðức Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Lễ Đức Mẹ Dâng mình trong đền thờ bắt nguồn ở phương Đông; lễ này có liên quan tới ngày kỷ niệm lễ Cung hiến thánh Đường Đức Mẹ (Sainte-Marie-la-Neuve) (21 tháng 11 năm 543), thánh đường này được hoàng đế Justinien (527-565) xây dựng tại Giêrusalem gần Đền thờ và bị quân Ba Tư phá huỷ năm 614.

Giáo Hội phương Đông liên kết sự kiện này với lễ kính nhớ sự kiện mà Giáo Hội Byzantine gọi là việc “Đức Mẹ Thiên Chúa vào đền thờ”. Lễ này là lễ bậc 2 đối với người Hi Lạp, bậc 1 đối với người Slavơ, được mừng trong 6 ngày (20-25 tháng 11) và hình như lấy ý tưởng từ Ngụy thư thánh Giacôbê, được viết giữa thế kỷ II. Tác phẩm này cũng có tên là Lịch sử của thánh Giacôbê về việc Đức Maria sinh ra, và kể rằng Đức Mẹ, hồi thơ ấu, đã được dâng vào Đền thờ và sống ở Đền thờ cho tới năm 12 tuổi. “Vị tư tế đón nhận ngài, chúc phúc và nói: Đức Chúa đã tôn vinh danh ngài qua mọi thế hệ... Đức Chúa đã ban tràn ơn phúc cho ngài, và ngài nhảy mừng, và toàn thể nhà Ítraen yêu mến ngài...” (Ngụy thư Giacôbê).

Ở phương Tây, người ta đã cử hành lễ này từ thế kỷ IX trong các tu viện đông phương ở miền nam nước Ý, rồi từ đó truyền sang nước Anh vào thế kỷ XI. Nhưng mãi đến năm 1373 giáo triều Rôma ở Avignon mới bắt đầu cử hành lễ Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ, nhờ Philipe de Mézière, hiệp sĩ người Pháp từng cư trú ở phương Đông và muốn mình là người truyền bá việc tôn sùng này ở phương Tây, với mục đích thiết lập sự hiệp nhất với người Hi Lạp. Đức Giáo Hoàng Grégoire XI (1370-1378) cho phép cử hành thánh lễ này với giờ kinh phụng vụ riêng; và năm 1472, Đức Giáo Hoàng Sixte IV mở rộng lễ này cho Giáo Hội công giáo toàn cầu với một phụng vụ giờ kinh riêng trong sách nguyện.

Các bài giảng về lễ Đức Mẹ Dâng Mình Trong Đền Thờ rất nhiều. Các bài giảng đích thực đầu tiên có lẽ là của thánh Germain, giáo phụ Constantinople (715-730) và của André de Crète († 740). Vào thế kỷ XI có: Tarasios, giáo chủ Constantinople († 806), Basile de Philippes và Georges de Nicomédie.

Các tranh ảnh thánh cũng rất nhiều, lấy hứng từ các tác phẩm nguỵ thư, mô tả Đức Mẹ đứng trên bậc Đền thờ: tranh ghép của Daphni, tranh trang trí sách Menologe de Basile (Vatican, thế kỷ XI), tranh dầu của Giotto (Pađua), Carpaccio (Milan), Titien (Venise), tượng điêu khắc của V. Stoss (Cracovie). Một bức tranh khắc trên gạch lát (thế kỷ V) được giữ trong nhà thờ hầm Saint-Maximin de Provence, mô tả “Đức Trinh Nữ Maria phục vụ trong Đền thờ Giêrusalem”.

Thông điệp và tính thời sự

Phụng vụ lễ Đức Mẹ Dâng Mình không dừng lại ở những bài tường thuật nguỵ thư, nhưng làm sáng tỏ ý nghĩa thần học và thiêng liêng của nó.

Lời Nguyện của ngày nói đến sự chuyển cầu của Đức Mẹ, để ngài xin cho chúng ta được “sống hạnh phúc ở đời này” trước mặt Thiên Chúa. Bài đọc I (Cn 8, 22-31) cũng gợi lên cùng ý tưởng đó: ...Ta đã hiện diện ở bên Người. Ngày ngày ta là niềm vui của Người, trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi, vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người.

“Giá trị gương mẫu cao vời” của việc Đức Mẹ Dâng Mình (x. Marialis Cultus 8) cũng nhấn mạnh ơn gọi và phẩm giá của Đức Maria. Nhờ việc hoàn toàn sống trước sự hiện diện của Chúa và giữ mình trinh khiết, ngài cũng trở thành “Mẹ Thiên Chúa, Đền Thờ Đấng Tối Cao, Nhà Ở của Chúa Thánh Thần” (điệp ca của Magnificat). Chính nơi ngài, Lời của Thiên Chúa được thể hiện (điệp ca của Benedictus).

Bài giảng của thánh Augustin trong Giờ Kinh Sách mô tả sự vĩ đại của Đức Maria trong tư cách “môn đệ Chúa Kitô”. “Đối với Đức Maria, là môn đệ Chúa Kitô quan trọng hơn là Mẹ Chúa Kitô… Ngài đã nghe lời Thiên Chúa và đã ôm ấp Lời ấy… Tâm hồn ngài đã giữ gìn chân lý hơn là lòng dạ ngài giữ gìn xác thể. Chân lý, đó là Đức Kitô trong tâm hồn Đức Maria; xác thể, đó là Đức Kitô trong lòng dạ Đức Maria. Điều ở trong tâm hồn thì lớn hơn điều ở trong lòng dạ.”

Còn chúng ta, làm thế nào trở thành “mẹ Chúa Kitô?” Thánh Augustin trả lời bằng Tin Mừng: Ai nghe và làm theo ý của Cha thầy, người ấy là anh em, chị em, và là mẹ thầy”.

Sau cùng, việc Đức Mẹ Dâng Mình là một biểu tượng của việc hoàn toàn thánh hiến cho Thiên Chúa, nên sự kiện này cũng được hiểu như một mẫu mực cho việc chuẩn bị đời sống tu trìb hay thánh hiến. Noi gương cha Olier (1608-1657), vị sáng lập hội các cha Xuân Bích, nhiều nhà giáo dục đã đề nghị lấy mầu nhiệm Đức Mẹ Dâng Mình làm mẫu mực hoàn hảo cho sự thánh hiến.

Enzo Lodi
 

TÒNG THUỘC
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Hỡi mọi xác phàm, hãy lặng thinh trước nhan Thiên Chúa!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Bài đọc Zacharia được chọn một cách kỹ lưỡng trong ngày lễ Đức Mẹ Dâng Mình nêu bật mối quan hệ ‘tòng thuộc’ tuyệt đối của con người Đức Maria vào Thiên Chúa.

Thiếu nữ Sion Zacharia nói đến không chỉ là hình ảnh của Israel, nhưng còn là hình ảnh của Maria, người Thiên Chúa chọn, “Hỡi con gái Sion, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi”. Thiên Chúa ở lại giữa Israel vì Israel thuộc về Ngài; Ngài ở lại, “ở cùng” Maria, vì Mẹ ‘tòng thuộc’ Ngài tuyệt đối. Để có thể hiểu được hồng ân được “ở cùng” này, con người phải biết lặng thinh và chìm sâu vào trong Thiên Chúa. Ngôn sứ Zacharia thật thâm trầm khi kết luận, “Hỡi mọi xác phàm, hãy lặng thinh trước nhan Thiên Chúa!”.

Tin Mừng ngày lễ nói đến cuộc tìm thăm Chúa Giêsu của Mẹ Maria và anh em Ngài. Ở đó, Ngài đã thốt lên những lời ‘gây sốc’, “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”. Chúa Giêsu thường không ngại nói ra những lời vượt quá trí hiểu. Nhưng thật thú vị, Ngài không quen làm sáng tỏ chúng một cách chóng vánh; đúng hơn, Ngài thường để những ai không hiểu phải biết lặng thinh, hầu lời Ngài có thể chìm sâu vào trong. Từ đó, họ mới có thể hiểu nó.

Hẳn đã có một sự im lặng vần vũ đám đông khi Chúa Giêsu thốt ra những lời trên. Nhiều người nghĩ, Ngài khá cứng cỏi. Nhưng không phải thế, Ngài muốn Lời phải được chìm sâu vào trong nơi những ai đang nghe Ngài. Vì sau đó, đưa tay chỉ các môn đệ, Ngài nói, “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi!”. Qua đó, Chúa Giêsu đề cao người Mẹ Đầy Ơn Phúc của mình vì sự vâng phục tuyệt đối ý muốn của Chúa Cha. Ngài cho biết, quan hệ ‘huyết thống’ đã quan trọng, nhưng mối quan hệ ‘tòng thuộc’ vào Thiên Chúa sẽ quan trọng hơn. Như vậy, một ‘Maria vâng phục’ sẽ là mẹ của Ngài ‘nhiều hơn’ một ‘Maria huyết thống!’.

Với một đức tin trọn vẹn, một lòng mến sắt son, Maria hẳn đã hiểu hơn ai hết; và tất nhiên, cũng hơn ai hết, Mẹ đầy niềm vui. Sự hiểu biết sâu sắc đó tất yếu dẫn đến một niềm vui thẳm sâu nơi Mẹ. Thánh Vịnh đáp ca bộc lộ tâm tình này, “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!”.

Một người mẹ kia có thói quen lạ thường! Mỗi khi con trai cô có điều gì bất ổn, cô dắt nó vào rừng, đặt nó ngồi trên một tảng đá, bảo nó nhắm mắt lại. Đoạn, lấy cây sáo mang theo, cô thổi cho nó nghe từ ca khúc này đến ca khúc khác, từ trầm buồn đến réo rắt. Cô sẽ thổi cho đến khi nào con trai cô vui trở lại, và nó mỉm cười. Bấy giờ, hai mẹ con mới ra về.

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy lặng thinh trước nhan Thiên Chúa!”. Thánh Gioan Phaolô II gọi Maria là “Người Nữ Thánh Thể”. Liệu bạn và tôi có để Đức Mẹ ‘dẫn vào rừng’, chìm sâu vào Thánh Thể mỗi ngày, nhất là khi gặp những khó khăn trong đời? Với Thánh Thể, chúng ta sẽ lặng thinh, chìm sâu vào trong Ngài, trong Lời Ngài; ở đó, chúng ta chờ đợi thánh ý Chúa như Mẹ, lắng nghe tiếng của Thánh Thần như Mẹ thay vì chạy vạy tìm câu trả lời ở nơi đâu khác. Và từ Thánh Thể, một câu hỏi quan trọng sẽ luôn đặt ra cho chúng ta, dù chúng ta là ai, ở bất cứ đấng bậc nào, “Con thuộc về ai?”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ Maria, dạy con biết ‘tòng thuộc’ tuyệt đối vào Chúa. Để được vậy, cho con vui thích cầm tay Mẹ ‘vào rừng’ mỗi ngày, để lặng thinh, để chìm sâu vào trong ‘vực Giêsu!’”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây