16/03/2024
THỨ BẢY TUẦN 4 MÙA CHAY
Ga 7,40-53
KHÂM PHỤC CÁC VỆ BINH
Các vệ binh trở về trả lời: “Xưa nay chưa hề có ai nói năng như người ấy.” (Ga 7,40-53)
Suy niệm: Những người lính trong toán vệ binh đền thờ được ‘chỉ thị’ đi nghe ngóng và bắt Chúa Giê-su điệu về cho các bậc vị vọng kia ‘xử lý’. Nhưng họ đã trở về tay không. Đã thế họ còn có gan trả lời không hề sợ hãi: “Xưa nay chưa hề có ai nói năng như người ấy.” ‘Bất tuân thượng lệnh’ như vậy không chỉ có nghĩa là họ sẽ bị ‘bể nồi cơm’ mà họ còn bị những người có chức có quyền kia liệt vào hạng ‘những người bị nguyền rủa’. Tuy không có kiến thức uyên bác về Thánh Kinh và luật Mô-sê như các ông thượng tế và Pha-ri-sêu, nhưng họ lại giàu lương tri: họ không thể bắt người vô tội. Hơn nữa, những con người đơn sơ ấy lại thật là dũng cảm: dám nói lên sự thật dù có bị trù dập.
Mời Bạn: Các anh vệ binh ơi! Chúng tôi khâm phục các anh. Các anh vẫn có thể bắt Đức Giê-su điệu về cho các thượng tế mà không có lỗi gì: các anh chỉ làm theo lệnh cấp trên. Các anh cũng có thể né tránh trách nhiệm: chưa bắt được vì quần chúng đang ủng hộ ông ấy. Thế nhưng các anh đã quyết không làm điều sai trái, và dám can đảm nói lên sự thật. Hành động của các anh có khác gì các anh đang làm chứng cho Đức Ki-tô! “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ,” các anh xứng đáng hưởng mối phúc thứ tám đó. Chúng tôi khâm phục các anh, các anh vệ binh ơi!
Sống Lời Chúa: Tâm sự với Chúa bằng lời cầu nguyện sau đây:
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con hổ thẹn khi suy gẫm lời chứng của các anh vệ binh. Xin Chúa ban sức mạnh cho con dám làm chứng cho Chúa, cho công bằng và chân lý.
Thứ Bảy MC IV: Lạy Chúa! Đấng Kitô mà xuất thân từ Galilê sao? Các thượng tế và người Pharisêu luôn có định kiến với Chúa. Họ luôn nhìn Chúa với cái nhìn cũ kỹ. Mọi thứ đều mới, chỉ có mắt họ là cũ, cố định, khuôn mẫu. Nếu những người Pharisêu chịu mở ra với những thực tại mới nơi Chúa, họ sẽ đón nhận được những gì được ẩn giấu trong Chúa, để rồi, họ cũng nhận ra được các mầu nhiệm ẩn giấu nơi người khác và nơi chính bản thân mình với cái nhìn luôn mới. Xin cho chúng con sống tâm tình sám hối Mùa Chay bằng cách: nhìn mọi người, mọi việc với cái nhìn luôn mới. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 4 MÙA CHAY
Ca nhập lễ
Sóng tử thần đã bao bọc thân tôi, thừng chão địa ngục đã quấn lấy tôi; trong cơn đại hoạ tôi đã cầu khẩn Chúa, và từ nơi đền thánh, Chúa đã nhậm lời tôi.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa rất nhân hậu từ bi, xin hướng lòng chúng con về cùng Chúa. Vì nếu không có Chúa phù trì, chúng con không thể làm chi đẹp ý Chúa. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Gr 11, 18-20
“Con như chiên con hiền lành bị đem đi giết”.
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Lạy Chúa, Chúa đã tỏ cho con và con đã biết; vì Chúa đã chỉ cho con những mưu toan của chúng. Còn con, con như chiên con hiền lành bị đem đi giết. Con đã không biết chúng mưu toan hại con khi chúng nói: “Chúng ta hãy bỏ cây vào bánh của nó, chúng ta hãy diệt trừ nó khỏi đất kẻ sống, và người ta không còn nhớ đến tên nó nữa”.
Nhưng lạy Chúa các đạo binh, Chúa xét xử công minh, và dò xét tâm can. Chớ gì con sẽ thấy Chúa báo thù chúng, vì con đã phó thác việc con cho Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 7, 2-3. 9bc-10. 11-12
Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa con, con đến nương nhờ Ngài
Xướng: Lạy Chúa là Thiên Chúa con, con đến nương nhờ Ngài, xin cứu con khỏi mọi người đang lùng bắt, và xin giải thoát thân con, kẻo có người như sư tử chộp bắt hồn con, xé nát ra mà không ai cứu gỡ.
Xướng: Xin minh xét cho con, thân lạy Chúa, theo sự công chính và vô tội ở nơi con. Nguyện cho chấm dứt sự độc dữ kẻ ác nhân, và xin Ngài củng cố người hiền đức, khi Ngài lục soát tâm can, ôi Chúa công minh.
Xướng: Thuẫn che thân con là Thiên Chúa, Ðấng cứu độ những kẻ lòng ngay. Thiên Chúa là vị công minh thẩm phán, và Thiên Chúa hăm doạ hằng ngày.
Câu Xướng Trước Phúc Âm
Chúa phán: “Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin Ta, sẽ không chết đời đời”.
PHÚC ÂM: Ga 7, 40-53
“Ðấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao?”
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, sau khi nghe Chúa Giêsu giảng, có nhiều người trong đám dân chúng nói rằng: “Ông này thật là tiên tri”. Kẻ khác nói: “Ông này thật là Ðấng Kitô”. Người khác nữa lại nói: “Ðấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao? Nào Kinh Thánh chẳng nói: Ðấng Kitô xuất thân bởi dòng dõi Ðavit, và từ làng Bêlem, quê hương của Ðavit?” Vì thế, dân chúng bất đồng ý kiến với nhau về Người. Trong số đó, có một ít kẻ định bắt Người, nhưng không ai dám ra tay bắt Người. Vậy khi những người thừa hành đến với thượng tế và biệt phái, các ông này hỏi họ rằng: “Tại sao các ngươi không điệu nó tới?” Các người thừa hành thưa rằng: “Chẳng hề có ai nói như người ấy”. Các người biệt phái trả lời rằng: “Chớ thì các ngươi cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong các vị thủ lãnh và các người biệt phái, có ai tin nó đâu? Chỉ có lũ khốn nạn đó nó không biết gì lề luật”. Nicôđêmô là người đã tới gặp Chúa Giêsu ban đêm, cũng là người trong nhóm họ, nói với họ rằng: “Chớ thì luật của chúng ta có lên án cho ai mà không nghe họ, hoặc không biết rõ họ làm gì không?” Nhưng họ trả lời rằng: “Hay ông cũng là người Galilêa? Hãy đọc kỹ Kinh Thánh, ông sẽ thấy rằng không có tiên tri nào phát xuất từ Galilêa”. Sau đó ai về nhà nấy.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin vui nhận của lễ giao hoà này, và xin lấy tình thương mãnh liệt uốn nắn lòng chai đá của chúng con, để chúng con luôn hướng về Chúa. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng mùa chay
Ca hiệp lễ
Chúng ta đã được cứu chuộc bằng Máu châu báu của Đức Kitô, Con Chiên tinh tuyền và không tì ố.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, xin cho bí tích chúng con vừa lãnh nhận thanh tẩy chúng con cả xác hồn, và tác động mạnh mẽ trong chúng con, để chúng con nên trọn lành và sống sao cho đẹp ý Chúa. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
CHỌN ĐỨC GIÊSU, NGƯỜI BỊ BÁCH HẠI
Lm. Giuse Vũ Công Viện
Người công chính thường bị bách hại đó là một chủ đề lớn nơi Kinh thánh Cựu ước. Bài đọc 1 của phụng vụ ngày hôm qua là một đoạn sách Khôn ngoan nói về việc người công chính bị kẻ gian ác bách hại. Bài đọc 1 hôm nay, trích từ sách ngôn sứ Giêrêmia lập lại ý tưởng ấy. Đức Giêsu khi đến trong thế gian cũng không thoát khỏi thói đời khắt khe ấy.
Bài Tin mừng hôm nay cho thấy, Chúa Giêsu càng ngày càng tiến đến gần giai đoạn nguy hiểm. Dân chúng trước đây cách chung ủng hộ Ngài, nay hoang mang: người thì nói Ngài là Đức Kitô, người khác không còn tin nữa, vì theo những người này Đức Kitô không xuất thân từ Galilê mà phải xuất thân từ Belem, thành của vua Đavit. Các thượng tế và biệt phái thì nóng lòng muốn bắt Ngài. Nicôđêmô lên tiếng bênh vực Ngài thì bị chụp mũ là đồng bọn Galilê với Ngài.
Bài Phúc âm hôm nay cho chúng ta thấy một vị Thiên Chúa bị hiểu lầm trước sự tự do của con người. Biết được Ngài, đón nhận Ngài là hai vấn đề khó khăn. Chúa Giêsu là đá tảng, Người cũng có thể là đá vấp ngã nữa (Rm 9,33; 1Pr 2,6). Điều đó tuỳ ở mỗi người, tuỳ thái độ chúng ta trước Thiên Chúa.
Trong khi nhiều người chống đối Chúa Giêsu, nhiều người khác hoang mang không xác định rõ lập trường, thì Nicôđêmô đã can đảm lên tiếng bênh vực Ngài. Chung quanh chúng ta ngày nay cũng có nhiều người chống đối hay chưa hiểu Chúa Giêsu. Tôi có can đảm như Nicôđêmô không?
Để có thể làm được như Nicôđêmô, trước hết tôi phải xác định được: Đối với tôi, Đức Giêsu là ai?
Là Đấng tôi chạy tới xin ơn, Đấng có thể thoả mãn những khát vọng trước mắt của tôi?
Là người rắc rối hay đặt vấn đề cho lương tâm tôi?
Là Đấng mà tôi phải trung thành đi theo, cho dù phải đi theo trên con đường thập giá?
Là Đấng nhân từ luôn cảm thông tha thứ? …
Lạy Chúa, xin soi sáng và giúp con chọn lựa, để dù Ngài có là Đấng gây rắc rối cho lương tâm hay đòi con phải đi theo Ngài trên con đường thập giá, thì Ngài vẫn mãi là một Thiên Chúa yêu thương và muốn trao ban bình an đích thực.
TẠI SAO LẠI VẤP NGÃ? (Ga 7, 40-53)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Đã có lần Đức Giêsu nói Ngài đến không phải để đem bình an, nhưng là đem chia rẽ: cha chống lại con trai, và ngược lại. Con dâu chống lại mẹ chồng và mẹ chồng chống lại nàng dâu. Anh em chống đối nhau…
Hôm nay, sự xuất hiện và lời giảng dạy của Ngài cũng làm cho dân chúng trong mọi tầng lớp chia rẽ.
Họ chia rẽ bởi vì có những nhận định về Đức Giêsu khác nhau. Kẻ thì cho rằng Ngài là vị ngôn sứ; người khác lại khẳng định Ngài là Đấng Kitô, nhưng lại có nhóm phủ nhận tính Kitô nơi Ngài vì cho rằng Ngài không xuất thân từ dòng dõi vua Đavít và từ Bêlem, làng của vua Đavít mà lại từ Galilê!
Rồi đến những nhận định về tài giảng dạy của Ngài, trong đó phải kể đến nhóm vệ binh, họ nói: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!” Nicôđêmô, một người trong nhóm Pharisêu thì đứng lên bênh vực Ngài nhưng không mạnh mẽ, mà chỉ khơi khơi…
Trước những phản ứng đó, các thượng tế và người Pharisêu không tin vào dân chúng và tỏ ra tức tối khi dân này ca ngợi Đức Giêsu…
Lý do họ không tin vào đám dân này là vì họ gọi những người ấy là lũ dân xứ này. Với họ, những người dân này chỉ như là hạng bọt bèo, hạ đẳng, không đáng để họ khinh miệt chứ đừng nói gì đến chuyện tin hay không! Họ còn khinh bỉ những người thường dân này đến độ coi họ không có chút học thức hay đạo đức gì, bởi vì nếu có thì không thể tin vào Đức Giêsu được, chỉ những người ngu xuẩn mới tin vào Đức Giêsu mà thôi!
Trong thời đại hôm nay, vẫn còn có nhiều người như Pharisêu và Thượng Tế, họ vẫn tự hào là người học cao hiểu rộng, có một số vốn kiến thức đây đó, rồi từ đó sinh ra tự tôn, kiêu ngạo, để rồi Đức Giêsu là Đấng chỉ để họ bàn tán, còn tin và yêu mến cũng như thực hành những điều Ngài dạy thì không có. Hay có những người cho mình là đạo đức, sống đạo tại tâm, không cần đi lễ, nhà thờ hay cầu kinh sớm tối, cho rằng những chuyện đó là dư thừa, phù phiếm…
Nghĩ như thế, ấy là lúc chúng ta tách đạo ra khỏi đời sống, mà đạo của chúng ta là đạo sống, tức là gắn liền với mọi chiều kích cũng như các mối tương quan trong xã hội, chứ không phải là một mớ ý niệm, định nghĩa…
Trong khi đó, nhiều người bình dân học vụ thì họ lại nhận ra Thiên Chúa cách rõ nét ngang qua tình thương của Ngài ban cho họ trên cuộc sống.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết đứng về phía sự thật và can đảm làm chứng bằng cả cuộc sống. Mặt khác, Lời Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy khiêm tốn để được ơn cứu độ từ Đức Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con trong Mùa Chay này biết ý thức rằng: “Đức tin mà không có hành động thì đức tin chết”. Amen.
HƯỚNG LÒNG VỀ CHÚA
(THỨ BẢY TUẦN 4 MÙA CHAY)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Bảy Tuần 4 Mùa Chay này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa hướng lòng chúng ta về cùng Chúa, vì nếu không có Chúa phù trì, chúng ta không thể làm chi đẹp ý Chúa.
Hướng lòng về Chúa sẽ được chữa lành. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Dân Số cho thấy: Ngay cả khi, chúng ta được những đặc sủng lớn lao như ông Môsê, thì không phải vì thế mà, chúng ta sẽ không lầm lỗi và không bị phạt. Khi Dân Chúa biết hướng lòng về Chúa với niềm tin, cậy, mến: hướng nhìn lên con rắn đồng, thì họ được chữa lành. Thánh Gioan dạy chúng ta, nhìn thấy trong con rắn đồng: biểu tượng của Đức Kitô chịu đóng đinh: Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ.
Hướng lòng về Chúa là hướng về Mầu Nhiệm Vượt Qua. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng của Công Đồng Vaticanô II đã cho thấy: Mọi hoạt động lo toan của con người đang bị đe dọa mỗi ngày, do tính kiêu ngạo và lòng vị kỷ, cho nên, chúng cần phải được thanh tẩy và hoàn thiện nhờ Thập Giá và sự Phục Sinh của Đức Kitô. Đức Giêsu đã dùng gương sáng, để dạy chúng ta: phải vác lấy thập giá, mà xác thịt và thế gian, đặt trên vai những người mưu tìm hòa bình và công lý.
Hướng lòng về Chúa để được Chúa nâng đỡ khi bị bách hại, bị chống đối. Trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Giêrêmia cho thấy: Con khác nào con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt. Chúng đang mưu tính hại con, chúng bảo nhau: “Cây đương sức, nào ta chặt nó đi, loại nó ra khỏi đất dành cho kẻ sống, để không còn ai nhớ đến tên tuổi nó nữa!” Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 7, vịnh gia đã kêu xin: Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con ẩn náu bên Ngài. Xin cứu vớt và giải thoát con khỏi tay mọi người đang đuổi bắt, kẻo họ vồ lấy con, xé nát như sư tử, mà không người giải thoát.
Hướng lòng về Chúa là luôn ấp ủ Lời Chúa trong lòng, và kiên trì nhẫn nại sống theo lời Chúa dạy, như câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay: Hạnh phúc thay người thành tâm thiện chí, hằng ấp ủ lời Chúa trong lòng, nhờ kiên nhẫn mà sinh hoa kết quả.
Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan cho thấy: các Thượng Tế và những người Pharisêu là những người không hướng lòng về Chúa, không chịu hướng nhìn về phía ánh sáng: Khi các vệ binh đi bắt Chúa trở về tay không, và nói: Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy, thì họ nhận được câu hỏi: Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao; Những người dân tin vào Chúa, thì bị cho là: bọn dân đen, thứ người không biết Lề Luật, đáng bị nguyền rủa; Ông Nicôđêmô khai sáng cho họ, thì bị họ chất vấn: Cả ông nữa, ông cũng là người Galilê sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Galilê cả. Các Thượng Tế và những người Pharisêu không hướng lòng về Chúa, cho nên, họ luôn nhìn Chúa với cái nhìn cũ kỹ. Chúa không tạo ra những thứ cũ kỹ, mọi sự đều mới mẻ, đều thay đổi. Sự sống cần phải được khám phá liên tục, dừng khám phá, cái nhìn của chúng ta sẽ cũ kỹ. Ước gì chúng ta luôn biết hướng lòng về Chúa, để có được đôi mắt luôn tươi mới, hầu chúng ta có thể nhìn thấy được những thực tại mới, nhìn thấy những giá trị đích thực ẩn đằng sau lớp vỏ sần sùi xấu xí, nhất là, nhìn thấy được vinh quang ẩn đằng sau thập giá. Ước gì được như thế!
YẾU TỐ GÂY KINH NGẠC
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Dân chúng đâm ra chia rẽ về Ngài!”.
“Tình yêu và sự thật như muối, Natri và Clorua. Không có sự thật, tình yêu mơ hồ, đôi khi mù quáng; sự thật, tự nó, vẫn có thể gây khó chịu, đôi khi là độc hại. Chỉ nói mà không yêu thương, người ta sẽ xa lạ với Phúc Âm. Tuy nhiên, khi sự thật và tình yêu tích hợp, nó trở nên “muối của đất” và là ‘yếu tố gây kinh ngạc’ cho thế giới!” - David H. Johnson.
Kính thưa Anh Chị em,
Với ý tưởng “muối của đất”, Tin Mừng hôm nay tiết lộ, sống trong sự thật là cách chuẩn bị tốt nhất, hấp dẫn nhất để truyền đạt nó! Chúa Giêsu là một kiểu mẫu, Ngài trở nên “muối của đất”, một ‘yếu tố gây kinh ngạc’ đến nỗi “dân chúng đâm ra chia rẽ về Ngài!”.
Một số người tin Chúa Giêsu là tiên tri; số khác, tin Ngài là Đấng Kitô; và số khác nữa, không tin Ngài. Phản ứng của các vệ binh được sai đến bắt Ngài thì hoang mang và họ trở về tay không; giới lãnh đạo thì khinh thị. Đang khi biệt phái Nicôđêmô thì rụt rè; trái tim ông bảo ông bênh vực Chúa Giêsu, nhưng cái đầu bảo ông đừng mạo hiểm!
Vậy thì điều gì nơi Chúa Giêsu khiến cho nhiều người đương thời bất đồng? Sở dĩ họ bất đồng, chỉ vì Ngài đã trở nên một ‘yếu tố gây kinh ngạc!’. Khi Ngài giảng dạy, “Người ta bỡ ngỡ về giáo lý của Ngài, vì lời giảng dạy của Ngài có uy quyền!”; chỉ một lời của Ngài, quỷ xuất khỏi và “Mọi người kinh hãi, lời gì mà lạ lùng thế?”. Đúng! Lời Ngài có sức mạnh biến đổi! Thật khó giải thích, nhưng rõ ràng là khi nói, Chúa Giêsu truyền đạt một sức mạnh, kêu gọi một niềm tin với sự hiện diện quyền năng mà chỉ một mình Thiên Chúa có. Điều đó không thể chối cãi và là một sự thật khiến Ngài trở nên quá hấp dẫn!
Một điều thú vị là những người gây kinh ngạc thường kéo theo những phê phán! Trước Chúa Giêsu, ai có đức tin giản dị và trung thực, họ sẽ tích cực đáp lại; đang khi những người tự cao tự đại thì lên án và giận dữ. Họ ghen tị; thậm chí, họ miệt thị những ai có ấn tượng tốt với Ngài. Giêrêmia cũng đã trải nghiệm những gì Chúa Giêsu trải nghiệm - bài đọc một. Người đương thời chống lại ông, nhưng trong sự thật, ông vẫn nói và phó mình cho Chúa, “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con ẩn náu bên Ngài!” - Thánh Vịnh đáp ca. Cuối cùng, sự thật, công lý chiến thắng. Giêrêmia cũng là ‘yếu tố gây kinh ngạc!’.
Kính thưa Anh Chị em,
“Dân chúng đâm ra chia rẽ về Ngài!”. Không chỉ những lời của Chúa Giêsu gây chia rẽ, mà là chính con người của Ngài. Tại sao? Bởi lẽ, trước Chúa Giêsu, ‘không ai có thể thờ ơ quá lâu’; một là họ chọn theo Ngài, hai là giết chết Ngài! Với chúng ta, cuộc thương khó của Ngài phải là ‘yếu tố gây kinh ngạc’ lớn nhất; cách riêng trong những ngày Hội Thánh bước vào Tuần Thương Khó! Chúng ta không thể thờ ơ trước tình yêu hy tế của Ngài khi Ngài “như con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt” vì tội lỗi nhân loại; trong đó, có tội lỗi của bạn và tôi! Hy tế của Ngài là sự “tích hợp” của lời nói và tình yêu trọn vẹn nhất của Thiên Chúa. Từ đó, Ngài trở nên ‘muối của đất’, “muối của thế giới!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con trở nên một ‘yếu tố gây kinh hoàng’ cho bất cứ ai. Cho con là ‘muối của đất’, ‘muối của thế giới’ nơi Chúa đặt con!”, Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn