Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 4 MÙA CHAY

Thứ ba - 12/03/2024 19:34 |   256
Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả”. (Ga 7,1-2.10.25-30)

15/03/2024
THỨ SÁU TUẦN 4 MÙA CHAY

t6 t4 MC

Ga 7,1-2.10.25-30

LẦM TO
Có những người ở Giê-ru-sa-lem nói: “Phải chăng các nhà hữu trách đã thực sự nhìn nhận ông ấy là Đấng Ki-tô? Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả”. (Ga 7,1-2.10.25-30)

Suy niệm: Để hiểu một đối tượng, thường có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Và đương nhiên, càng có cái nhìn đa diện, thì càng hiểu rõ sự vật hơn. Nhưng oái oăm thay, nhiều người Do-thái mới chỉ biết Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét đã cho rằng họ biết rõ nguồn gốc về Ngài, đã vội kết luận rằng Ngài không phải là Đấng Ki-tô. Hơn nữa, Đức Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, Ngài không phải là đối tượng của giác quan hay trí não con người. Chưa kể, “Nước Trời lại giấu kín với những bậc khôn ngoan thông thái” (Mt 11,25-27). Nhiều lần Ngài đã đề nghị họ những cách tiếp cận khác nhau (Ga 5,31-47), nhưng họ vẫn từ chối, chỉ vì họ đã ‘biết Ngài rồi’.
 

Mời Bạn: Cha Anthony de Mello có lý khi nói rằng: “Có những người sẵn sàng bỏ mọi sự để đi tìm Thượng Đế, nhưng chỉ có một điều họ không thể bỏ, là quan niệm của họ về Thượng Đế”, vì thế mà họ chẳng bao giờ gặp Ngài. Và thường, những kẻ chống đối Thiên Chúa cách kịch liệt nhất, lại là những kẻ tưởng mình biết Thiên Chúa nhất.
 

Sống Lời Chúa: Tập thói quen ngạc nhiên trước những điều quen thuộc, hoặc trước những đoạn Kinh Thánh tưởng chừng như đã biết rồi.
 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã mặc khải cho chúng con về mầu nhiệm chính Chúa; nhưng xin cho con biết đón nhận Chúa như một Thực Tại vô biên, hầu không ngừng khám phá và tìm kiếm Chúa mãi muôn đời. A-men.
 

Thứ Sáu MC IV: Lạy Chúa! Những người Pharisêu tưởng rằng họ biết, nhưng thật ra, họ không biết gì cả. Họ không thừa nhận Chúa là Đấng Mêsia, bởi vì, họ biết Chúa xuất thân từ làng quê Nadarét. Hiểu biết thật sự là quan trọng trong cuộc sống chúng con, bởi vì, hiểu biết là nỗ lực giúp chúng con gặp gỡ và hợp nhất với toàn thể Hiện Hữu, là chính Chúa. Xin cho chúng con sống tâm tình sám hối Mùa Chay bằng cách: mở rộng tầm nhìn để biết Chúa như chính Chúa là, biết Chúa là Đấng Sáng Tạo, là Cha yêu thương, còn chúng con là những thụ tạo, là những người con bé nhỏ của Cha trên trời. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ SÁU TUẦN 4 MÙA CHAY

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin nhân danh Chúa cứu sống tôi, và xin sử dụng uy quyền phán quyết cho tôi. Lạy Chúa, xin nghe tiếng tôi cầu, và lắng tai nghe lời miệng tôi xin.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa dùng các bí tích kỳ diệu nâng đỡ chúng con là những kẻ yếu hèn. Xin cho chúng con được vui mừng nhận lãnh những hiệu quả dồi dào của bí tích ấy và quyết tâm đổi mới cuộc đời để biểu dương ân huệ Chúa ban. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Kn 2, 1a. 12-22

“Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Những kẻ gian ác suy nghĩ chín chắn, đã nói rằng: “Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm, khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật. Nó tự hào mình biết Thiên Chúa và tự xưng là con Thiên Chúa. Chính nó là sự tố cáo những tư tưởng của chúng ta. Vì nguyên việc thấy nó, chúng ta cũng cáu, thấy bực mình, vì nếp sống của nó không giống như kẻ khác, và đường lối của nó thì lập dị. Nó kể chúng ta như rơm rác, nó xa lánh đường lối chúng ta như xa lánh những gì dơ nhớp, nó thích hạnh phúc cuối cùng của người công chính, nó tự hào có Thiên Chúa là Cha. Vậy chúng ta hãy xem coi điều nó nói có thật hay không, hãy nghiệm xét coi những gì sẽ xảy đến cho nó, và hãy chờ xem chung cuộc đời nó sẽ ra sao. Vì nếu nó thật là con Thiên Chúa, Chúa sẽ bênh vực nó, sẽ giải thoát nó khỏi tay những kẻ chống đối nó. Chúng ta hãy nhục mạ và làm khổ nó, để thử xem nó có hiền lành và nhẫn nại không. Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã, vì theo lời nó nói, thì người ta sẽ cứu nó!” Chúng nghĩ như vậy, nhưng chúng lầm, vì tội ác của chúng đã làm cho chúng mù quáng. Và chúng không biết ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa, nên cũng chẳng hy vọng phần thưởng công chính, và chúng cũng không ưa thích vinh dự của những tâm hồn thánh thiện.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 17-18. 19-20. 21 và 23

Ðáp: Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường

Xướng: Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần ai. Người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ, Ngài cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo.

Xướng: Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương dập nát. Người hiền đức gặp nhiều bước gian truân, nhưng Chúa luôn luôn giải thoát.

Xướng: Ngài gìn giữ họ xương cốt vẹn toàn, không để cho một cái nào bị gãy. Chúa cứu chữa linh hồn tôi tớ của Ngài, và phàm ai tìm đến nương tựa nơi Ngài, người đó sẽ không phải đền bồi tội lỗi.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Hôm nay, các ngươi đừng cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa phán.

Phúc Âm: Ga 7, 1-2. 10. 25-30

“Chúng tìm cách bắt Người, nhưng chưa tới giờ Người”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

Khi ấy, Chúa Giê-su đi lại trong xứ Ga-li-lê-a; Người không muốn đi lại trong xứ Giu-đê-a, vì người Do-thái đang tìm giết Người. Lúc đó gần đến lễ Trại của người Do-thái. Nhưng khi anh em của Người lên dự lễ rồi, thì Người cũng đi, nhưng không đi cách công khai, mà lại đi cách kín đáo.

Có một số người ở Giê-ru-sa-lem nói: “Ðây không phải là người họ đang tìm giết sao? Kìa ông ta đang nói công khai mà không ai nói gì cả. Phải chăng các nhà chức trách đã nhận ra ông ta là Ðấng Ki-tô? Tuy nhiên, ông này thì chúng ta biết rõ đã xuất thân từ đâu. Còn khi Ðấng Ki-tô tới, thì chẳng có ai biết Người bởi đâu”.

Vậy lúc bấy giờ Chúa Giê-su đang giảng dạy trong đền thờ, Người lớn tiếng nói rằng: “Phải, các ngươi biết Ta, và biết Ta xuất thân từ đâu; Ta không tự Ta mà đến, nhưng thực ra, có Ðấng đã sai Ta mà các ngươi không biết Ngài. Riêng Ta, Ta biết Ngài, vì Ta bởi Ngài, và chính Ngài đã sai Ta”. Bởi thế họ tìm cách bắt Chúa Giê-su, nhưng không ai đụng tới Người, vì chưa tới giờ Người.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, nhờ thần lực lễ tế chúng con dâng, xin giải thoát chúng con khỏi vòng tội lỗi, và thanh tẩy chúng con, cho chúng con ngày thêm trong trắng, để xứng đáng mừng mầu nhiệm Vượt Qua là căn nguyên của lễ tế này. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa chay

Ca hiệp lễ

Trong Chúa Kitô, chúng ta được ơn cứu chuộc nhờ máu Người. Được ơn tha tội theo sự phong phú của ân sủng Người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, thánh lễ chúng con vừa cử hành chứng tỏ rằng: chúng con đã từ Cựu Ước bước qua Tân Ước. Xin giúp chúng con biết cởi bỏ con người cũ, và mặc lấy con người mới là Ðức Ki-tô, để sống cuộc đời công chính và thánh thiện. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

TƯ TƯỞNG KẺ NGU SI
Lm. Antôn Trần Văn Phú

Kẻ ngu si tự nhủ: “Làm chi có Chúa Trời!” (Tv 53,1). Vì không tin có Thiên Chúa, nên kẻ ngu si mới ra hư đốn và làm những điều gian ác ghê tởm. Vì phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa nên kẻ ngu si trở nên mù quáng và không nhận biết ý định nhiệm mầu của Người. Chính vì điều này mà họ không chỉ khước từ mà còn tìm cách tiêu diệt Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Đức Khôn Ngoan không ngoài ai khác là chính Đức Giê-su Ki-tô, Đấng được Chúa Cha sai đến. Người bước vào thế giới của chúng ta để mang Thiên Chúa cho chúng ta. Người đến để đưa những kẻ đang ngủ mê trong bóng tối của sự ngu muội và gian ác bước vào ánh sáng huy hoàng của Đức Khôn Ngoan vĩnh cửu. Tuy nhiên, không phải tất cả đều muốn bước vào ánh sáng kỳ diệu ấy. Như thánh Gio-an công bố: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đên thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận (Ga 1,9-11). Thánh Gio-an chứng kiến sự ngu muội và cứng lòng nơi những người Do-thái, người mà không nhìn nhận Đức Giê-su là Con Thiên Chúa. Họ “tìm cách bắt Chúa Giê-su, nhưng không ai đụng tới Người, vì chưa tới giờ Người.” (Ga 7,30). Quả thật, “những kẻ làm điều ác, kẻ sống trên xương máu đồng bào ta, kẻ không cầu khẩn Thiên Chúa, há chẳng hiểu biết gì?” (Tv 53,5).

 

NGUỒN GỐC CỦA ĐẤNG MÊ-SI-A (Ga 7,1-2.10.25-30)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Bài Tin Mừng hôm nay kể lại: Đức Giê-su trở lại Ga-li-lê vào dịp Lễ Lều của người Do thái, đây là một trong những lễ lớn nhất và vui nhất của họ. Người ta mừng lễ này cả một tuần lễ, từ ngày 15 đến ngày 21 tháng Bảy.

-Nhân dịp này người Do thái tranh luận về nguốn gốc của Đức Giê-su. Họ cho rằng Đấng Mê-si-a phải có nguồn gốc lai lịch rõ ràng, còn Đức Giê-su thì họ không biết  xuất thân từ đâu. Nhân đó Đức Giê-su nói cho họ biết lai lịch và nguồn gốc của Ngài là Chúa Cha “Ta bởi Ngài, và chính Ngài đã sai Ta”. Nhưng nói như thế càng khiến họ muốn giết Ngài hơn. Tuy nhiên hiện giờ “họ chưa làm gì Ngài được vì chưa tới giờ Ngài”.

2. Sự kiện xảy ra tại Giê-ru-sa-lem vào dịp Lễ Lều và lễ tạ ơn sau ngày mùa, Đức Giê-su vào Đền thờ và giảng một cánh công khai, làm cho những người biệt phái tức giận vì họ không thể nào chấp nhận được những điều Ngài nói về bản tính thần linh của Ngài. Họ biết nguồn gốc lai lịch của Ngài: con bà Ma-ri-a, con ông thợ mộc Giu-se, quê ở làng Na-da-rét bé nhỏ, nghèo hèn, bản thân Ngài cũng chỉ là một anh thợ mộc, thế mà Ngài lại tự nhận mình là Con Thiên Chúa, từ Thiên Chúa Cha mà đến và ngang hàng với Chúa Cha. Họ cho là Ngài lộng ngôn phạm thượng, họ nhất định không tin Ngài, dù bao nhiêu chứng cớ Ngài đưa ra cũng không đánh động được lòng dạ chai đá của họ, họ nhất quyết từ chối, đó là quyền tự do của họ.

3. Họ thắc mắc với câu hỏi: Ông Giê-su là ai? Họ thắc mắc và bàn tán theo quan niệm sai lầm của họ: “Ông này chẳng phải là Giê-su, con bác thợ mộc Giu-se đó sao”?

Nhưng Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật”. Đó là tiếng kêu của một người không được người khác nhận biết đúng thực về mình, bởi vì Đức Giê-su không chỉ là người phàm như họ lầm tưởng, mà là Con Thiên Chúa, là Đấng được Chúa Cha sai đến cứu độ con người. Ngài chấp nhận sống nghèo hèn để đem lại giầu sang cho con người, Ngài chấp nhận đau khổ để đem lại hạnh phúc cho con người, một con người hiến thân để đem lại sự sống cho muôn người, thế mà không ai chịu tin theo Ngài.

4. Cuộc tranh luận giữa Đức Giê-su và những người biệt phái kéo dài rất dai dẳng, nhưng Ngài cũng chẳng làm cho họ tin Ngài được, trái lại càng ngày họ càng muốn giết Ngài. Cái gì đã khiến họ khó tin vào Đức Giê-su như thế? Thưa chính là vì họ tưởng họ biết quá rõ về Thiên Chúa và về Đấng Mê-si-a của Thiên Chúa: họ tưởng họ biết Thiên Chúa là ai, Đấng Mê-i-a từ đâu đến, biết rành Thánh Kinh, biết rõ luật Mai-sen… Tất cả những gì ở ngoài cái khung hiểu biết ấy của họ thì họ đều coi là sai lạc, là từ Sa-tan…

Tôi có nghĩ rằng tôi đã biết tất cả về Chúa và về ơn cứu độ không? Tôi có sẵn sàng và ngoan ngoãn để Chúa dạy tôi những điều bất ngờ không?

5. Lý do sau cùng khiến họ không tin Ngài và tìm cách hại Ngài, không phải vì Ngài lỗi luật sa-bat, đó chỉ là cái cớ bên ngoài mà thôi, mà đúng ra Ngài là cái gai trước mắt họ, làm họ khó chịu: vì Ngài nguy hại cho họ, họ mất hết uy thế, mất miếng ăn. Họ ra tay bắt Ngài, nhưng họ không làm gì được Ngài vì giờ của Ngài chưa đến.

6. Truyện: Aristide người công chính.

Aristide là một tướng lãnh và chính trị gia nổi tiếng thanh liêm tại Hy Lạp vào thế kỷ V trước công nguyên.

Ông thanh liêm đến nỗi cả nước đã tặng cho ông một danh hiệu cao quí là “Aritide người công chính”. Nhưng ông càng được nhiều người ca tụng thì lại càng bị nhiều người ganh tị chống đối. Ông bị tướng Ténistoles âm mưu muốn triệt hạ ông. Người ta muốn cho Aristide bị kết án và bị lưu đầy trong vòng 10 năm. Bản án đã được thi hành bằng một trò chơi dân chủ quái ác.

Theo thể thức biểu quyết thông thường của người Hy Lạp thời cổ, mỗi một người công dân được phát cho một vỏ sò trên đó họ sẽ viết lên ý kiến của mình. Trong trường hợp của tướng Aristide, ai đồng ý cho ông bị lưu đầy, thì viết tên ông lên vỏ sò, và người ta sẽ đem nộp vỏ sò ấy tại một nơi công cộng giữa phố chợ.

Có một thị dân nọ không biết viết, thấy Aristide đang đứng ở một góc phố và chưa một lần biết mặt ông là ai. Thấy ông, người thị dân này đến nhờ ông viết tên của người bị kết án lên vỏ sò. Aristide viết tên của mình lên vỏ sò theo yêu cầu của người lạ mặt. Ông trao vỏ sò lại cho thị dân và hỏi  ông ta:

– Tại sao ông lại bỏ phiếu ủng hộ việc lưu đầy Aristide?

Người đàn ông mới trả lời như sau:

– Tại sao tôi bỏ phiếu ủng hộ việc lưu đầy ông ta ư? Bởi vì tôi không chịu nổi sự kiện ai cũng gọi ông ta là Người Công Chính, thế thôi!


QUYẾT TÂM ĐỔI MỚI CUỘC ĐỜI
(THỨ SÁU TUẦN 4 MÙA CHAY)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
 
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Sáu Tuần 4 Mùa Chay này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa dùng các bí tích kỳ diệu mà nâng đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, xin Chúa cho chúng ta được vui mừng nhận lãnh những hiệu quả dồi dào của các bí tích ấy, và quyết tâm đổi mới cuộc đời để biểu dương ân huệ Chúa ban.
 
Quyết tâm đổi mới cuộc đời, nhưng, không phải bằng sức riêng, mà là, bằng sức mạnh tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Dân Số cho thấy: Môsê, người bạn thân của Thiên Chúa, hơn ai hết, ông biết rõ tình yêu và lòng thương xót mà Đức Chúa dành cho Dân của Người: Người giận trong giây lát, nhưng, yêu thương suốt cả đời. Chính vì thế, những lời ông van xin cùng Đức Chúa cho Dân, thật ra, đó chính là những lời khẳng định: Chúa luôn từ ái một niềm, Người sẽ không nỡ ruồng bỏ Dân của Người, cho dẫu, họ có bội tín thất trung với Người. Chúa là Đấng từ bi nhân hậu. Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì, hẳn Người nhớ: ta chỉ là cát bụi.
 
Quyết tâm đổi mới cuộc đời, nhờ vững tin vào lời hứa cứu độ của Thiên Chúa. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Athanaxiô đã nói về ngày Lễ Phục Sinh như sau: Ân sủng của ngày lễ này không bị giới hạn trong một thời gian nào, và ánh huy hoàng của ngày lễ cũng không suy giảm, nhưng, lúc nào cũng mau lẹ chiếu soi tâm trí những người ước ao. Lễ này hướng dẫn chúng ta giữa những gian nan thử thách xảy đến cho ta ở trần gian, bởi vì, Thiên Chúa ban cho chúng ta niềm vui được cứu độ phát xuất từ đại lễ này.
 
Quyết tâm đổi mới cuộc đời, dù cho có bị thế gian bách hại. Trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Khôn Ngoan cho thấy: Những người công chính bị bách hại: Nếu tên công chính là con Thiên Chúa, hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù. Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó, để biết nó hiền hoà làm sao, và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào. Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm. Cho dù, bị chống đối, loại trừ, nhưng, người công chính vẫn luôn vững tin vào Chúa, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 33, vịnh gia đã cho thấy: Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ. Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ, cứu những tâm thần thất vọng ê chề. Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân, nhưng Chúa giúp họ luôn thoát khỏi.
 
Quyết tâm đổi mới cuộc đời, bằng việc thi hành những lời Chúa dạy, bởi vì, như câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.
 
Khi đến trần gian, Đức Giêsu đã nói: Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy. Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan cho thấy: Mặc dù, Đức Giêsu không muốn đi lại trong miền Giuđê, bởi vì, người Dothái đang tìm giết Người, nhưng, khi anh em Người lên dự Lễ Lều, thì Người cũng lên theo. Đức Giêsu đến để làm theo thánh ý Chúa Cha, và Người đã hoàn toàn tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Cha. Dù cho có bị chống đối, bị bắt ngay tức khắc, Người vẫn sẵn sàng nói lên sứ mạng của mình: Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi. Tuy nhiên, giờ của Chúa Cha chưa đến, cho nên, họ chưa bắt được Người. Đức Giêsu đã hoàn toàn tín thác vào Chúa Cha, đến nỗi, đã đổ giọt máu giọt nước cuối cùng trên thập giá để cứu độ chúng ta. Ước gì chúng ta cũng biết tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu và lòng thương xót, mà Chúa đã dành cho chúng ta, để chúng ta quyết tâm đổi mới cuộc đời, dẫu biết rằng: con đường đổi mới luôn giăng đầy thử thách gian truân. Ước gì được như thế!

KHẢ NĂNG CHỌN ĐIỀU TỐT
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả!”.

“Tự do không phải là khả năng đơn giản làm những gì mình muốn. Điều này khiến chúng ta coi mình là trung tâm và xa cách, đồng thời ngăn cản chúng ta trở thành những người bạn cởi mở và chân thành. Thay vào đó, tự do là “ơn” có khả năng chọn điều tốt! Đây là tự do đích thực!” - Phanxicô.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay cho phép chúng ta suy gẫm về sự nhầm lẫn nảy sinh từ căn tính và sứ mệnh của Chúa Giêsu. Khi dân chúng đối mặt Ngài, có những hiểu lầm và giả định về Ngài là ai, Ngài sẽ ứng nghiệm các lời tiên tri Cựu Ước thế nào và sẽ hoàn thành những gì. Những giả định và phán xét dẫn đến thất vọng và tức giận. Vì thế, ‘khả năng chọn điều tốt’, chọn sự thật, là một cái gì tối quan trọng trong đời sống đức tin!

Ở mọi thời đại đều như vậy! Sự nhầm lẫn về đức tin vào Chúa Kitô và về giáo huấn của Giáo Hội gây bao tranh cãi và làm tan rã Kitô giáo. Đàn chiên sẽ tan tác nếu chiên không biết Chủ Chiên. Người ta nói, “Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Kitô, khi Người đến, chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả!”. Và họ kết luận Chúa Giêsu không thể là Đấng Messia vì Ngài không phù hợp với “Đấng Messia” họ đã được dạy. Mặt khác, họ biết các tư tế muốn Ngài chết nhưng thấy Ngài đi lại tự do mà không bị bắt, nên thắc mắc “Phải chăng các nhà hữu trách đã thực sự nhìn nhận ông là Đấng Kitô?”.

Chúa Giêsu giải quyết sự nhầm lẫn này bằng cách tuyên bố, “Đấng sai tôi là Đấng chân thật”; “Tôi biết Người, bởi tôi từ Người mà đến và chính Người đã sai tôi”. Ngài chịu trách nhiệm về những gì Ngài nói và Ngài đã làm chủ tình hình - như Gioan miêu tả - không ai chạm vào Ngài. Chúa Giêsu thách thức những ‘kỳ vọng’ của họ bằng cách mặc khải chính Ngài, Ngài không phải là một nhà lãnh đạo sẽ lật đổ sự áp bức của người La Mã nhưng là Người Tôi Tớ Đau Khổ của Thiên Chúa mà Isaia và các ngôn sứ đã báo trước.

Với những lời vắn gọn trên, Chúa Giêsu đã nói hết về chính Ngài, ‘Ngài đến từ Chúa Cha, được Chúa Cha sai đến’. Phần còn lại là sự chọn lựa của những kẻ nghe Ngài! Don Schwager viết, “Với Chúa Giêsu, không ai có thể thờ ơ quá lâu; họ sẽ theo Ngài hoặc giết chết Ngài!”. Phải, vì không có ‘khả năng chọn điều tốt’, chọn sự thật, những người Do Thái và các tư tế lúc bấy giờ tìm cách bắt Ngài và cuối cùng, giết chết Ngài!

Kính thưa Anh Chị em,

“Chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả!”. Hành trình đức tin của mỗi Kitô hữu là hành trình tìm kiếm Chúa Giêsu; đồng thời, cũng là hành trình giúp nhau đến với Ngài, giúp nhau có khả năng chọn Ngài. Trong “Evangelii Gaudium”, Đức Phanxicô viết, “Niềm Vui Tin Mừng tràn ngập trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu!”. Điều quan trọng là bạn và tôi phải giúp tất cả những ai chúng ta gặp gỡ vượt qua những giả định và phán xét về Chúa Giêsu là ai và Giáo Hội là gì, nghĩa là giúp họ có ‘khả năng chọn điều tốt’; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho họ gặp gỡ Ngài. Khi một người biết Chúa Giêsu thực sự là ai thì niềm vui và bình an tràn ngập.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để cách sống của con làm cho người khác hiểu sai về Chúa và Giáo Hội. Cho con chọn Chúa mỗi ngày; nhờ đó, người khác nhận ra ‘một Ai đó’ trong con!”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây