Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 16/06/2024 20:40 |   37
“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.” (Mt 5,38-42)

17/06/2024
thứ hai tuần 11 THƯỜNG NIÊN

t2 t11 TN

Mt 5,38-42


LUẬT ‘BÁO THÙ’ MỚI CỦA CHÚA
“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.” (Mt 5,38-42)


Suy niệm: Trong bối cảnh xã hội thời Cựu Ước, não trạng ‘công lý báo thù’ gấp bảy lần (x. St 4,15) vẫn còn thịnh hành thì “luật báo phục tương xứng… mắt đền mắt, răng đền răng” của luật Mô-sê (x. Dnl 19,21) đã là văn minh tiến bộ gấp nhiều lần thứ ‘luật rừng’ trên kia rồi. Nhưng Đức Giê-su không chấp nhận nguyên tắc ‘ăn miếng trả miếng’ như vậy. Chúa thiết lập chuẩn mực mới cho luật ‘báo thù’ của Ngài: “Đừng chống cự người ác, nhưng giơ cả má bên trái nếu có người vả má bên phải của anh.”

Mời Bạn: Phải chăng khi thực hành lời Chúa dạy, chúng ta sẽ trở nên yếu đuối, nhu nhược, chỉ biết cam chịu bạo lực bất công, để cho cái ác hoành hành, không dũng cảm tranh đấu chống lại bạo lực và bất công? Thành ngữ Việt Nam có câu: Đấng trượng phu đừng thù mới đáng, Đấng anh hùng đừng oán mới hay.” Lấy bạo lực để chống lại bạo lực chỉ làm tăng thêm bạo lực. Trái lại, bao dung tha thứ như Chúa dạy, là thái độ của người mạnh mẽ, có thể chế ngự được khuynh hướng trả đũa vốn nằm sẵn trong mình, và phá vỡ được vòng luẩn quẩn của oán thù.

Sống Lời Chúa: Một sự nhịn bằng chín sự lành! Mỗi khi bạn bị người khác xúc phạm, bạn không trả thù, nhưng cầu nguyện, xin Chúa ban bình an cho họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chịu chết trên thập giá để thứ tha mọi lỗi lầm con đã phạm. Xin giúp chúng con biết thực hành lời Chúa để nơi đâu có hận thù, con loan báo tình yêu; nơi đâu có xúc phạm, con trao ban tha thứ. Amen.

Ngày 17: Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu! Tiến trình xây dựng Hội Thánh phải được thực hiện trong bầu khí gặp gỡ, và lắng nghe, để cảm thông, nâng đỡ, an ủi lẫn nhau, để cùng nhau tìm ý Chúa trong những hoàn cảnh cụ thể… Trên Đường Thánh Giá, ngay cả khi bị kết án và vác thập giá tủi nhục, Chúa cũng trở nên nguồn an ủi cho mọi người khi đứng lại an ủi con thành Giêrusalem. Xin cho chúng con đừng chỉ lay hoay với những khó khăn của mình, mà quên mất những người đang cần chúng con vỗ về an ủi; xin cho chúng con luôn biết sống vị tha, trở nên những trợ lực cho nhau, ngay cả khi chúng con đang gặp những bế tắc trong các vấn đề của chính mình. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ hai tuần 11 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin nghe tiếng tôi kêu cầu. Lạy Chúa là Đấng cứu độ tôi, Chúa là Đấng phù trợ tôi, xin đừng bỏ rơi và đừng hắt hủi tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa ban sức mạnh cho những kẻ cậy trông xin nghe lời chúng con cầu khẩn: loài người chúng con, thân phận yếu hèn, không thể làm được chi, nếu Chúa không nâng đỡ; xin Chúa hằng tuôn đổ hồng ân, giúp chúng con giữ huấn lệnh Chúa truyền, để chỉ muốn và làm những điều Chúa ưa thích. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) 2 Cr 6, 1-10

“Chúng tôi chứng tỏ mình là những người phục vụ Thiên Chúa”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, với tư cách là những người cộng sự với Chúa Giêsu, chúng tôi khuyên anh em đừng nhận lấy ơn của Thiên Chúa một cách vô ích. Quả thật Chúa phán: “Dịp thuận tiện đến, Ta đã nhậm lời ngươi, vào ngày cứu thoát, Ta đã cứu vớt ngươi”. Bây giờ là cơ hội thuận tiện, giờ đây là ngày cứu thoát. Chúng tôi không hề làm cớ cho ai phải vấp phạm, để công việc phục vụ của chúng tôi khỏi bị đàm tiếu. Nhưng trong mọi sự, chúng tôi chứng tỏ mình là những người phục vụ Thiên Chúa, với hết lòng kiên nhẫn: trong gian truân thiếu thốn, nguy khốn, đòn vọt, tù đày, biến loạn, khó nhọc, nhịn ăn, nhịn ngủ với lòng thanh khiết, am hiểu, đại lượng, dịu dàng, bằng sức mạnh Thánh Thần, bằng lòng yêu thương không giả dối, bằng lời chân thật, và bằng quyền năng Thiên Chúa; nhờ khí giới công chính bên tả bên hữu; trải qua vinh quang cũng như tủi nhục, tiếng xấu cũng như tiếng tốt, bị coi là phường bịp bợm, mặc dầu là chân thành; bị coi là vô danh, nhưng hằng được biết đến; bị coi là đang giẫy chết, nhưng này chúng tôi vẫn sống; bị coi như bị gia hình, mà nào đã chết đâu; bị coi như phải ưu sầu, nhưng chúng tôi vẫn luôn an vui; bị coi là kẻ nghèo túng, nhưng chúng tôi lại làm cho nhiều người được giàu có; bị coi như không có gì, nhưng chúng tôi làm chủ tất cả.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người 

Xướng:  Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.

Xướng: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành, để sủng ái nhà Israel.

Xướng: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 V 21, 1-16

“Noboth đã bị ném đá chết”.

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Khi ấy, ông Naboth, người Giêrahel, có một vườn nho, sát cạnh đền của Acáp vua xứ Samaria. Acáp nói với Naboth rằng: “Hãy nhượng vườn nho cho ta, để ta làm vườn rau, vì nó gần đền ta: bù lại, ta sẽ đổi cho ngươi vườn nho khác tương đương”. Nhưng Naboth thưa lại rằng: “Xin Chúa đừng để tôi nhượng cho đức vua phần gia nghiệp của tổ tiên tôi”. Acáp tức giận bỏ về nhà, và căm hờn vì lời ông Naboth, người Giêrahel đã nói: “Tôi sẽ không nhượng cho đức vua phần gia nghiệp của tổ tiên tôi”. Vua nằm lăn xuống giường, quay mặt vào vách và không ăn uống gì.

Giêzabel, vợ vua, đến cùng vua và nói rằng: “Tại sao đức vua buồn phiền, và không ăn uống gì?” Vua đáp: “Tôi đã nói với Naboth người Giêrahel rằng: “Hãy bán vườn nho lại cho ta, hoặc nếu ngươi muốn, ta sẽ đổi cho vườn nho khác tốt hơn”. Nó lại nói: “Tôi không thể nhượng vườn nho tôi cho đức vua”. Giêzabel vợ vua liền nói với vua rằng: “Quyền thế nhà vua cao cả biết bao, và nhà vua cai trị nước Israel khéo như thế nào! Thôi, dậy ăn uống đi, và cứ yên tâm. Thiếp sẽ tặng cho nhà vua vườn nho của Naboth người Giêrahel”.

Bà ta nhân danh Acáp mà viết thơ, lấy ấn vua đóng vào, và gởi cho các bậc kỳ lão và chức sắc ở cùng thành với Naboth. Nội dung bức thư như thế này: “Hãy công bố một thời kỳ chay tịnh, và đặt Naboth ngồi giữa hàng nhân sĩ trong dân. Hãy xúi hai đứa gian ác thuộc phường Bêlial đến trước mặt nó và cáo gian nó thế này: “Nó đã nguyền rủa Thiên Chúa và đức vua”. Các ngươi hãy điệu nó đi mà ném đá cho nó chết”. Vậy dân chúng ở cùng thành với Naboth, các kỳ lão và chức sắc cùng ở một thành với ông, làm như Giêzabel đã truyền, đúng như đã viết trong thư bà gởi cho họ. Họ công bố một thời kỳ chay tịnh, đặt ông Naboth ngồi giữa hàng nhân sĩ trong dân. Họ dẫn đến hai thằng con cái ma quỷ, đặt chúng ngồi đối diện với ông. Và hai đứa này, đúng là hạng quỷ sứ, đã cáo trước mặt dân chúng rằng: “Naboth đã nguyền rủa Thiên Chúa và đức vua”. Nghe thế, họ liền điệu ông ra khỏi thành, và ném đá hạ sát ông. Rồi họ sai người đi nói với Giêzabel rằng: “Naboth đã bị ném đá chết rồi”.

Khi nghe tin Naboth đã bị ném đá chết, Giêzabel liền nói với Acáp rằng: “Nhà vua hãy chỗi dậy và chiếm lấy vườn nho của Naboth người Giêrahel, kẻ đã không muốn theo ý nhà vua nhượng lại vườn nho mà lấy tiền: Naboth không còn sống nữa, nhưng đã chết rồi”. Khi hay tin Naboth đã chết, Acáp chỗi dậy và xuống chiếm lấy vườn nho của Naboth người Giêrahel.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 5, 2-3. 5-6. 7

Ðáp: Lạy Chúa, xin lưu tâm đến tiếng con than thở (c. 2b).

Xướng: Xin lắng tai nghe lời con, thân lạy Chúa, xin lưu tâm đến tiếng con than thở. Xin để ý nghe tiếng con cầu khẩn, ôi Ðại Vương và Thiên Chúa của con!

Xướng: Ngài không phải là Chúa tể ưa điều gian ác; kẻ độc dữ không được cư trú nhà Ngài; đứa bất nhân không thể đứng trước thiên nhan; Chúa ghét những kẻ làm điều gian ác.

Xướng: Ngài tiêu diệt những đứa nói man; người độc ác và gian xảo thì Chúa ghê tởm không nhìn.

Alleluia: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe. Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 5, 38-42

“Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe bảo: “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác; trái lại, nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Chúa rộng ban cho chúng con của ăn thức uống này, làm lương thực nuôi sống thể xác và làm bí tích đổi mới tâm hồn; xin cũng cho chúng con chẳng bao giờ thiếu thốn những gì cần thiết cho tâm hồn và thể xác chúng con. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi.

Hoặc đọc:

Chúa nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, vì danh Cha, xin hãy gìn giữ những kẻ Cha đã trao phó cho Con, để chúng nên một như Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa tham dự bí tích Thánh Thể, là mối dây liên kết mọi người chúng con trong Chúa; xin cho bí tích này cũng làm cho Hội Thánh được hiệp nhất và bình an. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

GIA TĂNG TÌNH YÊU VÀ LÒNG THA THỨ (Mt 5,38 – 42)
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Kết thúc “Bài giảng trên núi”, căn tính của Ki-tô hữu là muối, là ánh sáng. Tiếp theo sau đó, Chúa Giê-su dạy các môn đệ về thái độ cần phải có cũng như thực hành trong đời sống: “Các con đã nghe bảo… Còn Thầy, Thầy bảo các con”. Vậy nghe bảo gì? Giáo huấn của Chúa Giê-su cho các môn đệ mình ra làm sao?

Khi Chúa Giê-su trích dẫn câu nói của người xưa về luật công bằng về trả thù đã được ghi rõ trong Cựu Ước “Mắt đền mắt, răng đền răng” (Xh 21,24). Chúng ta phải thừa nhận rằng, đây là một bước tiến lớn trong tương quan hành xử giữa người với người so với thời La-mã, bởi La-mã đã từng nói với vợ: “Vì một vết thương, ta giết một người, (Ta) trầy da, một nam nhi toi mạng. Vì Ca-in sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng La-méc thì gấp bảy mươi bảy!” (St 4,23-24) Vậy là trả thù mãi mãi. Luật “Mắt đền mắt, răng đền răng” (Xh 21,24) giúp con người khỏi rơi vào tình trạng thái quá. Trái lại, Luật của tình yêu phủ nhận sự đồng nhất với kẻ thù: “Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác” (Mt 5, 39).

Theo Chúa Giê-su, yêu thương là vượt ra khỏi vòng tròn luẩn quẩn của cái ác và sống tình huynh đệ đại đồng. “Đưa má bên kia cho nó nữa” là xây đắp tình hiệp thông anh em, giúp đối phương khám phá ra tình yêu và rằng thực hành bác ái là điều có thể. Đưa má bên kia còn muốn nói với kẻ ác rằng nó đã nhận được người anh em như nó là anh em. Một hành động như thế sẽ phá tan bạo lực.

Chúa Giê-su yêu cầu gia tăng thêm tình yêu và lòng tha thứ càng nhiều càng tốt! Vì tình yêu có sức mạnh giúp đối phương xích lại gần ta hơn bằng tình người. Như thế, bằng cách trao ban, chúng ta nhận nó là anh em.

Cho nó cả áo choàngđi với nó hai dặm không phải một mà áp đặt, nhưng chứng minh con người luôn có sáng kiến về tình yêu. Vì đó là điều đẹp lòng Chúa, nên chúng ta từ bỏ điều có đi có lại và chủ động xây đắp tình hiệp thông trong tình yêu. “Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ” (Mt 5, 44). Tình yêu là điều vĩ đại, thôi thúc ta hướng lên cao mà không còn bị vướng bận vào bất cứ điều gì thuộc trần thế.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin giúp chúng con luôn sống xứng đáng là con Cha trên Trời. Amen.

 

ĐỪNG TRẢ THÙ (Mt 5,38-42)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Luật xưa dạy rằng: “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Phạm nhân phải đền bù tương xứng với thiệt hại đã gây nên. Đó là luật công bằng. Còn Chúa Giê-su, Ngài dạy chúng ta phải quảng đại bao dung Lấy ân báo oán, lấy yêu thương đáp trả hận thù. Chúa muốn con cái mình phải biết yêu thương như Chúa đã yêu và trải rộng tình thương cho tất cả mọi người kể cả thù địch.

2. Bộ luật cổ nhất của nhân loại là bộ luật của Hammurabi, vua cai trị Babylon khoảng gần 2.300 năm trước CN, qui định hễ ai gây thiệt hại hoặc thương tích cho người khác thế nào thì phải đền bù đúng như vậy. Luật ấy được lặp lại nhiều lần như nguyên tắc cơ bản cho luật Cựu Ước: “Mắt đền mắt, răng đền răng” (x.Xh 21,23-25; Lv 14,19-20; Đnl 19,21).

Dù nó cổ nhất thật, luật đó vẫn còn thể hiện ưu điểm của chế độ pháp trị là ngăn ngừa sự báo thù quá khích và tùy tiện. Chúa Giê-su dạy một nền giáo lý mới: Chẳng những Ngài loại bỏ hẳn sự báo thú theo kiểu “ăn miếng trả miếng” hay “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại” mà Ngài còn dạy phải vượt qua sự công bằng theo luật bằng cách sống tinh thần quảng đại bao dung, không giận dữ, không báo thù. (5 phút Lời Chúa).

3. “Ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra…”

Chúa Giê-su còn đi xa hơn các bậc tiền nhân Cựu Ước khi đòi hỏi rằng phải yêu thương đáp lại hận thù, có như thế mới diệt được tận căn cái ác ở trong con người. Ngài chủ trương một thái độ rất cá biệt, tương phản hoàn toàn với thái độ bình thường: “Đừng chống cự với người ác”. Ngài đòi hỏi các môn đệ phải bẻ gẫy vòng xích bạo lực, dù hợp pháp và được báo thù.

Nguyên tắc yêu thương của Chúa Giê-su làm đảo lộn cách xử sự theo qui ước của loài người. Sứ điệp Tin Mừng vượt quá giới hạn công bằng giao hoán kiểu xử sự dân ngoại. Đức ái Ki-tô giáo chấp nhận cả các giới hạn và khiếm khuyết của con người và lòng nhân ái của Ki-tô hữu là thông dự vào tình yêu của chính Thiên Chúa.

4. Khi dạy đừng báo thù, Chúa Giê-su không có ý cổ võ sự nhu nhược, nhát đảm, nhưng là để nêu cao tinh thần khoan dung, hiền từ, quảng đại và tha thứ. Chỉ người nào rất mạnh mới chế ngự được khuynh hướng trả đũa vốn nằm sẵn trong lòng mình. Người đó còn mạnh về tình thương nữa, vì chỉ những ai có tình thương rất mạnh, mới có thể tiếp tục yêu thương và không trả đũa kẻ xúc phạm đến mình.

Ngày 04/04/1968, mục sư Luther King lãnh tụ da đen tranh đấu cho quyền bình đẳng của người Mỹ da đen bị bắn chết. Hàng triệu người da đen và những người da trắng hiểu biết đã thương tiếc ông. Martin Luther King đã hy sinh cả cuộc đời mình để “ôn hòa” đấu tranh, chống cảnh kỳ thị chủng tộc màu da. Cũng chính vì đã dám lên tiếng  đòi cho mọi người được đối xứ bình đẳng như nhau trong một đại gia đình của Thiên Chúa mà ông đã bị bắn gục.

5. Theo quan niệm dân gian thì người ta nghĩ thế nào?

Người đời chia con người thành hai loại xung khắc nhau: hiền nhân quân tử và tiểu nhân. Trong xã hội chịu ảnh hưởng Nho giáo thì con người hiền nhân quân tử được đề cao, coi là bậc thầy, mẫu mực của mọi người. Còn tiểu nhân là những con người tầm thường, bê bối, và nếu hiểu trong tinh thần Kitô giáo, thì ta hiểu tiểu nhân là những kẻ tội lỗi. Những kẻ tiểu nhân, những kẻ vũ phu có những hành động vụt chạc, thiếu suy nghĩ, không cầm được mình, khi bị xỉ nhục là tuốt gươm xông đánh kẻ thù, giống như trường hợp anh chàng Tân Ti Tụ; còn người quân tử thì hiếu dũng không thèm chấp nhặt những sỉ nhục ấy, họ bình tĩnh đón nhận một cách vui vẻ như hiền triết Socrates. Vì thế, người đời coi tha thứ  là đặc tính của người trượng phu, anh dũng:

Đấng trượng phu đừng thù mới đáng,
Đấng anh hùng đừng oán mới hay.

6. Truyện: Trả thù làm chi?

Văn hào Nga ông Leon Tolstoi có kể chuyện ngụ ngôn như sau: Có một người hành khất nọ đến trước cửa nhà người giàu có để xin bố thí một đồng xu nhỏ hay một miếng bánh vụn, đó là tất cả những gì người ăn xin chờ đợi. Nhưng, mặc cho người khốn khổ van xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Đến một lúc không chịu nổi những lời van xin, thay vì bố thí, người giầu đã lấy đá ném vào con người khốn khổ.

Người hành khất lặng lẽ  nhặt lấy hòn đá cho vào bị rồi thì thầm trong miệng: “Ta mang hòn đá này cho đến ngày nhà ngươi sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi”.

Năm tháng qua đi. Lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật. Vì biển lận, người giầu có bị tước đoạt tất cả và bị tống giam vào ngục. Ngay hôm đó, người hành khất chứng kiến cảnh áp giải người giầu có vào tù. Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng. Ông đi theo đoàn người áp tải. Tay không rời khỏi hòn đá mà người giầu có đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm.

Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sạch mối nhục  đeo đẳng bên ông. Nhưng cuối cùng, nhìn thấy khuôn mặt tiều tụy đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ: “Tại sao ta phải mang nặng hòn đá này từ bao nhiêu năm qua? Con người này, giờ đây, cũng chỉ là một con người khốn khổ như ta”.

YẾU KÉM HẠ NHỤC HÙNG MẠNH
(THỨ HAI TUẦN 11 TN NĂM CHẴN)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Hai Tuần 11 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa ban sức mạnh cho những kẻ cậy trông, xin Chúa nghe lời chúng ta cầu khẩn: loài người chúng ta thân phận yếu hèn, không thể làm được chi, nếu Chúa không nâng đỡ. Xin Chúa hằng tuôn đổ hồng ân, giúp chúng ta giữ huấn lệnh Chúa truyền, mà chỉ muốn và làm những điều Chúa ưa thích.

Không thể làm được chi, nếu Chúa không nâng đỡ: Chúa có thể dùng những gì yếu kém để hạ nhục hùng mạnh, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Thủ Lãnh cho thấy: Là người thứ nhất trong hàng ngũ các ngôn sứ, bà Đơvôra mở đầu cho một truyền thống, mà nhiều vị khác sẽ noi theo, đó là giúp cho con người nhận ra điều Thiên Chúa đang chờ đợi, để góp phần vào công trình cứu độ dân của Người: Chắc chắn tôi sẽ đi với ông. Có điều là trong chuyến đi này, vinh dự không thuộc về ông, vì ĐỨC CHÚA sẽ trao Xixơra vào tay một người đàn bà. Những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người, vì sức mạnh của Người được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.

Không thể làm được chi, nếu Chúa không nâng đỡ: Thiên Chúa là cha hiền hằng luôn yêu thương quan phòng mọi việc cho chúng ta, vì thế, chúng ta phải tán dương, cảm tạ Người, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Síprianô nói: Ai đã tin vào danh Người và đã trở nên con Thiên Chúa, thì ngay từ nay, phải bắt đầu cảm tạ Thiên Chúa và tuyên xưng mình là con Thiên Chúa khi gọi Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời, là Cha của mình. Lạy Thiên Chúa, trước mặt chư dân, con dâng lời cảm tạ, giữa lòng muôn nước, con đàn hát xướng ca, và trong đại hội dân Ngài, con xin dâng tiến một bài tán dương.

Không thể làm được chi, nếu Chúa không nâng đỡ, nhất là, khi phải đối mặt với những bất công bạo tàn, cho dẫu, ngay lúc hiện tại, cường quyền đang thắng thế, nhưng cứ yên tâm, Thiên Chúa công bình, Người sẽ xử công minh cho người bị áp bức, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách các Vua quyển I tường thuật lại ông Navốt bị ném đá: Khi nghe biết ông Navốt đã chết, vua Akháp đứng dậy, xuống chiếm đoạt vườn nho của ông Navốt.

Không thể làm được chi, nếu Chúa không nâng đỡ, vì thế, chúng ta hãy khẩn khoản cầu xin Người trợ giúp, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 5, vịnh gia đã kêu xin: Lạy Chúa, xin lắng tai nghe lời con nói, hiểu thấu điều con thầm thĩ nguyện xin. Lạy Đức Vua là Thiên Chúa con thờ, xin Ngài nghe tiếng con đang cầu cứu.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Lời Chúa là đèn soi, là ánh sáng chỉ đường. Sự yếu hèn, sỉ nhục của Thập Giá, chính là kim chỉ nam định hướng cho mọi lựa chọn của chúng ta: Yếu kém đánh bại hùng mạnh, sỉ nhục chinh phục vinh quang. Tin tưởng vào Chúa, làm theo những gì Chúa dạy, Chúa sẽ không để chúng ta bị thiệt bao giờ. Tìm nương tựa thế gian, chúng ta sẽ phải thất vọng ê chề; Cậy trông vào Chúa, Chúa sẽ làm thỏa mãn mọi khát vọng của chúng ta. Chúng ta hãy xác tín rằng: Chúng ta không thể làm được chi, nếu Chúa không nâng đỡ. Ước gì Chúa hằng tuôn đổ hồng ân, giúp chúng ta tuân giữ huấn lệnh Chúa truyền, mà chỉ muốn và làm những điều Chúa ưa thích. Ước gì được như thế!

BẢN NĂNG THÁNH THIỆN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Đừng chống cự người ác!”.

“Ai không thể cảm thấy bất bình trước điều ác, người ấy thiếu nhiệt tình với điều thiện. Nếu bạn không có khả năng ghét điều sai, tôi e rằng, bản năng dã tâm đã lấn lướt bạn! Và tôi nghi ngờ, liệu bạn có thực sự yêu thích công bình hay không?” - David Seamands.

Kính thưa anh chị em,

Lời Chúa hôm nay tiết lộ cùng lúc hai bản năng mà Seamands đề cập: bản năng dã tâm, bản năng thánh thiện! Một, từ lòng tham của con người; một, từ ân sủng của Thiên Chúa! “Hãy nhượng vườn nho cho ta!”; “Đừng chống cự người ác!”.

Một trong những tham lam của người quyền lực là thâu tóm đất đai không thuộc về họ, và điều đó thường gây bao hậu quả khôn lường. Cuộc chiến Ukraine là một ví dụ. Lòng tham đó hiện nguyên hình qua câu chuyện vua Akháp muốn chiếm vườn nho của Navốt - bài đọc một. Navốt từ chối, vì đây là mảnh đất của tổ tiên; cũng thế, Ukraine đang chiến đấu để bảo vệ giang sơn của cha ông. Hoàng hậu Ideven, ít cẩn trọng hơn; thủ đoạn của bà đã dẫn đến cái chết bất công của Navốt. Và ngày nay, điều đó cũng đang lặp lại! Những kẻ quyền lực - bằng mọi giá - tìm cách bịt miệng hoặc dập tắt các đối thủ; họ là những người nghèo, người trí thức, hoặc bất đồng chính kiến. Khi đất đai trở nên quan trọng hơn cuộc sống và mạng sống đồng loại, bất cứ điều ác nào cũng có thể xảy ra!

Giáo lý của Chúa Giêsu hoàn toàn đi ngược với bản năng dã tâm này. Với Ngài, sự dữ không thể được đáp trả bằng một sự dữ lớn hơn! Luật “mắt đền mắt, răng đền răng” từng được coi là tiến bộ nay không còn phù hợp. Ngài mời chúng ta đạt đến một cấp độ cao hơn của bác ái; Ngài đề nghị hãy chiến thắng điều dữ bằng điều lành. Trong thực tế, có thể sẽ rất khó, đặc biệt, trong chiến tranh; tuy nhiên, nguyên tắc vượt quá điều ác bằng điều thiện vẫn luôn là quy tắc vàng. Tắt một lời, Chúa Giêsu muốn chúng ta trở về nguồn, cố tìm lại cho mình ‘bản năng thánh thiện’ - nếu như nó đã mất - của người con Chúa!

Thánh Phaolô từng dạy điều tương tự, “Đừng khuất phục điều ác, hãy lấy điều lành để thắng điều ác!”. Đó là con đường Chúa Giêsu đã đi. Hãy nhìn lên thập giá, Ngài đã sống những gì Ngài nói! Ngài đã sống, đã chết để chiến thắng điều ác bằng điều lành. Chúa Giêsu muốn chúng ta sống như Ngài, “Xin Cha tha cho họ!”. Và tuyệt vời thay! Đó chính là ‘sự mới mẻ triệt để’ của Tin Mừng và cũng là ‘hoa trái mới mẻ’ của Thánh Thần!

Kính thưa anh chị em,

“Đừng chống cự người ác!”. Chúa Giêsu không khuyến khích bạn và tôi sống nhu nhược nhưng biết đáp trả sự tấn công những kẻ ghét chúng ta ở một đẳng cấp hoàn toàn khác. Không là nạn nhân, Ngài là ‘chủ nhân’ hoàn toàn tự chủ! Không chọn bạo lực; Ngài chọn ‘bất bạo động chủ động’ với lý tưởng tôn trọng con người và phẩm giá của họ, những kẻ Ngài muốn cứu độ! Trên thập giá, xem ra Ngài là kẻ chiến bại; nhưng Ngài đã toàn thắng oai hùng bằng sức mạnh của tình yêu. Là con cái Chúa, chúng ta sống ‘bản năng thánh thiện’, sống ‘bản lĩnh đượm chất Tin Mừng!’. Bởi lẽ, thế giới hôm nay đang ‘chứng tỏ’ và ‘chứng kiến’ một ‘sự phá sản’ tàn khốc của một ‘chu kỳ bạo lực và chống lại bạo lực’ không hồi kết. Bạo lực không hề mặc cả; và sự trả thù không hề ngọt ngào!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con dửng dưng với điều ác, đừng để nó lấn lướt con! Cho con luôn nhiệt tình với điều thiện, yêu mến và chắt chiu tìm kiếm nó dù là điều nhỏ nhất!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây