Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN 10 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 10/06/2024 19:24 |   224
“Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 5,20-26)

13/06/2024
thứ năm tuần 10 THƯỜNG NIÊN

Thánh Antôn Pađôva, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh

t5 t10 TN

Mt 5,20-26


công chính hơn
Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 5,20-26)


Suy niệm: Các kinh sư và Pha-ri-sêu vốn được coi là có đời sống công chính mẫu mực. Họ thông hiểu Lời Chúa, và Lề Luật Mô-sê. Họ ăn chay, bố thí cho người nghèo, “giữ luật cha ông một cách nghiêm ngặt.” Họ là người cầm cân nẩy mực trong việc sống đạo của người Do Thái. Thánh Phao-lô không ngần ngại nhìn nhận mình là một người Pha-ri-sêu (x. Cv 22,3;26,5). Công chính như những kinh sư và biệt phái không phải là một điều dễ. Thế mà Chúa Giê-su dạy phải “ăn ở công chính hơn” thì mới được vào Nước Trời. Sống công chính hơn, không phải là tính đếm các giới răn mình tuân giữ (x. Mt 19,16-22), cũng không phải là so sánh mình với người khác (x. Lc 18,9-14). Tiêu chuẩn Ngài đưa ra là: “Anh em hãy nên toàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng Toàn Thiện” (Mt 5,49).

Mời Bạn nhìn vào cuộc đời Chúa Giê-su để biết thế nào là sống công chính hoàn hảo. Đó là cuộc sống yêu mến mà vâng phục thánh ý Chúa Cha. Và vì thế, yêu thương nhân loại đến mức hiến thân đến hơi thở cuối cùng, đến giọt máu cuối cùng trên thập giá. Ngài mời gọi chúng ta là sống như Ngài: làm mọi việc không vì mong danh, cầu lợi, nhưng với vì yêu thương mà hiến thân phục vụ.

Chia sẻ: Cha Mark Link viết: “Những điều duy nhất ta còn giữ lại được là những gì ta đã cho đi”. Điều đó có giúp gì cho việc sống công chính hơn không?

Sống Lời Chúa: Làm một việc hy sinh phục vụ cách kín đáo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con nên hoàn thiện như Chúa là Đấng Hoàn Thiện. Xin dạy con yêu người như Chúa yêu thương chúng con.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ năm tuần 10 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Chúa là sự sáng, là Đấng cứu độ tôi, tôi sợ chi ai? Chúa là Đấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? Khi những đứa ác xông vào để xả thịt tôi, bọn thù ghét tôi sẽ siêu té và ngã gục.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, xin đáp lời con cái nài van mà soi sáng cho biết những gì là chính đáng, và giúp chúng con đủ sức thi hành. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) 2 Cr 3, 15 – 4, 1. 3-6

“Thiên Chúa chiếu sáng trong lòng chúng ta, hầu làm sáng tỏ sự hiểu biết về vinh quang của Người”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, cho đến nay, mỗi lần đọc sách Môsê, vẫn còn có cái màn che lòng con cái Israel. Nhưng khi người ta đã trở lại cùng Chúa, màn ấy mới được cất đi. Chúa là Thần linh, và ở đâu có Thần linh Chúa, thì ở đấy có tự do. Phần chúng ta hết thảy, không màn che mặt, chúng ta phản ảnh vinh quang của Chúa, được biến hoá giống hình ảnh Chúa, từ vinh quang này đến vinh quang khác, xứng với tác động của Thần Linh Chúa.

Bởi thế, đảm nhiệm việc phục vụ do lòng thương xót chúng tôi đã được hưởng, chúng tôi không ngã lòng. Nếu Phúc Âm chúng tôi còn ẩn khuất, thì cũng chỉ ẩn khuất cho những ai hư mất, cho những ai không tin, vì thần thế gian này đã làm cho tâm trí họ trở thành mù quáng, khiến họ không còn thấy sáng chói Phúc Âm của vinh quang Ðức Kitô, Người là hình ảnh của Thiên Chúa. Thật vậy, chúng tôi không rao giảng bản thân chúng tôi, nhưng rao giảng Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng tôi: chúng tôi chỉ là tôi tớ anh em vì Ðức Giêsu, bởi Thiên Chúa, Ðấng đã phán: “Sự sáng hãy từ bóng tối toả ra”, chính Người chiếu sáng trong lòng chúng ta, hầu làm sáng tỏ sự hiểu biết về vinh quang của Người trên tôn nhan của Ðức Giêsu Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 84, 9ab-10. 11-12. 13-14

Ðáp: Vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi

Xướng: Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi.

Xướng: Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống.

Xướng: Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái. Ðức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 V 18, 41-46

“Êlia cầu nguyện và trời đổ mưa” (Gc 5, 18).

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Êlia tâu cùng Acáp rằng: “Xin bệ hạ lên ăn uống, vì tôi nghe có tiếng mưa to”. Acáp liền lên ăn uống. Phần Êlia, ông trèo lên đỉnh núi Carmel, cúi mình xuống đất, gục mặt vào hai đầu gối. Ðoạn ông nói với người đầy tớ rằng: “Hãy lên đây nhìn về phía biển”. Người đầy tớ leo lên, đưa mắt nhìn, rồi thưa ông: “Không có gì hết.” Êlia lại nói với y: “Cứ xem lại bảy lần”. Ðến lần thứ bảy (nó báo:) “Kìa, có đám mây nhỏ bằng vết chân người, từ biển kéo lên”. Êlia liền bảo: “Hãy lên tâu với Acáp chuẩn bị xe xuống gấp kẻo mắc mưa”. Ðang lúc vua còn loay hoay thì bỗng trời tối om, mây bao phủ, gió thổi lên, trời đổ mưa như trút. Acáp lên xe đi Giêrahel. Tay Chúa phù hộ Êlia: Ông thắt lưng chạy trước Acáp cho đến khi tới Giêrahel.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 64, 10abcd. 10e-11. 12-13

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa đáng ca tụng trên núi Sion (c. 2a).

Xướng: Chúa đã viếng thăm ruộng đất và tưới giội, Ngài làm cho đất trở nên phong phú bội phần. Sông ngòi của Thiên Chúa tràn trề nước, Ngài đã chuẩn bị cho thiên hạ có lúa mì. – Ðáp.

Xướng: Vì Ngài đã chuẩn bị như thế này cho ruộng đất: Ngài đã tưới giội nước vào những luống cày, và Ngài san bằng mô cao của ruộng đất, Ngài làm cho đất mềm bởi thấm nước mưa, Ngài chúc phúc cho mầm cây trong đất. – Ðáp.

Xướng: Chúa đã ban cho năm hồng ân, và lốt xe ngự giá của Người khơi nguồn phong phú. Ðống đất hoang vu có nước chảy đầm đìa, và các đồi núi bận xiêm y hoan hỉ. – Ðáp.

Alleluia: Ga 14, 29

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Nếu ai yêu Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. – Alleluia.

(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! Chúa nói: Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em. Alleluia.)

Phúc Âm: Mt 5, 20-26

“Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.

“Các con đã nghe dạy người xưa rằng: “Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án”. Còn Thầy, Thầy sẽ bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là “ngốc”, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là “khùng”, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng!”

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa chúng con dâng tiến lễ vật này, để tỏ lòng thần phục suy tôn; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và cho chúng con được thêm lòng mến Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa là sơn động chỗ tôi nương mình, là Đấng cứu độ và là sức hộ phù tôi.

Hoặc đọc:

Thiên Chúa là tình yêu, và ai ở trong tình yêu, thì ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong người ấy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin dùng ơn thiêng của bí tích này để chữa lành và bổ dưỡng chúng con, cho chúng con thoát khỏi mọi khuynh hướng xấu và bước đi vững vàng trên con đường thánh thiện. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

TUÂN GIỮ LỀ LUẬT VỚI TÌNH YÊU THƯƠNG
Lm. Gioan Trần Văn Viện

Chúa Giê-su, Con Một Thiên Chúa, xuống trần gian không phải để phá hủy Lề Luật mà Thiên Chúa đã ban cho dân Ít-ra-en xưa kia, nhưng để kiện toàn và thổi vào trong nó một tinh thần mới: tinh thần của tình yêu.

Nhiều lần Chúa Giê-su đã trách mắng những người Pha-ri-sêu, các vị Kinh sư, Thượng tế… vì đã tuân giữ quá tỉ mỉ Lề Luật mà không có tình yêu trong đó. Qua lời thánh Mát-thêu của bài Tin Mừng hôm nay, Chúa mời gọi những người môn đệ của Ngài và chính chúng ta cần phải thực thi Lề Luật với tất cả tình yêu thương.

Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng: chớ giết người; ai giết người thì đáng bị đưa ra tòa”. Còn Chúa Giê-su không muốn người môn đệ mắng anh em mình là đồ ngốc hay chửi những người anh em là quân phản đạo vì khi đó họ cũng sẽ lãnh nhận một hình phạt tương tự như giết người, thậm chí còn hơn. Có thể khi nghe điều này, nhiều người sẽ giật mình, bởi vì như thế thì thật là quá nghiêm khắc. Tuy nhiên, Chúa Giê-su muốn đi vào sâu thẳm trong tâm hồn con người, để nhắc nhớ những người môn đệ về tình yêu. Giết người, thì đương nhiên là không phải tình yêu, nhưng ngay cả giận giữ, mắng hay chửi cũng không phải là tình yêu. Liệu có ai yêu mà tức giận, oán thù với người khác? Thánh Gio-an còn đi sâu hơn và khẳng định rằng: “Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân” (1Ga 3,15). Không có tình yêu chính là sự chết. Nhiều người cảm thấy rằng sống mà như đã chết đi một phần vì chẳng con ai yêu thương và quan tâm đến họ, huống chi là khi họ bị mắng chửi, thù ghét.

Tất cả điều răn đều quy về lòng mến Chúa và yêu người. Chỉ duy nhất giới luật yêu thương mà Chúa Giê-su muốn con người chúng ta thực hiện: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).  Ước gì, với sự trợ giúp từ ơn Chúa và sự cố gắng cá nhân, chúng ta có thể chu toàn Lề Luật theo ý muốn của Người.

 

HÃY TRỞ NÊN CÔNG CHÍNH HƠN
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển, SSP

Cuốn sách: “Những căn bệnh trầm kha trong đời sống đức tin Công Giáo tại Việt Nam”, ở phần dẫn nhập, tác giả kể một câu chuyện đại khái thế này: có một người giàu có, cuộc sống sung túc, và ông ta có rất nhiều vợ. Mỗi người đều có cơ ngơi riêng. Khi gần qua đời, ông ta tin vào Chúa, theo đạo Công Giáo và được Rửa tội…

Khi nghe câu chuyện ấy, một người Công Giáo đã thốt lên ngay: “Ông này hên thật, được cả đời này lẫn đời sau!”

Điều ấy cho thấy khá rõ hiện trạng đời sống đức tin của người Kitô hữu Việt Nam: đạo không phải là một hồng phúc, nhưng là một sự may rủi, đôi khi trở thành gánh nặng!

Hôm nay, Đức Giêsu muốn giúp cho các môn đệ đi một bước xa hơn trong việc giữ Luật. Ngài nói: “Nếu các con không công chính hơn các Luật Sĩ và Kinh Sư, các con sẽ chẳng thể vào được Nước Trời” (Mt 5,20).

Nước Trời không thể có cho những người “bắc nước trực gạo người” hay “há miệng chờ sung rụng”. Nước Trời cũng không dành cho những người vụ Luật và chỉ biết sống cho chính mình mà không cần quan tâm đến anh chị em đồng loại.

Vậy, để như điều kiện cần cho được vào Nước Trời, đó chính là phải sống thật tâm, sống hết mình với Chúa và với nhau. Tức là tất cả phải được xây dựng trên tình yêu. Nếu có tình yêu, thì đâu còn chuyện giết hại lẫn nhau; đâu còn mắng chửi nhau là ngu là ngốc; và làm sao đến dâng lễ vật mà trong lòng còn căm ghét anh chị em mình… Hãy sống với giây phút hiện tại và thánh hóa chúng, vì đối với Thiên Chúa, Người không tính thời gian hay công việc, mà Người nhìn tận sâu thẳm của tâm hồn con người nơi công việc hay suy nghĩ của họ.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tạ ơn Chúa đã chỉ ra cho chúng con con đường để được cứu độ, đó là con đường yêu thương. Xin cho chúng con biết đi trên con đường đó cho đến hết đời. Amen.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Antôn Pađôva, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh

Ca nhập lễ

Những người thông thái sẽ sáng chói như ánh sáng vòm trời, và những kẻ dạy đàng công chính cho nhiều người, sẽ nên như các vì tinh tú tồn tại muôn ngàn đời.

Hoặc đọc:

Các dân tộc tường thuật sự khôn ngoan của các thánh, và Hội Thánh loan truyền lời ngợi khen các ngài: danh tánh các ngài tồn tại đến muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã ban cho dân Chúa một nhà giảng thuyết lừng danh và cũng là người cứu giúp những ai nghèo khổ, đó là thánh linh mục An-tôn . Xin nhận lời thánh nhân chuyển cầu, cho chúng con biết trung thành tuân giữ giáo huấn của Ðức Kitô để được nâng đỡ trong những lúc ngặt nghèo. Chúng con cầu xin…

Bài đọc

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin dủ thương chấp nhận của lễ chúng con hoan hỷ dâng lên Chúa nhân ngày mừng kính thánh linh mục An-tôn trung thành với giáo huấn của thánh nhân, chúng con muốn hiến trọn thân mình, cùng với của lễ đang dâng tiến Chúa đây. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Này là đầy tớ trung thành và khôn ngoan, mà Chúa đã đặt lên coi sóc gia nhân mình, để đúng giờ phân phát lúa thóc cho họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã nuôi dưỡng chúng con bằng bánh trường sinh là Ðức Kitô. Xin cũng nhờ Ðức Kitô là thầy mà giáo huấn chúng con. Nhờ thế, chúng con sẽ noi gương thánh An-tôn để lại mà học biết chân lý của Chúa và đem ra thực hành, bằng cuộc sống đượm tình bác ái yêu thương. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

THÁNH ANTÔN NGƯỜI GIẢNG THUYẾT LỪNG DANH
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Muôn dân tường thuật sự khôn ngoan của các thánh, và Giáo Hội loan truyền lời ca tụng các Ngài: tên tuổi các Ngài sẽ muôn đời tồn tại”( Hc 44, 14-15 ).

Bài đọc 1: Sách Khôn ngoan, ca ngợi Đức Khôn Ngoan trổi vượt trên mọi trân châu, bảo ngọc trong đời. Khôn ngoan là tiếp nhận những lời dạy dỗ bảo ban và trở nên bạn hữu của Thiên Chúa.

Bài đọc 2: Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Êphêsô, mời gọi chúng ta giữa nhiều sự khôn ngoan phù phiếm của trần thế, hãy vươn tới Đức Kitô vì Người chính là sự khôn ngoan đích thực.

Qua bài Phúc âm (Mc 16, 15-20), Chúa Giêsu truyền lệnh cho các môn đệ hãy loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo, nghĩa là phải quảng đại và mạnh dạn chia sẻ kho tàng khôn ngoan mà mình đã đó.

Thánh Antôn là vị thánh nổi tiếng ở Ý, thường được gọi là thánh Antôn Padova, vì ngài qua đời và thi hài được tôn kính ở Padova nước Ý. Tuy nhiên thánh Antôn lại là một người Bồ Ðào Nha, sinh tại Lisbon, với tên gọi là Fernando. Mặc dù đã chọn dòng Kinh sĩ thánh Augustinô, nhưng vào năm 1220, thánh Antôn đã chọn theo bước thánh Phanxicô Assisi và lấy tên là Antôn. Ngày15 tháng 08 năm 1195 là ngày tháng năm sinh của Ngài. Thánh nhân qua đời 13 tháng 06 năm 1231. Ngày 30 tháng 05 năm 1232, Ngài được tuyên thánh, theo ý muốn của Ðức Giáo hoàng Gregorio IX. Ngày 16-01-1946, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn vinh thánh Antôn là “Tiến Sĩ Hội Thánh” với danh hiệu “Tiến Sĩ Tin Mừng.” Điều đó đã nói lên một sự thật trong cuộc đời rao giảng của ngài: “Thánh Antôn biết cách nói Lời Tin Mừng cho mọi người”. Ngài là một tấm gương nổi bật về sự say mê Lời và nhiệt thành loan báo Lời Tin Mừng.  

Qua đời mới có 36 tuổi, nhưng Ngài đã nổi tiếng về nhân đức, phép lạ và những tư tưởng của Ngài. Cuộc đời thánh nhân được gắn kết với Lời Tin Mừng, nhờ đó ngài đã khám phá ra nguồn mạch Khôn ngoan. Để diễn tả mối tương quan mật thiết giữa Lời Chúa và đời sống của ngài, các hoạ sĩ thường vẽ thánh Antôn đứng thẳng, tay cầm quyển Kinh Thánh đang mở và Chúa Giêsu Hài Đồng đứng trên trang Kinh thánh. Thật vậy, khi còn là tập sinh Dòng Kinh Sĩ, Antôn đã say mê học hỏi và suy gẫm Lời Chúa, và Lời Chúa trở thành lương thực và niềm hoan lạc cho ngài. Khi đi hoạt động, ngài quan niệm rao giảng là giải thích Lời Chúa. Chúng ta có thể nói rằng ngài đã diễn giải Lời Chúa cách sâu sắc mà dễ hiểu, ấy là vì ngài đã thấm nhuần Lời Chúa một cách sâu xa. Trong nghi lễ phong thánh cho Antôn vào năm 1232, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX đã xác nhận điều đó bằng cách tôn vinh: ngài là “Hòm Bia Giao Ước” (Arca Testamenti), ngài là “Kho Tàng Lời Chúa” (Repository of Holy Scripture).

Mặc dầu Ngài là người Bồ Đào Nha nhưng lại rất được người Việt Nam yêu mến. Vấn đề đặt ra là tại sao Thánh Antôn lại thu hút mọi người như vậy? Có người cho rằng vì Ngài hay làm phép lạ (nói đúng hơn, nhờ lời chuyển cầu của Ngài nên Chúa làm nhiều phép lạ. Đùng, nhưng vì sao Ngại lại làm phép lạ? Kinh Ông Thánh Antôn cho chúng ta biết: “Để thông ơn phúc cho cả và thiên hạ, xưa ở đời này đầy lửa kính mến Chúa, hằng ước ao cho danh Cha cả sáng cùng ái mộ phần rỗi nhân loại, nên đã làm phép lạ cứu giúp muôn vàn người khỏi tai nạn phần hồn phần xác”.

Như vậy, lý do Thánh An-tôn hay làm phép lạ đã rõ: thứ nhất, để làm vinh danh Chúa, thứ hai, để cứu giúp con người phần hồn phần xác. Ngài không những cứu giúp những việc lớn lao, mà Ngài con cứu giúp cả những việc nhỏ nhặt hằng ngày: “Hễ ai túng rỗi chạy đến cầu xin Người, bất luận việc lớn bé thế nào, liền được ơn Người cứu giúp”. (Lời kinh khẳng định)

Thông thường các thánh hay làm phép lạ khi đã qua đời, còn Thánh Antôn không những làm phép lạ ngay khi còn sống. chuyện kể, khi còn niên thiếu: “Một ngày mùa hè, cha Ngài sai Ngài canh giữ ruộng lúa mì khỏi chim ăn. Bỗng Antôn nhớ lại đã đến giờ đọc kinh tại nhà thờ mà Ngài không bao giờ bỏ. Ngài liền gọi bầy chim sẻ lại và nhốt vào một cái lều lộ thiên, cấm không con nào được bay ra phá lúa. Rồi Ngài an tâm đi nhà thờ. Lúc trở về Ngài thấy bầy chim sẻ vẫn ở trong lều”.

Lần khác, Antôn đang thinh lặng cầu nguyện ở nhà thờ chìm trong bóng tối. Ngài cảm thấy bị cám dỗ mãnh liệt. Không chần chừ, Ngài lấy ngón tay vẽ Dấu Thánh giá trên bậc bàn thờ, thánh giá in sâu vào đá hoa. Thấy dấu này, quỷ liền trốn chạy, cám dỗ tiêu tan.

Trong thờ gian giảng thuyết, Ngài cũng làm rất nhiều phép lạ như: Phép lạ cá nghe giảng, ngựa đói chê cỏ để thờ lạy Mình Thánh Chúa; uống thuốc độc mà không hề hấn gì, ly vỡ lại lành.

Khi Ngài qua đời, tự nhiên các đoàn trẻ la hét: “cha chúng tôi đã qua đời”, mặc dù họ không biết Thánh Antôn chết.

Trong cuốn Assidua, đã thuật lại nhiều phép lạ của thánh Antôn, nhất là ngay khi Ngài mới qua đời, sách viết: “Chỉ chạm tới mộ Ngài, bệnh nhân liền vui sướng cảm thấy mọi bệnh tật tan biến. những ai không tới gần mộ được, thì lúc trở về ngang nhà nguyện cũng được chữa lành bệnh. Nơi đó, nhiều người điếc được nghe, mù được thấy, què được nhảy nhót như nai con; cũng nơi đó lưỡi nhiều người câm được mở ra, cất tiếng ca ngợi Chúa. Chi thể tê liệt được phục hồi, đi lại bình thường, những chứng bệnh như còng lưng, thống phong, sốt rét cũng như tất cả các bệnh khác đều được chữa lành cách lạ lùng. Tóm lại, từ nhiều nơi trên trần gian đến đây, người ta đều xin được như ý mong ước ”.

Đặc biệt trong ngày lễ phong thánh, không ai biết chuyện gì đã xảy ra, thế mà dân chúng tuôn ra đường phố vừa ca hát, vừa nhảy múa, chuông trong thị trấn bắt đầu rung vang, dầu không ai động tới, và tất cả mọi người đều hoan hỷ vui sướng như ngày lễ hội. Ít hôm sau, một vài anh em từ Ý tới loan tin chính là hôm đó Antôn được phong thánh.

Kể từ khi thánh nhân qua đời cho tới ngày phong thánh có 47 phép lạ được Giáo hội công nhận. Từ đó tới nay, thánh Antôn vẫn làm phép lạ đó đây trên thế giới. Có người được khỏi bệnh, có người tìm được của cải đã mất, có người thi cử đỗ đạt, nhiều người được ơn ăn năn trở lại qua Bí tích Giao hòa… chứng tỏ Chúa vẫn nhận lời Thánh Antôn. Nhưng cũng có người phàn nàn là xin mãi mà chẳng được?

Thánh Giacôbê trả lời rằng: “Anh em xin mà không được là vì anh em xin với tà ý” (Ga 4, 2-3). Còn thánh Augustinô thì nói: “xin không được là do tâm hồn không tốt; hoặc do cách cầu nguyện xấu; cũng có thể là do xin điều xấu nên không được Chúa nhận lời. Vì thế, nhiều kh chúng ta cũng phải xem xét nội dung và cách cầu nguyện của chúng ta”.

Mừng lễ thánh Antôn hôm nay, chúng ta không chỉ nhờ Ngài xin ơn, mà còn phải học nhân đức của Ngài như khiêm nhường, thăng tiến trên đường nhân đức; siêng năng đọc, suy gẫm và truyền đạt Lời Chúa; mến Chúa và yêu người. Trong lời nguyện nhập lễ hôm nay chúng ta biết: Ngài không những là nhà giảng thuyết lừng danh mà còn là người cứu giúp những ai nghèo khổ.

Sống trong một xã hội đầy dẫy những bất công như hôm nay, chúng ta cầu xin Chúa nhờ lời chuyển cầu của thánh Antôn làm cho những Antôn của thời đại, để đem yêu thương xóa tan bất công, nghèo khó, yêu người không chỉ bằng lời nói mà còn những việc làm cụ thể, yêu người không chỉ yêu phần xác mà còn yêu cả phần hồn nữa, hầu nhờ đó xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Amen.

 

Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Thánh Antôn được mừng vào ngày kỷ niệm qua đời tại Padoua 13 tháng 6 năm 1231. Ngài được Đức Giáo Hoàng Grégoire IX phong thánh năm 1232 và được Đức Piô XII phong “tiến sĩ của Tin Mừng” năm 1946.

Antôn sinh tại Lisbonne, ở Bồ Đào Nha, khoảng 1195 và nhận tên thánh rửa tội là Fernando. Năm 1210, lúc còn rất trẻ, ngài đã vào hội kinh sĩ triều của Dòng thánh Augustin tại Lisbonne, trước khi vào Đan viện thánh Giá ở Coimbra. Năm 1220, sau khi hâm mộ lý tưởng của thánh Phanxicô và mong ước được phúc tử đạo tại Đất thánh, ngài xin Dòng Phan-xi-cô tiếp nhận mình và mang tên gọi là thầy Antôn. Sau khi được sai đi truyền giáo cho dân tộc Maures, ngài ngã bệnh và quyết định trở về Bồ-Đào-Nha. Nhưng bão tố đã đẩy người đến đảo Sicile.

Năm 1221, Thầy Antôn tham dự tổng công hội Nuttes và gặp thánh Phanxicô Assise. Phanxicô nói với ngài: “Tôi thích thầy dạy môn thần học thánh cho các anh em”. Khi nhận thấy ngài có nhiều biệt tài, các Bề trên đã phái ngài sang miền bắc nước Ý rao giảng chống lạc giáo Cathare chủ trương thanh tịnh quá khích, và sang miền nam nước Pháp để chống bè rối Albigeois. Ngài tham dự Công đồng Montpellier; sau đó đến Toulouse và Puy-en-Velay. Mùa thu năm 1225, thầy Antôn ở Bourges, nơi đây đã diễn ra phép lạ con la không ăn lúa kiều mạch để quỳ lạy Thánh Thể. Năm sau, người dự công nghị Arles và được bổ nhiệm coi sóc các anh em hèn mọn (“menudets”) ở Limousin. Từ tu viện Brive-la-gaillarde do ngài thành lập, ngài hoạt động ra khắp vùng. Chính tại Châteauneuf-la-Forêt đã diễn ra phép lạ nổi tiếng của thánh Antôn bồng Chúa Hài Nhi trên tay.

Năm 1227, khi đến Ý vì được bổ nhiệm làm Giám tỉnh Romagne, ngài qua Rôma và thuyết giảng trước sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng Grégoire IX. Tại Rimini, trước sự chống đối của những kẻ theo lạc giáo, Antôn bỏ đi, rao giảng cho loài cá. Ngài hô lớn: “Hỡi loài cá biển và sông ngòi, bởi vì con người không muốn nghe lời Chúa, thì này đây tôi loan báo lời Chúa cho các bạn !” Sau cùng, đến Padoua và sống tại tu viện Đức Mẹ Maria. Từ đấy, vị thánh thành Padoua lâm bệnh, mắc chứng thủy thũng. Nhưng theo lời yêu cầu của Đức Hồng y Raynaldo Conti, ngài đọc cho các tu sĩ trong Dòng chép các Bài giảng ngày chúa nhật và các Bài giảng tôn vinh các thánh.

Thứ sáu ngày 13 tháng 6 năm 1231, thầy Antôn thốt lời cuối cùng: “Video Dominum meum” (Tôi thấy Chúa) và qua đời, hưởng thọ khoảng 36 tuổi. Thi hài của người được tôn kính tại Pa-đô-va, trong Vương Cung thánh đường nổi tiếng thánh Antôn.

Người ta cầu khẩn Antôn Padoua để được tìm thấy các đồ vật bị lạc mất. Các phép lạ do lời ngài cầu thay nguyện giúp rất nhiều. Các phép lạ nổi tiếng nhất được minh hoạ trên nhiều ảnh tượng: các bích họa, các phù điêu trên tường của Titien ở Padoua, các tác phẩm Perugin, của Corrège, Murillo, Donatello, Van Dyck… thánh Antôn được minh hoạ lần lượt bằng hình ảnh ngài cầm quyển sách, một ngọn lửa, một hoa huệ tươi nở, bồng Hài Nhi Giêsu, hay đang rao giảng cho các đàn cá…

Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện riêng ca tụng Antôn Padoua là “vị rao giảng Tin Mừng vĩ đại” và là “đấng bênh vực kẻ nghèo hèn”. Đức Giáo Hoàng Grégoire IX nhận thấy trong lời giảng dạy của thánh nhân một sự khôn ngoan sâu sắc và nhất là lòng mến Chúa và các linh hồn thật lớn lao, nên ngài đã gọi người là “Khám Giao Ước”. Cũng vậy, Đức Piô XII đã phong ngài tước hiệu “tiến sĩ của Tin Mừng”. Vì được tràn đầy Chúa Thánh Thần và nhờ các biệt tài thuyết giảng và tranh luận, nên ngài cũng được gọi là “tai hoạ cho kẻ lạc giáo” (hay là chiếc búa giáng trên đầu kẻ lạc giáo).

Khi trích dẫn lời thánh Grégoire, Antôn tuyên bố: “Qui luật cho nhà giảng thuyết là phải thực hành điều mình rao giảng”. Rồi ngài nói tiếp: “Ai đầy thánh thiện thì nói được nhiều thứ tiếng. Nhiều thứ tiếng ở đây có ý hiểu là những lời chứng về Đức Kitô như khiêm nhường, nghèo khó, kiên nhẫn và tuân phục… Vậy chúng ta hãy nói tùy theo khả năng Thánh Thần đã ban cho … đồng thời để chúng ta được đầy tràn tinh thần ăn năn sám hối, được đốt cháy bởi lưỡi lửa của Thánh Thần mà tuyên xưng đức tin… (Bài đọc – Kinh sách). Một tác giả xưa kể: “Khi thầy nhân lành ra đi giảng thuyết, mọi công việc đều phải ngưng… Người ta đi khắp thành phố và đồng quê… Lúc ấy, họ tha thứ các xúc phạm của nhau, kẻ trộm cắp trả lại những gì họ đã cướp lấy, kẻ tội nhân sám hối ăn năn.” Le Poverello nói rằng thầy Antôn đã được lý tưởng khó nghèo của Phanxicô Assise chinh phục; ngài đã chọn lối sống khiêm hạ và khó nghèo. Sau khi trở lại Ý vào năm 1227, ngài công kích dữ dội những kẻ cho vay nặng lãi, bóc lột người nghèo. Ngài thẳng thắn bênh vực người nghèo, đồng thời làm cho mọi người tôn trọng các lề luật để che chở họ. Ngài cũng công kích thái độ không đạo đức của một số giáo sĩ: “Nào ai có thể bẻ gãy xiềng xích phú quí, lạc thú, danh vọng đang cầm hãm các giáo sĩ và tu sĩ xấu ? …”

Hướng đến một mục đích duy nhất: cứu rỗi các tâm hồn”: đó là mục đích mà thầy Antôn đã tự đề ra cho mình. Ngài nhắm đạt đến mục tiêu đó khi hướng tâm hồn mọi người nhớ đến lòng khoan dung của Thiên Chúa. Ngài giảng rằng: “Hỡi tội nhân đáng thương, tại sao lại tuyệt vọng về sự cứu rỗi của mình, vì vạn sự ở trần thế đều nói lên lòng bao dung và yêu thương của Chúa ? Hãy nhìn lên hai vị trạng sư: Một người Mẹ (Đức Maria) và một Đấng Cứu thế ! Không, không, với hai người trung gian như thế, lòng bao dung của Thiên Chúa sẽ không xua đuổi ngươi đâu.

Enzo Lodi

TRUNG THÀNH TUÂN GIỮ GIÁO HUẤN CỦA ĐỨC KITÔ
(THÁNH ANTÔN PAĐÔVA 13/06)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Antôn Pađôva hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã ban cho Dân Chúa một nhà giảng thuyết lừng danh, và cũng là người cứu giúp những ai nghèo khổ, đó là thánh linh mục Antôn. Xin nhậm lời thánh nhân chuyển cầu, mà cho chúng ta biết trung thành tuân giữ giáo huấn của Đức Kitô, để được Chúa nâng đỡ trong những lúc ngặt nghèo.

Chào đời khoảng cuối Thế Kỷ XII, tại Lítbon, Bồ Đào Nha, nhập hội kinh sĩ thánh Âutinh, nhưng sau khi làm linh mục được ít lâu, thánh Antôn hâm mộ lý tưởng sống Tin Mừng của thánh Phanxicô. Người đã đến Átxidi, sống bên cạnh thánh Phanxicô (năm 1221). Với tài năng giảng thuyết ngoại thường, người được phái qua Pháp là nơi các giáo thuyết của phái Catha đang hoành hành. Người lập một tu viện ở Bơrivơ La Gaiác. Thánh nhân là người đầu tiên trong dòng dạy thần học cho anh em. Người qua đời tại Pađôva sau khi giảng tĩnh tâm Mùa Chay tại đó (năm 1231).

Trung thành tuân giữ giáo huấn của Đức Kitô, bởi vì, Chúa luôn trung thành với lời Người đã hứa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Giôsuê cho thấy: Chính Thiên Chúa dẫn đầu Dân của Người, và Hòm Bia Giao Ước là dấu chỉ Người hiện diện. Đức Giêsu đã hứa ở với ta cho đến ngày tận thế! Nhờ đức tin, tường thành Giêrikhô đã sụp đổ, sau khi dân Ítraen đi vòng quanh trong bảy ngày. Lạy Đức Chúa, Ngài là Thiên Chúa của con, con suy tôn Ngài, con xưng tụng danh Ngài. Ngài làm cho đô thị hóa ra đống đá, và chẳng ai xây lại bao giờ.

Trung thành tuân giữ giáo huấn của Đức Kitô, bằng những việc làm cụ thể, chứ không phải bằng những lời nói suông, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Antôn Pađôva nói: Ai đầy Thánh Thần thì nói được nhiều thứ tiếng. Nhiều thứ tiếng ở đây có ý hiểu là những lời chứng về Đức Kitô như khiêm nhường, nghèo khó, kiên nhẫn và tuân phục. Chúng ta nói những thứ tiếng đó, khi tỏ cho người khác thấy nơi chúng ta các nhân đức nói trên. Lời nói sẽ hùng hồn khi có việc làm minh chứng. Hãy im đi để cho việc làm lên tiếng.

Trung thành tuân giữ giáo huấn của Đức Kitô, Người sẽ không bỏ mặc chúng ta bao giờ, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách các Vua quyển I tường thuật lại việc ông Êlia cầu xin, và Chúa ban mưa xuống: Lập tức trời kéo mây đen nghịt và nổi gió, rồi trút mưa lớn. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 64, vịnh gia cũng cùng chúng tâm tình khi nói: Lạy Thiên Chúa, ca tụng Ngài ở Xion, thật là chính đáng. Thăm trái đất, Ngài tuôn mưa móc, cho ngập tràn phú túc giàu sang, suối trời trữ nước mênh mang, dọn đất sẵn sàng đón lúa trổ bông.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Thiên Chúa là tình yêu, ai nói mình biết Thiên Chúa, thì phải biết yêu; ai không biết yêu, thì không biết Thiên Chúa. Tình yêu luôn đi bước trước, luôn có trực giác bén nhạy để nhận ra có điều bất thường trong tương quan với những người xung quanh, và mau chóng làm hòa, hóa giải những hiểu lầm, gút mắc. Thánh Antôn là nhà giảng thuyết tài ba. Quy luật cho nhà giảng thuyết là phải thực hành điều mình rao giảng. Ước gì ta biết trung thành tuân giữ giáo huấn của Đức Kitô, để đời sống ta trở thành lời rao giảng hùng hồn, sống động. Ước gì được như thế!

ĐỒNG XU XÓT THƯƠNG 
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng!”.

Chuyện kể về Augustin Dupré, người thiết kế các đồng xu; đặc biệt, “Đồng Xu Thiên Thần”. Bị kết án tử hình, Dupré nắm chặt đồng xu trong tay và cầu nguyện; nhìn thấy nó, viên đao phủ cho phép ông trao đổi nó để giữ lấy mạng sống. Từ đó, việc sở hữu “Đồng Xu Thiên Thần” đồng nghĩa với việc sở hữu ‘đồng xu may mắn’. Napoléon từng giữ bên mình đồng xu đó suốt hành trình chinh phục châu Âu cho tới khi ông thất lạc nó. Đó là thời điểm ngay trước trận Waterloo diễn ra, chiến bại lịch sử của ông!

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay không chỉ nói đến ‘đồng xu may mắn’; nhưng còn hơn thế, nói đến ‘đồng xu xót thương!’. Thoạt nghe, “Anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng!”, chúng ta có thể nghĩ đến một cảnh báo đáng sợ! Không! Đồng xu phải trả Chúa Giêsu nói ở đây là ‘đồng xu xót thương’, một hành động của tình yêu!

Chìa khoá để hiểu điều này là Chúa Giêsu muốn chúng ta hoà giải với Thiên Chúa, với anh chị em mình sớm nhất có thể. Ngài muốn tất cả giận dữ, đắng cay và oán hờn phải được loại khỏi tâm hồn, “Hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công!”. Nói cách khác, hãy giao hoà trước khi bạn ra trước toà Chúa. Sự công thẳng của Chúa hoàn toàn được thoả mãn khi chúng ta nhận lỗi và tìm cách sửa lỗi; đồng thời, tha thứ cho anh chị em mình. Như thế, mỗi “đồng xu” được thanh toán là ‘đồng xu xót thương!’.

Một điều mà Thiên Chúa không bao giờ chấp nhận, đó là sự cố chấp. Ngài sẽ thi hành công lý cho đến khi chúng ta “trả hết đồng xu cuối cùng”, nghĩa là biết hối cải và biết tha thứ. Đây là một hành động xót thương của Ngài, Đấng luôn đợi chờ. Sự phán xét của Ngài chỉ tập trung vào tội lỗi, điều duy nhất cản trở tình yêu. “Trả hết đồng xu cuối cùng” còn được coi là hình ảnh của Luyện Ngục. Chúa Giêsu đề nghị chúng ta thay đổi cuộc sống mình ngay bây giờ, tha thứ và ăn năn ngay bây giờ! Hãy có cho mình những ‘đồng xu xót thương!’; bằng không, chúng ta vẫn phải đối mặt với những tội lỗi đó sau khi chết. Tốt hơn, hãy làm những gì có thể khi còn kịp!

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy làm những gì có thể khi còn kịp!”. Như Dupré, bạn và tôi có đồng xu may mắn; nhưng, như Dupré, chúng ta còn phải cầu nguyện. Phải cầu nguyện để có thể vượt qua sự cố chấp chết chóc hầu có thể làm hoà với Chúa, với anh chị em mình; có thể tha thứ cho họ. Bài đọc Các Vua hôm nay cho thấy mẫu gương cầu nguyện tuyệt vời của Êlia! Giữa lúc hạn hán, đất nước sắp diệt vong vì đói, vua quan lo lắng, thì “Êlia đã lên đỉnh Carmel, ông cúi xuống đất, gục mặt vào hai đầu gối” để cầu nguyện. Chúa đã cho mưa đổ xuống! Cũng thế, Chúa sẽ đổ mưa lênh láng xuống lòng chúng ta; ‘đồng xu xót thương’ bấy giờ sẽ là một ‘cánh đồng xót thương’, ‘dòng sông xót thương’, ‘biển trời xót thương’ khi chúng ta giao hoà cùng Chúa, cùng tha nhân. Và với Êlia, vua tôi Israel, chúng ta ngợi khen, “Lạy Thiên Chúa, ca tụng Ngài ở Sion, thật là chính đáng!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để con có thể tận hưởng tự do, xin dạy con biết tận dụng ‘đồng xu xót thương’ bao lâu còn kịp!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây