Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN 1 MÙA CHAY

Thứ hai - 19/02/2024 19:42 |   80
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16,13-19)

22/02/2024
THỨ NĂM TUẦN 1 MÙA CHAY
Lập Tông tòa thánh Phêrô

t5 t1 MC

Mt 16,13-19


TIN VÀ RAO GIẢNG ĐỨC GIÊ-SU
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16,13-19)

Suy niệm: Khi hỏi các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Chúa Giê-su muốn các ông nói lên niềm tin cá nhân của mình chứ không phải chỉ là lặp lại những điều thiên hạ nói về ngài. Các môn đệ khác không nhiều thì ít cũng đã tin vào Chúa, nhưng riêng thánh Phê-rô, khi nói: “Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống,” ông đã đưa ra được lời tuyên xưng đức tin của mình. Nếu chúng ta tin vào Chúa Ki-tô, một đàng chúng ta phải tìm hiểu chân dung đích thật của Ngài và đàng khác, phải trình bày đức tin ấy cách trung thực và làm chứng nhân đức tin ấy trong cuộc sống.

Mời Bạn: Là môn đệ Đức Ki-tô, chúng ta mong muốn cho đồng bào Việt Nam nhận biết và yêu mến Ngài. Điều chúng ta quan tâm không chỉ là nội dung đức tin mà còn là cung cách sống, công bố và chuyển tải nội dung đức tin ấy cách trung thực cho mình cũng như cho người nghe. Vì thế càng yêu mến Chúa chúng ta càng phải nói lên niềm tin mình với tất cả xác tín và đồng thời bằng những cung cách, hình ảnh, biểu tượng thích hợp để nhờ đó đồng bào chúng ta thấy Ngài hiện diện, chia sẻ đời sống và tin thật Ngài chính là Đấng Chúa Cha sai đến đem ơn cứu độ cho họ. Nếu Đức Giê-su có mặt trong xã hội Việt Nam hôm nay, Ngài muốn chúng ta nói với họ về Ngài như thế nào?

Sống Lời Chúa: Thể hiện niềm tin Công giáo theo cung cách Việt Nam qua việc bài trí bàn thờ và kính nhớ tổ tiên.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho một đức tin chân thành để con hiểu và yêu Chúa từ thâm tâm. Xin ban ơn Thánh Thần Chúa để giúp con rao truyền danh Chúa cho anh em. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TUẦN 1 MÙA CHAY

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin hãy lắng nghe lời tôi, xin hãy nghe tiếng tôi kêu cầu, xin hãy nhậm lời tôi nguyện xin, lạy Chúa, là Vua và là Thiên Chúa tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn để lòng suy nghĩ những điều hay lẽ phải mà mau mắn đem ra thực hành. Lại bởi vì chúng con không thể nào tồn tại nếu không có Chúa phù hộ chở che, xin giúp chúng con hằng biết thuận theo ý Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Est 14, 1. 3-5. 12-14

“Lạy Chúa, con không có sự trợ giúp nào khác ngoài Chúa”.

Trích sách Étte.

Trong những ngày ấy, nữ hoàng Esther kinh hoàng vì lâm nguy, nên tìm nương tựa nơi Chúa. Bà nài xin Chúa là Thiên Chúa Israel rằng: “Lạy Chúa con, chỉ mình Chúa là Vua chúng con, xin cứu giúp con đang sống cô độc, ngoài Chúa không có ai khác giúp đỡ con. Con đang lâm cơn nguy biến. Lạy Chúa, con nghe cha con nói rằng Chúa ưu đãi Israel hơn mọi dân tộc, ưu đãi cha ông chúng con hơn bậc tiền bối của các ngài, đã nhận các ngài làm phần cơ nghiệp muôn đời và đã thực thi lời hứa với các ngài.

“Lạy Chúa, xin hãy nhớ (đến chúng con) và hãy tỏ mình ra cho chúng con trong cơn gian truân của chúng con. Lạy Chúa là Vua các thần minh và mọi bậc quyền bính, xin ban cho con lòng tin tưởng. Xin đặt trong miệng con những lời khôn khéo trước mặt sư tử, xin Chúa đổi lòng sư tử để nó ghét kẻ thù của chúng con, để kẻ thù ấy và những ai đồng loã với hắn sẽ phải chết. Nhưng phần chúng con, thì xin Chúa ra tay giải thoát chúng con và phù trợ con, vì lạy Chúa, ngoài Chúa là Ðấng thông suốt mọi sự, không ai giúp đỡ con”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 137, 1-2a. 2bc-3. 7c-8

Ðáp: Lạy Chúa, khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con

Xướng: Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin; trước mặt các Thiên Thần, con đàn ca mừng Chúa, con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài.

Xướng: Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con, Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh.

Xướng: Tay hữu Chúa khiến con được sống an lành. Chúa sẽ hoàn tất cho con những điều đã khởi sự, lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm:

Chúa phán: “Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin Ta, sẽ không chết đời đời”.

PHÚC ÂM: Mt 7, 7-12

“Ai xin thì sẽ nhận được”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì bất cứ ai xin thì sẽ nhận được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ cửa sẽ mở cho. Nào ai trong các con thấy con mình xin bánh, mà lại đưa cho nó hòn đá ư? Hay là nó xin con cá mà lại trao cho nó con rắn ư? Vậy nếu các con, dù là kẻ xấu, còn biết lấy của tốt mà cho con cái, thì huống chi Cha các con, Ðấng ở trên trời, sẽ ban những sự lành biết bao cho kẻ cầu khẩn Người!

“Vậy tất cả những gì các con muốn người ta làm cho mình, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế: Ðấy là điều mà Lề luật và các tiên tri dạy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa rất nhân từ, đây là lời cầu khẩn cùng với của lễ chúng con kính dâng lên, xin Chúa vui nhận và hướng lòng chúng con quay về với Chúa. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa chay

Ca hiệp lễ

Bất cứ ai xin thì sẽ nhận được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con tôn thờ, Chúa dùng bí tích Thánh Thể làm cho chúng con đứng dậy hiên ngang. Xin cho bí tích này nâng đỡ chúng con mọi nơi mọi lúc. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

CẦU XIN THEO THÁNH Ý CHÚA
Lm. Gioan Trần Văn Viện

“Anh em cứ xin thì sẽ được”. Đây là lời của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ và cho mỗi người chúng ta. Tuy nhiên có phải bất cứ thứ gì chúng ta xin, Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta? Kinh nghiệm cuộc sống hôm nay của mỗi người, chắc không ít lần chúng ta cầu nguyện, nhưng chúng ta đợi hoài chẳng thấy Chúa trả lời những ước nguyện đó.

Chúa Giêsu đã nói trong bài Phúc âm: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn?” Tuy nhiên, giá như người con xin hòn đá hoặc xin con rắn, thì liệu người cha có cho nó không? Đối với một người cha yêu con mình, chắc chắn ông sẽ không đáp ứng lời cầu xin như vậy của đứa con. Ngày hôm nay chúng ta cũng có thể và cần xin điều gì từ Thiên Chúa, nhưng chúng ta đừng quên rằng, với sự khôn ngoan và tình yêu của Ngài, Ngài sẽ chỉ ban những “của tốt lành” cho con người chúng ta. Tuy nhiên, những “của tốt lành” này là theo ý muốn của Thiên Chúa chứ không phải dựa trên cái nhìn và suy nghĩ của chúng ta.

Chúng ta cần khiêm tốn thừa nhận rằng nhiều lần chúng ta đã không xin những điều tốt trong con mắt của Chúa và đi theo đó là lời đáp trả của Ngài không giống như chúng ta cầu xin. Chúng ta luôn nhớ rằng lý do đầu tiên trong mỗi lời cầu nguyện là xin cho ý của Thiên Chúa được thực hiện nơi chúng ta như lời dạy của Chúa Giêsu trong kinh lạy Cha. Chính Người, trong những giây phút đau khổ cùng cực nơi vườn Giệtsimani cũng đã khẩn xin Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39). “Xin theo ý Cha” là lời của Chúa Giêsu nhưng lời này cũng cần được vang lên trong câu kết của mọi lời cầu nguyện của chính chúng ta.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn chúng ta biết nhận ra thánh ý Chúa trong cuộc đời chúng ta và khi đó Chúa sẽ lắng nghe những lời khẩn cầu của chúng ta.

 

CẦU NGUYỆN VỚI CẢ TÂM HỒN
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển, SSP

Có nhiều người phàn nàn và trách móc Chúa rằng: đã biết bao nhiêu lần con cầu nguyện mà Chúa đã không nhận lời! Có nhiều lời cầu nguyện đã kéo dài thời gian đến độ mỏi gối chân chùn cũng chẳng thấy Thiên Chúa đáp ứng! Vậy đâu là ý nghĩa của lời hứa: “Xin sẽ được, tìm sẽ gặp, gõ sẽ mở?”

Trước tiên, chúng ta cần xác định ngay rằng: Thiên Chúa tốt lành và luôn tìm mọi cách để ban cho con cái của mình những điều tốt đẹp hơn cả điều chúng xin.

Thứ hai, chúng ta phải thành thật mà nhận thấy rằng: có nhiều điều chúng ta xin tưởng chừng như là tốt, nhưng thực ra chỉ tốt đối với thiển ý của ta, còn thực ra thì lại là điều tai hại cho người khác hay là nguy hiểm và mất phần rỗi cho linh hồn.

Thứ ba, nhiều khi Chúa để một thời gian dài nhằm dạy cho chúng ta bài học kiên trì, trung thành, tín thác vào Thiên Chúa cách tuyệt đối.

Cuối cùng, mọi lời cầu nguyện của chúng ta phải được kết thúc bằng tâm tình: “Xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Và “xin được theo ý Chúa, đừng theo ý con”.

Trong cuộc sống hôm nay, nhiều khi chúng ta phỏng chiếu lời cầu nguyện của mình theo kiểu: “Ăn sổi ở thì”, tức là cái gì cũng muốn cho nhanh, cho mau và phải theo ý mình, trong khi đó lời cầu nguyện là biểu hiện của đời sống tâm linh, là niền tin, là tâm tình tín thác.

Hơn nữa, nhiều người ngay khi cầu nguyện cũng toát lên sự cạnh tranh, đấu đá và muốn Chúa đứng về phía mình để làm hại người khác! Hay nhiều khi cầu nguyện mà trong lòng thì kiêu ngạo, hành động thì huênh hoang, hoặc cầu nguyện với một thái độ nhàm chán như con vẹt, như chiếc máy!

Thử hỏi, cầu nguyện như thế, chúng ta có nâng tâm hồn lên với Chúa được không? Hay thực ra chỉ là qua lần chiếu lệ, còn lòng trí thì vẫn trơ trọi như gỗ đá!

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con cầu nguyện và xin ban cho chúng con có được tâm tình khiêm tốn, tín thác, trung thành. Xin cho mọi lời cầu nguyện của chúng con được làm vinh danh Chúa và ích lợi cho phần rỗi của chúng con. Amen.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Lập Tông tòa thánh Phêrô

Ca nhập lễ

Chúa phán cùng Si-mon Phê-rô rằng: Thầy đã cầu nguyện để con khỏi mất đức tin, và phần con, khi đã trở lại, con hãy làm cho anh em con vững tin.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã thiết lập Hội Thánh trên nền đá vững bền là lời tuyên xưng đức tin của thánh tông đồ Phê-rô. Xin gìn giữ Hội Thánh khỏi nao núng giữa cảnh đời thử thách gian nan. Chúng con cầu xin…

 Bài Ðọc I: 1 Pr 5, 1-4

“Là kỳ lão và nhân chứng cuộc khổ hình của Chúa Kitô”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phê-rô Tông đồ.

Anh em thân mến, tôi xin gởi lời khuyên bảo đến bậc Kỳ Lão trong anh em. Tôi là một Kỳ Lão như các ngài, là một nhân chứng cuộc khổ hình của Chúa Ki-tô, một kẻ sẽ được thông phần vinh quang sắp được tỏ bày. Hãy chăn dắt đoàn chiên Chúa nơi anh em, hãy trông nom nó, không phải bằng cách miễn cưỡng, mà là sẵn sàng theo thánh ý Chúa; không phải để trục lợi, mà là do tình nguyện; không phải như người chuyên chế lộng hành, nhưng phải nên gương sáng cho đoàn chiên. Và khi thủ lãnh các đấng chăn chiên xuất hiện, anh em sẽ nhận lãnh triều thiên vinh quang bất diệt.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3. 4. 5. 6

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi

Xướng: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người.

Xướng: Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con.

Xướng: Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.

Xướng: Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.

Alleluia: Mt 16, 18

Alleluia, alleluia! – Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh Thầy, và cửa hoả ngục sẽ không thắng được. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 16, 13-19

“Con là Ðá, Cha sẽ trao cho con chìa khóa nước trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến miền Xêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một trong các tiên tri!” Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được”.

Đó là Lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thương nhận lời nguyện và lễ vật của Hội Thánh, để nhờ thánh Phê-rô dạy dỗ, Hội Thánh giữ được đức tin toàn vẹn, và nhờ người dẫn dắt mà được hưởng gia nghiệp muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Chúa Giê-su đáp: Con là Đá trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh Thầy

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong ngày lễ kính thánh Phê-rô tông đồ, Chúa đã cho chúng con thông phần Mình và Máu Ðức Ki-tô. Xin cho tiệc thánh này nên dấu chỉ hiệp nhất và bình an trong chúng con. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

ÂN HUỆ VÀ TRÁCH NHIỆM

“Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời.” (Mt 16,19)

Suy niệm: Phê-rô hẳn đã quá đỗi kinh ngạc bởi vì chỉ từ một lời tuyên xưng Đức Giê-su Na-da-rét, một con người bằng xương bằng thịt, là Con Thiên Chúa hằng sống, mà ông được Chúa Giê-su khen tặng “là người có phúc” vì đã được “Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” mạc khải những điều cao trọng; ông lại lại còn được Ngài trao cho sứ mạng trọng đại: trên con người mỏng dòn của ông, Ngài sẽ xây Hội Thánh của Ngài bền vững đến độ “quyền lực tử thần cũng không thắng nổi”. Ngài trao chìa khóa Nước Trời cho ngư phủ Phêrô với toàn quyền cầm buộc hay tháo cởi, có hiệu lực cả trên trời cũng như dưới trần gian này. Tất cả những điều đó là ân ban và đồng thời cũng là sứ mạng mà Thiên Chúa kêu mời Phêrô đáp trả với lòng tri ân và tinh thần trách nhiệm.

Mời Bạn: Gia đình Ki-tô hữu là một Hội Thánh tại gia. Gia đình Ki-tô hữu lãnh nhận hồng ân và chu toàn sứ mạng của mình giữa lòng Hội Thánh khi tuyên nhận Chúa Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa là Đầu của gia đình mình. Năm “Phúc-Âm-hoá Gia đình”, Hội Thánh mời gọi chúng ta nhìn lại những hồng ân và trách nhiệm Chúa đặt nơi mỗi gia đình Ki-tô hữu để nỗ lực xây dựng gia đình mình thành một gia đình thánh thiện, một gia đình truyền giáo.

Sống Lời Chúa: Để thực hiện “Phúc-Âm-hoá gia đình”, toàn gia đình quyết tâm cầu nguyện chung và hy sinh quên mình phục vụ lẫn nhau.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là Đầu và là Hôn Phu của Giáo Hội, xin thương đến gia đình chúng con và giúp chúng con sống thánh thiện và làm chứng nhân tình yêu Chúa ở giữa lòng thế giới hôm nay.

LÒNG TIN CỦA PHÊ-RÔ

“Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16,16)

Suy niệm: Chúng ta nhìn vào đức tin của thánh Phê-rô, hầu rút ra bài học cho mình trong Năm Đức Tin này. Phê-rô vừa biết Chúa Giê-su thì đã tin vào Ngài, trở nên một trong bốn môn đệ đầu tiên. Ông được nghe lời giảng dạy của Chúa và chứng kiến những phép lạ Chúa làm. Tưởng chừng như lòng tin của ông kiên vững lắm. Nhưng ta chưng hửng biết bao khi thấy ông tỏ ra yếu tin, ngã lòng, thất đảm, thậm chí chối bỏ đức tin nữa. Các trình thuật về việc Phêrô đi trên mặt nước rồi bị chìm (Mt 14,22-33), chối Chúa ba lần (Mc14,66-72), trốn chạy khi Chúa chịu nạn… cho thấy long tin của ông như thế nào! Cuối cùng, sau những lần yếu đuối, Phê-rô đã kiên vững trong lòng tin cho đến chết. Gương của Phê-rô cho thấy đức tin là một ơn của Chúa, con người khó mà có được lòng tin vững mạnh nếu Chúa không nâng đỡ (Lc 22,31-32). Về phần Chúa, ta thấy Ngài luôn lạc quan, tin tưởng vào Phê-rô, dù biết rõ con người của ông.

Mời Bạn: Hẳn bạn không thể tự mãn về lòng tin của mình, dù bạn vẫn giữ đạo tốt, vẫn tin vào Chúa. Bạn cũng chẳng dám cho rằng mình có đức tin “lớn bằng hạt cải” (Lc 17,6). Đức tin của bạn phải trải qua thử thách thì mới là đức tin thật và mạnh mẽ.

Sống Lời Chúa: Khiêm tốn nài xin Chúa nâng đỡ lòng tin yếu kém của bạn, trong sự xác tín rằng đức tin của bạn sẽ được củng cố nhờ cầu nguyện, nhờ Lời Chúa và bí tích Thánh Thể.

Cầu nguyện: Tâm sự với Chúa bằng lời Phúc Âm: – “Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con” (Lc 17,5); – “Lạy Chúa, con tin, nhưng xin nâng đỡ lòng tin yếu kém của con” (Mc 9,24).

“ABBA!” (“CHA ƠI!”)

Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16,16)

Suy niệm: Ben Hur trong bộ phim cùng tên đã thốt lên: “Tại sao Con Thiên Chúa không muốn làm vua Do Thái hở mẹ? Những điều kỳ diệu Ngài làm khiến con kinh ngạc. Chỉ cần một hơi thở của Ngài đủ hủy diệt sức mạnh Rô-ma. Thế mà Ngài lại từ chối sự trợ giúp của các binh đoàn, khiến bao gian lao trở thành vô ích? Chúng ta lại phải rên siết dưới sự bảo hộ của Rô-ma và để vũ khí mà ta khổ công rèn đúc phải rỉ sét ư?” Anh cũng như nhiều đồng hương đã thất vọng về Đức Giê-su, vì chờ đợi Ngài như Đấng Cứu Thế vinh quang bằng cách trừng phạt quân đội Rô-ma, mang lại phồn vinh cho trần thế qua sức mạnh chinh phục. Ngài quả thật là Con Thiên Chúa hằng sống, là Đức Ki-tô Cứu Thế như Phêrô tuyên xưng. Thế nhưng, là người Con hiếu thảo với Cha, đời Ngài chỉ canh cánh một điều là làm đẹp ý Cha trong mọi sự. Thế mà ý Cha là sai Con mình đến, không phải để luận phạt, nhưng để cứu thế gian và để thế gian nhờ đó được sống dồi dào.

Mời Bạn: Bạn không tin Thiên Chúa cách chung chung như những tín đồ tốt lành của các tôn giáo khác. Bạn tin và đến với Thiên Chúa qua người Anh Cả Đức Giê-su, Đấng là Thiên-Chúa-thần- linh, nhưng đồng thời cũng là con-người-xương-thịt như bạn. Nhờ sống trong tương quan thân thiết với người Anh Cả Thiên-Chúa-con-người này, bạn gặp được Thiên Chúa và dám mở miệng gọi Thiên Chúa: “Áp-ba!” (“Cha ơi”).

Sống Lời Chúa: Xem lại cách tôi sống với Đức Giê-su như thế nào: gắn bó thân thiết như nên “một” với Ngài hay hờ hững qua loa? Và tìm mọi cách để có thể như Ngài sống trong tôi mỗi ngày.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Quyển lịch cổ nhất của Rôma (Depositio martyrum) có từ năm 354, xác nhận Thánh lễ “Ngai Tòa thánh Phêrô – Chaire de Saint Pierre” được mừng kính ngày 22.02, ngày dân Rôma nhớ đến những người quá cố. Nhưng sau đó, vì các Giáo Hội xứ Gaule không cử hành trọng thể các lễ trong Mùa Chay, nên Thánh lễ này được dời vào ngày 18.01, trong khi Giáo Hội Rôma vẫn giữ ngày cũ. Ngày lễ cũng khác và chủ đề cũng khác: trong xứ Gaule, người ta mừng lễ “Ngai Tòa thánh Phêrô tại Rôma”; tại Rôma, người ta mừng lễ “Ngai Tòa thánh Phêrô tại Antiochia”. Cuối cùng hai lễ nhập lại làm một và được xác định vào ngày 22.02, dưới một chủ đề: Ngai Tòa thánh Phêrô.

Tại Rôma, trong đại thánh đường thánh Phêrô, người ta còn giữ được ngai toà (tiếng La Tinh cathedra) của vị giáo hoàng tiên khởi, có nghĩa là ngai toà, theo truyền thống, thánh Phêrô đã sử dụng. Nó là biểu trưng cho uy quyền của Đức Giáo Hoàng như là Thầy dạy, Thượng tế và mục tử của Hội thánh toàn cầu.

Thông điệp và tính thời sự

Thánh lễ kính Ngai Tòa thánh Phêrô giúp chúng ta đào sâu sứ vụ của vị Tông Đồ Phêrô và các đấng kế vị trong Hội thánh, nhờ phong trào đại kết, tìm cách kết hợp mọi Kitô hữu.

a. Ngai Tòa thánh Phêrô trước tiên nhắc nhớ đến sứ vụ Đức Giêsu trao phó cho Simon-Phêrô: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22,32). Mặc cho thử thách mà đức tin các Tông Đồ phải chịu (Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo), đức tin của thánh Phêrô giữ vai trò nền tảng trong Hội thánh tiên khởi. Thánh Phaolô xác nhận Chúa Giêsu đã hiện ra với Céphas (Phêrô), sau đó cho nhóm Mười Hai (1 Cr 15,5); cũng thế, Phúc Âm thánh Luca xác nhận trong câu chuyện hai môn đệ đi làng Emmaus: “Nhóm Mười Một và các bạn hữu nói với họ: Chúa chỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon” (Lc 24,34)

Phụng Vụ nhấn mạnh việc “đức tin của thánh Tông Đồ Phêrô” là đá tảng, trên đó Chúa đã xây dựng chúng ta. Phúc Âm Thánh lễ soi rọi niềm tin này của thánh Phêrô (Mt 16,13-19), trong lời tuyên xưng của Phêrô: “Thầy là Đấng Mêssias, Con Thiên Chúa hằng sống” Đức Giêsu đáp: “Anh là đá, trên đá này Tôi sẽ xây Hội thánh của Tôi“ (câu 18) Lời tuyên bố của Đức Giêsu là nguồn gốc sứ vụ cao vời thánh Phêrô thực hiện trong cộng đoàn tiên khởi, và theo truyền thống Công giáo, là nguồn gốc Tối Thượng Quyền mà tất cả các Đức Giáo Hoàng được lãnh nhận từ thánh Phêrô.

b. Sứ vụ của thánh Phêrô, công bố niềm tin đích thực và chân chính vào Đức Giêsu Kitô, cũng là xác nhận niềm tin của anh em và khuyến khích những người có trách nhiệm trong Hội thánh (Các kỳ mục hay trưởng lão). Vì thế, trong bài đọc một (1 Pr 5,1-4) thánh Phêrô nhắc nhở các kỳ mục, có nghĩa là những người đứng đầu các cộng đoàn, trách nhiệm của họ: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em : lo lắng vì lòng nhiệt thành… Đừng lấy quyền mà thống trị, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên.”

Đoạn Công vụ Tông Đồ đọc trong Phụng Vụ Giờ Kinh nhắc đến việc những người đã cắt bì tranh luận với Phêrô. Sau khi thánh Tông Đồ “nhắc lại câu chuyện từ đầu và trình bày từng điểm một cho họ, các thính giả bình tĩnh trở lại và ca ngợi Thiên Chúa”. Như thế thánh Phêrô đã củng cố đức tin cho anh em và kết hợp mọi người trong Hội thánh. Đá góc là Đức Kitô, nhưng Đức Giêsu nói với Phêrô: “Con là đá, có nghĩa là: Ta là đá không thể lay chuyển…còn con, con cũng là đá, con cũng vững vàng nhờ sức mạnh của Ta” (thánh Lêô Cả, Phụng Vụ Giờ Kinh).

Enzo Lodi

KIẾN TẠO MỘT SỰ KHÁC BIỆT
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”.

Một triết gia nhận định, “Không một tiến bộ vĩ đại nào trong khoa học, chính trị và tôn giáo mà không gây tranh cãi! Cũng không một nhân vật nào có thể thắp sáng thế giới, truyền cảm hứng cho nó, ảnh hưởng nhất đến tâm trí nhân loại; để sau cùng, cứu lấy nhân loại cho bằng “Giêsu”, một con người gây tranh cãi nhất thế giới!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng ngày lễ Lập Tông Toà Thánh Phêrô hôm nay cho biết “Giêsu”, con người gây tranh cãi nhất thế giới đó muốn thăm dò dư luận về Ngài; và quan trọng hơn, “Giêsu” đó muốn biết câu trả lời của bạn và tôi, “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”. Xác tín để trả lời được câu này sẽ là một ‘ý lực’ vốn có thể ‘kiến tạo một sự khác biệt’ nơi bất cứ ai.

Trả lời “Thầy là ai?” sẽ quyết định cách sống các giá trị và niềm tin, niềm hy vọng vào cuộc sống mai sau, lòng bác ái và sự phục vụ hiện tại của bạn và tôi. Tất cả những điều này được sống bởi một xác tín về Ngài là ai. Trả lời “Thầy là ai?” liên quan đến một cam kết; đòi hỏi một sự thay đổi thái độ và hành vi vốn có thể ‘kiến tạo một sự khác biệt’ nơi bạn.

Phêrô đã trả lời, “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống!”. Dẫu không hiểu hết nhưng xem ra Phêrô đang mường tượng rằng, Ngài không chỉ là một tiên tri hay một thầy dạy nhưng còn là ‘một Ai đó’, ‘một Điều gì đó’ còn hơn thế! Một “Giêsu Kitô” ngang hàng với Thiên Chúa! Câu trả lời này đã đổi thay cuộc đời Phêrô, cởi mở trái tim ông để ông có thể đón nhận ân sủng của Thánh Thần. Nhờ đó, dần dà, chính Thánh Thần đã dạy Phêrô hiểu, đây không phải là câu trả lời đơn giản của trí tuệ, nhưng là của ân sủng ‘nhận được từ trên’ để Phêrô dứt khoát cho một sứ vụ trước Thiên Chúa và trước thế giới.

Phêrô khuất phục Đấng Kitô; đổi lại, Ngài trao chìa khoá Nước Trời, trao Hội Thánh cho ông. Qua thư mình, Phêrô căn dặn các kỳ lão, “Hãy chăn dắt đoàn chiên Thiên Chúa đã giao phó”; “không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ!” - bài đọc một. Nhờ đó, đoàn chiên được chăm sóc, mỗi con chiên cảm nghiệm Chúa đang chăm sóc mình, “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Kính thưa Anh Chị em,

“Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”. Thầy là một con người gây tranh cãi nhất thế giới! Đức Phanxicô nói, “Chúa Kitô không phải là ký ức của quá khứ mà là Thiên Chúa của hiện tại. Nếu Ngài chỉ là một nhân vật lịch sử, thì ngày nay chúng ta không thể bắt chước Ngài. Chúng ta sẽ thấy mình phải đối mặt với vực thẳm lớn của thời gian, và trên hết, đối mặt với gương sáng của Ngài như một ngọn núi rất cao, không thể vượt qua được; chúng ta muốn leo lên đó nhưng lại thiếu khả năng và phương tiện. Thay vào đó, Giêsu đang sống! Hãy nhớ điều này! Giêsu đang sống! Ngài sống trong Giáo Hội, sống trong thế giới; Ngài đồng hành với chúng ta, ở bên cạnh chúng ta, ban cho chúng ta Lời của Ngài, ân sủng của Ngài, soi sáng và làm tươi mới chúng ta trên hành trình để mỗi người cũng có thể ‘kiến tạo một sự khác biệt’ trong thế giới!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng ngại gây tranh cãi cho những chọn lựa của con. Để rốt cuộc, con chọn Chúa với những cam kết dứt khoát, và con cũng có thể ‘kiến tạo một sự khác biệt!’”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây