Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 5 MÙA CHAY

Thứ ba - 19/03/2024 19:14 |   69
“Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?” (Ga 10,32-42)

22/03/2024
THỨ SÁU TUẦN 5 MÙA CHAY

t6 t5 MC

Ga 10,32-42

SỐNG CAN ĐẢM 
ĐỂ BẢO VỆ CHÂN LÝ
“Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?” (Ga 10,32-42)

Suy niệm: Trong thế giới người gù lưng, kẻ thẳng lưng là người khuyết tật. Thật là mỉa mai, ngược đời! Ta có thể dùng hình ảnh này để áp dụng cho trường hợp của Chúa Giê-su: làm vô số việc lành cũng như biết bao phép lạ kỳ diệu mà vẫn bị ném đá, vì người Do Thái không muốn hiểu, cũng chẳng bao giờ chấp nhận Ngài là Đấng Mê-si-a, là Con Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa. Đối với họ, Ngài cũng là con người bình thường, với gốc gác không có gì cao sang: từ Na-da-rét, con bác thợ, và chính mình cũng là bác thợ: “Ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” Họ muốn một Thiên Chúa phải xuất hiện theo như ý họ nghĩ, làm điều họ mong muốn, cứu độ thế giới bằng vũ lực kiểu thế gian, chứ không phải bằng tình yêu của một vị Thiên Chúa dịu hiền khiêm nhường. 
 

Mời Bạn: Làm ác bị khổ đã đành; đàng này làm lành cũng bị khổ, bị hàm oan. Vì thế, nhiều người ngại làm chứng cho chân lý vì sợ bị liên lụy. Vậy phải làm sao để sự thật Chúa dạy được công nhận và con người biết khuất phục trước sự thật ấy? Điều này đòi hỏi bạn niềm xác tín vững vàng, lòng can đảm kiên vững theo gương Chúa Giê-su.
 

Sống Lời Chúa: Luôn xác tín vào sức mạnh của Lời Chúa, vì Lời Ngài mới có thể đem lại sự sống đời đời.
 

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con khâm phục việc Chúa can trường sống theo chân lý. Xin ban cho con niềm tin kiên vững, can đảm làm những gì Chúa muốn con thực hiện cho con người hôm nay. Amen.

Thứ Sáu MC V: Lạy Chúa! Chúa hỏi những người Dothái: Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt lành bởi Cha Tôi. Vậy vì việc nào mà các ngươi muốn ném đá Tôi? Họ không tin nhận, không thấy Chúa là hình ảnh hữu hình của Chúa Cha vô hình. Xin cho chúng con khi nhìn vạn vật, đừng bám víu vào vẻ bề ngoài, nhưng biết nhìn vào bên trong để nhìn thấy Chúa, thấy được sự sống của Chúa ẩn đằng sau vạn vật, bởi lẽ, không có sức sống của Chúa, vạn vật không thể tồn tại được. Xin cho chúng con sống tâm tình sám hối Mùa Chay bằng cách: nhìn thấy Chúa nơi những nghịch cảnh, và nơi những con người khó ưa nhất. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ SÁU TUẦN 5 MÙA CHAY

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin thương xót tôi, vì tôi đang gặp nạn, xin cứu gỡ tôi khỏi tay quân thù và những người bách hại tôi. Lạy Chúa, xin đừng để tôi hổ ngươi vì đã kêu cầu Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa rất từ bi, này chúng con hết lòng trông cậy vào Chúa; xin nhận lời chúng con khẩn nguyện và luôn che chở giữ gìn chúng con, để từ đây thoát vòng tội lỗi, chúng con bền tâm sống cuộc đời thánh thiện và đáng hưởng gia nghiệp Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Gr 20, 10-13

“Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng dũng”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Tôi đã nghe nhiều người thoá mạ và chế nhạo rằng: “Người này gieo khủng bố khắp nơi. Chúng ta hãy tố cáo nó, chúng ta hãy tố cáo nó”. Tất cả bạn hữu tôi rình tôi vấp ngã mà nói rằng: “Ước gì nó bị lừa dối để chúng ta thắng nó và sẽ trả thù nó”. Nhưng Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng dũng; vì thế, những kẻ bắt bớ tôi sẽ ngã quỵ và kiệt sức. Chúng sẽ thất bại bẽ bàng, chuốc lấy sự hổ nhục muôn đời, không bao giờ quên được.

Còn Chúa, lạy Chúa các đạo binh, Ðấng xét xử người công chính, thấu suốt tâm can, lạy Chúa, ước gì con sẽ được thấy Chúa trả thù chúng cho con, vì con đã tỏ bày công việc con cho Chúa.

Hãy hát mừng Chúa, hãy ca tụng Chúa, vì Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 17, 2-3a. 3bc-4. 5-6. 7

Ðáp: Trong cơn đại hoạ, tôi đã cầu khẩn Chúa, tôi đã kêu xin Thiên Chúa của tôi

Xướng: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa, lạy Chúa là Tảng Ðá, chiến luỹ, cứu tinh.

Xướng: Lạy Chúa là Thiên Chúa, là sơn động chỗ con nương mình, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù con. Con xướng ca khen ngợi cầu cứu Chúa, và con sẽ được cứu thoát khỏi tay quân thù.

Xướng: Sóng tử thần đã bao bọc thân con, và thác nước ôn dịch làm con kinh hãi. Thừng chão địa ngục đã quấn lấy con, lưới tử thần đã chụp bắt con rồi.

Xướng: Trong cơn đại hoạ, tôi đã cầu khẩn Chúa, tôi đã kêu xin Thiên Chúa của tôi; từ nơi thánh đài, Ngài nghe rõ tiếng, và tiếng tôi kêu thấu đến tai Ngài.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Chúa phán: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống”.

PHÚC ÂM: Ga 10, 31-42

“Họ tìm bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, người Do-thái lượm đá để ném Chúa Giêsu. Người lên tiếng hỏi rằng: “Ta đã cho các ngươi thấy nhiều việc tốt lành bởi Cha Ta. Vậy vì việc nào mà các ngươi muốn ném đá Ta?”

Người Do-thái trả lời: “Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”.

Chúa Giêsu đáp lại: “Nào trong sách luật của các ngươi không có chép câu này: “Ta đã nói: các ngươi là thần”? Vậy nếu sách luật gọi những kẻ được nghe lời Chúa là thần, mà Kinh Thánh không thể huỷ diệt được, thì tại sao các ngươi nói với Ðấng đã được Chúa Cha thánh hoá và sai đến trong trần gian rằng “Ông nói lộng ngôn”, vì Ta đã nói Ta là Con Thiên Chúa? Nếu Ta không làm những việc của Cha Ta, thì các ngươi đừng tin Ta. Nhưng nếu Ta làm những việc đó, thì dầu các ngươi không muốn tin Ta, cũng hãy tin vào các việc đó, để các ngươi biết và tin rằng: Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha”.

Bởi đó họ tìm cách bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ. Người lại qua bên kia sông Giođan, nơi trước kia Gioan đã làm phép rửa. Và Người ở lại đó. Có nhiều kẻ đến cùng Người. Họ nói: “Gioan đã không làm một phép lạ nào. Nhưng mọi điều Gioan nói về người này đều đúng cả”. Và có nhiều kẻ tin Người.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin phù trợ chúng con, để chúng con đáng phụng sự Chúa tại bàn thờ này, và được hưởng ơn cứu độ nhờ năng tham dự thánh lễ. Chúng con cầu xin…

Lời kinh tiền tụng thương khó I

Ca hiệp lễ

Chúa Giêsu đã gánh vác tội lỗi chúng ta nơi thân xác Người trên cây khổ giá, để một khi đã chết cho tội lỗi, chúng ta sống cho sự công chính, và nhờ vết thương của Người, chúng ta được chữa lành.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, ước chi Mình và Máu Thánh Ðức Ki-tô chúng con vừa rước lấy, luôn bảo vệ chúng con mỗi ngày, và gìn giữ chúng con khỏi muôn điều ác hại. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

GIẢ HÌNH NÊN GIẢM THIÊNG (Ga 10, 31-42)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Khi con người không còn coi trọng luân lý, thì tiếng nói lương tâm trở nên dư thừa với họ. Như vậy, chuẩn mực trong cuộc sống được đo bằng tiền, quyền, và lẽ tất yếu, chân lý thuộc về đám đông hay những kẻ mạnh! Đây là sự thật xót xa đã xảy ra thời Đức Giêsu!

Tin Mừng hôm nay thuật lại lối sống giả hình của những nhà lãnh đạo tôn giáo và xã hội thời Đức Giêsu, họ sống vụ luật thuần túy khi luật được đưa lên làm chuẩn mực chứ không phải con người, chú trọng đến hình thức hơn nội tâm, sống trên danh vọng, hào nhoáng bên ngoài hơn là nội dung bên trong…

Lối sống đó đã hoàn toàn ngược lại với lời giáo huấn của Đức Giêsu, vì thế, Ngài không ngừng vạch trần giã tâm của họ trước mặt mọi người, thế nên Đức Giêsu đã trở thành cái gai trước mắt họ, và họ tìm mọi cách bứng Ngài ra khỏi xã hội của họ càng sớm càng tốt.

Trong thời đại hôm nay, vẫn còn nhiều chuyện dở khóc dở cười khi nhiều người dựa trên nguyên lý tự nhiên để xét xử chân lý Tin Mừng! Hay, khi không còn cách nào nữa thì áp đặt và quyết định trắng trợn khi nhân danh tập thể, tức là dựa trên hiệu ứng đám đông mà không cần biết đúng hay sai!

Mặt khác, nhiều khi chúng ta cũng chẳng khác gì những người Do Thái khi xưa, đó là: khó chịu, bực bội với Lời Chúa, bởi Lời Chúa gọt dũa, cật vấn lương tâm và dạy những điều mà chúng ta không muốn sống… hay chúng ta đã phản ứng bằng việc dửng dưng!

Sống với những thái độ như thế, nên không lạ gì nhiều Mùa Chay qua đi mà chúng ta không thấy tốt hơn là mấy?

Lý do tại sao lại có những chuyện như thế trong thời đại được coi là văn minh, khoa học? Thưa chỉ vì cái tôi của chúng ta quá lớn và sự ích kỷ thì quá nhiều, nên đã không chấp nhận sự thật củaTin Mừng!

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con được yêu mến Chúa và đem lời Chúa ra thực hành trong đời sống hằng ngày. Amen.

HƯỞNG TỰ DO ĐÍCH THỰC
(THỨ SÁU TUẦN 5 MÙA CHAY)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
 
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Sáu Tuần 5 Mùa Chay này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúng ta là những kẻ yếu hèn, đã sa vòng tội lỗi, cúi xin Chúa rộng lượng thứ tha, và ban ơn giải thoát, để chúng ta được hưởng sự tự do đích thực.
 
Chúng ta được hưởng tự do đích thực là nhờ Đức Kitô, Vị Thượng Tế của chúng ta. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thư gửi tín hữu Hípri cho thấy: Vẻ huyền bí của vua Menkixêđê đã giúp cho chúng ta hiểu: Đức Kitô chính là Vị Thượng Tế độc nhất vô song. Chỉ mình Người mới có thể dâng hy lễ hoàn hảo: Các tư tế Lêvi đã trở nên tư tế, mà không có lời thề, còn Đức Giêsu đã trở nên tư tế, thì lại có lời thề của Đấng nói với Người: Muôn thuở Con sẽ là Thượng Tế theo phẩm trật Menkixêđê.
 
Chúng ta được hưởng tự do đích thực là vì Đức Kitô đã tự hiến mình vì chúng ta. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Phungienxiô đã nói: Chính Người tỏ cho thấy chỉ nơi Người mới có tất cả những gì cần thiết để cứu chuộc chúng ta: Người là tư tế và tế phẩm, là Thiên Chúa và đền thờ. Người là tư tế, nhờ Người chúng ta được giao hòa: là hy lễ, nhờ đó chúng ta được giao hòa; là đền thờ, trong đó chúng ta được giao hòa; là Thiên Chúa, Đấng cho chúng ta được giao hòa với Người. Một mình Người là tư tế, tế phẩm, và đền thờ, vì tuy là Thiên Chúa, Người mang tất cả những danh hiệu đó trong thân phận tôi đòi.
 
Chúng ta được hưởng tự do đích thực là vì chúng ta có Chúa ở bên cạnh chúng ta như một trang chiến sĩ oai hùng, mà trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Giêrêmia đã kêu gọi: Hãy ca tụng Đức Chúa, hãy ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 17, vịnh gia cũng cùng chung tâm tình này khi nói: Lúc ngặt nghèo tôi kêu cầu Chúa: Người đã nghe tiếng tôi. Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con; lạy Chúa là núi đá, là thành luỹ, là Đấng giải thoát con.
 
Muốn hưởng tự do đích thực, chúng ta phải tuyệt đối tin tưởng vào Chúa, làm theo những gì Chúa dạy, bởi vì, như câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay: Lạy Chúa, Lời Chúa là Thần Khí và là Sự Sống; Chúa có những lời đem lại sự sống đời đời. Ngôn sứ Giêrêmia đã tin tưởng tuyệt đối vào sự giải cứu của Chúa, và ông không phải thất vọng bao giờ. Trong bài Tin Mừng, Họ tìm cách bắt Đức Giêsu, nhưng, Người đã thoát khỏi tay họ. Họ muốn bắt Đức Giêsu, nhưng, giờ của Người chưa đến, nên họ vẫn chưa làm được gì.
 
Tự do: “tự” là “từ”, “do” là “Nguyên Do”, bao lâu chúng ta ý thức rằng: mình từ Thiên Chúa, từ Nguyên Do viết hoa mà đến, thì chúng ta được tự do; bao lâu, chúng ta ỷ vào sức mình, coi mình là tất cả, không cần đến Chúa, thì lúc bấy giờ, chúng ta mất tự do, và chúng ta phải “tự lo”, phải tự đối mặt với muôn vàn nỗi lo khác nhau. Ước gì chúng ta biết đặt niềm tin tưởng vững vàng vào Chúa, nhất là, trong những hoàn cảnh tưởng chừng như bi đát nhất, Chúa sẽ giải cứu những ai thành tâm cầu khẩn Người, Chúa luôn biết điều gì tốt nhất cho chúng ta, chúng ta hãy vững tin vào Chúa. Ước gì được như thế!


KIỆT TÁC CỦA SỰ THÁNH THIỆN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó!”.

Trong sách Xuất Hành, từ chương 25-30, Chúa chỉ thị cho Môsê cách thức thiết kế Nhà Tạm, Hòm Bia, bàn thờ và phẩm phục... Môsê phải tìm các nghệ nhân. Họ lấy vàng, bạc, vải và đá quý để thiết kế chúng lộng lẫy nhất có thể. Mục đích của Chúa gợi lên mục đích chung cho mọi công trình lớn nhỏ của Ngài: “Tôn vinh vẻ huy hoàng của Thiên Chúa và biểu lộ vinh quang Ngài”. Chúng phải là những ‘kiệt tác của sự thánh thiện!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến những ‘kiệt tác của sự thánh thiện’. Chúng không chỉ là những gì được đem vào cung thánh đền thờ, nhưng còn là những chứng từ không lời. Đó là những việc làm tốt lành của một chứng nhân đích thực!

Chúa Giêsu tiết lộ một điều hết sức quan yếu: đức tin không chỉ đặt nền tảng trên những gì Thiên Chúa hứa, nhưng còn trên những việc Ngài làm! Công việc vĩ đại nhất Chúa Cha đã làm là phục sinh Chúa Con mà Giáo Hội sắp tưởng niệm. Và Chúa Con vẫn tiếp tục thực hiện các công trình của Cha qua các chứng nhân của Ngài và qua các Bí tích; đặc biệt, Thánh Thể và Hoà Giải. Đó cũng là những ‘kiệt tác của sự thánh thiện!’.

Chúng ta không đánh giá thấp tầm quan trọng và sức mạnh của những lời chứng cá nhân trong một thế giới ngập tràn thông tin thuộc mọi kiểu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hỗn tạp này, chỉ những ‘kiệt tác của sự thánh thiện’ mới có thể nói tiếng nói mạnh nhất, vang vọng nhất! Về điểm này, Phaolô VI có một câu bất hủ, “Người đương đại cần lời chứng hơn lý lẽ!”. Các việc chúng ta làm có phù hợp với những lời chúng ta nói không? Chúng có nói lên điều bạn và tôi tuyên xưng? Hay “Tất cả chỉ là từ ngữ?”.

Kết thúc Tin Mừng hôm nay, Gioan viết, “Ở đó, nhiều người đã tin vào Chúa Giêsu”. Dẫu bao chống đối, lời nói và việc làm của Chúa Giêsu vẫn có khả năng thâm nhập trái tim con người. Sự chống đối khủng khiếp; thậm chí, thâm độc, không thể cản trở người khác tin vào Ngài. ‘Mầu nhiệm’ này lặp đi lặp lại trong đời sống Hội Thánh! Ở đâu có sự chống đối lớn nhất đối với Tin Mừng, ở đó luôn có những ‘kiệt tác hoán cải’ lớn nhất!

Từ thời Cựu Ước, Giêrêmia đã trải nghiệm một niềm vui tương tự. Dẫu bao bạo hành, bách hại của dân mình, Giêrêmia vẫn chứng tỏ là một người được Chúa sai đến để hoán cải họ; lời nói và việc làm của ông đầy thuyết phục, “Hãy ca tụng Chúa, vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo!” - bài đọc một. Thánh Vịnh đáp ca có chung một tâm tình, “Lúc ngặt nghèo, tôi kêu cầu Chúa; Người đã nghe tiếng tôi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Nếu tôi làm các việc đó!”. Hãy chiêm ngắm một Giêsu từ máng cỏ Bêlem cho đến một Giêsu giãy giụa trên đồi Canvê để thấy “việc” Thiên Chúa làm! Hãy trầm mình sâu lắng bên Thánh Thể để hiểu Thiên Chúa là ai, Giêsu là ai, may ra con tim của bạn và tôi có thể dịch chuyển. Nếu các việc làm của Chúa Con tiết lộ danh tính Ngài, thì “thập giá” là kiệt tác biểu lộ danh tính Ngài trọn vẹn nhất, Ngài là Con Thiên Chúa! Nhờ ‘kiệt tác tử nạn và phục sinh’ của Ngài, bạn và tôi được tái sinh, không chỉ để trở nên một tạo vật mới, nhưng còn là những kiệt tác cho vinh quang Thiên Chúa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dạy con không bắt đầu từ đâu khác, cho bằng khởi đi từ việc hoán cải chính mình và con cũng trở nên một ‘kiệt tác’ của Chúa. Tại sao không?”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây