Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 18/09/2023 01:05 |   191
“Tôi phải ví thế hệ với ai? Họ giống ai? Họ giống lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói: Tụi tôi thổi sáo cho các anh mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám mà các anh không khóc than.” (Lc 7,31-32)

20/09/2023
THỨ TƯ TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN
Thánh Anrê Kim Têgon, Phaolô Chong Hasang và các bạn tử đạo

t4 t24 TN

Lc 7,31-35

 
ĐÂU CHỈ LÀ CHUYỆN TRẺ CON
“Tôi phải ví thế hệ với ai? Họ giống ai? Họ giống lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói: Tụi tôi thổi sáo cho các anh mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám mà các anh không khóc than.” (Lc 7,31-32)

Suy niệm: Trò chơi của đám trẻ nơi phố chợ ‘trẻ con’ thật đó, nhưng nó lại phản ảnh được thói tật đã trở thành thâm căn cố đế nơi tâm thức con người ta. Đó là bệnh “đạo diễn”: muốn biến mọi người khác thành con rối dưới sự điều khiển của mình. Và còn tệ hại hơn, con người còn muốn đạo diễn cả Thiên Chúa nữa. Và khi sự việc không diễn ra như lòng họ mong muốn, những “nhà đạo diễn” tự xưng ấy quy kết rằng tại người khác, tại Thiên Chúa đã không ‘diễn’ theo đúng ‘kịch bản’ của họ. Và đó cũng là lý do tại sao họ chưa ăn năn sám hối, tại sao họ chưa lãnh nhận được sứ điệp của Chúa.

Mời Bạn: Có hai thái độ sống đối nghịch nhau:

- thái độ của lũ trẻ con: muốn bắt ép cả Thiên Chúa phải làm theo ý muốn của chúng;

- và thái độ của người con: sẵn sàng tìm kiếm và vâng phục ý muốn của Chúa Cha như Chúa Giê-su đã thực hiện.

Bạn chọn thái độ nào?

Chia sẻ: Xem lại cách sống của bạn, hay nhóm của bạn. Xét xem bạn hay nhóm của bạn đang sống trong thái độ nào. Bạn hay nhóm của bạn hãy chọn một thái độ sống và thể hiện thái độ đó bằng một việc làm cụ thể.

Sống Lời Chúa: Mỗi khi bắt đầu một ngày mới, bạn hãy nói lên với Chúa quyết tâm chọn lựa cơ bản của mình: vâng phục ý Chúa Cha như một người con thảo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Người Con đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng, xin ở với con luôn mãi và giúp con trong mọi giây phút của cuộc sống đều biết thưa với Chúa Cha: “Xin cho ý Cha thể hiện, dưới đất cũng như trên trời”. Amen.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ TƯ TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin ban bình an cho những ai trông cậy vào Chúa, xin cho các tiên tri của Chúa được trung trực; xin nhậm lời cầu nguyện của tôi tớ Chúa, và của Is-ra-el dân Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là Ðấng sáng tạo và điều khiển muôn loài, xin nhìn đến chúng con và cho chúng con biết tận tình thờ phượng Chúa, hầu luôn được cảm thấy rõ ràng lòng Chúa yêu thương. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tm 3, 14-16

“Thật lớn lao thay mầu nhiệm của tình thương”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, cha viết cho con những điều này, cha hy vọng ngày gần đây sẽ đến gặp con. Nhưng nếu cha còn trì hoãn, thì thư này giúp cho con biết phải cư xử thế nào trong nhà Thiên Chúa, là Hội thánh Thiên Chúa hằng sống, là cột trụ và nền tảng chân lý. Rõ thực lớn lao thay mầu nhiệm của tình thương, là mầu nhiệm đã được tỏ hiện trong xác thịt, minh chính trong Thánh Thần tỏ hiện cho Thiên Thần, rao giảng cho Dân Ngoại, kính tin trong thế gian, siêu thăng trong vinh hiển.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 110, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Vĩ đại thay công cuộc của Chúa (c. 2a).

Xướng: Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi!

Xướng: Công cuộc của Chúa là sự hùng vĩ oai nghiêm, và đức công minh của Người muôn đời tồn tại. Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng nhớ, Người thực là Ðấng nhân hậu từ bi.

Xướng: Chúa đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Người, cho tới muôn đời Người vẫn nhớ lời minh ước. Chúa tỏ cho dân Người thấy công cuộc quyền năng của Người, hầu ban cho họ được phần sản nghiệp của chư dân.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 12, 31 – 13, 13

“Ðức tin, đức cậy, đức mến vẫn tồn tại, nhưng đức mến là trọng hơn cả”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, anh em hãy cầu mong những ơn cao trọng hơn. Và tôi chỉ bảo anh em một con đường hoàn hảo nhất. Nếu tôi nói được các tiếng của loài người và thiên thần, mà tôi không có bác ái, thì tôi chỉ là tiếng đồng la vang dội hoặc não bạt vang động. Và nếu tôi được nói tiên tri, thông biết mọi mầu nhiệm và mọi khoa học; nếu tôi có đầy lòng tin, đến nỗi chuyển dời được núi non, mà không có bác ái, thì tôi vẫn là không. Nếu tôi phân phát hết gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, nếu tôi nộp mình để chịu thiêu đốt, mà tôi không có bác ái, thì không làm ích gì cho tôi.
Bác ái thì kiên tâm, nhân hậu. Bác ái không đố kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ, không nổi giận, không suy tưởng điều xấu, không vui mừng trước bất công, nhưng chia vui cùng chân lý. Bác ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, trông cậy tất cả, chịu đựng tất cả.
Bác ái không khi nào qua đi, ơn tiên tri sẽ bị huỷ diệt, ơn ngôn ngữ sẽ chấm dứt, ơn thông minh sẽ biến mất. Vì chưng chúng ta hiểu biết có giới hạn, chúng ta nói tiên tri có giới hạn, nhưng khi điều vẹn toàn đến, thì điều có giới hạn sẽ biến đi. Khi còn bé nhỏ, tôi nói như trẻ nhỏ, suy tưởng như trẻ nhỏ, lý luận như trẻ nhỏ; nhưng khi tôi đã trưởng thành, tôi loại bỏ những gì là trẻ nhỏ. Hiện giờ, chúng ta thấy mờ mịt qua tấm gương, nhưng lúc bấy giờ, diện đối diện. Hiện giờ, tôi biết có giới hạn, nhưng lúc bấy giờ, tôi sẽ biết như tôi được biết. Hiện giờ, đức tin, đức cậy, đức mến, tất cả ba đều tồn tại, nhưng trong ba nhân đức, đức mến là trọng hơn cả.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 32, 2-3. 4-5. 12 và 22

Ðáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình (c. 12b).

Xướng: Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. Hãy ca mừng Người bài ca mới, hát mừng Người với tiếng râm ran.
Xướng: Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa.

Xướng: Phúc thay quốc gia mà Chúa là Chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.

Alleluia: Tv 147, 12a và 15a

Alleluia, alleluia! – Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa, Ðấng đã sai lời Người xuống cõi trần ai. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 7, 31-35

“Chúng tôi đã thổi sáo mà các anh không nhảy múa, chúng tôi đã hát những điệu bi ai mà các anh không khóc”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Ta sẽ phải nói những người của thế hệ này giống ai đây? Họ giống ai? Họ giống như những đứa trẻ ngồi ngoài đường phố gọi và nói với nhau rằng:
“Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa.
“Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc”.
Bởi vì khi Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ngươi bảo: “Người bị quỷ ám”. Khi Con Người đến có ăn có uống, thì các ngươi lại nói: “Kìa con người mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi”. Nhưng sự khôn ngoan đã được minh chính bởi tất cả con cái mình”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con cầu nguyện và thương nhận những lễ vật này để hiến lễ mỗi người chúng con dâng mà tôn vinh Danh Thánh, giúp mọi người đạt tới ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Ôi Thiên Chúa, cao quý thay ân sủng của Ngài. Con người ta tìm nương tựa trong bóng cánh của Ngài.

Hoặc đọc:

Chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa, là thông hiệp với máu Chúa Kitô, và tấm bánh mà chúng ta bẻ ra, là thông phần vào mình Chúa.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin làm cho sức mạnh của bí tích này tràn ngập chúng con cả hồn lẫn xác, để chúng con không còn sống theo những cảm nghĩ tự nhiên, nhưng luôn theo ơn Thánh Thần hướng dẫn. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

HÃY TÔN TRỌNG SỰ THẬT ( Lc 7, 31-35)
Giuse Vinh sơn Ngọc Biển, SSP

Gioan Tiền Hô là một người cao trọng hơn hết mọi người nam. Đây chính là lời khen ngợi của Đức Giêsu dành cho ông. Tuy nhiên không phải ai cũng là người nghe ông, cụ thể là các người Pharisêu và Luật sĩ đã khước từ lời của Gioan.

Trước tình trạng đó, Đức Giêsu đã nhận định về lập trường và thái độ của các người Pharisêu và Luật Sĩ như sau: họ giống như lũ trẻ ngồi ở ngoài phố chợ, gọi nhau mà bảo:

“Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa!”.

“Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc”!.

Hình ảnh của lũ trẻ và lời nói của Đức Giêsu, hẳn cho chúng ta thấy Ngài lên tiếng khiển trách nặng nề về sự mập mờ, gian dối và hay đổi trắng thay đen, nói một đàng làm một nẻo của các người Pharisêu và Luật Sĩ. Họ giống như lũ trẻ nơi phố chợ. Vì thế, những lời họ nói chẳng đáng tin tưởng vì không có giá trị.

Hình ảnh của các người Pharisêu và Luật Sĩ hẳn cũng còn đầy dẫy trong xã hội của chúng ta hiện nay. Khi thì chỗ này, lúc chỗ kia, vẫn còn đó những con người luôn tìm mọi cách bóp méo sự thật, bẻ cong ngòi bút để chụp mũ người lương thiện, công chính. Họ thuộc hạng nói dối chuyên nghề, nên đâu còn chỗ cho Lương Tâm lên tiếng!!! Vì thế, chúng ta không lạ gì khi vẫn thấy xuất hiện những hạng người “nổ” rất lớn với những lời lẽ “đao to búa lớn”; “rất kêu”, nhưng thực ra những lời đó chẳng khác gì lời nói của con nít, không đáng để chúng ta tin tưởng, bởi lẽ họ “nói mà không làm”; hay “nói một đàng, làm một nẻo”.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống và làm chứng trong sự thật, có thế, chúng ta mới được người khác tôn trọng, bằng không, chúng ta chỉ như bọn trẻ nơi phố chợ mà thôi!

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con đừng rơi vào tình trạng của các người Pharisêu và Luật Sĩ khi xưa là: cố chấp, bảo thủ, lập lờ và gian dối. Xin cho chúng con biết sử dụng trí tuệ Chúa ban để phục vụ cho công lý và sự thật. Amen.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Anrê Kim Têgon, Phaolô Chong Hasang và các bạn tử đạo

Ca nhập lễ

Linh hồn các Thánh, những Đấng đã theo chân Chúa Kitô, được vui mừng trên trời; và vì yêu mến Người, các ngài đã đổ máu mình ra, bởi thế các ngài luôn luôn hân hoan với Chúa Kitô.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là Ðấng tạo thành và cứu độ muôn dân. Chúa đã mời gọi dân tộc Triều Tiên đón nhận đức tin công giáo để gia nhập cộng đoàn dân Chúa chọn. Chúa lại ban cho cộng đoàn này tăng trưởng nhờ lời tuyên xưng đức tin của các bậc anh hùng là hai thánh An-rê Kim, Phao-lô Chung cùng các bạn, tử đạo. Xin nhận lời cầu nguyện của các ngài mà ban cho chúng con biết noi gương các ngài để lại là trung thành tuân giữ giới răn Chúa cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc

Phụng vụ Lời Chúa (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin ghé mắt nhân từ nhìn đến lễ vật của cộng đoàn dân Chúa. Nhờ lời chuyển cầu của hai thánh An-rê Kim, Phao-lô Chung và các bạn, tử đạo. Xin biến đổi chúng con thành của lễ được Chúa chấp nhận, để chúng con có khả năng góp phần vào công trình cứu độ thế giới. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Các con đã kiên trì với Thầy trong cơn gian nan của Thầy, và Thầy sắp đặt Nước trời cho các con, để các con sẽ được ăn uống đồng bàn trong nước Thầy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong lễ mừng các thánh tử đạo hôm nay, Chúa đã dùng bí tích Thánh Thể để ban sức mạnh cho chúng con. Xin cũng giúp chúng con ngày càng kết hợp mật thiết hơn với Con Một Chúa, nhờ đó, trong Hội Thánh chúng con sẽ cộng tác tích cực hơn vào công trình cứu độ. Chúng con cầu xin…
 

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Anrê Kim Taegon và Phaolô Chong Hasang được phong thánh cùng với một trăm mười một vị tử đạo khác do Đức Gioan Phaolô II, năm 1984, nhân dịp Đức giáo hoàng tới Triều Tiên. Lễ kỷ niệm được ghi vào lịch năm 1985, định vào ngày giữa 16 tháng 9, kỷ niệm thánh Anrê Kim tử đạo, bị chặt đầu ở Séonl, và 22 tháng 9, ngày tử đạo của thánh Phaolô Chong, cũng bị hành quyết năm 1846.

Việc truyền giáo cho Triều Tiên bắt đầu từ thế kỷ XVII, nhờ lòng can đảm của một số giáo dân; họ đã lập nên một cộng đoàn sốt sáng tồn tại cho tới khi các thừa sai người Pháp tới. Các vị tử đạo tôn kính hôm nay đều thuộc cộng đoàn đó, tất cả đều là người Triều Tiên, trừ ba vị giám mục và bảy linh mục thuộc Hội truyền giáo hải ngoài Paris, đều bị hành quyết trong các cuộc bách hại 1839, 1846. Trong số đó có thánh Laurent Imbert, sinh tại Aix-en-Provence, thụ phong giám mục tại Triều Tiên, tử đạo năm 1839, thánh Pierre Maubant và Jacques Chastan.

Anrê Kim Taegon sinh trong một gia đình quyền quí ở Triều Tiên. Thân phụ là ông Ignace cũng tử đạo, năm 1821. Ngày nay chúng ta còn lưu giữ được hai bức thư của cha Kim: một lá viết từ trong tù gửi cho giám mục Ferréol, người đã truyền chức linh mục cho cha tại Macao, Trung Quốc; lá thư thứ hai gửi các đồng đạo Triều Tiên khác. Thánh Anrê Kim Taegon là linh mục tử đạo thứ nhất người Triều Tiên.

2. Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện trên lễ vật nhấn mạnh tính phổ quát trong nhiệm cục cứu rỗi của Chúa, là “Đấng sáng tạo và là sự cứu rỗi cho mọi dân tộc”. Vậy nên Giáo hội tự bản chất phải truyền giáo, như Công đồng Vaticanô II nhắc nhở: “Được Chúa sai đến với lương dân để trở thành bí tích cứu rỗi mọi người, Giáo hội, vì các yêu cầu nội tại do tự bản chất phổ quát của mình và tuân theo lệnh truyền của Đấng sáng lập (Mc 16,16) hết sức cố gắng hướng tới việc rao giảng cho mọi người” (TG 1).

Đề tài khác được phụng vụ trong ngày triển khai là tử đạo được Giáo hội xem là ơn huệ lớn lao và là chứng cứ của lòng mến siêu việt (LG 42). Chính nhờ tử đạo mà hạt giống rơi xuống đất mang lại nhiều hoa trái (Ga 12,24).

Enzo Lodi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây