Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 14/09/2023 02:39 |   166
“Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.” (Lc 6,43-49)

16/09/2023
THỨ BẢY TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
Thánh Cornêliô, giáo hoàng và Xyprianô, giám mục, tử đạo

t7 t23 TN

Lc 6,43-49


CHÉN THÁNH CHỨA ĐẦY ĐỨC KI-TÔ
“Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.” (Lc 6,43-49)

Suy niệm: Cổ nhân có câu: “Hữu ư trung tất hình ư ngoại” thật đúng như Lời Chúa nói với chúng ta: “Lòng có đầy, miệng mới nói ra.” Muốn nhận định tình trạng tâm hồn mình thì cứ xét chất lượng những “sản phẩm” đầu ra của nó là rõ. “Xem quả thì biết cây”: cây tốt thì sinh trái tốt. Tuy nhiên, lắm khi chúng ta nhận định sai vì chỉ mới ‘xem mặt’ đã vội ‘bắt hình dong’: Có những lời nói việc làm nhìn bên ngoài thật đẹp thật tốt, nhưng nếu xét đến động cơ, ý hướng của chúng mới thấy thực ra đó là những viên thuốc độc bọc đường.

Mời Bạn “bắt mạch” tâm hồn mình: Bạn có lỡ quen miệng, hễ mở miệng ra là nói tục? Bạn có thích mua vui bằng cách kể chuyện tục tĩu hoặc nói xấu người khác? Bạn có ‘bệnh’ ăn nói khoa trương quá sự thật? Hoặc ‘bệnh’ nặng đến độ “bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao” không? Nếu bạn thấy những triệu chứng đó nơi mình, đó là dấu tâm hồn bạn đang bị nhiễm độc; bạn cần “tẩy độc”, “thay máu” tâm hồn mình rồi đó.

Cha Chautard có ‘kê đơn’ cho những ai mắc bệnh này: “Hãy trở nên chén thánh chứa đầy Đức Ki-tô” bằng các ‘vị thuốc’ thần hiệu: siêng năng nghiền ngẫm Lời Chúa và rước Thánh Thể. Lòng có đầy Đức Ki-tô thì mới nói Đức Ki-tô cho người khác được.

Sống Lời Chúa: Dùng thang thuốc của cha Chautard: mỗi ngày 5 phút suy niệm Lời Chúa và rước lễ hằng ngày, nếu không thể rước lễ cách hữu hình thì ít là rước lễ thiêng liêng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa chiếm ngự con bằng ý chí của Chúa, để con chỉ muốn điều Chúa muốn; xin đổ đầy tâm hồn con bằng tình yêu của Chúa, để con chỉ yêu những gì Chúa yêu.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa là Đấng công minh và xét xử chính trực; Xin Chúa đối xử với tôi tớ Chúa theo lượng từ bi của Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, nhờ Ðức Kitô Con Một Chúa, Chúa đã thương cứu chuộc chúng con và nhận làm nghĩa tử, xin lấy tình cha mà âu yếm đoái nhìn; này chúng con là những kẻ tin kính Ðức Kitô, xin cho chúng con được trở nên những người tự do đích thực và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tm 1, 15-17

“Người đã đến trong thế gian này để cứu độ những người tội lỗi”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Lời nói chân thật và đáng tiếp nhận mọi đàng là: Ðức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian này, để cứu độ những người tội lỗi, trong số ấy, cha là người thứ nhất. Vì thế, cha được hưởng nhờ ơn thương xót, là Ðức Giêsu Kitô tỏ ra tất cả lòng khoan dung trong cha trước hết, để nêu gương cho những ai sẽ tin vào Người hầu được sống đời đời. (Nguyện) danh dự và vinh quang (quy về) Thiên Chúa độc nhất, hằng sống, vô hình, là Vua muôn đời! Amen.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 112, 1-2. 3-4. 5a và 6-7

Ðáp: Nguyện danh Chúa được chúc tụng đến muôn đời (x. c. 2).

Xướng: Hãy ngợi khen, hỡi những người tôi tớ Chúa, chư vị hãy ngợi khen danh Chúa. Nguyện danh Chúa được chúc tụng từ bây giờ và cho đến muôn đời.

Xướng: Từ mặt trời mọc lên tới khi lặn xuống, nguyện cho danh Chúa được ngợi khen. Chúa siêu việt trên hết thảy chư dân, trên muôn cõi trời, là vinh quang của Chúa.

Xướng: Ai được như Thiên Chúa chúng tôi, Người để mắt nhìn coi khắp cả trên trời dưới đất? Người nâng kẻ hèn hạ lên khỏi trần ai, và rước người nghèo khó khỏi nơi phẩn thổ.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 10, 14-22a

“Chỉ có một bánh, nên chúng ta tuy nhiều, cũng chỉ làm thành một thân xác”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, anh em hãy xa lánh sự thờ lạy các ngẫu tượng. Tôi muốn nói với những người biết điều! Ðiều tôi tuyên bố, anh em hãy xét thử! Chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa, chẳng phải là thông hiệp với Máu Chúa Kitô sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra, chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao? Bởi vì chỉ có một bánh, mà tất cả chúng ta đều thông phần vào một bánh đó, nên chúng ta tuy nhiều, cũng chỉ làm thành một thân xác. Anh em hãy xem Israel về phần xác: Nào những kẻ ăn của tế lễ, chẳng phải là thông phần vào bàn thờ sao?
Vậy nói thế nghĩa là gì? Tôi nói, của lễ dâng lên ngẫu tượng có là cái gì đâu? Hay ngẫu tượng có là cái gì đâu? Nhưng các dân ngoại tế lễ, là tế lễ cho ma quỷ, chứ không phải cho Thiên Chúa. Nhưng tôi không muốn anh em giao kết với ma quỷ. Anh em không thể uống cả chén của Chúa, cả chén của ma quỷ được. Anh em không thể thông phần vừa vào bàn tiệc Chúa, vừa vào bàn tiệc ma quỷ được. Hay là chúng ta muốn chọc tức Chúa?

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 115, 12-13. 17-18

Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ (c. 17a).

Xướng: Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa.

Xướng: (Lạy Chúa,) con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài.

Alleluia: x. Cv 16, 14b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời của Con Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 6, 43-49

“Tại sao các con gọi Thầy “Lạy Chúa, lạy Chúa”, mà không thi hành điều Thầy dạy bảo?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu, và cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái trái vả nơi bụi gai, và người ta cũng không hái trái nho nơi cây dâu đất. Người tốt phát ra điều tốt từ kho tàng tốt của lòng mình, và kẻ xấu phát ra điều xấu từ kho tàng xấu của nó, vì lòng đầy thì miệng mới nói ra. Tại sao các con gọi Thầy: “Lạy Chúa, lạy Chúa”, mà các con không thi hành điều Thầy dạy bảo? Ai đến cùng Thầy, thì nghe lời Thầy và đem ra thực hành. Thầy sẽ chỉ cho các con biết người ấy giống ai. Người ấy giống như người xây nhà: ông ta đào sâu và đặt nền móng trên đá. Khi có trận lụt, dù nước ùa vào nhà, cũng không làm cho nó lay chuyển, vì nhà đó được đặt nền trên đá. Trái lại, kẻ nghe mà không đem ra thực hành, thì giống như người xây nhà ngay trên mặt đất mà không có nền móng. Khi sóng nước ùa vào nhà, nó liền sụp đổ, và nhà đó bị hư hại nặng nề”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa uy linh cao cả, Chúa làm cho chúng con biết nhiệt thành phụng sự Chúa và sống hoà thuận thương yêu nhau. Ước chi của lễ này giúp chúng con tôn thờ Chúa cho phải đạo và ước chi tiệc Thánh chúng con cùng nhau chia sẻ thúc đẩy chúng con nên ý hợp tâm đầu. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn tôi khát Chúa, Chúa trời ôi, hồn tôi khát Chúa Trời, Chúa trời hằng sống.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ta là sự sáng thế gian; ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã dùng lời Chúa và Bánh Thánh để dưỡng nuôi và thêm sức mạnh cho chúng con; xin cho chúng con biết tận dụng những hồng ân này hầu đáng được thông phần sự sống của Ðức Kitô luôn mãi. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy Niệm

NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐÍCH THỰC (Lc 6,43-49)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Tất cả lời giảng dạy và dụ ngôn hôm nay nhấn mạnh đến tiêu chuẩn của một người môn đệ đích thực: không phải cần một niềm tin trên lý thuyết, trên môi miệng… nhưng điều cần thiết nhất là phải thi hành ý Thiên Chúa, sống theo lời Đức Giê-su dạy. Chúng ta không thể nói rằng mình tin yêu Chúa, mà cuộc sống của chúng ta lại không theo giáo huấn của Người. Mỗi tín hữu cần xác tín rằng chỉ có Đức Giê-su và ánh sáng Lời Người là con đường duy nhất dẫn chúng ta đến sự sống vĩnh cửu. Ngoài Đức Giê-su, không ai có thể cho chúng ta sự sống đích thực.

2. Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su đưa ra dụ ngôn cây và trái“Không có cây nào tốt mà sinh quả sâu…”. Chúa muốn dạy rằng: muốn có trái thì phải chăm sóc cây. Đó là một qui luật hết sức căn bản mà ai cũng biết. Cây tốt thì sinh trái tốt. Cây xấu không thể sinh trái tốt được. “Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Lc 6,45).

Tất cả những điều Đức Giê-su dạy đều rất hay. Nhưng nếu chỉ có nghe suông thôi thì chẳng có ích lợi gì, và những người như thế cũng chẳng đáng làm môn đệ của Chúa. Họ chẳng khác gì một ngôi nhà được xây trên cát. Còn những ai chẳng những nghe mà còn thi hành, thì người đó mới xứng đáng là môn đệ Ngài. Họ như ngôi nhà dược xây trên đá vững chắc.

3. Điều kiện để được vào Nước Thiên Chúa không hệ tại ở việc tuyên xưng hay kêu cầu danh Chúa ngoài môi miệng, mà là việc thực thi ý Chúa. Thực thi ý Chúa nghĩa là đem những lời Chúa dạy trong Tin Mừng ra thực hành trong đời sống. Và ai thực hành Lời Chúa thì có một nền tảng vững chắc trong đức tin và lòng yêu mến.

Tình yêu mà chỉ dừng lại nơi đầu môi chót lưỡi thì là thứ tình yêu giả dối. Đức Giê-su đã nói: Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ lời Thầy” (Ga 14,23). Như thế, việc tuân giữ Lời Chúa là thể hiện lòng yêu mến đích thực. Chúng ta không thể nói yêu mến Chúa mà lại không giữ Lời Ngài, vì như thế là nói dối. Thật vậy, giữa tin có Chúa và yêu mến Chúa phải là một khi tuân hành ý Chúa.

4. Người ta vẫn thường nói “con đường dài nhất là từ tai đến tay” nghĩa là dễ nghe, dễ hiểu nhưng để đem ra thực hành  thì khó biết là ngần nào. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su cũng khiển trách các môn đệ chỉ nghe Lời Chúa và thưa: “Lạy Chúa! Lạy Chúa” nhưng không thi hành Lời Ngài dạy. Biết bao điều Chúa đã dạy, đã nêu gương và nhắc nhở mỗi ngày thế mà uổng phí công lao: Ta trông mong nó thực hành điều chính trực nhưng đây toàn sự gian ác. Ta trông mong nó thực hành đức công bình nhưng đây toàn là tiếng kêu oan” (Is 5,7). Hãy để Lời Chúa sinh nhiều hoa trái tốt lành thánh thiện nhờ khám phá ra sự hiện diện của Chúa trong mọi người (5 phút Lời Chúa).

5. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Phải chăng chúng ta đang sống theo chủ trương tách biệt niềm tin và cuộc sống? Phải chăng chúng ta  không đo lường niềm tin theo một vài biểu dương bên ngoài? Bao lâu cái cốt lõi của đạo là niềm tin, tình yêu thương, chưa ăn sâu vào từng sinh hoạt cuộc sống chúng ta, thì quả thực chúng ta chỉ là những kẻ nói: “Lạy Chúa! Lạy Chúa”, mà không hề thực thi Lời Chúa. Sống như thế chỉ là làm ô danh sự đạo và phạm đến giới răn cấm kêu tên Chúa vô cớ (R.Veritas).

Trong một xã hội mà quy luật sống là dối trá, thì Ki-tô hữu chúng ta được mời gọi sống trung thực hơn bao giờ hết. Chúng ta phải sống thế nào để mọi người cảm nhận rằng Chúa Giê-su đang thực sự hiện diện và tác động trong cuộc sống chúng ta, và lời của Ngài có sức cải tạo con người và xã hội.

6. Truyện: Triệt để thi hành luật pháp.

Vào khoảng giữa thế kỷ 19, các dân tộc thuộc vùng núi Caucase ở phía nam nước Nga, được cai trị bởi một quốc vương Hồi giáo nổi tiếng là thanh liêm chính trực. Ưu tiên hàng đầu trong việc chấn hưng đất nước của ông là quét sạch mọi tham nhũng hối lộ.

Ông ban hành một sắc lệnh, theo đó thì tất cả những ai bị bắt quả tang phạm tội tham nhũng và hối lộ sẽ bị phạt đúng 50 roi trước mặt công chúng.

Điều không may xảy ra cho ông, là người đầu tiên bị bắt quả tang phạm tội lại chính là mẹ ông. Sự kiện này làm cho ông đau đớn vô cùng. Không có một luật trừ hay châm chước nào cho sắc lệnh mà chính ông đã ban hành.

Liên tiếp ba ngày liền nhà vua giam mình trong lều của mình. Sang ngày thứ tư ông xuất hiện trước công chúng cùng với thân mẫu. Ông ra lệnh cho hai binh sĩ trói tay mẹ ông và bắt đầu xứ lý theo quy luật.

Thế nhưng khi chiếc roi đầu tiên sắp quất xuống trên người mẹ thì nhà vua chạy đến bên cạnh mẹ. Ông mở trói cho bà. Rồi ra lệnh cho hai binh sĩ trói tay ông, lột áo ông ra và bắt đầu cuộc trừng phạt bằng roi. Đúng 50 roi đã quất xuống trên thân mình nhà vua.

Với thân thể rướm máu và khuôn mặt nhợt nhạt, nhà vua quay về phía dân chúng và nói:

– Bây giờ thì các ngươi có thể ra về. Luật đã được thi hành. Máu của vua các ngươi đã chảy ra để đền bù cho tội lỗi này.

Kể từ ngày đó, trong vương quốc người ta không còn bao giờ nghe đến tội tham nhũng, hối lộ nữa.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Cornêliô, giáo hoàng và Xyprianô, giám mục, tử đạo

Ca nhập lễ

Vị thánh này đã chiến đấu đến chết vì lề luật Chúa, và không sợ hãi lời đe doạ của những kẻ gian ác, vì người đã được xây dựng trên tảng đá vững chắc.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho dân Chúa hai vị mục tử nhiệt thành và cũng là những chứng nhân bất khuất là thánh Co-nê-li-ô và thánh Síp-ri-a-nô. Xin nhận lời hai thánh chuyển cầu, cho chúng con can trường giữ vững đức tin và không ngừng hoạt động cho Giáo Hội được hiệp nhất. Chúng con cầu xin…

Bài đọc

Phụng vụ Lời Chúa (Theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận của lễ chúng con dâng tiến, để kính nhớ ngày các chứng nhân của Chúa chịu tử hình. Chính của lễ này, xưa đã làm cho các thánh Co-nê-li-ô, và Síp-ri-a-nô nên can trường trong cơn bách hại, nay xin cũng làm cho chúng con vững lòng bền chí những khi gặp thử thách gian nan. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa vừa cho chúng con tham dự bí tích Thánh Thể. Xin cũng ban cho chúng con biết noi gương hai thánh Co-nê-li-ô và Síp-ri-a-nô mà nên mạnh mẽ nhờ sức mạnh của Thần Khí để làm chứng cho chân lý Tin Mừng. Chúng con cầu xin…

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Lễ kính các thánh Corneille và thánh Cyprien được Giáo hội Roma cử hành từ thế kỷ IV, kỷ niệm việc tử đạo của thánh Cyprien bị xử trảm ở Carthage năm 258. Lễ được cử hành nơi hầm mộ thánh Corneille ở hang toại đạo Calixte. Nhưng khi lễ kính Thánh giá được đưa vào phương Tây ngày 14 tháng 9, lễ hai thánh Corneille và Cyprien chuyển xuống ngày 26 cùng tháng. Thánh Corneille chết trong khi bị lưu đày trước cuộc tử đạo thánh Cyprien mấy năm sau cũng được nhắc tới chung với thánh giám mục Carthage trong lễ qui Roma để ghi nhớ tình bạn giữa hai vị.

Thánh Corneille người Roma lên thay thế Đức giáo hoàng Fabien năm 251 sau một năm tòa giám mục Roma trống ngôi do cuộc bách hại của hoàng đế Decius, mà theo lời thánh Cyprien, là người “thà thấy một đối thủ nổi lên chống đối mình còn hơn thấy một giám mục của Chúa ở Roma”. Lên ngôi giáo hoàng, Đức Corneille đụng đầu với vấn đề quan trọng là hoà giải các Lapsi, tức là những Kitô hữu trong lúc cấm cách đã chẳng may chối đạo. Đức giáo hoàng muốn có thái độ khoan dung, thứ tha và tái nhập họ, nhưng một linh mục người Roma tên là Novatien tự xưng giám mục đối kháng, tố cáo Ngài là chiếu cố. Thái độ nghiêm khắc của Novatien bị Đức giáo hoàng kế án, trở thành nguồn gốc của giáo hội ly giáo Novatien có mặt tại Roma xứ Gaule, Tây Ban Nha, và mãi tới thế kỷ VII mới tan rã.

Trong cuộc chiến chống lại ly giáo Novatien, Đức giáo hoàng Corneille được sự hỗ trợ của Đức giám mục Cyprien ở Carthage, vì Đức giám mục Cyprien cũng vấp phải những khó khăn tương tự, do nhóm ly giáo nghiêm khắc Félicissime và Novatien. Thời Gallus bắt đầu bách hại đạo (251-253), Đức giáo hoàng Corneille bị đày đi Centumcoellae (phía Bắc Roma), ít lâu sau Ngài qua đời. Sau này thánh Cyprien nêu tên Ngài là tử đạo. Hài cốt Ngài vẫn được tôn kính nơi mộ Ngài trong hang toại đạo Calixte ở Roma.

Thascius Caecilius Cyprianus sinh đầu thế kỷ III ở Carthage, tại đây Ngài trở thành một nhà tu từ nổi tiếng. Do ảnh hưởng của linh mục Caecilius, Cyprien trở lại đạo vào khoảng hai mươi lăm tuổi, được rửa tội tháng 6 năm 245 hoặc 246. Ngài kể lại cuộc cải giáo của mình trong cuốn tiểu luận Gửi Donatus (246). Năm 249, Cyprien được chọn làm giám mục Carthage nhưng cuộc bách hại của Decius (cuối 249) buộc Ngài phải rời thành phố. Ngài viết nhiều thư nâng đỡ các Giáo hội bị bắt bớ. Trở về Carthage năm 251, Ngài cũng đụng đầu với vấn đề Lapsi như Đức giáo hoàng Corneille ở Roma bởi vì có nhiều giáo hữu đã chối đạo trong thời kỳ cấm cách. Hoàn toàn đồng ý với Đức giáo hoàng, Ngài chọn biện pháp nhân từ, vừa chống lại chủ trương quá rộng của một số người xưng đạo, vừa chống thái độ quá nghiêm khắc của một số người khác tập trung chung quanh Félicissime. Ông này bị kết án và bị vạ tuyệt thông do công đồng Carthage năm 251 mặc dầu các giám mục chống đối đã từng truyền chức linh mục, thậm chí cả chức giám mục cho Cyprien.

Nhiều thử thách khác nhanh chóng ập xuống Giáo hội châu Phi: Những cuộc tấn công đốt phá bắt giáo dân làm con tin, trận dịch hạch bị đổ tội cho các Kitô hữu là nguyên nhân. Thánh giám mục Carthage đã mở một cuộc lạc quyên để chuộc các tù binh và tổ chức những cuộc cứu trợ bất kể tôn giáo.

Từ năm 255, đối với thánh Cyprien và các giám mục châu Phi đã nãy sinh vấn đề thành sự của phép rửa do người lạc giáo cử hành. Đức giám mục Carthage và các giám mục châu Phi cho rằng thánh tẩy do người lạc giáo cử hành thì bất thành, ngược lại, Đức thánh giáo hoàng Etienne theo truyền thống Roma, công nhận việc đó. Tranh cãi giữa hai bên suýt đưa tới đổ bể, nhưng cái chết của Đức giáo hoàng Etienne vào năm 257 và cuộc tử đạo của thánh Cyprien năm 258 đã chấm dứt cuộc tranh luận suýt gây tác hại lớn.

Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện trong ngày mừng đồng thời thánh Corneille và thánh Cyprien vừa là những chủ chăn tuyệt vời, vừa là những tử đạo anh hùng. Lời nguyện nhắc chúng ta cầu xin ơn biết “ân cần làm việc cho sự đoàn kết trong Giáo hội”. Bức thư thánh Cyprien gửi đến Đức giáo hoàng Corneille, được Phụng vụ giờ kinh ghi lại, có những dòng sau đây: “Chúng ta chỉ là một Giáo hội, tinh thần chúng ta hợp nhất, sự hợp nhất của chúng ta không thể phân rẽ; giám mục nào lại không vui trước vinh dự một giám mục khác như thể đó là vinh dự của riêng mình”. Theo giáo lý thánh Cyprien về sự hợp nhất của Giáo hội, chính giám mục là trung tâm của sự hiệp nhất đó. Giám mục ở trong Giáo hội và Giáo hội ở trong Giám mục; kẻ nào không cùng với giám mục, không ở trong Giáo hội. Sự hợp nhất ấy được biểu đạt và thực hiện trong Thánh thể. Sự thông hiệp của tất cả các giám mục về đức tin và hoà thuận, trong tình hiệp thông với Ngai tòa Roma, làm nên tính hợp nhất của Giáo hội phổ quát (xem tiểu luận về sự hợp nhất Giáo hội công giáo). Roma, Giáo hội của Phêrô, là dấu hiệu sự hợp nhất của các giám mục với nhau. Tuy nhiên, cần nhận thức rằng giáo lý về Giáo hội của thánh Cyprien và về tính cách tối thượng của giám mục Roma không hoàn toàn mạch lạc và tỏ ra thiếu sót, nhưng đàng khác Ngài lại gọi Giáo hội Roma là Ecclesia principalis (Giáo hội chính) “từ đó phát xuất sự hợp nhất sacerdotale”; cần giữ hiệp thông với Giáo hội ấy, mặc nhiên công nhận Giáo hội ấy có quyền uy trên mọi Giáo hội và chạy đến với giáo hoàng khi cần thiết.

Lời nguyện trên lễ vật, lấy từ Sách lễ Paris năm 1738, cho ta xin ơn “vững bền trong nghịch cảnh” theo gương hai thánh Corneille và Cyprien đã can đảm trong khi bị bách hại. Thư số 57 của thánh Cyprien nhắc lại các phương tiện cần có trước khi “giao chiến”: “không ngừng chay tịnh, cảnh giác, cầu nguyện cùng với toàn dân. Bởi vì đó là những thứ khí giới trời ban để giúp ta đứng vững và can đảm trung kiên”.

Lời nguyện tạ lễ khuyên chúng ta trở nên mạnh mẽ nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần ngõ hầu làm chứng cho chân lý phúc âm.

Tháng 8 năm 257, khi Valérien tung ra một sắc chỉ bắt đạo mới, thánh Cyprien ban đầu bị đày đi Curubio, một thị trấn nhỏ ở Bắc Phi, nhưng chỉ một năm sau, được gọi về Carthage lại. Can đảm và sáng suốt, thánh nhân đã sẵn sàng cho cuộc tử đạo; Ngài viết: “Một giám mục thì nên xưng đạo tại nơi thành phố có Giáo hội mình, và để cho dân chúng của mình nhờ đến sự tuyên xưng ấy”. Biên bản phiên tòa xét xử và câu chuyện cuộc hành quyết Ngài được cuốn công vụ quan thái thú kể lại, còn lưu giữ đến thời chúng ta và Phụng vụ bài đọc có trích một đoạn: “Cuối cùng quan thái thú quyết định tuyên án: Ta truyền phạt Thascius Cyprianus phải bị chặt đầu? Cyprien liền nói: Deo gratias. Tạ ơn Chúa”.

Thánh Cyprien giám mục Carthage và thánh Corneille, giáo hoàng liên kết với nhau bằng một tình bạn chân thành cũng như cùng một tình yêu với Chúa và Giáo hội. Qua gương sáng, các Ngài kêu mời chúng ta làm việc để mọi người cùng có được Giáo hội làm mẹ, hầu cùng có Chúa làm cha: “Chúng ta hãy nhớ đến nhau, hãy chỉ có một tấm lòng, một tâm hồn; mỗi người hãy cầu nguyện cho người khác; vì tình yêu hãy làm nhẹ những khổ cực lo lắng của nhau” (Thư thánh Cyprien gửi Đức giáo hoàng Corneille trong Phụng vụ bài đọc).

Enzo Lodi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây