Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN

Thứ ba - 05/09/2023 21:11 |   296
Như thế tính chung lại thì: từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít là mười bốn đời; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời. (Mt 1,17)

08/09/2023
THỨ SÁU TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN
Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria

Mt 1,1-16.18-23


TA LÀ ĐOÀN CON THIÊN CHÚA
Như thế tính chung lại thì: từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít là mười bốn đời; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời. (Mt 1,17)

Suy niệm: Nhờ còn giữ được gia phả, một gia đình người Hàn Quốc đã tìm được nguồn gốc của mình là nhà Lý ở Việt Nam. Họ hãnh diện về dòng dõi vua chúa của họ.

Thánh Kinh vẫn dùng từ “gia phả” để chỉ tính liên đới của nhiều người thuộc nhiều thế hệ phát sinh từ một gia đình, một nguồn cội. Khi thuật lại gia phả Đức Giê-su, Thánh Kinh muốn nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa loài người từ thời A-đam đến Chúa Ki-tô. Nếu vì liên đới với A-đam và chịu hậu quả bởi tội của A-đam, thì nay, trong Đức Ki-tô, dòng dõi con người cho đến ngày tận thế được ban phúc trở nên dòng dõi các kẻ tin, dòng dõi được Chúa chọn. Hiểu như thế, Mẹ Ma-ri-a không khỏi vui mừng hân hoan, vì Mẹ được thuộc về dòng dõi Đức Ki-tô.

Mời Bạn: Qua bí tích Thánh Tẩy, bạn thuộc về gia đình Thiên Chúa, là dòng dõi các thánh. Có niềm hạnh phúc và tri ân nào nơi tâm hồn bạn, khiến cuộc đời bạn nhảy mừng ngợi khen Thiên Chúa như Đức Ma-ri-a không?

Chia sẻ: “Tôi thích nhà nguyện nhỏ nơi tôi chịu phép Rửa tội hơn là nhà thờ lớn thành Reims, nơi tôi được phong vương”. Lời vua thánh Lu-y nhắc bạn điều gì?

Sống Lời Chúa: Bạn ghi nhớ ngày rửa tội, tên thánh, nhà thờ nơi bạn được rửa tội, và người đỡ đầu của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Cha, con cảm tạ Cha đã tái sinh và cho con trở nên con của Cha trong bí tích Thánh Tẩy. Xin cho con biết hãnh diện tuyên xưng Cha trọn cả cuộc đời của con.

 


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ SÁU TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN

 

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin thương tôi, vì tôi ân cần kêu van Chúa suốt ngày; Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu, khoan dung và giàu lượng từ bi đối với những ai kêu cầu Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, mọi sự tốt lành đều bởi Chúa mà ra, xin cho chúng con thêm lòng tin yêu Chúa, để những gì tốt đẹp nơi chúng con ngày càng phát triển, và được Chúa chăm sóc giữ gìn. Chúng con cầu xin..

Bài Ðọc I: (Năm I) Cl 1, 15-20

“Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Ðức Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật, vì trong Người, muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài, và mọi loài tồn tại trong Người. Người là đầu thân thể, tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng, Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người, và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 4. 5

Ðáp: Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá (c. 2c).

Xướng: Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá

Xướng: Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người, ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi.

Xướng: Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui, hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người.

Xướng: Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn muôn thế hệ.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 4, 1-5

“Chúa sẽ phơi bày những ý định của tâm hồn”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, như vậy người ta coi chúng tôi như những thừa tác viên của Ðức Kitô, và những người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Do đó, người ta đòi hỏi nơi những người phân phát các mầu nhiệm là mỗi người phải trung tín. Phần tôi, tôi không lấy làm quan trọng khi bị anh em hay toà án nhân loại đoán xét; nhưng tôi cũng không đoán xét chính mình tôi. Vì chưng, mặc dầu lương tâm không trách cứ tôi điều gì, nhưng không phải vì thế mà tôi đã được công chính hoá. Ðấng đoán xét tôi chính là Chúa. Vì thế, anh em đừng đoán xét trước thời gian cho đến khi Chúa đến, Người sẽ đưa ra ánh sáng những điều giấu kín trong bóng tối và phơi bày những ý định của tâm hồn, và bấy giờ Thiên Chúa sẽ ban khen tương xứng cho mỗi người.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 36, 3-4. 5-6. 27-28. 39-40

Ðáp: Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ (c. 39a).

Xướng: Hãy trông cậy vào Chúa và hãy làm lành, để được cư ngụ trong đất nước, thọ hưởng an ninh. Hãy hân hoan tin tưởng vào Chúa, Người sẽ ban cho sự lòng bạn thỉnh cầu.

Xướng: Bạn hãy phó thác đường lối mình cho Chúa, hãy trông cậy vào Người và để chính Người hành động. Người sẽ làm cho chính nghĩa bạn sáng như bình minh, và quyền lợi bạn tỏ như giờ ngọ.

Xướng: Hãy tránh ác và hãy làm lành, hầu được an cư tới ngàn thu; bởi vì Chúa yêu điều chân lý, và không bỏ rơi những tôi tớ trung thành.

Xướng: Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ, trong cơn khốn khó, Người là chỗ họ dung thân. Chúa bang trợ và giải thoát họ, Người giải thoát và cứu họ khỏi lũ ác nhân, vì họ đã nương tựa vào Người.

Alleluia: Cl 3, 16a và 17c

Alleluia, alleluia! – Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em; anh em hãy nhờ Ðức Kitô mà tạ ơn Thiên Chúa Cha. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 5, 33-39

“Khi tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ ăn chay”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, những người biệt phái và luật sĩ nói với Chúa Giêsu rằng: “Tại sao môn đồ của Gioan năng ăn chay và cầu nguyện, cả môn đồ của những người biệt phái cũng vậy, còn môn đệ của Thầy lại cứ ăn uống?” Người đáp lại rằng: “Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng? Nhưng sẽ đến những ngày mà tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ sẽ ăn chay trong những ngày ấy”.

Người còn nói với họ thí dụ này rằng: “Không ai xé miếng vải áo mới mà vá vào áo cũ; chẳng vậy, áo mới đã bị xé, mà mảnh vải áo mới lại không ăn hợp với áo cũ. Cũng chẳng ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; chẳng vậy, rượu mới sẽ làm vỡ bầu da, rượu chảy ra và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới phải đổ vào bầu da mới, thì giữ được cả hai. Và không ai đang uống rượu cũ mà lại thèm rượu mới, vì người ta nói: ‘Rượu cũ thì ngon hơn”.

Ðó là lời Chúa

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho của lễ này đem lại cho chúng con muôn vàn ơn phúc, để mầu nhiệm cứu độ chúng con cử hành trong thánh lễ thấm nhập và đổi mới cuộc đời chúng con. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, vĩ đại thay lòng nhân hậu Chúa, lòng nhân hậu Ngài dành để cho những ai kính sợ Ngài.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con đã được bồi dưỡng nơi bàn tiệc thiên quốc; xin cho Bí Tích này giúp chúng con thêm lòng yêu mến, và thúc đẩy chúng con hết lòng phục vụ Chúa trong anh em. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

TRANH LUẬN VỀ VIỆC ĂN CHAY (Lc 5,33-39)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Đức Giê-su bị kêu trách vì môn đệ Người cứ ăn uống. Việc ăn chay, cầu nguyện theo cái nhìn của biệt phái, chứng tỏ mình là con người thánh thiện, đạo đức. Vì các môn đệ của Đức Giê-su không ăn chay nên họ đã đặt vấn đề với Người.

Đức Giê-su không phủ nhận giá trị của việc ăn chay, cũng không trách việc ăn uống. Ăn chay hay ăn uống đúng lúc thì mới hợp lý. Các môn đệ của Chúa cũng sẽ ăn chay khi Người là chàng rể được cất đi. Còn bây giờ, Người còn ở với họ, niềm vui đầy tràn sao bắt họ ăn chay?

2. Theo luật của người Do thái thì buộc mọi người phải giữ chay những ngày quốc tang và những ngày sám hối, tuy vậy, những người Do Thái đạo đức như các biệt phái và môn đệ của Gio-an, muốn noi gương đời sống khắc khổ của thầy mình, còn giữ chay một số ngày khác. Nhóm biệt phái còn ăn chay ngày thứ 2 và thứ 5 mùa thu, nếu trời không mưa. Những người sốt sắng cũng ăn chay vào các ngày đó quanh năm (Lc 18,22).

3. Lời Chúa hôm nay nói đến những người luật sĩ và biệt phái chất vấn Chúa Giê-su về các môn đệ của Ngài không ăn chay và cầu nguyện. Theo quan niệm Do thái thời đó, mục đích của việc ăn chay là để mong đợi Đấng Cứu Thế đến. Thế nhưng, những người biệt phái và các môn đệ của Gio-an chỉ biết ăn chay mà không để ý đến ý nghĩa của việc ăn chay. Họ ăn chay là để lôi kéo sự thán phục của thiên hạ. Đó là điều Chúa Giê-su đã khiển trách họ.

Chúa Giê-su đã dựa vào mục đích việc ăn chay của người Do thái để nói đến việc miễn chuẩn ăn chay: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ” (Lc 5,34). Hay nói đúng hơn, Chúa Giê-su muốn cho mọi người nhận ra rằng: Ngài chính là Đấng Cứu Thế và họ không cần mong đợi gì nữa. Giờ đây là thời của niềm vui, nên con người  không còn phải chay tịnh với vẻ mặt ủ rũ héo tàn, nhưng phải vui mừng vì Chúa đã đến.

Và để giải thích cho điều Ngài dạy, Chúa Giê-su đã đưa hai dụ ngôn sự hiện diện của chàng rể trong đám cưới và dụ ngôn chiếc áo mới và bình rượu mới.

4. Trước hết, Ngài nói đến sự hiện diện của chàng rể: bao lâu chàng rể còn đó, thì việc chay tịnh phải được miễn chuẩn. Trong Cựu Ước, việc giữ chay gắn liền với việc mong đợi Đấng Cứu Thế. Chay tịnh là thể hiện của lòng mong đợi đó. Gio-an Tẩy Giả đã lấy chay tịnh làm quy luật cơ bản cho cuộc sống của ông và cũng như các môn đệ của ông. Như vậy, khi miễn chuẩn cho các môn đệ của Ngài khỏi phải chay tịnh, Chúa Giê-su muốn cho mọi người thấy rằng, Ngài chính là chàng rể, là Đấng Cứu Thế mà họ mong đợi, vì thế mà họ không cần phải chay tịnh để mong chờ nữa. Thời Cứu Thế đã đến rồi. Con người không cần phải chay tịnh, trái lại, họ phải vui mừng hoan hỉ vì những gì họ mong đợi bây giờ đã được toại nguyện rồi.

5. Tiếp theo là dụ ngôn về chiếc áo mới và bình rượu mới.

Khi nói dụ ngôn này Chúa Giê-su muốn cắt nghĩa cho mọi người hiểu, “lý do” tại sao Chúa không bắt các môn đệ của Ngài phải giữ chay. Chúa muốn cho các môn đệ khi sống trong thời đại Cứu Thế thì phải sống theo tinh thần mới. Chúa bảo: “Không nên lấy áo cũ mà vá áo mới, không nên đổ rượu mới vào bầu da cũ” (Lc 5,37). Nói thế Chúa không có ý nói cái mới thì đương nhiên tốt hơn cái cũ. Ở đây rõ rệt Ngài không có ý so sánh mà chỉ có ý nói rằng, lối sống với tinh thần mới và lối sống với tinh thần cũ không thể tương hợp với nhau.

6. Truyện: Tiên trách kỷ, hậu trách bỉ.

“Những người biệt phái và luật sĩ nói với Chúa Giê-su rằng: “Môn đệ ông Gio-an năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người biệt phái cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống” (Lc 5,33).

Cổ nhân chúng ta và các nhà khôn ngoan thường dạy người ta cách cư xử ở đời là: “Tiên trách kỷ, hậu trách bỉ ”: hãy trách mình trước, rồi trách người sau. Hôm nay Chúa Giê-su cũng dạy chúng ta cách cư xử với nhau như vậy:

Nếu cha giảng lâu quá 10 phút thì họ bảo cha chỉ thao thao bất tuyệt.

Nếu cha nói về mầu nhiệm Thiên Chúa thì họ bảo cha nói trên mây trên gió.

Nếu cha đề cập đến các vấn đề xã hội, cha sẽ bị kết án là khuynh tả.

Nếu cha đi làm việc ở nhà máy, họ nghĩ ngay là vì cha không có việc làm.

Nếu cha ở lại trong giáo xứ, có người sẽ nói  cha xa rời quần chúng, cắt liên lạc với thế gian.

Nếu cha hay mỉm cười: cha quá dễ dãi!

Nếu vì đãng trí hay bận tâm, cha không nhìn thấy, người nào đó sẽ nói: cha khinh người!

Nếu cha còn trẻ: cha thiếu kinh nghiệm!

Nếu cha có tuổi: cha nên về hưu thì vừa!

Giêsu ơi! Không thua gì các luật sĩ và biệt phái, con vẫn thường nhìn anh em con bằng con mắt dò xét, khe khắt và hẹp hòi. Con luôn muốn họ phải như con nghĩ chứ không được như họ là. Nếu con cảm thấy thật khó sống với họ và đôi khi thì không thể bắt tay làm việc với họ được. Xin cho con nhìn với đôi mắt của Chúa: nhìn và yêu (Hosanna).


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria

Dẫn vào Thánh Lễ

Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Đức Maria là một thụ tạo ưu tuyển mà Thiên Chúa đã tiền định, để được sinh ra hầu làm Mẹ Đấng Cứu Thế.

Thời gian viên mãn đã đến, Thiên Chúa sai Con Một của Ngài sinh dưới chế độ lề luật, sinh bởi một Trinh Nữ, để ứng nghiệm lời Chúa đã phán qua miệng tiên tri: “Này đây một Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Quả vậy, Đức Maria thật diễm phúc và xứng đáng được ca tụng, vì Mẹ đã sinh ra Mặt Trời Công Chính là Đức Giêsu Ki-tô Chúa chúng ta.

Giờ đây, chúng ta thật lòng thông hối, để cùng với Mẹ, chúng ta dâng lời chúc tụng Thiên Chúa trong thánh lễ mừng kính Sinh Nhật Mẹ hôm nay, để nhờ Mẹ, với Mẹ và trong Mẹ, chúng ta đến với Chúa Giêsu trong Thánh lễ này.

Ca nhập lễ

Chúng ta hãy hân hoan mừng lễ sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã sinh ra mặt trời công chính là Đức Kitô. Chúa chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, ngày sinh nhật của Ðức Giêsu Con Một Chúa, Chúa đã mở đầu kỷ nguyên cứu độ, thì hôm nay ngày sinh nhật của Thánh Mẫu Người, xin Chúa cũng rộng ban muôn phúc lộc, và cho chúng con hưởng bình an. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Mk 5, 2-5a

“Ðến khi người nữ phải sinh, sẽ sinh con”.

Trích sách Tiên tri Mikha.

Ðây lời Chúa phán: “Hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Ðấng thống trị Israel, và nguồn gốc Người có từ nguyên thuỷ, từ muôn đời. Vì thế, Người sẽ bỏ dân Người, cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con. Số còn lại trong anh em Người sẽ trở về với con cái Israel. Người sẽ đứng vững và chăn dắt trong sức mạnh của Chúa, trong thánh danh cao cả của Chúa là Thiên Chúa của Người. Và họ sẽ trở về, vì bấy giờ Người sẽ nên cao trọng cho đến tận cùng trái đất. Vì vậy, Người sẽ là chính sự bình an”.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc: Rm 8, 28-30

“Những kẻ Chúa đã biết trước thì Người đã tiền định họ”.

Trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, chúng ta biết rằng những kẻ yêu mến Thiên Chúa, thì Người giúp họ được sự lành. Họ là những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh. Vì chưng, những kẻ Chúa đã biết trước, thì Người đã tiền định cho họ nên giống hình ảnh Con Người, để Ngài trở nên trưởng tử giữa đoàn anh em đông đúc. Nhưng những ai Người đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; và những ai Người đã kêu gọi thì Người cũng làm cho nên công chính; mà những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho họ được vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 12, 6ab. 6cd

Ðáp: Con sẽ hớn hở vui mừng trong Chúa

Xướng: Xin chớ để kẻ thù con hân hoan vì con quỵ ngã: bởi con đã tin cậy vào đức từ bi của Chúa.

Xướng: Xin cho lòng con hân hoan vì ơn Ngài cứu độ; con sẽ hát mừng Chúa, vì Ngài ban ân huệ cho con.

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Lạy Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ là người có phúc và rất đáng mọi lời ca tụng, vì Mẹ đã sinh ra Mặt trời Công Chính là Ðức Kitô, Chúa chúng con. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 1, 1-16. 18-23

“Bà đã thụ thai bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Sách gia phả của Chúa Giêsu Kitô, con vua Ðavít, con của Abraham.

Abraham sinh Isaac; Isaac sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuđa và các anh em người. Giuđa sinh Phares và Zara; Phares sinh Esrom; Esrom sinh Aram; Aram sinh Aminadab; Aminadab sinh Naasson; Naasson sinh Salmon; Salmon sinh Booz do bà Rahab; Booz sinh Giobed do bà Rút. Giobed sinh Giêsê; Giêsê sinh vua Ðavít.

Ðavít sinh Salomon do bà vợ của Uria; Salomon sinh Robo-am; Roboam sinh Abia; Abia sinh Asa; Asa sinh Giosaphát; Giosaphát sinh Gioram; Gioram sinh Ozia; Ozia sinh Gioatham; Gioatham sinh Achaz; Achaz sinh Ezekia; Ezekia sinh Manas-se; Manasse sinh Amos; Amos sinh Giosia; Giosia sinh Giêconia và các em trong thời lưu đày ở Babylon.

Sau thời lưu đày ở Babylon, Giêconia sinh Salathiel; Sala-thiel sinh Zorababel; Zorababel sinh Abiud; Abiud sinh Eliakim; Eliakim sinh Azor; Azor sinh Sađoc; Sađoc sinh Akim; Akim sinh Eliud; Eliud sinh Eleazar; Eleazar sinh Mathan; Mathan sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuse, là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Ðức Kitô.

Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse, chồng Bà, là người công chính, không muốn tố giác Bà, nên mới định tâm lìa bỏ Bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thì thiên thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; Bà sẽ sinh hạ một Con trai mà ông đặt tên là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Mình khỏi tội”. Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng tiên tri phán xưa rằng:

“Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc bài vắn này: Mt 1, 18-23

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse, chồng Bà, là người công chính, không muốn tố giác Bà, nên mới định tâm lìa bỏ Bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thì thiên thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; Bà sẽ sinh hạ một Con trai mà ông đặt tên là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Mình khỏi tội”. Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng tiên tri phán xưa rằng:

“Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ sự: Anh chị em thân mến! Hiệp thông với niềm vui chung của Hội Thánh mừng ngày sinh nhật của Đức Maria hôm nay, chúng ta xin Mẹ chuyển cầu lên Chúa những tâm tình ước nguyện sau đây:

1. “Người sẽ đứng vững và chăn dắt trong sức mạnh của Chúa” –  Xin cho Hội Thánh luôn biết tin tưởng, phó thác vào sự hướng dẫn, che chở của Mẹ trên đường tiến về Thiên Quốc, nhất là biết bắt chước những nhân đức của Mẹ.

2. “Tôi sẽ hớn hở vui mừng trong Chúa” – Xin cho mọi người biết nghe theo lời Mẹ răn bảo, biết sám hốì và canh tân cuộc sông để đem lại hoà bình cho thế giới và niềm vui cho tâm hồn.

3. “Mẹ đã sinh ra trong cảnh đơn sơ khó nghèo”. – Xin cho những người nghèo khổ biết theo gương Mẹ, sổng tinh thần nghèo khó của Nước Trời, hầu xứng đáng chia sẻ sự giầu sang của Thiên Chúa trên nơi vĩnh cửu mai sau.

4. “Vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần” – Xin cho các bạn trẻ trong giáo xứ chúng ta, siêng năng dự lễ và rước lễ để đem Chúa vào môi trường sông của mình.

Chủ sự: Lạy Cha nhân ái, việc Đức Maria chào đời như rạng đông báo hiệu mặt trời Công Chính là Đức Giêsu Kitô. Xin nhận lời chúng con khẩn nguyện, để cùng Mẹ, chúng con luôn là những chứng nhân giới thiệu Cha cho mọi người, Cha là Đấng Hằng Sông và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Con Một Chúa đã hết tình yêu thương nhân loại, ước gì Người ban ơn trợ giúp chúng con. Xưa khi người giáng sinh, đức đồng trinh của Thánh Mẫu đã không vì thế mà bị tổn thương, nhưng đã được thánh hiến. Nay ước gì Con Một Chúa cũng giải thoát chúng con khỏi tội lỗi và làm cho chúng con trở thành của lễ đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Ðức Mẹ: “trong ngày lễ…”.

Ca hiệp lễ

Này đây một trinh nữ sẽ hạ sinh một Con Trai, Người sẽ cứu dân mình khỏi tội.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh tìm được sức mạnh trong thánh lễ chúng con đang cử hành. Xin cho chúng con cũng tìm được niềm vui trong ngày mừng sinh nhật Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a. Chính Người đã đem đến cho nhân loại niềm hy vọng và ơn cứu độ là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

Lễ sinh nhật Đức Maria
Linh Tiến Khải -Nguồn: radiovatican

DucMe1

Sau khi tìm hiểu lịch sử lễ Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta cũng đã tìm hiểu lịch sử và chỗ đứng của Kinh Mân Côi trong cuộc sống Kitô hữu, đặc biệt là trong cuộc đời các Thánh. Tiếp tục trình bầy các lễ còn lại về Đức Mẹ, hôm nay chúng ta tìm hiểu lễ Sinh Nhật Đức Maria.

Liên quan tới biến cố Đức Maria sinh ra Đức Hồng Y Ildefonso Schuster, Tổng Giám Mục Milano, đã viết một trong những trang ý nghĩa như sau: “Như Evà đầu tiên đã được rút ra từ cạnh sườn của Ađam, cũng thế Đức Maria tất cả rạng ngời sự sống và sự vô tội, sáng chói và vô nhiễm, bước ra từ trái tim của Ngôi Lời vĩnh cửu, là Đấng do công trình của Chúa Thánh Thần, như phụng vụ dậy chúng ta, muốn chính Người nhào nặn thân thể và linh hồn ấy một ngày kia phải dùng làm nhà tạm và đền thờ cho Người. Mẹ là bình minh loan báo ngày đã mọc lên đàng sau các ngọn đồi vĩnh cửu; Mẹ là chồi thần bí nảy sinh từ gốc Giêssê đáng kinh; Mẹ là con sông mới vọt ra từ thiên đàng và sắp tưới gội toàn thế giới; Mẹ là tấm khăn biểu tượng được trải trên mặt đất để đón sương điềm lạ; Mẹ là Evà mới, nghĩa là sự sống và là Mẹ của các người sống, mà trong ngày này sinh ra cho những kẻ đã có Evà như là mẹ của tội lỗi và của cái chết” (I. Schuster, Liber sacramentorum, Marietti, Torino. Edd. divv. VIII, in fine).

Đức Maria là “ngôi sao báo trước mặt trời và là cung lòng của Thiên Chúa nhập thể”. Biến cố Đức Maria sinh ra được diễn tả một cách tổng kết trong điệp ca Benedictus Kinh Thần vụ của ngày lễ: “Việc Mẹ sinh ra, hỡi Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, đã báo trước niềm vui cho toàn thế giới: từ Mẹ đã sinh ra mặt trời công chính, là Chúa Kitô Chúa chúng con: Người đã cất án phạt và đã đem tới ân sủng, đã chiến thắng cái chết và ban lại cho chúng ta sự sống”.

Lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria là một thời sự gây kinh ngạc, bởi vì nó trực tiếp gắn liền với đề tài Chúa Kitô ánh sáng, là một đề tài rất cổ xưa (Giustino, Apl., I,57) và đã được phát triển sau đó, đặc biệt bởi các giáo phụ thuộc thế kỷ thứ IV. Và nó đã được đào sâu trong các tuần lễ phụng vụ quốc gia. Chẳng hạn tuần lễ phụng vụ tại Pescara, trung Italia năm 1977, về đề tài “Chúa nhật ngày của Chúa và Chúa của các ngày”. Kết qủa nó là một đề tài tu đức cũng như đề tài mục vụ, bởi vì nó gắn liền mật thiết với đề tài phục sinh. Hoc giả J. A. Jungmann so sánh cuộc sống của Kitô hữu, coi phục sinh như biến cố của qúa khứ, với một loại hiện hữu khó hiểu, trong đó các thực tại Kitô như bị che kín bởi một làn sương dầy đặc. Trái lại, cuộc sống của Kitô hữu đặt để mầu nhiệm phục sinh vào trung tâm sự hiện hữu của mình, học giả Jungmann so sánh nó với “một cuộc tạo dựng mới, bị xâm chiếm bởi ánh sáng rạng ngời của buổi sáng ngày phục sinh.

Trong phụng vụ lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria, Đức Mẹ liên tục được đặt để trong tương quan với ánh sáng: nếu Chúa Kitô là “mặt trời công chính”, thì Mẹ Maria là bình minh, là ngôi sao báo trước mặt trời, là điểm khởi hành, là cung lòng của Thiên Chúa nhập thể.

Lịch sử cứu độ có một “dẫn nhập” và đẫn nhập đó có tên là Maria: lời nguyện thánh lễ Sinh Nhật Đức Mẹ nói rõ điều đó: “Chức làm mẹ của Đức Trinh Nữ ghi dấu khởi đầu ơn cửu rỗi của chúng con”.

Chính ý niệm này về Đức Maria như là khởi đầu ơn cứu độ của chúng ta đã khiến cho dân chúng đốt các đống lửa lớn trong đêm ngày mùng 7 rạng ngày mùng 8 tháng 9, chẳng hạn như tại đền thánh Đức Mẹ Loreto ở miền trung Italia, để soi sáng các đường phố và quảng trưởng, hầu diễn tả niềm tin yêu của tín hữu đối với Mẹ Maria Ngôi Sao báo trước Mặt Trời, như ở Mitello Val di Catania, nơi có đền thánh kính Đức Bà Ngôi Sao.

Thế chúng ta có các dữ kiện lịch sử và thần học nào chứng minh cho ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ không? Cần phải nói ngay rằng khác với trường hợp của ngày sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả được thánh sử Luca kể lại trong Phúc Âm chương 1,57-66, sách Phúc âm không cho chúng ta biết gì về ngày sinh của Đức Mẹ.

Tài liệu đầu tiên kể lại ngày sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria là mạo thư “Phúc Âm của thánh Giacôbê”, cho biết Đức Maria sinh ra tại Giêrusalem, tại nơi, trên đó trong các năm 400 tới 600 người ta nói tới một vương cung thánh đường dâng kính Đức Mẹ gần hồ tắm Bếdatha có năm hành lang trong thành cổ, ở mạn bắc Đền Thờ Giêrusalem. Sau năm 603 Đức Thượng Phụ Sofronio khẳng định rằng đây là nơi Đức Mẹ đã sinh ra. Sau đó ngành khảo cổ đã xác nhận truyền thống này. Vương cung thanh đường được xây trên ngôi nhà của hai ông bà Gioakim và Anna, thân phụ và thân mẫu của Đức Mẹ, và là nơi Đức Trinh Nữ đã chào đời.

Lễ sinh Nhật Đức Trinh Nữ diễm phúc Maria đã bắt đầu bên Đông Phương, và chắc hẳn là tại Giêrusalem vào thế kỷ thứ V, nơi lưu giữ truyền thống sống động tin rằng có căn nhà nơi Đức Maria đã chào đời. Ngày lễ hẳn đã nảy sinh từ việc thánh hiến một nhà thờ cho Đức Maria gần hồ Bếdatha có năm hành lang, để kỷ niệm biến cố này. Và các truyền thống này gắn liền với đền thánh hiện nay kính thánh Anna, thân mẫu Đức Maria.

Tại sao lại mừng lễ Sinh Nhật Đức Mẹ vào ngày mùng 8 tháng 9? Lễ này được cử hành vào ngày mùng 8 tháng 9 chắc hẳn bởi vì Mẹ Maria giữ nhiệm vụ là khởi đầu công trình cửu độ, vì thế thật là thích hợp cử hành sinh nhật của Mẹ vào đầu năm của Giáo Hội theo tác phẩm Monologium Basilianum. Có một chuyện mạo thư tựa đề “De ortu Virginis” Về ngôi vườn của Đức Trinh Nữ, cho rằng thánh Anna thân mẫu Đức Maria thụ thai vào đầu tháng 5 và chỉ sau bốn tháng mang thai đã cho con chào đời.

Tài liệu đầu tiên về lễ sinh nhật Đức Mẹ xem ra là một bài thánh thi của Romano il Melode, là người chuyên chép thánh thi giữa các năm 536-566. Thánh thi kể lại ngày sinh nhật Đức Trinh Nữ theo Phúc Âm thánh Giacôbê, và đề cập đến sự kiện ngày lễ được cử hành long trọng. Bên Đông phương lễ này mau chóng có tầm quan trọng lớn. Năm 701 Đức Giám Mục đảo Creta đã viết bốn bài giảng về lễ này (PG 97, 1046-1110).

Bên Tây phương lễ sinh nhật Đức Mẹ được du nhập vào hồi thế kỷ thứ VII. Bên Pháp chúng ta thấy lễ được nói đến trong lịch của Sonnatius là Giám Mục thành Reims giữa các năm 614-631. Tại Roma tác phẩm Sacramentario gelasiano (II, 54; ed. Mohlberg, nn. 1016-1019), ghi lại ba lời nguyện của thánh lễ. Tác phẩm Liber pontificalis (ed. Duchesne, I,376), thuộc hậu bán thế kỷ thứ VII, coi nó như đã có, và kể lại rằng Đức Giáo Hoàng Sergio I người Siro-siciliano, cai trị Giáo Hội giữa các năm 687-70i, muốn rằng lễ được cử hành với một cuộc rước kiệu đi từ nhà thờ thánh Adriano cho tới đền thờ Đức Bà Cả, y như cho các lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh, lễ Truyền Tin và lễ Đức Mẹ ngủ.

Từ thế kỷ thứ XI lễ sinh nhật Đức Mẹ ngày càng có tầm quan trọng hơn nữa, đến độ có tuần bát nhật đi trước. Đây là điều đã được Đức Giáo Hoàng Innnocenzo IV thiết định năm 1243 theo sau một lời khấn hứa do các Hồng Y đưa ra trong Mật nghị Hồng Y đoàn năm 1241, khi các Hồng Y bị hoàng đế Federico II giam giữ trong vòng ba tháng trời. Năm 1378 Đức Giáo Hoàng Gregorio XI thiết định buổi canh thức vào hôm trước, sau này chính Đức Giáo Hoàng cử hành lễ trọng thể.

Song song trong lãnh vực nghệ thuật người ta cũng thường thấy có hàng loạt các bức khảm đá mầu diễn tả sinh nhật Đức Mẹ. Điển hình như loạt bức khảm đá mầu rất đẹp do ông Pietro Cavallini vẽ mẫu cho vương cung thánh đường Đức Bà Trastevere ở Roma trong hai thế kỷ XIII-XIV, rồi bức tranh nổi tiếng “sinh nhật Đức Maria”, của vị thầy chuyên thực hiện các bức tranh về cuộc đời Đức Mẹ khoảng năm 1460, được giữ trong viện bảo tàng tranh ảnh ở Monaco.

Lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria đã được thiết định vào ngày mùng 8 tháng 9 trước thời Đức Giáo Hoàng Sergio I đã không bị điều kiện hóa bởi lễ trọng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ngày mùng 8 tháng 12. Vì ý niệm về Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội đã chỉ có mãi sau này. Nhưng chính lễ sinh nhật Đức Mẹ lại điều kiện hóa lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ngày mùng 8 tháng 12.

Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ là lễ của sư tràn đầy và vơi nhẹ, vì nó được mừng bắt đầu vào mùa thu, nghĩa là sau cái nóng bức của mùa hè, khi khí hậu mát mẻ và dễ chịu hơn, và khi nho và nhiều thứ trái cây khác bắt đầu chín mọng. Do đó lễ Sinh Nhật Đức Mẹ diễn tả hai ý niệm rất đẹp: thứ nhất là ý niệm về sự “tràn đầy viên mãn của thời gian” và ý niệm sự vơi nhẹ mà Mẹ Maria đếm đến cho loài người. Là thụ tạo tuyệt vời được Thiên Chúa tuyển chọn từ đời đời để trở thành Mẹ của Đấng Cứu Thế biến cố Đức Maria chào đời mở màn cho việc thực hiện công trình cứu cuộc của Thiên Chúa. Trong thư gửi tín hữu Galát thánh Phaolo diễn tả thời điểm quan trọng biến cố Chúa Giêsu Kitô nhập thể như sau: “Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật” (Gl 4,4). Nhưng trước khi Chúa Cứu Thế có thể sinh ra, đã phải có ngày Mẹ của Người là Đức Trinh Nữ Maria chào đời, đã phải có ngày Sinh Nhật của Mẹ. Vì vậy có thể nói thời gian viên mãn ấy đã bắt đầu với biến cố Đức Maria chào đời. Mẹ vào đời để bắt đầu hiện thực chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Mẹ là nước mát từ Trời đổ xuống trên trái đất khô cằn nứt nẻ vì tội lỗi của loài người, để cùng Chúa Giêsu Kitô Con Mẹ lại biến nó trở thành vườn địa đàng, nơi ngày ngày Thiên Chúa gặp gỡ và chuyện vãn thân tình với con người. (Thánh Mẫu Học bài số 375).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây